Tuesday, September 20, 2016

TỪ XÁC CHẾT CUỐN CHIẾU ĐẾN NHỮNG DỰ ÁN ĐẮP CHIẾU

Hình ảnh khiến dư luận xôn xao trên mạng xã hội - Nguồn: otofun
Theo Khai Phóng.org- Chiều 15/9 đã lan truyền hình ảnh người đàn ông lái xe máy chở thi thể người phụ nữ cuốn trong chiếu được chụp trên đoạn đường qua TP.Sơn La (tỉnh Sơn La).

Chiều 15/9, ông Lò Văn Muôn (46 tuổi ) xác nhận và chia xẻ với phóng viên báo Trí Thức Trẻ :"Chính tôi là người chở thi thể em gái tôi về và tôi cũng không biết họ chụp ảnh vào lúc nào", ông Muôn thừa nhận.
Theo lời của ông, chị Lò Thi P. là em gái út của gia đình, sinh năm 1977. Do mắc bệnh nặng nên từ cuối tháng 8 vừa qua, chị được đưa xuống Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Sơn La điều trị.
"Đến ngày 12/9, khi thấy em gái tôi yếu quá rồi mà có mất ở viện thì cũng không được nên chúng tôi có xin khoa điều trị cho về nhà để có gì mất ở nhà.
Các y bác sỹ ở khoa có hướng dẫn và tôi có viết đơn xin cho em gái tôi về nhà, mọi trách nhiệm gia đình chịu. Lúc ra khỏi viện là 11h thì em tôi tuy yếu nhưng vẫn chưa mất.
Chú em tôi ở lại thanh toán còn tôi dìu cô ấy ra ngoài cổng viện và lúc đó, chúng tôi có giao kèo, thuê ông ở cửa hàng gần viện chở xe ôm đưa em tôi về đến ngã ba Huổi Cuổi (Quỳnh Nhai, cách nhà chị P. 17 - 18 km - PV) với giá là 400.000 đồng.
Tôi ngồi sau đỡ đến khi về tới ngã ba Nà Sản thì cô ấy mất, lúc đó là khoảng 11h30'", ông Muôn nói.

au đó, người lái xe ôm cho hay, mình chỉ chở người khỏe về còn người đã mất như chị P. thì ông không chở được nữa và đề nghị ông Muôn gọi người nhà đến đón rồi lấy 150.000 đồng tiền công.
"Khi đó, tôi cũng không biết làm thế nào, tưởng rằng cô ấy về được đến nhà nhưng ai ngờ đến đó đã mất rồi.
Tôi để cô ấy nằm bên đường rồi gọi cho em trai ở bến xe chở bố tôi trước đấy xuống trông cô ấy đến đó rồi nhờ mua một cái chiếu, lấy hai thanh tre quấn vào rồi đưa lên xe tôi chở về. Lúc đó là khoảng 12 giờ trưa", ông Muôn cho hay.
Không đủ tiền thuê xe
Trước câu hỏi, tại sao gia đình không thuê xe đưa thi thể chị P. về mà lại quấn chiếu, chở bằng xe máy về như vậy? ông Muôn trả lời, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không đủ tiền thuê xe.
"Lúc cô ấy ra viện, tôi cũng chả có tiền, có đúng 400.000 đồng thì mặc cả với ông chở xe ôm chở về đến Huổi Cuổi nhưng mới đến Nà Sản thì cô ấy mất rồi.
Chúng tôi cứ tưởng sẽ về được đến nhà nhưng như thế rồi thì tôi cũng chả biết làm thế nào cả, thuê xe chở về thì những 5 triệu mà lúc đó chả có tiền nên sau khi gọi em trai ra, chúng tôi quấn chiếu và đưa cô ấy lên xe máy rồi tôi lái xe chở về.
Từ đó về nhà tôi khoảng 80 - 90km. Tôi cũng đau xót lắm chứ nhưng chẳng biết làm thế nào...", ông Muôn chia sẻ.
Cũng theo ông Muôn, khi chở thi thể em gái về như vậy, ông không cảm thấy sợ và cũng không gặp bất cứ chốt công an nào dọc đường.
"Tôi không biết là ai chụp ảnh tôi cả nhưng thực sự là lúc đó cũng chẳng có tiền mà cô ấy yếu quá rồi, chẳng biết thế nào nên chỉ thuê xe ôm cho nhanh về đến nhà chứ không nghĩ gì đến thuê xe kia cả nhưng không ngờ mới về đến đó người đã mất rồi...", ông Muôn bày tỏ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ông có biết chở thi thể như vậy có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến môi trường không?, ông Muôn cho rằng, mình không biết điều đó.
Người anh trai cả của chị P. cũng thông tin thêm, sau khi đưa thi thể của chị P. về thì đến ngày 14/9, tang lễ đã được tổ chức xong.
Hoàn cảnh của chị P. rất khó khăn, đáng thương, năm 2008, chị P. kết hôn với một người đàn ông gốc Lai Châu, sau đó hai người sống ở địa chỉ trên. Năm 2010, hai vợ chồng sinh được cô con gái đầu lòng tên là Bạc Thị Bó.
1 năm sau chồng chị đã qua đời vì bệnh HIV. Chị P. vốn sức khỏe yếu, sau sự ra đi đột ngột của chồng càng trở nên ốm yếu hơn rất nhiều.
Đến năm 2016, chị phát hiện mắc bệnh lao phổi, nhưng vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, chị không có tiền đi điều trị.

Gia đình cũng như chị P. phải dành dụm mãi mới dám đưa chị xuống bệnh viện điều trị nhưng không ngờ bệnh tình nặng, chị đã mất dọc đường về.


MỘT PHẬN NGƯỜI TRONG CHIẾU MANH
Người phụ nữ đã tử vong vì chứng lao phổi ở tỉnh Sơn La. Người anh trai chở thi thể chị bằng xe máy hơn 80km để về quê nhà, xã Mường Dại, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La. Bạn có sốc không?
Chị mất rồi, sang hèn khép lại. Người thân túng thiếu, khó thể lễ nghi.
Chị được bó trong chiếu manh, đặt ngang xe máy. Có thể chị sống và thác trong lặng lẽ, như nhiều phận người túng bấn.
Bây giờ, chị đã về nhà. Về, như trả lại những nợ nần của cuộc đời. Về, như khép lại một thân phận. Đi đâu mà chẳng về nhà, dẫu vui dẫu buồn, dẫu thất vọng dẫu hoan ca. Thương chị đến xót xa, nhưng biết làm cách nào khác…
Nhưng câu chuyện của chị lại băng qua nhiều thông tin khác. Thông tin về nhà máy giấy được đặt tại vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Thạnh Hóa, Long An có chi phí đầu tư 3.000 tỉ đồng đang đắp chiếu, vì nếu vận hành thì cứ mỗi tấn sản phẩm được xuất xưởng sẽ lỗ gần 5 triệu đồng.
Câu chuyện của chị, băng qua thông tin về Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam – Vinachem thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng. Chỉ trong hơn ba năm ngắn ngủi, Công ty Đạm Ninh Bình đã lỗ hơn 2.600 tỉ đồng. Họ đang kêu cứu Chính phủ.
Câu chuyện của chị, băng qua thông tin về hàng nghìn tỉ đồng khác ném vào dự án Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Dự án ban đầu có tổng kinh phí hơn 3.800 tỉ đồng, nhà thầu chính là của Trung Quốc. Theo đề nghị của nhà thầu, kinh phí ban đầu đã tăng lên gấp đôi.
Xong giai đoạn 1, đến giai đoạn 2, TISCO xin điều chỉnh tổng kinh phí lên hơn 9.000 tỉ đồng, nghĩa là tăng thêm gần 1.000 tỉ nữa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải thốt lên: "Chính phủ không thể tiếp tục ném tiền vào Gang thép Thái Nguyên, như thế chẳng khác gì ném tiền vào lửa".
"Chẳng khác gì ném tiền vào lửa". Quá nhiều tiền đã được ném vào lửa thế rồi. Và biết bao nhiêu tài sản quốc gia đã chảy vào túi ai đó, nhóm nào đó. Thế nhưng trên đất nước này còn nhiều người nghèo khổ đến mức không có đủ tiền để thuê xe đưa thi thể người thân về nhà, không có nổi lộ phí để đến giảng đường mùa nhập học…
Chúng ta hi vọng vào tinh thần liêm chính và kiến tạo quốc gia. Nhưng để kiến tạo cũng cần phải mạnh tay phá hủy những thành trì tham nhũng, lãng phí đang ngày ngày đục khoét tài sản quốc gia và gặm nhấm tương lai bao người dân.
Vậy, đôi chân người đã khuất thò ra khỏi manh chiếu che thi thể, liệu đã đủ để gợi mở cho đôi tay người còn sống một hành động quyết liệt hơn hay chưa?
Theo Tuổi trẻ
http://nguoivietukraina.com/mot-phan-nguoi-trong-chieu-manh.nvu