Tuổi Già Lãng Đãng
Phạm Hoàng Chương
Năm nay tôi đã 75 tuổi. Bình thường lái xe mua sắm, tập tành, bơi lội không thấy gì lạ, nhưng nghe vang lên con số 75 trong đầu, giựt mình, mới thoáng đó mà đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy”.
Mới ngày nào đó còn đạp xích lô, cắt cỏ, còn làm homework, đỗ bằng Master, đi dạy học trò ở San Jose, giờ đã thành ông cụ rồi sao. Sinh năm 1944, dạy học, đi lính, ở tù, đạp xích lô ở VN, vượt biên, đặt chân tới Mỹ năm 1984 đổi đời vừa đúng 40 tuổi, còn hăng hái, năng động, đi học lại, đi làm, mua nhà…mới đó mà vèo một cái đã 35 năm tha hương biệt xứ.
Tử vi tôi, Thân (nửa đời sau) cư Thiên Di, đúng phóc là Ông Trời đã định sẵn, chỉ cho mình được ở Việt Nam 40 năm (Mệnh), rồi phải qua Mỹ sống nốt nửa đời còn lại (Thân), chắc cũng 40 năm nữa, hay 45 năm gì đó… không chừng, vì Mệnh mà có Tham lang đi với Tràng sinh ở Dần là số “thọ như ông Bành tổ”, sách nào cũng nói. Thấy đúng thật, ngần tuổi này rồi vẫn chưa bị “ba cao,một thấp”(cao máu, cao mỡ, cao đường; thấp khớp) như nhiều người già khác, chưa phải uống thuốc gì ngoài thuốc bổ, calcium. Ra đường, có lần được khen là nhanh nhẩu hoạt bát, ai cũng tưởng mới ngoài 50. Nghe mà muốn phổng mũi.
Mới đây mẹ tôi mất, thọ 92 tuổi. Bà là người thọ nhất trong gia đình hai họ. Ba mất năm 47 tuổi tai nạn xe. Cô Khê bị xe lửa lật xuống sông chết năm 27 tuổi do Việt Minh gài mìn làm trật đường rày. Ông bà nội đều chết ở Bắc Ninh trước 50 tuổi. Ông ngoại mất 51 tuổi ở Phanrang vì Mỹ thả bom lính Nhật đóng tại đây. Chỉ có bà ngoại thọ nhất là được 70, tuy phải nằm liệt một chỗ mười tháng cuối đời.
Về nước chịu tang mẹ, cảm thấy như lạc vào một đất nước nào đó xa lạ chứ không phải là Phanrang êm đềm, tĩnh lặng, đầy kỷ niệm của tuổi niên thiếu ngày xưa. Thành phố đông đúc xe cộ, ăn mày, dân bán vé số lang thang ngoài đường, các tiệm buôn ế ẩm, rác xả lề đường, vỉa è chiếm lấn. Bạn bè chung lớp ngày xưa đều trên 75, chỉ còn ba bốn người còn sống, tóc bạc, già ốm, đi đứng chậm chạp. Mấy người quen đi dự đám tang, kể cả học trò cũ, lác đác mấy người trông như ông bà cụ gầy gò, hốc hác, cúi đầu ít nói, chạnh lòng nhớ lại cả một thời ấu thơ, đi học chơi đùa, trong không gian lồng lộng trời xanh, mây trắng, biển rộng ở Ninh thuận... không còn nữa.
Bao nhiêu là bạn thân đã lần lượt qua đời, như Liên, Kiệt, Một, Chính chết trận, Văn, Thám, Sào, chết bịnh, Tạ duy Quý phi công trốn tù cải tạo bị bắn chết, Hồ kỳ Vân vuợt biên cùng vợ con mất tích trên biển cả sau 75…
Rồi Lý Tống 73, thua tôi 2 tuổi, anh hùng lái máy bay, bệnh nặng qua đời ở Cali tháng tư 2019. Dũng, bạn cũ đệ nhất C ở Trung học Võ tánh, 77 tuổi, cũng suy kiệt, nhập viện chờ chết ở Nhatrang. Em rể tôi 70, cũng bị stroke mới đây vì nghẽn máu ở cổ, phải nhập viện chữa trị gần cả tháng mới cho về, một tay yếu một tay lành. Rồi “Trọng lú”, cũng bằng tuổi tôi, thình lình đột quỵ trong chuyến công du ở Kiên giang, chở về Chợ Rẫy, Saigon, đưa ra Hà nội điều trị, dấy lên hàng trăm tin đồn méo miệng, xuất huyết não, bại liệt… khác nhau trên mạng Youtube, Facebook làm gần trăm triệu người khắp thế giới hiếu kỳ theo dõi. Trọng sinh tháng 14/4. Tôi sinh 15/5, hơn nhau có một tháng mà tóc tai trắng bạc phơ. Trông người lại ngẫm đến ta. Lẩm nhẩm đếm trong số bạn bè thất thập, ai còn ai mất ở Âu Mỹ, cũng chỉ còn mươi người trên đầu ngón tay. Bao giờ đến phiên mình?
Mười bốn năm nay, tôi về hưu, lui về ở thành phố cây xanh yên tĩnh này, cạnh con sông nước cạn suối chảy róc rách. Đọc tử vi, kinh Phật, tản bộ, bơi lội, tập thể dục ở các gym, coi phim, tin tức trên tivi, gửi tiền về làm từ thiện ở quê nhà vùng kinh tế mới, lên mạng nghe youtube, check mail, xuống Bolsa hay L.A thăm bạn, shopping... làm vườn, cắt cỏ, tưới cây cho qua thì giờ. Quê hương xa vời như ở trong cổ tích, chẳng có nhu cầu về thăm, mà còn ai nữa để về thăm. Các em đều ra nước ngoài ở khắp thế giới từ lâu. Giờ giấc ở Mỹ và VN khác nhau, xáo trộn sinh hoạt thường ngày, máy bay đường dài, xe cộ khó khan, tai nạn liên miên mỗi ngày… Chắc là chết ở bên này cho sướng. Tử vi,Thân cư Di có Không kiếp nên số sẽ phải chết xứ người.
“Thiên di Địa kiếp ở gần,
Hồn quy dặm liễu, cách thân xa vời”
Lúc chết, chết xa người thân ngàn dặm. Làm sao mà mong về quê chết được. Nghiã trang gia đình bên đó, có ông bà cha mẹ nằm chờ, cùng lắm khi chết, con cái hỏa thiêu đem hủ tro về chôn cạnh ba má là được rồi. Con người, khi gần đất xa trời, tự nhiên buông xả lần lần. Cuộc đời sắc sắc không không, có gì để tham đắm, ôm giữ, tiếc nhớ. Vật chất là vô thường. Không hiểu sao có những quan chức bên đó lớn tuổi mà vẫn tranh giành quyền lực, cướp đất, cướp tiền của dân ích kỷ làm giàu. Có ôm theo mang xuống mồ được không. Để lại cho con thì trước sau chúng cũng phung phí phá tán hết, vì là đồng tiền không phải do chính mồ hôi nước mắt làm ra. Ngăn cấm tôn giáo mà lại mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh,quen tánh hối lộ, nhét tiền vào tay tượng đất cầu xin lợi lộc. Không biết chính mình cũng sẽ là một vị Phật trong tương lai, nếu gạn lọc hết Tham sân si và hằng cứu giúp chúng sanh.
Năm nay nước Mỹ thời tiết khác mọi năm, mưa nhiều, tuyết nhiều, lạnh nhiều và lâu, kéo dài từ tháng chạp năm ngoái tới cuối tháng tư. Cali là tiểu bang ấm nhất nước mà ngày 30 tháng 4, đầu tháng 5 vẫn còn có lúc phải mặc áo ấm co ro ban ngày vô giường đắp mền.
Mỗi năm ở đây, thời tiết hình như lạnh hơn năm trước một chút, không biết có đúng không. Hay tại cơ thể mình mỗi năm yếu hơn một chút nên thấy lạnh hơn. Hai chân đi đứng cũng yếu hơn mọi năm.
Ăn ít, bữa cơm bữa cháo, ăn thức ăn nhẹ cho bao tử, gan ruột khỏi làm việc nhiều, nên sụt ký thấy rõ. Bác sĩ khuyên uống Collagen bột pha nước juice cho tốt da tốt tóc, có appetite ăn nhiều hơn. Mắt cườm đọc chữ li ti không thấy như mấy năm trước nữa, mà bác sĩ mắt vẫn nói còn tốt, chưa cho mổ; trí nhớ cũng không bén nhạy vì tế bào não chết dần không sinh sản thêm như các tế bào khác. Tai còn nghe rõ, mặc cho quảng cáo bác sĩ tai lai rai gửi tới nhà mời tới khám tai đeo hearing aid giá rẻ. Số phone , địa chỉ ai cho, hay ngày giờ hẹn đi khám bệnh, phải ghi vô sổ, lịch tường, hay cell phone, chứ không ghi nhớ trong đầu được. Nhiều chữ English, hay tên người, địa danh, rất quen thuộc, mà nghĩ mãi một lúc không ra, mãi mấy phút sau đột nhiên xuất hiện trong đầu. Nghe chuyện mấy cụ già bị Azheimer mất trí nhớ, ngồi xe lăn, con cái phải đưa vào nursing homes có y tá săn sóc mà lo sợ. Để cha mẹ ở nhà một mình, sợ mở bếp lửa quên tắt cháy nhà, đóng cửa quên khóa bị kẻ trộm xông vào, hay ra ngoài đi lạc quên mất lối về nhà.
“Người già đôi chân già trước”. Nghe câu này “posted” ở đâu đây trên mạng, mà nghiệm đúng thật. Trước đây đi gym tập, chỉ dám chạy treadmill có 5 phút cho khỏe chân. Lúc sau này, chân yếu, bắp thịt không săn nữa, phải hạ xuống còn 3 phút, vừa chạy vừa bước nhanh xen kẽ thôi, sợ bị thấp khớp. Vậy mà mới đây lấy xe cắt cỏ cũ sứt bánh xe từ tiệm sửa của chủ Nam hàn về, giựt thử dây “đề” máy nổ, nó lồng lên chạy làm mình hốt hoảng chạy theo, chụp níu lại, làm bàn chân trái trượt dài trên cỏ, sưng lên, ấn ngón tay vô thấy đau đau. Sưng không to bằng sưng 12 năm trước do hạ đường huyết (vì nhịn đói 2 ngày) khi đang ngồi ăn tiệm.
Năm ấy đang ăn, tự nhiên choáng váng ngộp thở, bước ra ngoài mấy bước đã ngã xỉu lăn ra một lúc mới tỉnh, ai cũng tưởng bị stroke, kêu gọi 911, nhưng ngồi lên tim phổi hít thở bình thường, chỉ thấy xương mắt cá chân sưng vù, đau lắm. Tưởng bong gân, chỉ xoa dầu nóng thôi. Ai dè lên máy bay về VN 3 ngày sau thấy không bớt, đi X-ray chụp thì ra ống xương tibia bị nứt, phải đăng bột ngồi nhà cả tháng trời. Sợ kỳ này lại gãy xương nên chống nạng đi Urgent Care khám, họ cũng nghi xương gãy, băng bó, gửi qua chỗ X-ray chụp, quả nhiên các xương vụn chỗ đó bị xô lệch và răn nứt (fractured). Bác sĩ gia đình cho thuốc giảm đau, bảo gọi phone chỗ bác sĩ chỉnh xương (orthopedist) lấy hẹn khám coi có phải mổ không, hay chỉ cần mang giày, đắp bột.
Trời thì u ám, không khí lành lạnh, mà cứ chống nạng đi ra đi vào hoài trong nhà cũng nản, lan man nghĩ tới chuỗi ngày cuối đời còn lại từ đây thấy không còn gì vui, mắt yếu, trí óc phản xạ chậm, sẽ bị cấm lái xe nếu gây tai nạn 2 lần liên tiếp, không còn xông xáo chạy nhảy, tới lui đó đây được nữa, phải ngồi xe lăn cú rũ như mấy ông bà cụ đầu bạc lòm khòm ở viện dưỡng lão. May mà còn chút phước lành đời trước, có nhà cửa trả off tiện nghi ấm cúng, có tiền hưu vật chất đầy đủ, khỏi phải lang thang đầu đường xó chợ như những kẻ không nhà nhan nhản khắp nơi trên trái đất này …
Cũng may mà giữa lúc đó, có lẽ Ông Trời thấy tội, muốn giúp mình khuây khỏa, tự nhiên khiến nhiều người trẻ ở đâu không biết( từng đọc các bài tử vi mình viết mà ai đó “posted” online lâu nay) gửi email làm quen tới tấp nhờ coi hộ tử vi. Người ở Oxnard có business hỏi, người thực tập viên đang lao động bên Nhật hỏi, người ở Bắc Việt sắp đi Nhật muốn biết tương lai lễ phép hỏi, người giàu ở Irvine hay về VN làm ăn…tìm tới làm quen hỏi. Có hai người lá số cũng Mệnh Kiếp, Thân không,Thân cư Di, và Tham, Liêm giống mình ở Mệnh, tỉ mỉ hỏi kinh nghiệm “bác” đã trải đời thế nào để chuẩn bị đối phó tương lai. Có người còn kể thấy trên Youtube nhiều tử vi gia Bắc kỳ còn trẻ măng coi tử vi lấy tiền cho thiên hạ, khách đông lễ phép xưng “con con thày thày” chầu chực như kiến. Tò mò lấy cell phone vô youtube kiếm thì thấy quả đúng như vậy, bèn tò mò ngồi nghe các thày trẻ luận giải phê phán lá số, lên giọng thầy đời, có khi mắng cả vào mặt mấy khách hàng dốt về khoa này.
Youtube có cái lạ, hễ coi đề mục nào 2 lần trở lên là nó lôi ra thêm vô số các clips tương tự thuộc đề mục đó, cho nên không cần đi mua sách báo đọc làm gì, cứ bấm bấm… là tha hồ nghe đủ các thày khác nhau giảng về đề mục mình muốn biết. Bấm nghe nam ca sĩ ão não hát bài “Biết bao giờ trở lại” nhân mùa 30/4 một lát tắt đi, chốc nữa mở lại Youtube đã thấy hiện ra cả chục bài khác do Lệ Thu, Khánh Ly, Thái Thanh, Nguyên Khang, Tuấn Ngọc hát.
Lúc khác bấm coi clip “Phú Trọng trúng độc” lại thấy hiện ra vô số clips về Tập cận Bình đi chân khập khiểng vì ung thư gan, Tấn Dũng khoái trá cười trong tang lễ Lê đức Anh, Phúc nghoẹo ngủ gục ở buổi họp quốc tế”, có cả sấm Trạng Trình chữ nho “trọng ngân bạc phúc, sản tất vong” nữa… Rồi vô số clips các Việt kiều vô danh đưa lên mạng, đủ các hình ảnh sống động, đua nhau “dạy” cách sống ở Mỹ, khoe mua nhà to ở Minesota một năm tuyết rơi 6 tháng, “mới qua Mỹ khổ quá dại dột bỏ về VN”, “có thẻ xanh mà ở Vn lâu sẽ bị cấm vào lại Mỹ”, bí quyết sống thọ trăm tuổi, “ở Canada sướng hơn ở Mỹ”, “10 thức ăn ngừa bệnh tiểu đường”….
Coi Facebook , nhiều cái còn tức cười hơn, thiên hạ đưa hình ảnh lên khoe nhà cửa, vườn hoa, giàn bầu giàn bí, hoa đẹp trái chin, con cháu xinh đẹp, đỗ đạt ra trường, bạn bè xúm vào “comment”… kẻ LIKE, người DISLIKE. Thảo nào, con nít và cả người lớn thời đại này, đi đâu cũng thấy chúi mũi vào cái cell phone. Ở nhà, thấy đứa cháu đi học về cứ dí mắt vào cell phone đã đành, tới Urgent care ngồi chờ bác sĩ cũng thấy, tới chỗ chụp X-Ray cũng thấy, 10 người bệnh ngồi đợi đã có 8 người dí mắt vào phones. Đúng là thời đại vi tính, khỏi tu Phật mà được thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, vuợt không gian thời gian. Ai cũng thích sống trong thế giới ảo, mà càng đắm chìm trong đó thì phone càng mau hết pin, phải cắm điện “charge” hoài.
Không biết ở VN xưa kia, các cụ già lấy gì tiêu khiển, bạn già xung quanh chết hết không còn ai, chả lẽ ngồi tụng kinh niệm Phật, cả ngày thơ thẩn ôn lại quá khứ, bệnh nan y đành chịu đau, chờ ngày xuống lỗ. Già bây giờ, cảm ơn các nhà khoa học phát minh kỹ thuật cao, có bác sỹ mổ nội soi, cắt túi mật, thay gan, thay thận, có ti vi, I-phone mang theo ra đường để gọi, gửi email, nói chuyện thấy được mặt nhau, nhắn message, liên lạc ở xa.Nhưng làm gì thì làm, rồi cũng tới một ngày nào đó sẽ ngồi xe lăn, chân què, tay run, tai lãng, mắt mờ, đầu óc lãng đãng khi nhớ khi quên.
Tuổi già xa quê lâu năm, người già ai cũng muốn có ngày hồi hương thăm lại bà con, láng giềng, làng cũ, chốn xưa. Nhưng với tình hình chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế nát bét như tương thời buổi này nơi quê nhà hẩm hiu thì chắc chả ai còn muốn về. Có thể chỉ là hũ tro tàn con cháu mang về chôn bên đó cạnh các cụ xưa. Mà biết quê hương lúc đó có còn thuộc về người Việt mình nữa không, hay chỉ là một Tây tạng thứ hai. Già còn sợ về, huống chi là bọn trẻ sinh ra, lớn lên ở đây.
Lòng ái quốc, hay ý chí trở về xây dựng quê hương không biết rồi sẽ ra sao. Trẻ con Việt lớn lên sẽ sống theo văn hóa Mỹ như người Mỹ địa phương, cũng thích công bằng, thanh liêm, bình đẳng, tiến bộ, tự lập.
Còn người già gần đất xa trời ở đây thì đầu óc lơ lửng trên mây, sắc tức là không, không tức là sắc. Cuộc đời thật là phi lý, tạm bợ, vô nghĩa...và tàn nhẫn.
Phạm Hoàng Chương