Wednesday, September 18, 2019

DÙNG HÌNH PHẬT CHO SIÊU NHÂN ULTRAMAN

Cô nghệ sĩ dùng hình Phật cho siêu nhân Ultraman, bị bảo thủ tôn giáo đòi tống giam


Một bức tranh Phật là “siêu nhân” Ultraman. (Parina Kraikup)
BANGKOK - Một bức tranh gây tranh cãi mô tả Đức Phật là nhân vật siêu anh hùng Nhật Bản Ultraman nổi tiếng từ những năm 1960 đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng Phật giáo cực kỳ bảo thủ của Thái Lan, khiến một nhóm khó tính kêu gọi cảnh sát phải truy tố nghệ sĩ vì tội xúc phạm tôn giáo.
Bốn tác phẩm nghệ thuật được vẽ bởi một cô sinh viên đang học năm thứ tư từ trường Đại Học Nakhon Ratchasima Rajabhat (NRRU), trưng bày vào tuần trước tại một trung tâm mua sắm ở phía đông bắc Thái Lan.
Cuộc triển lãm đã gây ra một sự phẫn nộ đầy giận dữ từ số đông người theo Phật giáo ở Thái Lan, dẫn đến việc các tác phẩm nghệ thuật bị loại bỏ và nghệ sĩ trẻ đã lên tiếng xin lỗi.
Thế nhưng nhóm Phật giáo cực kỳ bảo thủ tại xứ Thái Lan này vẫn không hài lòng và hiện đã đệ đơn khiếu nại lên cảnh sát với lý do tác phẩm nghệ thuật, so sánh Đức Phật với một nhân vật hành động, là thiếu kính trọng.
Nhóm này muốn cảnh sát truy tố nghệ sĩ trẻ kia và bốn người khác tham gia triển lãm theo mục 206, một đạo luật chống lại xúc phạm tôn giáo, mang án tù tối đa là bảy năm.

(Parina Kraikup/ Facebook)
Phản ứng của nhóm bảo thủ cho thấy sự việc họ muốn làm lớn vụ này, sẵn sàng vượt ra ngoài quan điểm của giáo hội trong việc chống lại các mối đe dọa nhận thức đối với đức tin của họ.
Phật giáo là một trong những trụ cột truyền thống của xã hội Thái Lan và là nền tảng của nhiều khía cạnh trong cuộc sống, nhưng một số người Thái cảm thấy tôn giáo ít liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ và thế hệ trẻ ngày càng cởi mở với ý tưởng về chủ nghĩa thế tục.
Tiến Sĩ Sinchai Chaojaroenrat nói, “Chính sách của đất nước này đã tôn sùng Phật giáo là một trong những trụ cột của đất nước, điều này khiến cho phần lớn người dân trở thành Phật tử cực đoan, nhưng ngày nay giới trẻ lại nghĩ khác.”
“Họ mở cửa cho thời đại của lý trí và ý tưởng của chủ nghĩa thế tục, bao gồm cả nhà nước thế tục, những người này dám suy nghĩ lại về Phật giáo và sự cần thiết của tôn giáo,” ông nói.
Tiến Sĩ Sinchai cho biết ông không ngạc nhiên trước phản ứng của những người cực kỳ bảo thủ và tin rằng nhóm đang sử dụng sinh viên để gửi cảnh báo cho những người khác muốn bày tỏ ý kiến của họ thông qua nghệ thuật.
“Phong trào của những người không trọng tín ngưỡng đang phát triển rất nhanh nhưng lặng lẽ trong thế hệ trẻ Thái Lan,” ông nói.
Nhưng ông nói rằng ông không tin rằng sinh viên và bốn cơ sở tổ chức triển lãm có thể bị buộc tội theo mục 206 vì nghệ sĩ đã không làm xấu Đức Phật bằng hình vẽ bậy.
“Vị tiểu thư này chỉ chia sẻ cách giải thích cá nhân của cô về Đức Phật, cô ấy giải thích Đức Phật là một siêu anh hùng bảo vệ đức hạnh hay sự tốt đẹp của thế giới và với cô đó là Ultraman,” ông nói.
Qua vụ này, người ta thấy sự thay đổi thái độ về tôn giáo đang trở nên rõ ràng, nhất là trong giới trẻ tại Thái Lan.

Hai trong bốn bức tranh Phật “siêu nhân Ultraman” của cô sinh viên. (Parina Kraikup / Facebook)
Nó thậm chí còn dẫn đến việc thành lập một đảng chính trị mới, Pandin Dharma, tham gia cuộc tranh cử ngày 24 tháng 3 năm nay với khẩu hiệu "Phật giáo bị đe dọa,” hứa hẹn phục hồi các giá trị truyền thống.
“Đảng này nổi lên để đấu tranh cho phe bảo thủ Thái Lan, nói rằng họ sẽ bảo vệ nhà vua Phật giáo và đất nước khỏi đạo Hồi - họ ghét chủ nghĩa thế tục,” Tiến Sĩ Sinchai nói.
“Thái Lan đã bị vướng vào cuộc xung đột sâu sắc về chế độ quân chủ và tôn giáo, những người bảo thủ muốn giữ cả hai, nhưng những người tự do muốn vô hiệu hóa cả hai.”
Ultraman là một siêu anh hùng hư cấu, nhân vật tokusatsu (phim truyền hình hành động trực tiếp) đầu tiên được ra mắt trong Ultra Series của hãng phim chuyên về xảo thuật điện ảnh Nhật Bản Tsuburaya Productions, vào năm 1966.
Nhân vật này đã tiếp tục được chiếu cho công chúng xem đến ngày hôm nay thông qua nhiều lần khởi chiếu lại trên các rạp chiếu phim và phim truyền hình, qua hình thức phim hoạt họa cũng như phim người thật, trở thành một trong những cái tên nổi tiếng và có lợi nhuận cao nhất châu Á.
Tất cả các bức tranh đã được bán vào tuần trước, và một trong những người mua là nhà sưu tập nghệ thuật Pakorn Porncheewangkul. Ông đã bán đấu giá tác phẩm trên mạng với giá 600,000 baht (gần $20,000 Mỹ kim) vào hôm thứ Năm, 12 tháng 9.
Ông Pakorn nói với đài ABC tại Úc rằng ông đã thất vọng với những người theo phe cứng rắn đang tìm cách đàn áp tự do ngôn luận, và ông sẽ cúng dường số tiền bán bức tranh Phật-Ultraman cho một bệnh viện Phật giáo.
“Tôi nghĩ rằng những người trẻ nên được khuyến khích bày tỏ suy nghĩ của mình thông qua hội họa,” ông nói.
“Tôi rất buồn về thái độ của nhóm phản đối và đây thực sự là một hành động ngớ ngẩn đối với con cái của chúng ta và chúng ta không thể kìm hãm sự suy nghĩ của các con.”

Viễn Đông Daily