Wednesday, January 15, 2020

TIÊU CHÍ PHẨM CÁCH VIỆT NAM

Phẩm cách Việt Nam và vụ việc Đồng Tâm, nhìn từ Singapore

Tiến sĩ Vũ Minh Khương
  • 14 tháng 1 - 2020
Người dân Đồng Tâm sau một cuộc họp thường kỳ năm ngoái

Dù đã ở trước thềm của năm mới Canh Tý, có lẽ mỗi chúng ta đều vẫn trăn trở với cảm xúc u uất khi nghĩ đến vụ việc Đồng Tâm xảy ra hôm 9/1/2020.
Sẽ là đường đột nếu vội phán định ai đúng, ai sai trong khi rất thiếu thông tin và sự minh bạch về một vấn đề phức tạp, đã kéo dài nhiều năm. Hơn thế nữa, việc dùng một tiêu chí nhị phân về đúng-sai không còn phù hợp trong bối cảnh vấn đề quyết định bởi nhiều thành tố mà mỗi bên có thể đúng ở thành tố này nhưng sai ở thành tố khác.
Với một ước vọng về một tương lai tốt đẹp cho đất nước, bài viết ngắn này đề nghị dùng một bộ tiêu chí đơn giản nhưng khách quan và hàm súc để đánh giá về một quyết sách hệ trọng có tác động tiềm tàng đến công cuộc phát triển của một quốc gia.
Thật may mắn, bộ tiêu chí này có thể gói gọn một cách dễ nhớ trong bảy từ tiếng Anh bắt đầu với V, I, E, T, N, A, M. Để ngắn gọn ta có thể gọi bộ tiêu chí này là bộ tiêu chí VIETNAM hay phẩm cách Việt Nam.
Chữ V chỉ Vision - Tầm nhìn. Tầm nhìn này không chỉ là mục tiêu Việt Nam muốn vươn tới mà cả động lực nền tảng để Việt Nam đi lên, đó là là lòng dân. Với Việt Nam, một dân tộc đã chịu muôn vàn đau thương trong suốt chiều dài lịch sử của mình, lòng tin không chỉ là tài sản vô giá mà còn là bảo bối thiêng liêng dân tộc này phải giữ lấy bằng mọi giá vì sự tồn vong của giống nòi.
Chữ I chỉ Integrity - Sự Chính trực. Một quyết sách chỉ có sự chính trực cao khi nó cao quí về mục đích và quang minh chính đại trong cân nhắc phương cách hành động. Sự chính trực không để cho người dân, dù là họ sai, bị tước đoạt những quyền cơ bản được bảo vệ chính kiến của mình.
Chữ E chỉ Enlightenment - Sự khai sáng. Sự khai sáng đòi hỏi người ra quyết sách không chỉ căng mắt tìm kiếm, học hỏi tri thức nhân loại và chuẩn mực quốc tế mà cả lắng nghe thấu đáo ý kiến của người dân. Không cầm được nước mắt trước nỗi đau của dân, trăn trở đêm ngày với với ước vọng của dân, một lòng một dạ vì tương lai của dân là những phẩm chất căn bản về tầm khai sáng của một người cán bộ.
Chữ T chỉ Trustworthiness - Sự đáng tin cậy. Đây là tiêu chuẩn có tính sống còn. Nếu quyết sách bị nghi ngờ là vụ lợi hoặc không công bằng, nó sẽ tự mất đi toàn bộ hiệu lực của nó.
Chữ N chỉ Nation-first, nghĩa là đất nước trên hết. Lịch sử dân tộc cho thấy, một quyết sách nếu thực sự thiêng liêng vì nước, chắc chắn người dân, dù là ai, cũng sẵn sàng sẻ cửa sẻ nhà để đóng góp.
Chữ A chỉ Aspiration - Khát vọng. Người Việt Nam có khát vọng rất lớn cho tương lai đất nước. Nó là nguồn năng lượng vô song không chỉ giúp đất nước vững vàng trước hiểm họa mà còn là động lực tiềm tàng đưa đất nước đi lên. Quyết sách tốt là quyết sách dấy lên được khát vọng về tương lai đất nước của người dân.
Cuối cùng, chữ M chỉ Motherland - Đất Mẹ/Tổ Quốc. Tình đồng bào là kết tinh của phẩm chất này. Quyết sách tốt không bao giờ làm tổn thương đến tình cảm của người dân. Một khi đã sai thì tìm cách làm giảm đi nỗi đau tê tái này.
Đối chứng với bộ tiêu chí VIETNAM trình bày ở trên, với sự thành tâm tự đáy lòng của một trí thức bình thường, tôi thấy quyết sách về vụ việc Đồng Tâm của chính quyền đạt chuẩn rất thấp. Vì mỗi quyết sách quan trọng đều có tác động đến công cuộc phát triển không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn.
Đối chiếu với bộ phẩm cách Việt Nam này, mỗi người có thể tự đánh giá xem môt quyết sách quan trọng đưa đất nước đi lên hay đi xuống; đi lên bao xa và đi xuống đến mức nào.
Để đất nước vươn tới tầm nhìn khát vọng mà ngàn đời hằng mong đợi, đất nước cần hơn bao giờ hết những quyết sách có phẩm cách Việt Nam rất cao và không chấp nhận sự lặp lại của những quyết sách tầm thấp như Đồng Tâm.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, và đã đăng trên trang cá nhân từ trước.