Friday, February 21, 2020

NIỀM TIN CAO THƯỢNG

Niềm tin cao thượng sẽ hóa giải sự nghi ngờ, giả dối
Thuần Dương | ĐKN 23/10/19
Anh Luyện (áo kẻ, người lái xe container) đang nhận lại số tiền thừa (ảnh: VTC News).
Vô ý nhả phanh khi dừng đèn đỏ, xe container đã đâm vào ôtô con phía trước, câu chuyện diễn ra sau đó hơi khác với hình dung của nhiều người về những trường hợp tương tự trên đường phố.

Lê Quang Khải, nhân viên lái xe cho một công ty tại Vĩnh Phúc, là người điều khiển ôtô du lịch bị đâm móp đuôi vào ngày 11/10, trên Quốc lộ 5, đoạn qua thành phố Hải Dương. Tài xế container gây tai nạn là Vũ Văn Luyện, anh này đã nhận lỗi và cùng Khải đi đánh giá thiệt hại sơ bộ của chiếc xe bị đâm. Đại lý Toyota Hải Dương đã đánh giá thiệt hại và dự trù kinh phí sửa chữa khoảng 22 triệu đồng. Luyện đưa Khải 19 triệu và đề nghị anh này hỗ trợ bằng cách tự trả nốt 3 triệu. Đến đây coi như thỏa thuận xong, mỗi người đi một đằng. Họ cũng chẳng cần ghi lại số điện thoại của nhau.
Đáng lẽ câu chuyện kết thúc ở đó và báo giới không cần tốn nhiều giấy mực kể lại. Nhưng đáng nói là khi Khải về Vĩnh Phúc và mang xe đi sửa thì chỉ hết 7 triệu, vì không lưu số điện thoại, anh đành đăng tin lên Facebook tìm Luyện để trả lại 12 triệu tiền thừa. Tại chỗ này cũng cần nói thêm rằng, khi tai nạn vừa xảy ra, nếu Luyện mà đôi co không nhận lỗi, mặc cả dìm giá đền bù, nghi ngờ không chấp nhận thẩm định thiệt hại của Toyota Hải Dương… thì chưa chắc bây giờ Khải đã muốn trả lại số tiền thừa đó.
Thông tin này nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng mạng. Nhiều người bày tỏ cảm xúc tích cực trước hành động đẹp, tử tế của cả hai bác tài, nhưng cũng có những ý kiến trái chiều, nghi ngờ hành động của Khải… Vài người cho rằng thời buổi này chẳng có ai làm việc tốt như thế mà không có động cơ ẩn sâu bên trong.
Và chúng tôi, từ góc nhìn xây dựng đạo đức xã hội, muốn nói vài lời với những người có tâm lý nghi ngờ kia…


Chả đợi cho cái “động cơ ẩn sâu” nào đó bị phơi bày, ngày 21/10, câu chuyện đã kết thúc có hậu khi Luyện nhận được 12 triệu đồng mà Khải hoàn lại.
“Nhận lại được số tiền đền bù còn thừa, tôi cảm thấy rất vui, xã hội còn nhiều điều tốt đẹp, người tốt vẫn còn rất nhiều” – anh Luyện cảm kích nói – “Vụ va chạm vừa qua là lần đầu tiên tôi gặp phải và khi biết sự việc, vợ tôi cũng không phàn nàn hay kêu ca khi mất số tiền đó, bởi mình sai thì mình đền bù là chính đáng”.
Dân tình ồn ào khen hai anh là những người tử tế. Thực ra, đây chẳng phải chuyện to tát gì, mà là cách hành xử chính đáng, phù hợp và không tham lam khi gặp các vấn đề danh lợi thường ngày. Lỡ làm sai thì nhận lỗi và đền bù, gặp chuyện xui thì bình tĩnh, lịch sự giải quyết dựa trên sự cảm thông và tâm lý thiện giải. Chuyện to sẽ hóa nhỏ, chuyện nhỏ thì như không.

Kinh Thánh Tân Ước có câu: “Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn” – (Lu-ca 16:10).
Còn trong cuốn Tam Quốc Chí cũng viết: “Không được cho rằng chuyện xấu rất nhỏ mà được làm, không được cho rằng chuyện tốt quá nhỏ nên không làm” (Vật dĩ ác tiểu nhi vi chi, vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi).
Thế nên, tử tế cho ra dáng con người chỉ đơn giản là làm những việc tốt bình thường trong đời sống hàng ngày. Đó là điều đương nhiên mà người xưa tâm niệm để tu thân, tu tâm, chứ chẳng phải kỳ tích hay tấm gương vĩ đại gì.
Đáng buồn là, trong cái thời mạt Pháp này, việc cư xử tử tế với nhau theo đúng nhẽ đương nhiên cần làm, lại khá hiếm gặp. Thậm chí, người tử tế còn bị nghi ngờ là có “động cơ không trong sáng”.
Còn nhớ, khi bộ phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy đột nhiên được quan tâm và chia sẻ rầm rộ lại sau hơn 30 năm lãng quên, ông đã nói: “Điều này hoàn toàn bất ngờ với tôi. Vì khi làm phim này, tôi cứ nghĩ sau 30 năm xã hội sẽ tiến bộ lên, con người sẽ hạnh phúc hơn, được bù đắp, chứ tôi không nghĩ bây giờ người ta khát khao sự tử tế hơn ngày xưa”.
Trong xã hội, khi cách hành xử đương nhiên của một người tốt bình thường lại được ca ngợi như kỳ tích, nghĩa là người ta đang thiếu thốn đến mức khao khát sự tử tế và tin cậy lẫn nhau. Việc lòng tốt của nhân vật Khải bị nghi ngờ cho thấy thảm cảnh của niềm tin trong cộng đồng, và nó sẽ ít nhiều làm nhụt chí những người tử tế khác trong tương lai. Khi không được tin cậy thì người ta không tội gì phải tự nguyện hành xử tốt, và khi sự nghi kỵ lan tỏa thì điều tử tế sẽ khan hiếm, đơn giản vậy thôi.
Vậy mới nói, là công dân có lương tri và trách nhiệm thì nên xây dựng cộng đồng, môi trường sống quanh mình bằng niềm tin. Hãy phó thác một chút, lạc quan một chút hay ngốc nghếch một chút… Cũng nên tắt đi các “cảm biến thám tử”, tắt đi những chiếc loa cay nghiệt lọc lõi luôn nghi ngờ cảnh báo về các loại “âm mưu” hay “động cơ” nào đó ẩn sau những việc tốt của người đời. Hãy học cách chú ý đến những phẩm chất thiện lương của người khác, tới một lúc nào đó, bạn sẽ chợt nhận ra mình đang mỉm cười chẳng vì cái gì cả.
Cách hành xử cao thượng và dám phó thác niềm tin đó sẽ không tạo nên hình ảnh của kẻ ngây ngô – xuẩn ngốc, mà nó giúp chúng ta vượt lên trên sự hỗn tạp, bon chen, bế tắc… đang chi phối đời sống xã hội hiện nay. Niềm tin cao thượng vốn có sức mạnh cải biến sự nghi ngờ và giả dối, nó cũng có sức thuyết phục người khác yêu mến, kính trọng và sẵn sàng giúp đỡ bạn. Hãy hành xử sao cho người khác không muốn đánh mất niềm tin của bạn, bằng mọi giá.

Có thể bạn quan tâm: