Wednesday, February 5, 2020

TẾT Ở NAM KỲ LỤC TỈNH

Fr: Vinh Mai 
 TẾT Ở NAM KỲ LỤC TỈNH ☆ 
Long Pham
                          Image may contain: 2 people, people smiling, people sitting and hat
"Hễ … mỗi lần thấy bông ô môi nở hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang, mỗi lần có dịp về Vĩnh Long đi ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An, là mỗi lần tôi nhớ đến mùa xuân của đầu năm binh lửa…”(Tuyệt tình ca)

Có thể nói cái bánh phồng,bánh tráng rộ lên là báo hiệu mùa Tết Nam Kỳ bắt đầu
Là gió chướng, là bông ô môi, là tiếng quết bánh phồng thình thịch cả xóm đều nghe
Bánh phồng là bánh làm bằng nếp ngỗng dẻo quẹo ,nướng lên nó phồng ra gấp ba cái bánh ban đầu .Bánh tráng là bánh làm bằng bột gạo và pha mè đen,sau này có thêm bánh tráng sữa,bánh tráng khoai
Bánh tráng,bánh phồng Nam Kỳ mỏng lét không như cái bánh đa của Trung Kỳ,dân Nam ăn chơi cho vui miệng thôi ,Tết ngồi nhai rôm rốp cũng vui cửa vui nhà
Nhớ hồi nhỏ,nhà Nam Kỳ nào cũng mua năm sáu chục bánh tráng,bánh phồng để giành ăn mấy ngày Tết .Nướng trên than,hoặc đốt rơm
Nam Kỳ mứt bánh ê hề,mứt me,mứt mãng cầu,mứt bí,mứt gừng,mứt khoai lang ....đã được các cô các dì làm từ trước rồi
Dân Nam Kỳ Lục Tỉnh xưa bước qua mùng 10 tháng Chạp là rần rần nôn Tết, tay chân quýnh hết trơn hết trọi, cập rập càng ràng vì hơi hám Tết ngày càng rộ, mấy dì, mấy thím ngồi cắt kiệu, lột tôm phơi khô còn giả đò làm bộ: “Mèng ơi! Tết tới mau dữ bây?”
Bắt đầu từ mùng 10 tháng Chạp đã thấy bà con ôm lư ra hè đường,khoảnh sân chùi rồi
Phải ôm lư ra phơi nắng,nóng lên teng mới ra ,rồi ngâm chuối chát chua mà chùi.Chùi tới chùi lui bộ lư sáng rực,bóng lưỡng
Bộ lư của dân Nam Kỳ gồm hai cái chưn đèn, đỉnh trầm, lư đại , khác với lư của người Bắc nhìn nho nhỏ trên bàn thờ.
Bàn thờ ông bà cũng được dọn dẹp sạch sẽ, kỹ càng, gọn gàng vào dịp Tết.
Bộ lư được chùi sạch boong, đánh lên nước đồng vàng bóng rực rỡ đặt trên bàn thờ. Bàn thờ thì được chưng đồ theo nguyên tắc “đông bình, tây quả”, bình bông bên tay phải, chò để dĩa trái cây bên tay trái.
Nam Kỳ là đất mới, nên người dân rất tâm linh. Tết mà nhìn bàn thờ ông bà giữa nhà tươm tất, nhang khói ấm cúng sẽ khiến lòng dạ người Lục Tỉnh thêm vững tin trong năm mới.
Đó là sự viên mãn.
Từ khoảng ngày 20 tháng Chạp trở đi tới 25 tháng Chạp là lo tảo mộ , mả mồ tổ tiên ,nếu mả đất thì được cuốc cỏ và đắp đất cao hơn ,mua nước sơn về sơn lại tên tuổi trên tấm bia nhỏ
Mả đá thì sơn phết ,rửa ráy dọn dẹp cho sạch,mả đá rửa phải xài bàn chải sắt mà chà rất cực
Người Nam Kỳ cúng sơ sịa ngoài mả thôi,trong khi Tàu cúng lớn ngoài mả .Là vì Việt quan niệm ông bà ngự trện bàn thờ giữa nhà,có trình thưa cúng kiếng gì thì về nhà mà thưa cúng
Tảo mộ tùy vùng có đặc điểm riêng,tỷ dụ Mỹ Tho tảo mộ mùng 10 và vào ban đêm ,đốt đuốc đốt đèn mà tảo mộ .Long An,Sài Gòn tảo mộ ngày 25 vào ban ngày
Ngày tảo mộ con cháu dù bận cũng sẽ về thăm mồ mả ông bà ,đi dẫy mả .Nam Kỳ không có nhà thờ họ,tộc trưởng và gia phả kiểu Bắc Kỳ,thành ra tảo mộ là dịp con cháu các dòng gặp nhau nói chuyện ngày xưa
Tảo mộ Nam Kỳ không cúng vịt quay như Tàu mà cúng cháo vịt hoặc cháo gà ,đó cũng như cúng đất đai ,tại vì tảo mộ sẽ đụng đất
Con cháu xúm nhau tảo mộ,mả mồ sáng bóng,con cháu vui,vậy là tổ tiên ăn Tết cùng con cháu rồi
Tết ngoài cúng tổ tiên ông bà, người ta phải cúng đất đai, cúng cả những người đã khuất trong quá trình khai hoang, đó là sự “viên trạch”.
Ngày 23 đưa Ông Táo về Trời ,đơn giản lắm,một cây bông vạn thọ,một dĩa thèo lèo cứt chuột và một bộ cò bay ngựa chạy,xong đốt 3 cây nhang
Nam Kỳ xưa 23 tháng Chạp đã có nhà cắm cây nêu,nhưng Nam Kỳ mà,không vội,có nhà trễ,ngày nào cũng được ,24,25,26 và tới 30
Sau ngày 23 tháng Chạp thì bắt đầu rửa nhà và rửa bàn thờ cho sạch
Lúc này bánh mứt đã sẵn sàng ,quên kể cái này nữa,cải chua và dưa giá chua ,củ hành ngâm chua,ớt ngâm chua ,củ cải trắng ngâm nước mắm đã đầy đủ
Người Lục Tỉnh thích chưng dưa hấu trong dịp Tết. Dưa hấu Long Trì, dưa hấu Cổ Cò, dưa hấu Gò Công nổi tiếng ngọt, mát luôn được chưng trên bàn thờ.
Còn nói về bông để cúng, thì đầu tiên phải nhắc đến bông vạn thọ, là một loại cúc. Vạn thọ nghĩa là sống lâu muôn tuổi, vạn thọ vô cương.
Khổng Tử có câu:
"Lạc chỉ quân tử
Vạn thọ vô kỳ”.

Tạm dịch:
Thấy người ta những hân hoan
Chúc người trường thọ muôn vàn trước sau.

Bông vạn thọ màu vàng rực rỡ sẽ giúp cho không gian ngày Tết bừng sáng. Loài hoa này còn mang ý nghĩa cầu mong sức khỏe, sự trường thọ và may mắn, mùi thơm hăng hắc dân dã rất gần với người bình dân và quan trọng là chưng được rất lâu.
Sau vạn thọ phải kể đến mai vàng, đây là loại bông nở rộ trong những ngày Tết ở khắp Nam Kỳ.
Mai là thứ bông đứng đầu “tứ quý”, không sợ gió, chẳng sợ mưa, đứng vững trong nắng gắt, phong ba, vì thế nó tượng trưng cho người quân tử. Bông mai là thứ không có mùi, chỉ có sắc, nhưng là “quốc bông” của người Nam Kỳ trong ngày Tết.
Bông mai, bông vạn thọ, dưa hấu, bánh tét, củ kiệu, lạp xưởng, nồi khổ qua hầm, nồi thịt kho hột vịt, lì xì chính là những đặc trưng của Tết Lục Tỉnh…
Từ ngày 25 tháng Chạp, không khi Tết lại càng rộn rã hơn bao giờ hết,người ta bắt đầu mổ heo ,mổ bò ăn Tết
Ai không giết thì đi chợ mua thịt thà về làm nem, làm bì và kho thịt hột vịt
Nồi thịt kho hột vịt của Nam Kỳ thơm mùi nước dừa xiêm,thơm mùi nước mắm nhỉ Phú Quốc,cái màu cánh gián của cục thịt chum chủm ôm ấp mấy cái hột vịt thiệt là thèm
Nhà nào cũng có nồi thịt kho,trước cúng ông bà,sau con cháu ăn no nê .Nhà giàu ,nhà nghèo cũng bấy nhiêu món đó
Tới sáng 26 thì bắt đầu có mùi Tết ,con nít theo người lớn ra chợ quận chơi Xuân,sẳn tiện khoe quần áo mới
Đến khoảng ngày 25 trở đi đã có tiếng pháo nổ rân trời rồi ,rước ông bà là đốt,có nhà rước ông bà từ ngày 25 ,đâu ai cấm,tui thương tui rước sớm,Nam Kỳ chơi vậy đó nghe !
Qua ngày 26, 27 con cháu làm tứ xứ đã lần hồi về nhà đón Tết,xóm làng đông thêm,đi đầy đường,gặp nhau chào í ới
Chiều 28 tết là bàn thờ,bàn ghế đã tươm tất ,lư sáng rực,bánh mứt bày lên ,ván gõ chùi bóng lưỡng trải chiếu bông mới,ông bà ơi,mời ông bà về
Tối 28 đã có nhà gói bánh rồi,Nam kỳ chuộng bánh ít và bánh tét ,hai thứ bánh tuổi thơ,có nhà làm xôi vị ,làm thêm bánh quy và gỏ bánh in
Cho đến ngày mùng Một thì con cháu ra bàn thờ đốt nhang trình ông bà,sau đó mừng thọ ông bà còn sống
Qua mùng 1 thì con cháu dắt díu nhau đi chơi,đi coi bói,đi chùa,đi chúc Tết và đi coi hát.
( Nguồn: G.V )
                      *****