Monday, December 7, 2020

THIỆP GIÁNG SINH RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO

Những ghi chép của chuyên viên bảo tàng

Ông Tim Travis, người quản lý những bản in trong bảo tàng Victoria and Albert tại Luân Đôn chia sẻ trong một email về cách ông Henry Cole, một công chức kiêm giám đốc sáng lập của Bảo tàng Victoria và Albert đặt làm tấm thiệp Giáng Sinh đầu tiên; cũng như phong tục gửi thiệp Giáng Sinh của người Anh ra đời như thế nào. 

Thế kỷ thứ 19 là một thời kỳ mà sự dịch chuyển xã hội và địa lý ngày càng mạnh mẽ tại Anh Quốc. Lần đầu tiên, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, con người sinh sống và làm việc cách xa nơi mình sinh ra và đã hình thành các mạng lưới xã hội rộng lớn hơn nhưng lỏng lẻo hơn. Những sự thay đổi này dẫn đến việc áp dụng những truyền thống mới và các phong tục chung, như việc trao đổi thiệp Giáng Sinh.

Lần đầu tiên loại thiệp mừng in sẵn xuất hiện trên thị trường là dành cho ngày lễ tình nhân (Valentine) vào đầu thế kỷ 19. Mặc dù phong tục tặng quà Valentine, chẳng hạn như những đôi găng tay để mang đi lễ nhà thờ vào ngày Chúa Nhật, hay những câu thơ, câu đố được viết tay đã tồn tại ít nhất từ thế kỷ 15.

Việc trao đổi những câu chúc và quà tặng Valentine không chỉ là một phong tục lãng mạn; mà đó còn là câu chuyện tình cảm và xã hội: Các gia đình thượng lưu sẽ bốc thăm để xem ai sẽ là người của ai trong dịp lễ Valentine năm đó (có phần giống với phong tục “Ông già Noel bí mật” ở các nơi làm việc ngày nay). Nhật ký gia Samuel Pepys đã viết trong nhật ký vào ngày lễ Valentine năm 1666 hay 1667 rằng cậu con trai nhỏ của một người hầu đã bốc thăm bà Pepys chính là người bạn Valentine của mình:

“Sáng nay, khi đến bên giường của vợ, tôi đang tự mặc quần áo, cậu bé Will Mercer, người sẽ là người bạn Valentine của nàng đã mang đến một tờ giấy màu xanh với tên của nàng bằng chữ vàng trên đó, trông rất đẹp do chính tay cậu bé làm; cả hai chúng tôi đều rất hài lòng.”

Tấm thiệp Giáng Sinh đầu tiên

Vào giữa thế kỷ 19, có tục lệ là người ta thực hiện các chuyến thăm Giáng Sinh đến tất cả bạn bè và người quen, sau đó để lại một tấm thiệp mà thường được trang trí bằng các họa tiết Giáng Sinh in sẵn hoặc làm bằng tay từ các mẩu giấy in. Hoặc phong tục viết thư Giáng sinh tới tất cả mọi người và trên giấy viết cũng được trang trí.

Mục đích của tấm thiệp Giáng Sinh Henry Cole là để thay thế các hoạt động đó bằng một tấm thiệp minh họa được sản xuất hàng loạt có chỗ vừa đủ cho một lời chúc ngắn gọn, sau đó có thể được gửi với bưu phí một xu tới tất cả những người mà mình biết. Bưu phí một xu mà ông Cole đã nhắc đến, có nghĩa là tấm thiệp đó có thể được gửi tới khắp Vương Quốc Anh mà chỉ tốn một đồng (penny). 

Mẫu thiết kế được tái sản xuất bằng kỹ thuật in thạch bản trong phiên bản 1,000 cái, sau đó chúng được người tô màu chuyên nghiệp William Mason tô bằng tay. Mọi tấm thiệp còn lại sau đó được đối tác kinh doanh của ông Cole là Joseph Cundall bán tại gian hàng của họ ở Summerly’s Home Treasury, số 12 phố Old Bond, với giá một shilling mỗi tấm thiệp. 

Tấm thiệp Giáng Sinh đầu tiên rất đắt tiền. Vào lúc đó, một shilling gần bằng tiền công mỗi ngày của một người lao động hay bằng giá một bữa ăn ngon tại câu lạc bộ The Reform, Luân Đôn, câu lạc bộ độc quyền mà Henry Cole thường lui tới.

Có một vài điểm khác biệt thú vị giữa thiết kế của tấm thiệp và những gì mà chúng ta mong đợi ngày nay: Những cảnh ăn uống trong lễ hội đang dần ít phổ biến hơn hiện nay khi đồ ăn thức uống rẻ và phong phú là điều đương nhiên ở phương Tây. Trên tấm thiệp, cảnh trung tâm phần lớn được trang trí bởi các hình ảnh ở bìa tấm thiệp cho thấy những người rơi vào cảnh khố rách áo ôm được cho ăn và mặc y phục. 

Khung lưới mắt cáo cùng những giàn dây leo là một biểu tượng của sự phong phú mang sắc thái tôn giáo. Nó phân định ranh giới các cảnh riêng biệt mặc dù kết nối trong cùng một thiết kế tổng thể; nhằm củng cố thông điệp đạo đức rằng tiện nghi vật chất đặt ra một nghĩa vụ xã hội là hỗ trợ những người có hoàn cảnh kém may mắn. Điều này mang tính cá nhân và cộng đồng chứ không chỉ đơn giản là đặc quyền của nhà nước.




Thiệp Giáng sinh Henry Cole, năm 1843, của John Callcott Horsley, Anh. Được in bởi Jobbins của Warwick Court, Holborn. (Victoria and Albert Museum, London)

Hình ảnh trung tâm thể hiện ít nhất ba thế hệ khác nhau của một gia đình tụ họp lại. Vào những năm 1840, tuổi thọ trung bình khá thấp, dao động giữa 40 và 45 tuổi (khoảng phân nửa hiện nay), và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em khá cao, với khoảng 15% em bé mất trước lần sinh nhật đầu tiên. Tất nhiên, với sự thay đổi theo mức độ giàu hay nghèo tương đối và tầng lớp xã hội, việc sống đủ lâu để vui đùa cùng cháu chắt không phải là điều đương nhiên, vì vậy hình ảnh lý tưởng hóa này sẽ có một sức hấp dẫn tình cảm mà thời đại ngày nay không coi trọng lắm. 

Một trong những lời phê bình về tấm thiệp đã gây lo ngại về hình ảnh của một đứa bé được uống một ly rượu. Ở phương Tây ngày nay, chúng ta coi việc có sẵn nước sạch và an toàn là một điều hiển nhiên, nhưng ở những thành phố vào thế kỷ 19, khi bệnh dịch tả và thương hàn bùng phát rộng rãi thì rượu bia thường được dùng để thay thế nước uống.. 

Thiệp Giáng sinh trở thành một phong tục như thế nào

Nhiều yếu tố đã kết hợp với nhau để tạo ra ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh. Nhà sử học quá cố về thiệp Giáng Sinh, ông George Buday, đã gọi đó là “sự toàn vẹn của thời gian”. Có một yếu tố đó là những cải tiến trong dịch vụ bưu chính, chẳng hạn như Bưu phí Một xu (Uniform Penny Post) đã mở rộng trên toàn quốc ở Anh Quốc vào năm 1840 và bưu phí nửa xu dành cho những tờ bưu thiếp riêng lẻ vào năm 1870. Điều này giúp cho tất cả mọi người đều có thể chi trả được chi phí bưu tín.

Ngoài ra, những công nghệ mới đem đến các phương pháp in hàng loạt rẻ tiền các vật dụng (đặc biệt là in màu) như là sách vở, trò chơi, và văn phòng phẩm bao gồm cả thiệp.

Một sự phát triển nữa là việc thành lập các cơ sở thương mại và cửa hàng bán lẻ để cung cấp những thứ mới lạ, xa xỉ tương đối cho tầng lớp trung lưu đang gia tăng với thu nhập khả dĩ và thời gian nhàn rỗi. Thiệp Giáng Sinh bắt đầu được bán không chỉ tại các cửa hàng văn phòng phẩm và tiệm sách mà còn được bán từ những người bán thuốc lá, bán vải và tiệm đồ chơi.

Sự tạo nên các họa tiết Giáng sinh

Rất nhiều những tấm thiệp Giáng Sinh đầu tiên có họa tiết thêm hoa, hay những hình ảnh mùa xuân hoặc mùa hè hơn là mùa đông. Có hai lý do: Đầu tiên, nhiều người thợ sản xuất thiệp Giáng Sinh đã tận dụng thiệp Valentine trước đó vì không có gì bảo đảm rằng thiệp Giáng Sinh sẽ phổ biến như thiệp Valentine. Lúc đầu, hiện tượng này được nhiều người cho là lỗi mốt. Do vậy, thay vì đặt làm những hình ảnh minh họa mới và tạo ra những bản in mới, họ đã sửa đổi những tấm thiệp Valentine trước đó và chỉ đơn giản thêm vào một số lời chúc Giáng Sinh. 




Thiệp Giáng Sinh vào những năm 1860, ẩn danh, Anh Quốc. Được thừa kế bởi George Buday. (Victoria and Albert Museum, London)

Và lý do còn lại: Những hình ảnh ánh nắng và hoa cỏ khích lệ mọi người vui lên trong những tháng ngày mùa đông dài đằng đẵng, lạnh lẽo và tối tăm trước khi có phát minh về đèn điện và máy sưởi ấm trung tâm.



Thiệp Giáng Sinh những năm 1860, của những người ẩn danh, Anh Quốc. Được thừa kế bởi Guy Tristram Little. (Victoria and Albert Museum, London)


Thiệp Giáng Sinh những năm 1860, của những người ẩn danh, Anh Quốc. Được thừa kế bởi George Buday. (Victoria and Albert Museum, London)

Chủ đề mùa Giáng Sinh thân thuộc với chúng ta ngày nay đã lan rộng từ các định dạng khác cho đến các tấm thiệp sau này chịu ảnh hưởng bởi các tác phẩm văn chương nổi tiếng: Cuốn “Giáng sinh yêu thương” (1843) của Charles Dicken; cuốn “Giáng Sinh với những vần thơ” của Henry Vizetelly, do Myles Birket Foster vẽ minh họa (xuất bản năm 1852); và phiên bản năm 1876 của cuốn “Giáng Sinh xưa: Từ Sách Phác thảo của Washington Irving” của Washington Irving. Những cuốn sách này rất phổ biến, được đọc, bình luận rộng rãi và thường xuyên được phát hành lại.

Nửa sau thế kỷ 19 là giai đoạn phát triển những biểu tượng Giáng Sinh quen thuộc ngày nay như loài chim robins, cây nhựa ruồi và cây tầm gửi, những hình ảnh về tuyết, và Ông già Noel. Những họa tiết này được phát triển cùng với các chủ đề đã lỗi mốt: Hình ảnh về tiền, đồ ăn thức uống, trẻ em ngoan và hư, cảnh đi săn, và những nhân vật mặc quân phục. Các chủ đề tôn giáo tương đối hiếm, vì việc gửi thiệp Giáng Sinh được xem là một phần của các phong tục xã hội như thăm viếng và gửi thư Giáng sinh hơn là quy tắc tôn giáo. 

Ngày càng có nhiều tấm thiệp được nhập khẩu từ Đức (đặc biệt trong những phiên chợ cuối bán rẻ và vui nhộn). Đức là nơi dẫn đầu trong lĩnh vực in màu ở thế kỷ 19, đặc biệt là với kỹ thuật in thạch bản trên quy mô sản xuất hàng loạt (những bản in được thực hiện từ kỹ thuật in thạch bản, trong đó mỗi viên đá hoặc tấm đĩa được tạo ra cho mỗi màu). Những tấm thiệp mới lạ, có hình dáng lạ mắt và hài hước đặc biệt phổ biến.

Kế thừa của thiệp Giáng Sinh

Chủ đề Giáng Sinh lâu đời được kết tinh vào cuối thế kỷ 19 đã kéo dài hơn cả trăm năm, được thể hiện ở nhiều phong cách khác nhau qua từng thập kỷ, hay theo một thành ngữ Victoria hoài cổ, nhưng không khác nhau nhiều về mặt nội dung. Ngày nay, thị trường thiệp chúc mừng ở Anh Quốc trị giá hơn một tỷ pound mỗi năm (khoảng 1.3 tỷ USD), số lượng thiệp mỗi người dân Anh Quốc mua cao hơn bất kể quốc gia nào trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ.

Hầu hết các loại hình nghệ thuật và điều kiện xã hội tạo ra chúng đều có điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Ông George Buday đã nói về “sự toàn vẹn của thời gian,” sự hòa quyện của những yếu tố công nghệ, lịch sử, xã hội và kinh tế giúp cho ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh trở nên phát đạt. Tôi đánh liều dự đoán rằng một cơn bão hoàn hảo của các yếu tố có thể báo hiệu cho sự lụi tàn của thiệp Giáng Sinh.

Năng lượng sáng tạo dành cho dạng thiệp Giáng sinh truyền thống có thể đã cạn kiệt. Như đã từng là một phương tiện trao đổi và giao tiếp đại chúng, ngày tháng của thiệp Giáng Sinh truyền thống vốn được thiết kế thẩm mỹ thể hiện sở thích, giá trị và hình ảnh bản thân (hoặc một tổ chức) có thể chỉ còn được đếm trên đầu ngón tay.

Trong tương lai, bất kể hình thức mới nào được người ta dùng để chúc mừng lẫn nhau ở mỗi dịp lễ và các mùa khác nhau, tôi hy vọng rằng phong tục tập quán xa xưa về tấm thiệp Giáng Sinh Henry Cole đầu tiên, tấm thiệp thể hiện lòng biết ơn đối với hạnh phúc, tình yêu của gia đình và bạn bè, và sự quan tâm đến những người kém may mắn, sẽ không bị quên lãng.

Bài phỏng vấn này đã được biên tập cho rõ ràng và ngắn gọn.

Lorraine Ferrier
Anh Đặng biên dịch
Epoch Times