Bánh chưng bánh giầy là hai món không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt. Loại bánh này chứa đựng ý nghĩa to lớn mà ít người biết đến vào dịp Tết. Cùng tìm hiểu ý nghĩa và nguồn gốc của bánh chưng bánh giầy dưới đây.
Mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt dù có đi đâu cũng không
bao giờ thiếu bánh chưng, bánh giầy trong mâm cỗ Tết cổ truyền, nhà nào cũng có
dăm ba cặp bánh để cúng gia tiên.
Có thể nói, bánh chưng bánh giầy trong tâm thức người Việt
là truyền thống "uống nước nhớ nguồn". là món ăn đặc trưng của dân tộc
trong những ngày đầu năm mới.
Nguồn gốc bánh chưng bánh giầy
Theo truyền thuyết, sau khi đánh giặc Ân, Vua Hùng thứ 6
ra lệnh cho các người con dâng lễ vật lên vua, lễ vật nào đặc biệt ý nghĩa, vua
sẽ truyền ngôi lại cho người đó.
Các người con của vua đều tìm những của ngon, vật lạ dâng
lên vua cha chỉ trừ người con thứ 18 của Vua Hùng là Lang Liêu tính
tình thuần hậu, chí hiếu, song vì mẹ mất sớm, cũng như tài sản không giàu
có như những người anh, Lang Liêu hổ thẹn chẳng có gì để dâng lên cho vua.
Lúc này trong cơn mê ngủ, Lang Liêu nằm mơ thấy vị thần
mách bảo: "Vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn
nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng
trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh
thành”.
Lang Liêu tỉnh dậy và thực hiện theo để dâng lên Vua Hùng. Vua ăn thấy ngon và hỏi về ý nghĩa của bánh, sau khi nghe về câu chuyện do người con kể lại, vua xúc động và đặt tên bánh là "Bánh chưng" với hình vuông tượng trưng cho Đất, "Bánh giầy" với hình tròn tượng trưng cho trời.
Và như thế cứ đến ngày Tết, vua lệnh cho dân chúng làm hai
loại bánh này để dâng lên tổ tiên cầu mong tổ tiên phù hộ mang đến vụ mùa thuận
lợi cho một năm mới.
Ý nghĩa bánh chưng bánh giầy ngày Tết
Cùng với truyền thuyết xa xưa ấy, chiếc bánh chưng, bánh giầy
gói ghém trong đó cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước thời bấy giờ.
Bên ngoài của chiếc bánh chưng là lá dong gói có sẵn trong tự
nhiên, bên trong được chế biến từ gạo nếp, đậu xanh, hành, thịt heo,... đều là
những nguyên liệu nấu ăn truyền thống của dân tộc.
Chính vì vậy bánh chưng xuất hiện vào ngày Tết để thể hiện
sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, để mùa màng bội thu đem lại cuộc
sống ấm no cho con người.
Bánh chưng Tết cũng thể hiện được chữ hiếu của người con
với cha mẹ, chính vì thế mà phong tục dùng bánh chưng làm quà biếu dâng lên
cha mẹ cũng từ đây mà có.
Còn bánh giầy với hình tròn, màu trắng nõn, mặt trên hình vòng cung giống như bầu trời, người Việt xưa quan niệm rằng bầu trời là nơi cư ngụ của thần linh vì vậy bánh giầy thường được dùng để tế trời, tế thần cầu mong thời tiết thuận lợi, cho một năm ấm no.
Bánh chưng, bánh giầy đã trở thành một nét văn hóa, một món
ăn truyền thống và lâu đời ở Việt Nam. Nét độc đáo này đã góp phần làm đẹp hình
ảnh Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Dù ai
xa quê cũng mong được về nhà bên nồi bánh mỗi dịp giao thừa đón năm mới.