Chương XXXIV
Sau buổi chiều hôm ấy, luôn mấy ngày liền ông Hy lánh mặt
chúng tôi vào bữa cơm. Tuy chưa bao giờ ông ta chính thức cấm Hạ và Liên ngồi
ăn chung nhưng vì ông ta rất ghét để tình cảm chi phối nên ông lánh mặt. Mỗi
ngày hai mươi bốn tiếng ông ta chỉ ăn có một bữa, hầu như thế là đủ nuôi sống
ông rồi.
Một đêm nọ khi cả nhà đã ngủ yên, tôi nghe tiếng chân ông Hy bước xuống cầu thang đi ra cửa trước và không thấy ông trở vào. Sáng dậy, tôi thấy ông ấy vẫn chưa về. Hồi đó tháng tư tiết trời ấm áp, nhờ mưa rào nắng chói nên cỏ mọc xanh rờn, hai cây táo ở bờ tường phía nam trổ đầy hoa. Sau bữa điểm tâm, Liên năn nỉ tôi bắc ghế ngồi khâu vá dưới gốc thông cuối vườn. Khi Hạ lành vết thương, nàng đã tán tỉnh anh chàng cuốc đất trồng hoa thành một mảnh vườn con con ở góc này.
Tôi đang khoan khoái tận hưởng hương thơm mùa xuân ngào ngạt xung quanh và bàu trời xanh êm thì cô chủ tôi, vừa chạy ra cổng kiếm ít rễ anh thảo để trồng quanh rìa, đã quay trở lại, hấp tấp báo cho chúng tôi biết là ông Hy đang về tới.
Nàng tỏ vẻ lo âu nói thêm:
"Ông ta có nói chuyện với em."
Hạ hỏi:
"Ông ấy nói gì vậy?"
"Ông bảo em cút đi cho nhanh. Trông ông ấy lạ quá đến nỗi em phải dừng lại một lát trố mắt nhìn."
"Lạ là lạ thế nào?"
"Hừ, hầu như là vui thích hớn hở. Mà không, hầu như... khó nói quá... có vẻ hết sức khích động!"
Tôi làm bộ hờ hững nói:
"Chắc ông ta đi dạo ban đêm có gì vui thích chứ gì?"
Thực tình tôi cũng ngạc nhiên như nàng. Ông chủ vui, thực không phải là cảnh tượng hàng ngày có thể có được. Tôi tìm cớ để vào trong nhà. Hy đang đứng ở ngưỡng cửa, người run rẩy, mặt tái xanh. Tuy nhiên, mắt ông ánh lên một tia vui đặc biệt làm thay đổi cả sắc diện ông.
Tôi hỏi:
"Thưa, ông dùng điểm tâm? Ông đi cả đêm chắc đói lắm!"
Tôi muốn dò xem ông Hy đi đâu nhưng không dám hỏi thẳng.
"Không. Tôi không đói."
Vừa đáp ông Hy vừa quay đầu đi có vẻ nghi ngờ tôi muốn đoán xem vì lẽ gì trông ông lại vui thế. Tôi lưỡng lự, tự hỏi không biết có nên khuyên răn ông một chút không. Tôi nói:
"Tôi thấy đêm hôm khuya khoắt không nên đi lang thang ngoài đường mà nên ngủ ở nhà. Dù sao thì cũng nên đề phòng trong mùa ẩm thấp này. Tôi dám nói là ông sẽ bị cảm lạnh hay sốt... chắc bây giờ trong người ông khó chịu."
"Không có gì cả, tôi chịu đựng được mà, và rất vui nữa là đằng khác, miễn là bà để tôi yên. Bà vào đi và đừng quấy rầy tôi."
Tôi tuân theo, và khi đi qua tôi nhận thấy ông ta thở gấp rút như mèo. Tôi nghĩ bụng: "Đúng là ông ta sắp bệnh rồi. Không biết đêm qua đi đâu đến nỗi nhuốm bệnh."
Trưa hôm ấy ông ngồi ăn với chúng tôi và nhận một đĩa đầy ú thức ăn do tay tôi tiếp, như thể muốn ăn bù lại những bữa nhịn trước đó. Ông ta nói như ám chỉ trả lời câu hỏi của tôi ban sáng:
"Tôi không cảm mà cũng không sốt. Tôi sẵn sàng ăn hết đĩa thức ăn đầy bà sớt cho tôi này."
Ông cầm dao nĩa sắp ăn thì - đột nhiên, như chợt hết cơn thèm ăn - ông bỏ dao nĩa xuống, ngó chăm chẳm ra ngoài cửa sổ, rồi vụt bỏ đứng dậy đi ra.
Trong lúc chúng tôi dùng bữa, ông Hy cứ đi đi lại lại trong vườn. Hạ nói là để ra hỏi vì lẽ gì ông ấy lại bỏ ăn ngang xương như thế, chàng đoán rằng chúng tôi đã làm ông ta phật ý.
Hạ trở vào, Liên hỏi ngay:
"Sao? Ông ấy có vào ăn không?"
"Không. Ông không có vẻ giận mà lại có vẻ vui vui mới kỳ chứ? Nhưng khi tôi mời lần thứ hai thì ông cáu, bảo tôi cứ về ăn với mọi người đi. Ông còn lấy làm lạ sao tôi lại muốn mời ông vào ăn chung."
Tôi hâm đĩa đồ ăn của ông lên bếp cho nóng. Một hai giờ sau khi phòng đã vắng, ông quay vào, vẫn chưa bình tĩnh hẳn, vẫn nước da tái xanh, vẫn ánh mắt vui vui - cái vui thiếu tự nhiên - dưới đôi lông mày đen rậm. Rồi lát lát ông ta lại nhe răng ra cười cười, lát lát lại rùng mình một cái, rùng mạnh như sự rúng động của một sợi giây căng chứ không phải là cái run rẩy của một người bị cảm lạnh.
Tôi nghĩ: "Mình phải hỏi xem cho ra lẽ. Mình mà không hỏi thì còn ai hỏi đây?" Rồi tôi lên tiếng:
"Thưa ông, ông có tin tức gì vui lạ không? Trông ông có vẻ phấn kích hơn lúc bình thường?"
Ông Hy đáp:
"Bà bảo tin tức vui ở đâu ra? Tại tôi đói đấy! Mà xem chừng tôi không nên ăn."
"Thức ăn có sẵn. Sao ông không dùng?"
Ông ta nói thật nhanh:
"Lúc này chưa. Để bữa chiều ăn luôn thể. Và, bà Diễn này, tôi nói dứt khoát một lần cho bà lưu ý, xin bà vui lòng bảo thằng Hạ và con kia đừng chường cái mặt ra cho tôi thấy. Tôi không muốn ai làm rộn tôi, tôi muốn một mình trong phòng này."
"Phải có lý do gì mới khiến ông chủ xua đuổi chúng như thế chứ? Ông nói cho tôi biết vì sao ông lại kỳ lạ thế? Đêm qua ông đi đâu vậy? Không phải vì tò mò mà..."
Hy cười ngắt lời tôi:
"Tò mò chứ còn gì nữa? Nhưng tôi cũng trả lời để bà rõ. Hôm qua tôi đứng ở ngưỡng cửa địa ngục. Hôm nay tôi ở ngưỡng cửa thiên đường...và tôi đang chú mục nhìn nó, chỉ cách tôi có vài thước! Thôi bây giờ bà nên đi đi... Nếu bà đừng xoi mói thì bà sẽ không trông thấy hay nghe thấy những gì khiến bà phải sợ hãi đâu..."
Sau khi quét lò sưởi và lau bàn, tôi đi ra, lòng hoang mang hơn bao giờ hết.
Chiều hôm ấy ông Hy không ra khỏi nhà, cũng không ai làm rộn ông. Tuy nhiên đến tám giờ, dù ông không hỏi, tôi cũng cứ cầm một ngọn đèn nến và dọn cơm chiều cho ông. Ông đang đứng tựa vào bờ một cửa sổ để ngỏ, nhưng lại không ngó ra ngoài mà quay mặt vào trong nhìn vào xó tối. Lửa đã tàn, căn phòng tràn đầy không khí dịu và ẩm của một buổi chiều nhiều mây và tĩnh mịch hết sức đến nỗi không những tôi nghe được tiếng suối chẩy rào rào ở Diên Mễ Tôn mà còn có thể nghe được cả tiếng nước đập róc rách lên những hòn cuội hay tảng đá lớn nhô khỏi mặt nước.
Trước cảnh tượng u sầu lạnh lẽo ấy tôi thốt lên một tiếng bất bình: "Trời!" rồi lần lượt đóng các cửa sổ lại. Tới chiếc cửa sổ ông đang đứng tôi hỏi cốt để ông nhích người qua một bên, vì từ nẫy ông vẫn đứng yên như trời trồng:
"Ông có cần đóng cửa sổ này không ạ?"
Lúc tôi nói, ánh nến soi lên mặt ông. Ôi chao ơi, ông Lộc ơi, tôi không biết tả sao cho hết nỗi hoảng sợ của tôi khi vừa thoáng thấy hình ảnh ông ta lúc ấy. Đôi mắt đen sâu hoắm! Cái cười và sắc mặt tái nhợt gớm ghiếc ấy! Tôi tưởng đâu không phải ông Hy mà là một bóng ma! Trong cơn kinh hoảng tôi để nghiêng ngọn nến vào tường khiến đèn tắt ngúm và căn phòng rơi vụt vào bóng tối.
Ông Hy cất tiếng, giọng quen thuộc:
"Vâng, bà đóng lại. Bà rõ khéo lúng túng chưa? Sao không cầm ngay cây nến lên. Nhanh lên nào, mang cây khác vào đây."
Tôi sợ điên lên, vội chạy ra ngoài. Vì tôi không dám trở vào nữa, tôi bảo Dọi:
"Ông chủ bảo thắp cây đèn mang vào và đốt lò sưởi lên."
Dọi nhặt mấy que củi đương cháy giở bỏ trong cái xẻng rồi đi vào. Nhưng lão lại quay ra ngay, trên tay kia cầm khay đồ ăn, nói rằng ông Hy sắp đi ngủ và từ giờ đến sáng mai không cần dùng gì nữa. Ngay lúc đó, chúng tôi nghe có tiếng ông Hy bước lên lầu. Thay vì đi thẳng vào phòng riêng, ông lại bước vào buồng có lát ván, mà như tôi đã nói, có cửa sổ khá rộng có thể trèo ra trèo vào được. Tôi nghĩ không khéo ông định dấu chúng tôi đi chơi đêm nữa.
"Hay ông Hy là ma cà-rồng?" Tôi tự hỏi thế vì tôi đã đọc nhiều truyện ma hiện hình. Nhưng nghĩ lại cả cuộc đời ông chính tôi đã săn sóc ông từ lúc ông còn thơ ấu, chứng kiến cảnh ông lớn lên đến tuổi trưởng thành rồi theo ông gần trọn cuộc đời, thế mà bây giờ tôi lại ghê sợ ông như sợ ma quỷ thì có vô lý không?
Tuy nghĩ thế nhưng trong lúc tôi thiu thiu ngủ một ý tưởng dị đoan lại thầm thì trong óc tôi: "Nhưng cái thằng nhỏ đen đúa dơ bẩn ấy, nó do đâu mà ra, từ đâu mà đến, để cho ông già nhân đức kia nhặt về nuôi, phá hoại cơ nghiệp, dòng giống ông ta?" Trong cơn mê mê tỉnh tỉnh tôi cố tìm cho Hy một gốc gác phù hợp với tính tình ông. Tôi xét đi xét lại cả cuộc đời ông ta qua bao biến chuyển ghê gớm rồi cuối cùng tưởng tượng ông chết đi và đám ma ông. Trong tất cả những ý nghĩ ấy, điều làm tôi phiền muộn nhất là phải cáng đáng việc viết lời ghi khắc lên bia mộ. Vì ông không có tên họ, cũng không ai biết tuổi ông bao nhiêu cho nên chúng tôi đành phải khắc trên bia vỏn vẹn độc một chữ "HY". Đúng thế, tôi không thể nào làm khác. Nếu ông có vào nghĩa địa thăm, chắc chắn ông sẽ chỉ đọc được trên bia có độc một chữ đó và ngày ông ta chết, thế thôi.
Đến tảng sáng tôi mới tỉnh táo lại. Tôi trở dậy bước xuống vườn tìm xem có dấu chân dưới cửa sổ không, nhưng không có. Tôi nghĩ: "Đêm qua ông ấy ở nhà và sáng nay chắc là đã bình phục." Tôi sửa soạn bữa ăn sáng cho mọi người như thường lệ, bảo Hạ và Liên cứ ăn trước đừng đợi ông Hy vì ông dậy muộn. Hai người thích ăn ở ngoài trời nên tôi bê cái bàn nhỏ ra ngoài đó cho họ.
Lúc quay trở vào tôi đã thấy ông Hy xuống nhà rồi. Ông đang bàn với Dọi về công việc trang trại, ông dặn dò cặn kẽ và rõ ràng, nhưng ông lại nói rất nhanh, luôn luôn quay đầu sang một bên, và vẫn có cái vẻ khích động như hôm trước, có phần còn thái quá hơn. Khi Dọi ra khỏi, ông tới ngồi vào chiếc ghế ông thường ngồi. Tôi đem đặt trước mặt ông một tách cà-phê. Ông gạt tách ra, tì hai cánh tay lên bàn, rồi đăm đăm nhìn ngắm vào bức tường đối diện. Ông ngắm một khoảng tường, ngắm từ trên xuống dưới, rồi từ dưới lên trên, cặp mắt sáng rực không ngừng chuyển động. Ông ngắm một cách say sưa, háo hức, đôi khi nín thở đến nửa phút.
Tôi đẩy mạnh miếng bánh tới tay ông và nói to:
"Ông ơi, ông sơi bánh và cà-phê đi kẻo nguội hết. Cà phê này tôi hâm cả giờ trên bếp cho nóng đợi ông dậy dùng đấy."
Ông ta không nghe thấy tôi nói, mặc dù ông mỉm cười. Tôi chẳng thà thấy ông ấy nghiến răng còn thích hơn là ông mỉm cười như thế. Tôi kêu lên:
"Ông chủ ơi! Ông nhìn gì mà nhìn trân trân như thấy ma hiện hình như thế!"
Ông đáp:
"Trời đất! Đừng có la to như vậy! Nhìn kỹ xung quanh đây xem có ai không? Hay chỉ có bà và tôi?"
"Tất nhiên chỉ có ông với tôi thôi!"
Tuy nói quyết như thế tôi vẫn đưa mắt nhìn xung quanh như không chắc lời mình nói là đúng. Ông Hy quơ tay một cái dẹp quang các thức trên bàn và nghiêng nghiêng cái đầu để nhìn cho dễ.
Bấy giờ tôi mới để ý là không phải ông Hy nhìn bức tường. Quan sát kỹ tôi thấy mắt ông như dán vào một vật gì ở cách xa ông chừng hai thước. Dầu vật ấy là gì đi nữa thì hiển nhiên nó đã làm ông nửa vui sướng nửa thống khổ... chính cái cái vẻ mặt ngây ngất lẫn khổ não của ông khiến tôi nghĩ như vậy. Vật tưởng tượng đó không đứng nguyên một chỗ vì cặp mắt ông theo rõi không biết mệt, ngay cả khi ông nói chuyện với tôi mắt ông vẫn không rời nó.
Tôi mấy lần nhắc ông dùng điểm tâm nhưng vô ích: nếu ông có phác một cử chỉ nào để đáp lời tôi, nếu ông có đưa tay để lấy miếng bánh mì thì tay ông chưa cầm miếng bánh đã nắm lại và rơi thõng xuống bàn, quên hẳn vật ông định lấy.
Tôi kiên nhẫn tìm mọi cách khiến ông tỉnh trí không còn chú mục đến cái ảo ảnh đang thu hồn ông. Nhưng sau cùng ông cáu tiết đứng dậy hỏi tôi tại sao không để tự ông chọn lúc nào ông thích ăn thì ăn và bảo lần sau đừng có chờ, cứ để thức ăn đấy rồi đi ra cho được việc. Nói xong ông bỏ ra khỏi nhà, bước chậm chậm xuống lối vườn và mất hút sau cánh cổng.
Giờ nọ nối tiếp giờ kia trôi qua trong nỗi lo buồn. Lại một buổi tối nữa đến. Khuya lắm tôi mới đi nghỉ nhưng không tài nào chớp mắt được. Quá nửa đêm ông Hy trở về, nhưng thay vì lên lầu ngủ, ông lại vào phòng dưới nhà đóng cửa lại. Tôi nằm trăn trở, nghe ngóng. Cuối cùng tôi dậy mặc quần áo xuống nhà dưới. Làm sao tôi có thể nằm yên nổi khi đầu óc tôi bị trăm ngàn nỗi lo âu giầy vò?"
Tôi nghe tiếng chân ông Hy đi đi lại lại không ngừng trên sàn nhà, tiếng thở dài não nuột như tiếng rên rỉ vang trong im vắng. Ông ta còn lẩm bẩm những câu không ăn nhập gì với nhau mà tôi chỉ nghe rõ một tiếng Liên kèm theo những lời yêu đương say đắm hoặc ê chề đau đớn, những lời như nói với một người hiển hiện trước mặt, bằng một giọng nhỏ nhẹ, say sưa, phát tự đáy lòng. Tôi không có can đảm đi thẳng vào phòng, nhưng vì muốn kéo ông ra khỏi cõi mộng, tôi vào bếp cố ý xục sạo, xếp củi, cời than, gạt tro ầm ĩ. Ông chú ý tới tiếng động, nhanh hơn tôi tưởng. Ông mở cửa ra gọi:
"Bà Diễn vào đây. Đã sáng rồi à? Đem nến lên đây."
Tôi đáp:
"Dạ. Đồng hồ đã gõ bốn tiếng. Ông cần phải có nến để soi lên lầu. Ông có thể vào đây lấy lửa."
"Không, tôi không định lên gác. Bà vào đây đốt lửa lên cho tôi và dọn dẹp phòng luôn thể."
"Để tôi chụm than hồng trong lò đã."
Tôi đáp, nhấc chiếc ghế ngồi và lấy ống thổi lửa. Trong lúc đó, ông Hy đi tới đi lui trong phòng trong trạng thái gần như hôn mê và miệng thở dài. Rồi ông lên tiếng:
"Sáng ra, tôi sẽ cho mời ông Lục tới để hỏi cho rõ về vài điểm pháp lý, trong khi tôi còn đủ sức và tỉnh táo để tính đến những việc đó và đủ bình tĩnh để hành động nữa. Tôi chưa lập chúc thư và cũng chưa biết quyết định chia chác tài sản của tôi ra sao. Giá tôi có phép gì tiêu hủy hết mọi tài sản của tôi, không để một thứ gì tồn tại trên mặt đất này thì hay biết mấy..."
Tôi ngắt lời ông Hy:
"Thưa ông, ông không nên nói như thế. Ông khoan hãy làm chúc thư. Ông còn lắm thì giờ để ăn năn hối cải về sự bất công của ông. Tôi không hề bao giờ nghĩ gân cốt ông có thể suy sụp được. Ấy thế mà nó suy sụp rồi đấy, suy sụp một các trầm trọng và hoàn toàn do lỗi ở ông. Sống như ông trong hai ba ngày nay giá ông có là lực sĩ đi nữa thì cũng phải quỵ. Ông cần phải ăn uống nghỉ ngơi. Ông cứ soi gương thì biết, má ông hóp lại, mắt ông đỏ ngầu, chẳng khác nào người sắp chết đói và thiếu ngủ."
"Tôi không ăn không ngủ đâu phải lỗi tại tôi. Tôi cam đoan với bà là tôi không cố ý làm thế. Khi nào có thể ăn ngủ được là tôi làm liền. Bà bảo tôi nghỉ ngơi có khác nào bà bảo một người đang vùng vẫy trong nước hãy nghỉ bơi khi còn cách bờ có một sải tay! Phải tới bờ cái đã rồi muốn tính gì thì tính. Được rồi, dẹp cái chuyện ông Lục đi. Còn về việc ăn năn hối cải về những bất công mà bà vừa nói đó, tôi nói cho bà biết là tôi chẳng làm gì bất công hết và tôi cũng chẳng hối cải gì hết. Tôi quá sung sướng, vậy mà tôi vẫn chưa cảm thấy sung sướng đủ mức. Hạnh phúc của tâm hồn tôi giết chết thể xác tôi mà tôi vẫn còn chưa toại nguyện."
"Ông mà sung sướng ư, thưa ông? Hạnh phúc gì mà quái đản thế? Nếu ông nghe tôi nói mà không phật ý thì tôi có thể hiến ông một lời khuyên giúp ông được sung sướng."
"Lời khuyên gì, bà Diễn? Nói nghe đi!"
"Ông Hy, chắc ông nhớ từ năm ông mười ba tuổi, ông đã sống một cuộc đời ích kỷ, không hợp với đạo giáo. Chắc từ đó đến giờ ông không bao giờ cầm tới quyển Thánh Kinh, ông đã quên hết những lời trong sách và chẳng có thì giờ tìm đọc lại cho nhớ. Nếu bây giờ ông mời một người - một mục sư thuộc giáo phái nào đó không cần biết - tới để giải nghĩa sách cho ông, để vạch cho ông rõ ông đã đi xa những giáo điều và không xứng đáng được về nước Chúa, nếu trước khi nhắm mắt ông không thay đổi tâm tính.
"Bà Diễn, tôi không giận bà mà còn mang ơn bà nữa vì bà đã giúp tôi nhớ đến cách thức làm ma cho tôi. Tôi muốn được an táng tại nghĩa địa, vào buổi chiều. Hạ và bà - nếu bà muốn - sẽ đi đưa đám tôi: nhớ lưu ý đặc biệt bảo người phu đào huyệt làm đúng lời tôi dặn về hai cái áo quan! Không cần mục sư, cũng không cần điếu văn gì hết. Tôi đã nói với bà là tôi tới sát thiên đường của tôi rồi. Còn thiên đường người khác vô giá trị đối với tôi, tôi không cần biết".
Thấy thái độ ơ thờ vô đạo giáo của ông, tôi bực mình nói:
"Ví dụ như ông cứ khăng khăng nhịn đói, không chịu ăn uống gì cho đến chết và người ta từ chối không chôn ông trong Đất Thánh thì sao? Như vậy ông có hài lòng không?"
"Họ sẽ không làm thế đâu. Nếu họ làm thế thì bà phải bí mật chuyển tôi đi. Nếu bà trái lời tôi bà hãy coi chừng: linh hồn người chết không tiêu tan đâu!"
Mọi người trong nhà bắt đầu rục rịch thức dậy, ông Hy thấy thế liền rút lui ngay về sào huyệt của ông và tôi thở ra nhẹ nhõm. Nhưng đến trưa, trong khi Hạ và Dọi bận việc, ông lại vào bếp với cái nhìn quái gở, yêu cầu tôi vào phòng ông vì ông cần có người ở bên cạnh. Tôi từ chối, nói thẳng ra là lời nói và cử chỉ kỳ dị của ông làm tôi sợ, không dám ngồi một mình với ông ta.
Ông Hy cười thiểu não, nói:
"Chắc bà coi tôi như ác quỷ? Một ác quỷ sống dưới mái nhà lương thiện này?"
Rồi quay sang Liên, nẫy giờ vẫn nấp sau lưng tôi, ông ta nói giọng giễu cợt:
"Còn cô ả này, có muốn vào không? Tôi có làm gì đâu mà sợ? Cô không vào à? Đối với cô tôi đã làm cho cô thấy tôi còn hơn cả ác quỷ nữa. Thế mà có một người không sợ tôi, không né tránh tôi! Ôi! Nàng thật tàn nhẫn. Quỷ thần ơi! Sao mà chịu nổi..."
Hy không đòi ai ở gần ông nữa. Tối đến ông về phòng riêng. Suốt đêm và gần cả buổi sáng hôm sau chúng tôi nghe thấy tiếng ông rên rỉ và lẩm bẩm một mình. Hạ muốn vào thăm nhưng tôi bảo chàng đi mời bác sĩ Kiên đến thăm bệnh cho ông ta. Khi Đốc Kiên đến tôi đòi vào theo. Nhưng cửa phòng khóa. Ông Hy đuổi chúng tôi đi và nói ông đỡ rồi không muốn ai tới quấy rầy. Ông Đốc bỏ về.
Tối hôm ấy trời mưa to gió lớn suốt đêm. Tới sáng tôi đi quanh nhà một vòng, thấy cửa sổ trong phòng ông mở toang, mưa táp vào tận trong. Tôi nghĩ bụng: "Mưa tạt thế kia ướt hết giuờng chiếu rồi còn gì. Chắc ông ấy dậy rồi hoặc đi ra ngoài rồi cũng nên. Thôi, mình chẳng nên e ngại nữa, cứ vào đại đi xem sao!"
Tôi lấy chìa khóa khác mở được cửa buồng rồi chạy ngay tới mở cửa vách Ứ- vì phòng trống trơn - tôi vội kéo cánh cửa vách ngó vào trong. Ông Hy nằm ngửa... mắt nhìn thẳng vào tôi, cặp mắt sắc và dữ tợn khiến tôi giậy nẩy mình. Hình như ông ta lại cười.
Tôi không thể nghĩ là ông ta đã chết... mặc dù mưa hắt ướt mặt và cổ ông, mặc dù chăn nệm ướt nước nhỏ giọt và thân hình ông hoàn toàn bất động. Cánh cửa sổ đập ra đập vào làm trầy da bàn tay ông vẫn còn níu trên thành cửa - vết thương không có máu - và khi tôi rờ vào bàn tay đó thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa: ông Hy đã chết cứng!"
Tôi đóng cửa sổ lại, vuốt ngược những sợi tóc lòa xòa trên trán ông. Tôi cố gắng, trước khi có người tới, vuốt mắt cho ông ta nhắm lại để nếu có thể, dập tắt cái nhìn vui cuồng dễ sợ của đôi mắt linh động như còn sống ấy. Nhưng đôi mắt đã không chịu nhắm, lại còn có vẻ cười nhạo tôi đã tốn công vô ích. Môi ông hé mở lộ hàm răng nhọn trắng nhởn cũng có vẻ cười ngạo nghễ! Tôi thất kinh, la lên gọi lão Dọi. Lão lê bước từ dưới bếp lên rồi kêu ầm ỹ cả lên, nhưng nhất định không chịu mó tay vào xác chết.
Lão kêu:
"Quỷ sứ nó bắt hồn ông ấy sao nó không bắt luôn cái xác đi cho tôi nhờ! Chao ơi! Ông này đến ác, chết mà còn cười giễu người ta đấy chứ!"
Rồi lão ta nhe răng cười giễu lại. Tôi tưởng lão định nhẩy cẫng lên xung quanh giường. Nhưng không. Lão bỗng nghiêm nét mặt lại, trịnh trọng quỳ xuống, chắp tay lại tạ ơn Trời đã cho người cháu đích tôn và dòng họ cũ được khôi phục quyền làm chủ cái gia tài sản nghiệp này.
Biến cố ghê gớm làm người tôi choáng váng. Tuy không định mà trí nhớ tôi cứ nhớ lại những thủa xa xưa mà lòng buồn u uất. Và thật tội nghiệp cho Hạ, người bị bạc đãi nhất lại chính là người duy nhất thật sự thương xót.
Suốt đêm chàng ngồi bên xác chết khóc lóc thảm thiết. Chàng nắm chặt lấy tay người chết, hôn lên cái mặt nhạo báng man rợ không một ai muốn nhìn ấy. Chàng khóc thương Hy với một nỗi buồn sâu xa thắm thiết tự nhiên, phát xuất tự một tấm lòng quảng đại, từ một con tim tuy rắn như sắt đá nhưng không thù hận.
Ông Đốc Kiên lúng túng không biết nói sao về căn bệnh đã gây nên cái chết của ông chủ. Tôi giấu nhẹm vụ ông Hy không ăn uống gì từ bốn hôm nay, nói ra chỉ sợ gây thêm rắc rối. Vả lại tôi tin rằng ông không cố ý nhịn đói: đó là kết quả chứ không phải là nguyên nhân chứng bệnh kỳ dị của ông.
Mặc cho lối xóm dị nghị và làm rùm beng, chúng tôi cứ chôn cất theo đúng ý nguyện người quá cố. Chỉ có Hạ, tôi, người phu đào huyệt và sáu người phu đòn tham dự đám tang. Sáu người này về ngay sau khi hạ huyệt, chúng tôi ở lại để coi đắp mộ. Hạ, nước mắt đầm đìa, nhặt từng tảng cỏ xanh, tự tay đắp lên nấm đất nâu mềm. Ngôi mộ bây giờ cũng bằng phẳng và xanh tươi như những ngôi bên cạnh... và tôi hy vọng người nằm trong đó cũng say sưa an giấc như những người kế cận.
Thế nhưng... nếu ông có hỏi dân vùng này thì chắc chắn họ sẽ thề độc trên cuốn Thánh Kinh mà nói quả quyết rằng ông ấy đi lang thang. Người thì bảo gặp ông ta đi gần nhà thờ, người thì nói ông ấy ở rừng cỏ, thậm chí ở ngay trong nhà này nữa. Toàn là những chuyện phi lý. Ông Lộc, chắc ông nghĩ thế, tôi cũng vậy. Thế nhưng cái lão già ngồi bên bếp lửa kia đã quả quyết rằng từ khi ông Hy chết đêm mưa nào lão cũng thấy có hai người từ cửa sổ phòng ông ta nhìn ra... Còn tôi thì tôi đã gặp một chuyện lạ cách đây chừng một tháng.
Chả là một buổi tối tôi sang Họa Mi Trang. Trời tối đen, sấm chớp ầm ầm. Đúng ngay ở khúc quẹo trên Đỉnh Gió Hú tôi gặp một thằng bé chăn chiên đang xua một con cừu mẹ và hai con cừu con đi trước. Thằng bé khóc sướt mướt. Tôi đoán nó khóc vì mấy con cừu cứng đầu, không chịu để nó dắt đi nên hỏi nó:
"Có chuyện gì đó, em?"
"Ông Hy và một người đàn bà. Kia kìa, dưới mỏm đá nhọn ấy. Cháu không dám đi qua mặt họ."
Nó vừa nói vừa nức nở khóc. Tôi không thấy gì hết, nhưng cả thằng bé lẫn đàn cừu đều không dám tiến lên. Tôi phải bảo nó đi vòng xuống mé dưới. Tôi nghĩ là có thể là khi đi qua cánh đồng hoang nó liên tưởng đến những chuyện tầm bậy tầm bạ do cha mẹ hay bè bạn kể lại, rồi nó tưởng tượng ra chứ làm gì có ma quỷ.
Dẫu sao ngay cả bây giờ tôi không thích ra khỏi nhà một mình trong đêm tối và tôi cũng không thích ở một mình trong căn nhà buồn tẻ này... Bao giờ cô cậu chủ tôi bỏ đây, dọn sang Họa Mi Trang thì tôi mừng lắm.
Tôi hỏi:
"Họ sắp dọn sang Họa Mi Trang rồi sao?"
"Vâng, sau khi làm đám cưới xong vào ngày đầu năm tới."
"Thế ai sẽ ở đây?"
"Dọi sẽ trông coi nhà cửa. Có thể có một thẳng bé đến ở với lão. Họ ở căn bếp, còn thì khóa lại hết..."
Tôi tiếp lời:
"... để cho mấy hồn ma về ở."
Bác Diễn lắc đầu:
"Không đâu. Tôi tin rằng người chết đều an nghỉ. Mình chả nên nhẹ dạ, ông Lộc ạ, nói tới họ mà không suy nghĩ là điều không tốt."
Lúc đó, cánh cửa vườn mở ra. Hai người đi dạo chơi đã về. Tôi nhìn họ qua cửa sổ và khẽ nói:
"Họ chẳng sợ gì hết. Họ ở bên nhau thì có đến sa tăng hay cả bầy ác quỷ họ cũng bất chấp..."
Khi bước lên thềm đá hai người còn đứng lại ngắm trăng một lần chót. Hay, nói đúng hơn, họ đứng lại nhìn nhau dưới ánh trăng. Một lần nữa tôi thấy mình phải dằn lòng trốn họ.
Tôi dúi vội một đồng tiền vàng vào tay bác Diễn, rồi không để ý đến lời bác ta trách tôi sỗ sàng, tôi chuồn nhanh vào bếp, trong lúc họ mở cửa vào phòng. Hành động như vậy chẳng khác nào tôi đã xác nhận với Dọi rằng ý kiến của lão về những hành vi lẳng lơ của bà Diễn là đúng, nếu chẳng may tiếng đồng tiền vàng kia rớt xuống chân lão kêu lenh keng không làm lão nhận ra tôi là người đàng hoàng đáng kính.
Khi quay về Họa Mi Trang tôi đi đường vòng về phía nhà thờ. Tới chân tường, tôi nhận thấy mới có bẩy tháng mà nhà thờ đã đổ nát thêm nhiều. Nhiều cửa sổ đã mất kính, chỉ còn những lỗ trống đen ngòm, nhiều viên ngói đã tróc ra, chỉ còn đợi cơn gió bão mùa thu là bay dần đi hết.
Tôi đi tìm và thấy ngay ba tấm bia đá trên dốc cạnh cánh đồng cỏ hoang. Tấm ở giữa xám xịt, một nửa bị vùi dưới đám cây thạch thảo; tấm của Tôn-Kha thì rêu phong cỏ mọc dưới chân, còn tấm của Hy hãy còn trần trụi.
Dưới bầu trời êm ả tôi nấn ná ở lại bên mấy ngôi mộ ấy. Tôi ngắm những cánh bướm đêm bay lượn giữa bụi thạch thảo, tôi nghe tiếng gió hiu hiu thổi làm lay động những ngọn cỏ; và tôi tự hỏi tại sao người ta lại có thể nghĩ rằng những người nằm trong lòng đất kia ngủ không yên giấc.