Friday, December 25, 2015

NHỮNG MẨU CHUYÊN NGẮN ( VTTG LÚA 9 )

 Fr: Liennhutran*Truc Giang
Vịnh lão chăn bò
Nghề của lão chỉ là một tên chăn bò, bạn của lão là đồng ruộng, là rơm rạ thơm mùi lúa chín. Bạn hủ hỉ của lão là những con bò hiền lành, tối ngày phẩy phẩy đuôi đuổi ruồi, miệng nhơi nhơi goặm cỏ, bò chả đụng chạm tới ai, chẳng thèm nghe ai, nhưng thịt chúng nó lại là thứ dinh dưỡng nuôi sống nhân loại. Hỏi trên đời này mấy ai không khoái
khẩu thịt bò chứ? Nhưng cái câu bộc phát ra từ cửa miệng của người đời  dễ nhất để chê người khác là " NGU như Bò", chứng tỏ là mình khôn hơn, còn kẻ khác mới là NGU. 
Mắng kẻ khác ngu-như-bò mà năm này  tháng nọ nuôi dưỡng thân khẩu ý bằng thịt bò chẳng khác nào mình cũng ngu như nó.
Lão chán ngán sự đời, bèn quay về căn chòi lá, lẩm bẩm một mình:
- Khôn cũng chết. Ngu cũng chết. Chỉ có kẻ biết là sống.
Võ Thị Trúc Giang Lúa 9
17.Dez 2015
****
Đúng / Sai
Thường thì ta xem tin tức, xem phim trên truyền hình hay đọc một cuốn sách, ta hay chú tâm xem hình dạng diễn viên ấy là ai, đẹp hay xấu, lối diễn xuất có tài tình không, nổi tếng không, có đủ làm cho người xem xúc động qua lối diễn xuất bằng cử chỉ, nét mặt của mình? Còn một cuốn sách, những dòng chữ trang trải nào đó lọt vào mắt độc giả và có gây nên ấn tượng gì cho người đọc nhớ? Người xem phim, người đọc sách thường là những người khác nhau. 80 triệu người khác nhau, sẽ có 80 triệu óc nhận xét khác nhau.
Như vậy khi nhận xét khác nhau không có nghĩa là anh sai. Sao anh nói tôi sai?
Thẻ căn cước  

Hắn còn trẻ, độ 45 tuổi, là người đến Đức xin tỵ nạn lâu năm, được mệnh danh là "thuyền nhân" như bao nhiêu người VN tỵ nạn cs khác, hắn có passport Đức, được  hưởng tất cả các quyền lợi như một công dân Đức. Được mang cái mark " thuyền nhân" tức là có thẻ căn-cước-cờ-vàng-3-sọc-đỏ  kè kè để lòa mắt thiên hạ. Hắn mở tiệm Asia shop, mở thêm vài nhà hàng Việt cho thuê, tiền của hắn là của chạy ngầm, hắn khai triển ngành kinh doanh bằng cách buôn bán với VN, liên hệ ngầm với sứ quán, những người bạn kinh doanh với hắn là anh chị em Đông Âu. Rút kinh nghiệm của cộng đồng VN bên Mỹ, bên Pháp, bên Úc, thì ngu dại gì mà treo cờ đỏ sao vàng để bị cộng đồng tẩy  chay chớ, để dễ bề thu hút cảm tình cộng đồng hắn khôn khéo treo ngay căn-cước-tỵ nạn-lá-cờ-vàng-ba-sọc-đỏ bự chảng trước cửa quán thể như  khoe căn cước tỵ nạn của mình. Đương nhiên là cộng đồng khoái và tin tưởng lắm, ủng hộ rần rần, vui vẻ khi tới quán mua bán, chẳng ai nghi ngờ gì. Hắn thấy tội cho dân Việt mình hay cả tin vào bề ngoài, cả một lịch sử Việt bị lừa rồi mà vẫn tiếp tục bị lừa.

Hắn nghĩ, xem tình hình trong nước, cứ cái đà này hết Đại Hội Đảng này chờ tới ĐH Đảng tới, hết ông Trọng Lú rồi đến Nguyễn Tấn Dũng Tồi, thằng nào lên cũng hèn với giặc ác với dân hết ráo, chỉ có thằng dân nghèo bị thiệt thòi mà thôi.  Tàu cộng thế nào cũng chiếm VN mình. 

Hắn thở dài,  mai kia mốt nọ có thay đổi Hiến Pháp, có bầu cử tự do đa đảng đi nữa thì chắc chắn anh NTD nhà mình sẽ thắng, vì có bước cờ dọn đường sẵn của Mỹ mà, nhưng trời ơi, bà con nhìn Putin mà xem, tên Tổng Thống xứ Tự Do Dân Chủ Nga có gốc gác Cộng sản thì muôn đời nó vẫn là thằng độc tài, đàn áp nhân dân mà thôi.

Chỉ tội nghiệp cho những người dân oan trong nước bị mất đất, than khóc xuống đường biểu tình đòi chính phủ bồi thường - Tội cho những nhà đấu tranh dân chủ bị nhà nước bắt bớ tù đày. Tàu thì càng ngày càng lộ hình phù thủy. Kẻ giàu thì giàu nứt vách, người nghèo thì lê lết kiếm cơm qua ngày. Hắn biết thế nên nghĩ thầm, thôi ta chăm chỉ làm giàu bỏ túi riêng chẳng quan tâm chính chị chính em chi cho phiền phức. Vì hắn sợ chẳng đi tới đâu, nhỡ mai kia mốt nọ có thay đổi chính quyền, thôi thà kiếm tiền bỏ túi trước cái đã.
Cho tao nói lời xin lỗi !

Claudia là một cô bạn người Đức hay ghé vào quán tôi, thường dẫn theo đứa con kháu khỉnh, dễ thương. Mẹ của Claudia có quán bán bông trong làng, Claudia chiếm được cảm tình và niềm tin của tôi nhanh chóng. Chúng tôi hay tâm tình rồi trở thành bạn thân. Một ngày chúng tôi tổ chức buổi gây quỹ giúp trẻ em nghèo ở Việt Nam. Buổi gây quỹ từ thiện đó được đồng bào địa phương ủng hộ, tiền bán bánh trái, thức ăn thu được trên 500 đồng D-Mark.
Tôi không muốn mang tiếng vừa là ban tổ chức, vừa là thủ quỹ giữ tiền, tôi muốn nhóm từ thiện Đức Việt này tồn tại, nên hỏi ý Clauia:
- Đề nghị mày làm vai thủ quỹ của nhóm nhé ? Gủi tiền vào một công tô riêng đến khi nào tiền được gửi đi cho một cơ quan uy tín.
Claudia nhận lời ngay. Nhóm chúng tôi bàn giao số tiền đó cho Claudia, và chờ đợi. Vài tuần sau, Claudia quay lại  đưa cho tôi số công tô, để mọi chi phí, tiền nếu có thu thêm cho quỹ từ thiện sẽ được chuyển vào công này.   
Nhìn thái độ của Claudia tôi bán tín, bán nghi, buổi trưa, đóng tạm cửa quán, tôi lái xe ra nhà bank, hỏi cho ra lẽ, thì ra, đây không phải là một công tô riêng, mà là công tô của Claudia.
Chúng tôi tức tốc tụ tập buổi họp, có mặt Claudia. Nó khóc nức nở:
- Cho tao nói lời xin lỗi...vì hoàn cảnh tao đang ly dị chồng, sắp đem con dọn đi tỉnh khác sinh sống, nên tao mới có ý định điên rồ ấy. Tao hối hận và xấu hổ việc mình làm.

Claudia móc ví bày số tiền nhân đạo đó ra bàn và chạy ra cửa như chạy trốn.
Võ Thị Trúc Giang Lúa 9


Đêm Thánh Vô Cùng
Đúng tháng 12 năm 1978 tôi được nước Đan Mạch nhận vào tỵ nạn. Mùa Noel năm ấy tôi dọn vào ở chung nhà người bảo trợ. Họ có hai đứa con. Cô con gái đầu lòng tên Lisbeth, còn cậu trai tên là Ulrik. Đêm 24.12 họ dẫn tôi đi lễ đêm với họ, người Đan Mạch có thông lệ là đi dự tiệc chung với nhau sau thánh lễ. Trong hội trường cạnh nhà thờ, tôi ngoan ngoãn ngồi cạnh ông bà bảo trợ, họ giới thiệu với bạn bè của họ rằng tôi là con gái nuôi của họ, là chị lớn của hai đứa em, hai đứa nhỏ hơn tôi. 
Thưởng thức nhạc Giáng Sinh, người đệm đàn piano là người đàn ông trẻ, anh thả hồn vào nhạc, những ngọn nến lung linh, làm không khí căn phòng trở nên ấm cúng, ngoài trời tuyết trắng xóa. Bỗng nhạc trổi lên bài Silence Night Đêm Thánh Vô Cùng...
Ôi nhạc trầm bỗng đưa tôi chơi vơi, lạc lõng nơi quê người, không thể cầm lòng được nữa, hình ảnh mẹ tôi, ba tôi, anh chị em cháu, bà con làng xóm láng giềng hiện ra trước mắt tôi và con thuyền tỵ nạn lênh đênh trên biển cả. Ôi cơn nhớ nhà khiến tôi khóc ngất, khóc rưng rức, hai vai rung bần bật, cố cắn môi để đừng bật thành tiếng nấc. May quá trong hội trường bóng tối chập chùng ngọn nến lung linh, và một mình tôi ngồi khóc. Vì nhớ kỷ niệm quê xưa.
Trở về với chính mình
Cảm ơn người đã đem về một bài viết rất hay, ý nghĩa: " Thông điệp của Đạt-Lai Lạt-Ma: Gửi đến những ai đang cảm thấy cô đơn "; nhưng ...nếu chúng ta luôn mang tâm niệm: gia đình và bạn hữu là tối cần thiết trong cuộc sống, nhưng sự thành công, sự cố gắng tiến thân của ta là một cái gai dưới mắt họ, mình càng muốn đến gần thì họ tìm cách lời ra tiếng vào, cho rằng ta hay làm nổi! Lời nói ác độc, dèm pha, bêu rếu, nói xấu, nhục mạ ta khiến cho ta cảm thấy bị tổn thương, va chạm tự ái. Ta càng cảm thấy lạc loài. Đừng tưởng gia đình, xã hội là không có sự ghen tỵ, hãm hại nhau. Đó là những thử thách chông gai ta phải vượt qua, để có thêm bạn bớt thù. 
Thử hỏi: ta có còn đủ kiên nhẫn cúi đầu nuốt ngược sân hận xuống, thực hiện "nhẫn-nhưng-không-phải-nhục" để nghe họ sỉ nhục, để được mang tiếng là người hài hòa, để thực hiện đúng lời Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy hay không? Hay là tốt nhất là thực tập hạnh nhẫn nhục của Người-Biết-Sống-Một-Mình? Lánh xa phiền não để tìm lại chính mình tránh lời qua tiếng lại. Người nhạy cảm, thích sống nội tâm thường hay cảm thấy rất cô đơn ngay cả lúc đang đứng giữa sự ồn ào náo nhiệt nhất! Họ thích tìm về với chính họ để tìm lại mình.
            ****                                                                                                            
Tự ái dân tộc
Cô em làm giấy đón chị ruột qua Tây Đức chơi, muốn giới thiệu chị mình về văn hóa của Âu châu. Cô em dự định đưa chị đi thăm những kỳ quan thế giới như Paris, Versaille, lâu đài Neuschwanstein Munich, Amsterdam Hòa Lan...Hai chị em mỗi người coi như ở một quốc gia khác biệt. Cô em phân trần "Em thấy Việt nam mình bây giờ cái gì cũng xấu, đồ ăn thì toàn chất độc, làm đường xây cầu thì chúng nó "ăn xi-măng" để cho cầu sập dân chúng chết, ca nhạc sĩ sáng tác nhạc yêu nước thì bị công an bắt bớ, nhà nước cướp đất của dân lành, còn du khách ngoại quốc tới VN thì bị cướp bóc giựt đồ...Riết em rất xấu hổ khi kể về VN mình cho bạn bè Đức nghe!"
Bà chị nghe xong điên tiết, tự ái dân tộc nên la ó om sòm: " Mấy người ỷ làm giấy đón tui qua đây chơi rồi chê VN của tui quá vậy. Biết vậy tui cóc thèm qua cho khỏe cái đầu!"
Chuyến đi tham quan kinh đô ánh sáng Paris, lúc mấy chị em lục đục mua vé qua Metro, vừa chuẩn bị bước vào xe metro, bỗng có một đám con nít trai gái (dân du mục) độ chừng khoảng 15-16 tuổi, luồn theo tính rọc túi xách của bà chị. Cô em thấy vậy bèn lo toáng lên, bà chị nhanh tay giơ cao cái ví lên đầu, vì trong xe đang chật chội. Rất may là phát giác kịp. Khi xuống xe, bà chị lúc này mắt nhìn dớn dát, còn lo cướp giựt theo dõi, nhưng vẫn tự hào: " Xời ơi, tụi nó còn thua tao, tao là dân Việt nam qua mà, làm sao qua nổi VN tao chớ!" 
Lá thư cuối cùng viết bằng máu
Nó là thằng cháu gọi chị Hiệp bằng cô ruột. Sau biến cố 75 Bắc Việt xâm chiếm miền Nam, ba nó, anh ruột của chị, là lính ngụy, bị bắt đi tù cãi tạo, sau khi ra khỏi tù anh bị suy sụp tinh thần tột độ, suốt ngày nhậu say sưa để quên đời, nuôi gia đình bằng những bát cơm thừa từ mót lúa ruộng của người. 
Lần cuối cùng chị Hiệp nhận được lá thư của cháu, thư dính đầy máu, như sau: " Cô Hiệp ôi, đời con khổ tận cùng rồi, con vợ của con đã bỏ chồng, bỏ con lên thành phố làm đĩ, có một đêm con rình chờ nó về quê thăm nhà, khi nó đi ngang qua nghĩa địa, con đã nhào ra lấy dao đâm vào ngực và rạch nát mặt nó. Đâm nó xong, xác của vợ con quỵ xuống, máu trây đầy người con, sợ quá không dám nhìn lại nữa, con đâm đầu chạy trốn. Con viết vài dòng thăm cô, nếu cô thương thì gửi cho con ít tiền mua sữa nuôi con gái của con. Mẹ nó về sau này nghe nói đâu đã mất tích, láng giềng đồn là nó đã được Triều Tiên sang lấy làm vợ và từ đó gia đình không còn tin tức nào nữa về nó nữa hết". 
Thiền gương
Truyện xưa kể rằng, có một kiều nữ tối ngày ngồi Thiền gương, ngồi Thiền nhìn mình trong gương cho đến khi không nhận ra mình nữa, thay vì nhận diện ra chính mình trong gương thì lại thấy mình hiện nguyên hình thành con rắn độc. Rắn độc này chuyên ngậm máu phun người. 
"Là con Phật, nếu không nói được những gì Phật nói, hãy im lặng như chánh pháp, đừng nói những lời ác, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, làm tổn hại kẻ khác, nếu không làm được những gì Phật làm, hãy im lặng và lắng nghe, quán sát, học hỏi những thiện tri thức, đừng vọng động làm những điều thương tổn đến tha nhân".
"Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô, anh hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của anh". 
"Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác".
****


Lạc lõng


Biết em dưới quê đang nghỉ Hè, dì em nói với mẹ đem em lên chơi với dì, nhà dì có mặt tiền là tiệm bán thuốc lá, rất giàu ở Sài Gòn. Mẹ  nhận lời và chuẩn bị đưa em lên thành phố, lòng em nôn nao ngủ chẳng yên dù ít khi nào em xa mẹ, dưới quê  tóc tai của em khét mùi nắng cháy, chân đi đất nứt nẻ, nhưng em vẫn vui. Tưởng tượng lên Sài Gòn dì sẽ lái xe hơi đưa đi Cấp tắm biển, đi coi xi-nê, cuối tuần dì chở đi ăn chè Hiển Khánh, ăn bánh cuốn Hiền Vương, đi chơi sở thú, nhà có quạt máy mát lạnh, khác cảnh dưới quê của em chỉ toàn là ruộng lúa, cây chuối, cây dừa, có con chó  con mèo, đàn gà, đàn vịt xiêm dạo chơi trong vườn xoài, vườn ổi, mận.

Em hí hửng theo mẹ lên xe đò, khi xuống xe, đứng trước cảnh ồn ào xe cộ ngang dọc, sợ quá em bám cứng vào gấu áo của mẹ vì sợ, sợ sự lạc lõng trên đường phố lớn. Mẹ bực bội vì bị em níu cứng vào tà áo dài. Tới nhà dì chơi, dì đãi cơm thịnh soạn, trưa đó mẹ  cầm nón đứng vậy ra về, mẹ muốn em ở thành phố lớn chơi để học hỏi đời sống, nếu được thì lên thành phố ở luôn nhà dì nuôi ăn học, chứ quê mùa ít học quá về sau lấy chồng vất vả.  
Em đưa mắt nhìn mẹ cầu khần, ý nói „ Mẹ dắt con về quê theo mẹ với, con  không thích ở trên Sài gòn đâu, nghèo thì nghèo nhưng miễn được gần mẹ". Nhưng mẹ đi nhanh ra đầu hẽm mất hút, hình như mẹ bước lên xe nào đó rồi. Ở lại, cắn môi suy nghĩ một buổi, chịu hết nổi em phóng thật nhanh ra đầu hẽm nhìn quanh quất, xe cộ ào ào, nhưng bóng mẹ đâu rồi? Cảm giác thật lạc lõng, tiu nghĩu quay lại nhà dì, em rớt nước mắt và bắt đầu đếm từng ngày chờ ngày mẹ lên đón.

Võ thị Trúc Giang Lúa 9

***
Bạn 
Hai người đàn ông ngồi trong một quán rượu. Một người thứ nhất hỏi người kia:
"Ông có thấy người Mỹ dễ thông cảm không ông?"
"Không ", người thứ hai trả lời một cách dứt khoát.
"Còn ông có thấy người Pháp dễ thông cảm không?", người thứ hai muốn biết rõ nên hỏi thêm.
"Không." 
"Còn người Anh?"
"Cũng không!" 
"Còn người Đức thì sao?"
"Cũng không luôn." 
Một sự im lặng trôi qua, người thứ nhất nâng ly lên miệng trầm ngâm hỏi tiếp:
"Vậy ai là người mà ông cho là dễ thông cảm nhất hả?"
"Bạn tôi - Họ là người thông cảm tôi nhất", người thứ hai không chần chừ mà trả lời thẳng thắn.
Nguồn: Louis Bromfield 
Lược dịch: VTTG Lúa 9
***
Negativ/ Positiv
Có một anh nọ cũng là dân trong làng báo chí, nhưng mỗi ngày theo dõi trên trang báo mạng online, anh nhận thấy: người đời thích phanh phui hình ảnh của ca sĩ Duy Quang đang bệnh hoạn, gầy đét, xanh xao nhìn không ra chàng ca sĩ một thời khi xưa tung hoành trên sân khấu nữa. Chợt ngón tay anh nhà báo này khựng lại, anh xót xa, suy nghĩ: "Ta có nên đăng tải hình anh ca sĩ này không? Liệu chàng ca sĩ này có bằng lòng không? Anh ta vui hay đau khổ!"
Nghề làm báo chí, truyền thông thường có hai mặt, họ thích khai thác, đăng tải những diễn viên trẻ đẹp, thành danh, tên tuổi nổi tiếng, hay là những scandal, những mối tình vụng trộm, những thất bại, những vụ tự tử của tài tử để thu hút độc giả ái mộ ngòi bút của mình. Như vậy: một mai tài tử xinh đẹp thành công một thời đó bị bệnh nan y, hiểm nghèo, sắp chết thì họ sẵn sàng quay ngòi bút không một chút xót thương.
Vậy kết luận: một ngòi bút chảy ra mực, họ có ý để viết khi có một đề tài thôi thúc thì họ sẽ viết, họ có thể viết về cái rất tốt và cũng có thể viết về những điều rất xấu về một nhân vật nào mà họ muốn. Nhờ vậy mà tên tuổi tác giả lẫn nhân vật bị / được nhắc dù negativ hay positiv đều sống mãi với thời gian.


Tùy "khẩu vị"

Tôi bày gian hàng bán thức ăn tết ra bàn, nhanh tay sợ bà con đến đông không bán kịp nên làm quên thở. Chị đến cạnh tôi nói " Này, theo tôi thấy bày bàn bên cạnh quầy bán nước coi bộ hay hơn đấy." Tôi không ngừng tay, hội trường này tôi quá thuộc nước quen cái nên vẫn giữ ý kê gian hàng thức ăn bằng hai bàn dài kê sát vào nhau. Thức ăn bày đầy ra bàn, chị vẫn để nồi cháo gà Hà Nội của chị ở trong bếp đang hâm lên cho ấm, tôi nói " Chị ơi em có đem theo cái bếp điện này, chị bê nồi cháo ra ngoài này mà bán có phải hơn không khỏi chạy ra chạy vào mất  công". Chị thấy hợp lý và làm theo tôi đề nghị. Chậu nước mắm tôi pha sẵn để bán bánh cuốn và bún thịt nướng, chị nếm thử trề môi " Xời ơi, nước mắm bà pha mặn quá! Tôi đã nói rồi mà bồ không tin, pha nước mắm phải có dấm không được mặn quá ai ăn chắc chắn sẽ chê cho xem!" Tôi ráng giữ từ tốn nói " Mỗi người nêm nếm khẩu vị riêng mà chị"
Cái lò nướng điện tôi kê trên bàn để bán thịt nướng chị đẩy đi bảo " Khói làm cay mắt quá". Tôi phải rút điện ra, muốn hâm thịt nướng cho nóng lại cắm điện vào, buôn bán đêm Hội Tết liền tay. Chị đến gần tôi nói " Này, người ta ăn bánh cuốn bà  làm người ta phản ảnh lại  là bánh lạnh quá ăn lạnh bụng đấy, đem vào bếp mà hâm microwell lại hết đi". Tội nghiệp chị bạn khác của tôi, đi ra đi vào bưng cái đĩa hâm âm  ấm bánh cuốn nếu có ai gọi, có khi họ đặt luôn 5 phần, không kịp  bán, nào xắt rau, nào thái giò lụa, nào giá trụng. Còn nồi cháo của chị thì sao, chị múc cho tôi một tô, đang mệt nên quên đói, múc thìa cháo nuốt cho có cái gì vào bụng, chứ bảo ngon hay không thì tôi không dám nói. Sau Tết, sáng chủ nhật  Orchide  gọi phôn cho tôi nó cằn nhằn " Em nói thiệt, cháo ăn dở ẹt, lần tới bán cháo gà cháo huyết gì để em nấu bán gây quỹ cho Hội cho chị coi, nguyên nồi cháo vậy mà bả dám nói chỉ bán được 10 tô cháo sao ? Xạo. Vậy mà nói gây quỹ cho Hội mà thủ lời riêng, em ghét những người tính toán." 
Tôi bịt miệng Orchide không kịp trong phôn " Em ơi miễn sao có người đóng góp là tốt rồi, phải cho họ tý lời để còn có người làm chứ mình lãnh hết thì mình múa sao nỗi đêm chợ tết, vả  lại nhìn Hội trường đông đút đồng hương tới dự vẫn vui hơn."

Tôi thấy làm việc trong tập thể mỗi người có cái gu riêng, khẩu vị riêng, cách làm riêng, tụ tập lại làm việc đều đặn hài hòa quả là điều không dễ chút nào.  


***
Sợ

Khi theo gia đình vượt biên, gia đình Hảo được nước Đức nhận, khi ấy Hảo mới vào lớp 5 trường trung học. Hảo có cô bạn gái ngồi cạnh nhau chơi rất thân, tên Inge. Hảo hay lén ngắm bạn gái mình, tóc Inge vàng óng mượt, ăn mặc thời trang tươm tất, đi giày đẹp, đài các, lắm lúc Hảo tủi thân ngắm lại mình trong gương, thân phận tỵ nạn nghèo, da vàng mũi tẹt. Hảo ít khi dám kể về bố mẹ mình cho bạn gái nghe. Kể gì bây giờ. Bố thì rất ngại nói tiếng Đức, ngại tiếp xúc với họ, làm ca ngày ca đêm kiếm tiền nuôi gia đình, còn mẹ thì tối ngày ru rú trong nhà, xanh xao, than bệnh. Hảo phải đi theo tới phòng mạch của bác sĩ làm thông dịch cho mẹ thay bố khi bố đi làm. Có một dịp, chị của Hảo lấy chống, bố mẹ Hảo tổ chức  tiệc cưới theo phong tục người Việt nam. Mời rất đông khách Việt, những người cũng tỵ nạn như gia đình Hảo. Bố mẹ nói " Hảo, con mời Inge bạn gái con tới chơi đi". Hảo ngần  ngại, sợ Inge nhìn thấy sự văn hóa ồn ào, trái hẳn văn hóa của người Đức, nhưng Hảo mời và Inge vui vẻ nhận lời. Inge đứng mở mắt to nhìn sự vui vẻ, thân thiện của người Việt, nhạc vang rần trên sân khấu, và thức ăn bày đầy ra bàn, rất lạ nhưng ngon miệng. Inge và Hảo đi dạo ra sân, Inge nói với Hảo " Lần đầu tiên tôi được dự một tiệc cưới của người Việt Nam, trong lòng tôi có cảm xúc lạ thường  chưa từng có. Tôi cảm ơn bạn đã cho tôi một cơ hội, một niềm vui này, khi về nhà tôi sẽ  kể cho ba mẹ tôi nghe".
Nghe xong, Hảo mới thấy nhẹ nhõm tâm hồn mà lâu này Hảo cứ sợ bạn gái mình sẽ cười chê người Việt tỵ nạn, người tỵ nạn nghèo tới đây ăn bám đất nước họ. Tự nhiên Hảo thấy Inge xinh đẹp kia thật dễ mến như một thiên thần. Hai đứa nắm tay kéo nhau hòa vào tiệc cưới, nhạc vang lên và cô dâu chú rể dìu nhau ra sàn nhảy.  

***
Tôi đón bạn về chơi *
* lời bản nhạc " Bạn thân " (NS Việt Khang)

Thời gian qua nghe tin bác Ns Phạm Duy qua đời, bác mất nhưng lời bài hát " Ngày trở về " còn văng vẳng bên tai tôi. Lần cuối cùng ngồi bên bạn bè thân thương của tôi thời trung học Kiến Hòa, chúng nó đã hát bài này tặng tôi vào buổi tiệc chia tay. 
Sáng nay ngồi nghe Asia 71, Ns Trúc Hồ hát bài " Bạn thân " của Ns Việt Khang, nghe đến câu cuối " Ngày mai khi Xuân về khắp nơi. Người người trong tiếng cười. Tôi đón bạn về chơi..." Thế là tôi không cầm được nước mắt, sau bao nhiêu ngày thấy trong net hoa mai vàng nở rộ và gia đình tôi bên Việt nam đang lục tục tảo mộ đón Xuân. Và tôi vẫn cuối trời miên viễn, tôi biết tôi đang gắng gượng để mình đừng buồn vì nhớ nhà. Chưa biết đến chừng nào tôi mới về thăm quê hương lần nữa.

Ngày xưa khi còn làm việc tại Sirum Institut Kobenhaven, cùng tòa nhà nhưng khác tầng cũng có một anh sinh viên VN sang tu nghiệp ngành sinh vật học. Anh Hiệp là người miền Bắc, trong khi tôi là người miền Nam, chạy trốn csMB. Hai kẻ Nam Bắc gặp nhau nơi xứ người. Học xong anh Hiệp trở về HàNội, ngày chia tay tôi có nói với anh " Khi tôi về, anh nhớ "bảo lãnh" mình tại sân bay nhé". Anh cười nói:" Người theo ngành khoa học như bạn đất nước rất cần, sao lại nói thế?"

Vậy mà đã 38 năm qua tôi vẫn còn đón Xuân Lưu Vong. Cảm xúc đón Xuân về nơi xứ lạ ngậm ngùi khôn tả. Gửi gió Xuân mang về bên ấy dùm ta câu này " Bạn thân ơi, khi nào quê nhà hết bóng dáng cộng sản, về già chúng mình nhớ chống gậy tìm nhau nhé".

Xuân Quý Tỵ 

***
Xuân họp mặt của những trái tim nhân đạo

Như thường niên hội DRK ( Chữ Thập Đỏ) mời hội NVTN của chúng tôi dự Xuân Họp Mặt. Tối hôm qua chúng tôi đến. Ông chủ tịch DRK tiểu bang tường trình về sinh hoạt hội trong năm qua và vinh danh phát quà cho những thành viên thiện nguyện. Chúng tôi chứng kiến có người đã đi hiến máu ( Blutspende ) cho đến nay đã tới 155 lần. Hết sức khâm phục, tôi đến hỏi ông ta:
- Lý do gì thúc đẩy ông đi hiến máu nhiều thế? Vì "bán máu" được tiền hay vì lý do sức khỏe?
Ông ấy trả lời:
- Đâu có được tiền! Ngày xưa cách nay 30  năm, tôi bị tai nạn nặng, thiếu máu tưởng đâu chết, may có người lạ nào đó tôi không quen biết đã truyền máu cứu sống tôi, từ đó tôi phát nguyện rằng ngày nào còn sống là tôi sẽ hiến máu để cứu những ai đang nguy khốn tính mạng. 
Quay sang người ngồi cùng bàn, tôi hỏi bà Ruth Iselborn, bà Ruth đã hiến máu hơn 25 năm qua, cũng tương tự như ông Meyer.
- Xin lỗi cho tôi hỏi, bà có làm thẻ Organspendeausweis ( Thẻ cống hiến nội tạng cho y khoa) chưa?
Bà Iselborn tâm tình chân thật:
- Có, tôi làm thẻ này đã hơn 40 năm rồi - Rồi bà móc trong ví ra thẻ "Cống Hiến Nội Tạng" cho tôi xem. Tôi hỏi tiếp:
- Bà làm thẻ này không  sợ nhỡ khi bà gặp tai nạn thay vì được bệnh viện cứu, thì họ mổ lấy nội tạng của bà để "bán" cho người khác. Bà nghĩ sao với lập luận đa nghi negative này?
- Tôi nghĩ rằng trên đời có rất nhiều người bệnh cần thay tim, mắt, thận, tủy sống...nên tôi sẵn sàng cống hiến cho nền y khoa, khi tôi chết bộ não tôi đâu còn làm việc nữa. Xác thân tôi nếu cứu được người khác thì tôi sẵn sàng. Chỉ sợ già như tuổi tôi " nội tạng"  không còn làm việc tốt như người trẻ nữa thôi.

Thật khâm phục những trái tim nhân đạo của người Đức. 

VTTG Lúa 9



***
Có thấy gì không anh?

Anh có thấy gì không anh, bên trong mái nhà đó tưởng đâu êm ấm ngờ đâu hai mẹ con họ đang cãi nhau, đứa con gái giận dỗi xách áo đi ra cửa, người mẹ đứng nhìn theo không nói lời nào. Trong mái nhà giàu sang nọ, tưởng đâu nhung lụa, ngờ đâu hai vợ chồng nọ đang cãi vả nhau, người vợ ném vất quần áo chồng ra cửa, chỉ vì cô ấy ghen tuông ông chồng phụ bạc. Trong mái nhà kia nhìn bên ngoài tưởng đâu ngăn nắp sạch sẽ nào ngờ đâu trong ấy là sự hỗn độn, đồ đạc, quần áo, gạch vụn và ximăng, bụi bặm, vì họ đang xây cất sửa sang lại căn phòng cho đẹp hơn. Anh sống bên đó có thấy tuyết phủ trắng xóa, bị tuyết che tưởng đâu vạn vật dưới âm phủ đang chìm vào giấc ngủ mùa Đông giá rét, nhưng kìa xe lửa bỗng vùn vụt chạy qua, trên bầu trời tiếng máy bay đang bay ngang qua, đó là phương tiện để chở họ gặp gỡ hẹn hò sau bao năm cách biệt. Và dưới lòng đất tưởng đâu yên ắng, anh tưởng dưới ấy là sự chết, là huyệt sâu? không đâu anh ạ, dưới ấy côn trùng và hạt giống đang chuẩn bị nẩy mầm sự sống mới, côn trùng rút rỉa thịt xương người vừa nằm xuống, làm lương thực cho loài kiến tha mồi về tổ. Anh còn thấy gì nữa  không, bên trong căn phòng kín nọ họ đang yêu nhau đấy, trong vòng tay ái ân họ hòa nhau thành một, quên thực tại xung quanh. Và anh có biết bên cạnh cái bàn viết, có ngọn đèn nhỏ chiếu sáng, có một kẻ đang ngồi ghi xuống những ý tưởng mông lung không rõ rệt gì cả. 
***


Sự thành công của giới trẻ Việt Nam tại CHLB Đức

Sau thời  gian khảo sát tình hình giữa các sắc dân tỵ nạn, thống kê người Đức cho biết giới trẻ VN thành công hội nhập nổi bật nhất trong vấn đề học vấn nhiều hơn so với sắc dân khác như người Thổ hoặc Ý. Giới trẻ VN thường đứng đầu về môn khoa học kỹ thuật như Toán, Vật lý...Trẻ em VN đạt chỉ số vào Gymnasium, đậu tú tài và tốt nghiệp Đại học, mặc dù bố mẹ các em đôi khi sống chung đụng người Việt với nhau và ít dùng Đức ngữ, nhưng con cái họ vẫn đứng đầu trong lớp, số thành công của giới trẻ VN chiếm phân nửa số người tỵ nạn vào Đức sinh sống. Nên người Đức lúc đầu rất ngạc nhiên, nhưng sau một thời gian nghiên cứu họ đã tìm ra câu trả lời rằng: Vào thập niên 80 số người Việt chạy trốn XHCN VN, và số người chạy tìm Tự Do sau bức tường Bá Linh sập đổ vào Đức xin tỵ nạn, khi mới vào Đức họ bơ vơ, phần lớn kém Đức ngữ và nghèo, một số là nạn nhân của bọn Cực Hữu kỳ thị, có lẽ con cái của họ nhận thấy điều bất hạnh đó, kèm theo lời khuyên của gia đình:
- Các con phải Học - Học - Học. Có kiến thức mới thoát khỏi cảnh nghèo khổ nơi xứ người và không để cho bọn ngoại quốc coi thường người Việt nam chúng ta - Và chỉ có kiến thức các con mới không bị làm nô lệ.

Là cha mẹ, tuy hãnh diện khi thấy con mình thành công về mặt học vấn, làm hài lòng bố mẹ. Các con hấp thụ kiến thức như một người Đức, làm nở mặt dòng họ láng giềng, nhưng tự hỏi: " Trong thâm tâm các con có mối dây gắn bó với quê hương dân tộc Việt nam lầm than không? Các con có tự tìm về nguồn cội quê cha đất tổ của mình khi xưa không? Các con có hiểu mối lo ngại của bố mẹ mình trước sự xăm lăng của giặc Tầu phương Bắc không nhỉ?
Sự thành công, cái kiến thức và bằng cấp con đạt được bằng Đức ngữ có thể áp dụng ở Việt nam được không khi con không có tình yêu nước Việt ?

Hội ngộ
* kỷ niệm ngày đám tang chị Xuân*

Ngày 3 tháng 1 năm 2013 có rất nhiều bạn hữu Việt lẫn Đức đến chia tay với chị Xuân-thông-dịch-viên chật hết cả nhà thờ St Ingbert. 

Và họ đến từ khắp mọi miền đất nước, kẻ thì từ Pháp, Stuttgart, Montreal, Darmstadt...Họ gặp nhau lần này là lần đầu tiên sau hơn 30 năm. Chị Hồng, anh Bách, anh Khánh, anh Minh, chị D. Phương, anh Nghệ, chị Phương, anh Khương, anh Thành Hói, anh Anh Thư, Hữu Nhật, anh Thái,...là nhóm bạn sinh viên VN biết nhau vào thập niên 70 tại đại học Saarbrücken. Dịp gặp lại bạn cũ như gặp lại tuổi trẻ của chính mình. Tay bắt mặt mừng, kể chuyện ngày xưa rồi cười nói huyên thuyên cho hã lòng nhớ kỷ niệm thời xưa còn trẻ, thời vụng về lúng túng nơi xứ người, đời sinh viên VN sang Tây Đức du học, đến năm 75 đất nước xui xẻo bị rơi vào tay c.s Hà Nội và họ ngỡ ngàng hết dịp trở về quê hương. Tây Đức trở thành quê hương thứ hai của họ. 
Họ chụm đầu vào nhau mới hay thằng bạn mình nay đầu hai thứ tóc trắng-đen, đứa thì bệnh tật, đứa đã qua đời, chợt họ giật mình quay lại thực tế, cái di ảnh của chị Xuân nằm trên bàn thờ, nến cháy lung linh. Chồng chị, con chị, vợ chồng gia đình em  gái chị Xuân từ Montreal bay sang làm lễ mai táng cho chị ruột. Trong nghĩa trang, mọi người im lặng ném nắm đất xuống mộ phần, chị Xuân đang nằm đấy trong cái rét căm của mùa Đông. Cát bụi nay trở về với cát bụi.
Họ chợt nghiêm chỉnh, nhìn nhau dặn dò:
- Thôi bọn mình nhớ tổ chức họp mặt mỗi năm đi, mà làm lẹ lẹ đi, đừng để lâu "nó" rụng từ từ nữa đó, như Xuân đã bỏ tụi mình đi thật rồi. Xuân ơi, tạm biệt Xuân. Hẹn ngày tái ngộ bạn hiền.

Bánh Madeleine và tuổi thơ
<Germany-Brand-Silicone-Madeleine-Cookie-Mold-100-Platinum-Silicone-Shell-Biscuits-Cake-Bakeware-Moulds-Free-Shipping.jpg_640x640.jpg>


Hai mẹ con nấu ăn trưa chung trong bếp, đĩa khoai mì luộc chấm muối mè đặt giữa bàn, thằng con bốc lủm, khen ngon. Mẹ nó kể:
- Ngày xưa khi còn bé, chiến tranh nhà nghèo  lắm, mẹ còn học tiểu học, đâu có ăn sáng ở nhà, giờ ra chơi mẹ hay chạy ra trước cổng trường mua khoai mì, hoặc khoai lang luộc, hoặc gói xôi dừa, xôi bắp ăn với dừa, muối mè, ngon miệng lắm, cho nên bây giờ mỗi khi ăn món khoai này làm mẹ nhớ lại tuổi ấu thơ của mình.

Mẹ lum khum nướng miếng thịt quay để con đem đi về trường, mấy ngày lễ coi như đã qua, thằng con út đã thi xong tốt nghiệp Đại học, giờ chỉ còn nộp đơn xin việc và chờ hãng gọi phỏng vấn. Nó về nhà chơi từ Noel cho đến  qua tết Tây. Trưa nay con sẽ đi, mẹ hay gói theo cho con vài món ăn mà biết nó thích. Mẹ nướng thịt heo quay da dòn vị mằn mặn béo. Mẹ bảo thằng con lấy Alu ra gói đi thịt đã nguội rồi đó con. Thằng con vừa gói thịt cho vào túi vừa nhìn mẹ hỏi: 
- Mẹ có biết bánh Madeleine không?
Bà mẹ gật đầu - ừ loại bánh keks của Pháp làm bằng trứng ngon lắm, mình vẫn hay mua, rồi sao con hỏi. Thằng con ngậm ngùi kể:
- Ông nhà văn Pháp Maurice...ổng viết nhật ký có khoảng năm hàng thôi - ổng kể rằng, hồi nhỏ khi mẹ còn sống, mẹ ông hay làm bánh Madeleine cho cả nhà, và vì chiến tranh nghèo và vì thèm bánh quá, ổng hay núp dưới gầm bàn lén  bốc bánh Madeleine ăn, về sau ông lớn lên thành danh, thì mẹ ông qua đời, và mỗi lần ăn lại loại bánh đó ông cũng nhớ mẹ - bánh của tuổi thơ.


***
Xem phim tối thứ bảy
Tối thứ bảy ngoài trời lạnh lẽo vào mùa Đông, nằm đắp chăn xem phim trinh thám là một thú vị đối với chị.. Đang xem vào đoạn cuối phim, hai nhân vật còn sống sót ôm vai nhau xúc động, bỗng nghe mẩu đối thoại của họ, chị vùng dậy ngay, ghi ra câu nói đó ra giấy, nó như vầy:
Ông A: Tôi cảm thấy ân hận trong việc này, vì thiếu tâm lý nên mới ra nông nổi...
Ông B: Anh không có lỗi gì cả trong việc này, anh đừng mang tâm trạng ân hận. Ở đời, người nào làm việc nhiều thì có lỗi nhiều, còn ai làm ít có lỗi ít, còn kẻ nào không làm gì, sẽ không có lỗi gì cả.
Những kẻ không làm gì thường thích đứng ngoài rình rập để chê bai lỗi lầm, việc làm của người làm nhiều. Vậy anh muốn mình thuộc về nhóm nào chứ ?
***
Nhầm địa chỉ / Falsche Adresse

Thiết tưởng mục đích của buổi hội thảo cuối tuần ấy là nối kết đồng bào hải ngoại nhất là giới trẻ thế hệ thứ hai lại với nhau, học hỏi làm quen, trao đổi, một ý tưởng rất ý nghĩa. Nghĩ thế nên gã hớn hở lái xe đến dự. Những tưởng mọi người sẽ dùng buổi hội thảo gặp gỡ để bàn về những đề tài sốt dẻo nóng bỏng về Việt Nam như đường hướng tới Tự do, Dân chủ, Nhân quyền, không bị bắt bớ, hay là tìm phương hướng kêu gọi đưa VN ta đến bầu cử đa đảng, chấp nhận đối lập, trong đó đảng CSVN là một trong nhiều đảng điều hành quốc gia...Hoặc là đề tài toàn khối người Việt khắp nơi trên thế giới đối diện với sự xâm lăng phương Bắc tàu cộng v..v.
Gã kiên nhẫn ngồi nghe họ nói oang oang trên sân khấu, nhưng đề tài mà gã nôn nóng nhất, là " Tương lai Việt nam " hầu như bị lãng đi một bên. Mà họ chỉ uyên thuyên bàn về chuyện chống sự kỳ thị, sự bài ngoại của khối Hữu Khuynh tại Đức, và sự hòa hợp hòa giải dân tộc, làm sao hàn gắn sự xung kích của khối Người Việt Nam Bắc, Đông Tây tại Đức ! ?
Gã  thấy căng thẳng. Làm sao có sự hàn gắn, hòa hợp hòa giải dân tộc trong lúc này? làm sao quên đi quá khứ khi vết thương của Thuyền nhân như gã còn âm ỉ, rỉ máu trong tim.  Như có gì đó nặng nề trong lồng ngực, gã đứng dậy ra về, thể như mình đã đi nhầm địa chỉ.


Trích: Những mẩu chuyện ngắn của VTTG Lúa 9