Monday, February 22, 2016

GIÁ DẦU HẠ :VIÊT NAM THIỆT HẠI NẶNG- LỌC DẦU DUNG QUẤT NGUY CƠ DỪNG SẢN XUẤT

Việt nam thiệt hại nặng nề nhất châu Á do giá dầu giảm
Việt Nam hiện được đánh giá là nước thiệt hại nặng nề nhất châu Á do giá dầu giảm tới 75% trong 2 năm qua.
Việt Nam hiện được đánh giá là nước thiệt hại nặng nề nhất châu Á do giá dầu giảm tới 75% trong 2 năm qua.
Việt Nam là nước duy nhất phải chứng kiến chi phí nhập khẩu ròng tăng với mức tăng 1% GDP do lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, giá dầu lao dốc cũng tác động mạnh tới thu ngân sách và vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Báo cáo vừa công bố bởi hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho thấy, tính đến ngày 11/2, giá dầu thô đã giảm tổng cộng 44% so với 1 năm trước và giảm tới 75% so với đầu năm 2013. Trong số các nước châu Á – khu vực nhập khẩu dầu thô lớn nhất toàn cầu, giá dầu lao dốc mang lại lợi ích cho Thái Lan trong khi Việt Nam và Malaysia bị thiệt hại nặng nề nhất.
Việt Nam là nước duy nhất phải chứng kiến chi phí nhập khẩu ròng tăng với mức tăng 1% GDP do lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Kể từ năm 2013, cán cân vãng lai của Việt Nam đã suy giảm và phần lớn là do lực cầu nội địa tăng mạnh, mặc dù kim ngạch xuất khẩu dầu giảm cũng đóng góp một phần nguyên nhân.
Đánh giá tác động cụ thể hơn, báo cáo công bố trong cùng khoảng thời gian từ Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng chỉ ra rằng, thu ngân sách nhà nước từ dầu tiếp tục khó khăn. Tính 15 ngày đầu năm 2016, thu từ dầu thô đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, giảm 48,6% so với cùng kỳ 2015.
Theo Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, do độ trễ trong thanh toán, giá dầu của Việt Nam bình quân tháng 1/2016 ở mức 40 USD/thùng, tuy nhiên việc giá dầu tiếp tục giảm sâu, xuống dưới 30 USD/thùng và dự báo có thể xuống thấp hơn nữa đã và đang tạo áp lực lên thu từ dầu thô ngay từ những ngày đầu năm.
"Dự kiến, với giá dầu xây dựng dự toán 60 USD/thùng, nhiều khả năng thu ngân sách từ dầu năm 2016 cũng sẽ không đạt dự toán như năm 2015", cơ quan này nhìn nhận.
Ngoài ảnh hưởng tới túi tiền quốc gia khi thu ngân sách không đảm bảo mục tiêu đặt ra, giá dầu lao dốc cũng được giới chuyên gia cho rằng sẽ gây thiệt hại phần nào tới dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và vào ngành dầu khí nói riêng.
TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp cho Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV cho rằng, theo dự đoán của các chuyên gia, giá dầu sẽ thiên về hướng 20 – 30 USD/thùng do nguồn cung tăng khi Iran được dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ tham gia vào việc xuất khẩu dầu thô, Mỹ tăng cung xuất khẩu, và quan trọng hơn – Trung Quốc giảm cầu.
"Nhắc đến giá dầu giảm, vấn đề đầu tiên được nhắc tới luôn là vấn đề hụt thu ngân sách. Tuy nhiên, đây không hẳn là yếu tố quá nguy hại khi tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của bán dầu thô đã giảm sâu từ 27% vào năm 1996 xuống còn 6% vào năm 2015. Quan trọng hơn, đầu tư vào ngành dầu khí chắc chắn sẽ giảm trong thời gian tới", TS Lực dự báo.
Theo vị chuyên gia này, việc giá dầu giảm mạnh khiến các nhà đầu tư giảm/giãn, hoặc hủy các dự án đầu tư khai thác, chế biến xăng dầu tại Việt Nam.
"Khá nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực dầu khí đã và đang suy giảm thực hiện trong thời gian vừa qua. Một nhà đầu tư Thái Lan dự kiến rót 22 tỷ USD vào một dự án lọc dầu, nhưng họ cũng đã ngần ngại khi giá dầu giảm quá sâu", ông Lực cho biết.
Theo Dân Trí
Việt Nam hiện được đánh giá là nước thiệt hại nặng nề nhất châu Á do giá dầu giảm tới 75% trong 2 năm qua.

Lọc dầu Dung Quất nguy cơ dừng sản xuất
22 Tháng Hai 2016 bởi HÙNG DŨNG
Nhà máy lọc dầu Dung Quất lại tiếp tục phải đối mặt nguy cơ dừng sản xuất, do không cạnh tranh nổi với xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN dù đã giảm giá bán.
Đây là nội dung đáng chú ý trong một văn bản Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa gửi đến Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ.
Theo PVN, hiện nay việc ký kết hợp đồng dài hạn tiêu thụ sản phẩm xăng dầu năm 2016 của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR- đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi) với khách hàng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với sản phẩm dầu diesel, nhiên liệu phản lực Jet A-1.
Nguyên nhân là kể từ 1/1/2016 thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu dieselvà Jet A1 từ các nước ASEAN là 0%. Trong khi đó, thuế suất áp dụng với dầu dieselvà Jet A1 của lọc dầu Dung Quất vẫn là 10%. Như vậy giá bán sản phẩm dầu diesel của Dung Quất chịu thuế cao hơn 10% so với hàng cùng chủng loại nhập từ ASEAN.
Tình hình này đã buộc PVN phải giảm giá bán cho khách hàng dù giải pháp này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thế nhưng, mức giá bán đối với dầu diesel, Jet A1 của nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn không thể cạnh tranh so với nguồn hàng nhập khẩu từ ASEAN.
Do vậy, tất cả các doanh nghiệp đầu mối lớn chỉ ký hợp đồng với thời hạn 2-3 tháng đầu năm 2016 và giảm khối lượng mua dầu của lọc dầu Dung Quất. Đây là động thái nhằm chờ đợi việc giảm thuế của Chính phủ, Bộ Tài chính, khi có kết quả các doanh nghiệp đầu mối mới đàm phán tiếp với BSR.
PVN thừa nhận việc khách hàng giảm khối lượng cam kết tiêu thụ và chỉ cam kết tiêu thụ sản phẩm trong ngắn hạn gây rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn "rủi ro lớn cho nhà máy" trong việc lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch mua dầu thô, xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm cũng như mục tiêu đảm bảo an toàn vận hành của nhà máy.
Trong khi đó, dầu diesel, Jet A1 là sản phẩm chính của nhà máy lọc dầu Dung Quất, chiếm gần 50% tổng lượng sản phẩm của toàn nhà máy.
"Nếu mặt hàng diesel không tiêu thụ được thì nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ không thể duy trì công suất ổn định, bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong thời gian tới" – PVN bày tỏ quan ngại.
Vì thế, PVN đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ sớm điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với dầu diesel, Jet A1 nhằm đảm bảo sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ ASEAN, giúp cho BSR có thể ký hợp đồng dài hạn với khách hàng để ổn định sản xuất, đảm bảo mục tiêu an toàn và hiệu quả vận hành liên tục của nhà máy.
Thực tế, suốt trong năm 2015, nhà máy lọc dầu Dung Quất nhiều lần phải đối mặt với nguy cơ "ế" hàng, thậm chí lâm cảnh không còn chỗ chứa hàng tồn kho. PVN đã liên tục xin Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu.
Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với xăng, dầu nhà máy lọc dầu Dung Quất. Chẳng hạn, thuế nhập khẩu mặt hàng xăng đã giảm về mức tương đương trong ASEAN là 20%, còn mặt hàng dầu diesel đã giảm từ 30% xuống còn 20%, rồi 10%.
Hà Duy
http://nguoivietukraina.com/loc-dau-dung-quat-nguy-co-dung-san-xuat.nvu