Wednesday, March 9, 2016

CỤ BÀ ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI

Câu chuyện về bà cụ Việt đẹp nhất thế giới

Câu chuyện về bà cụ Việt đẹp nhất thế giới

Ngày 8/3 vừa qua, nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle đã tặng tác phẩm Hidden Smile (Nụ cười ẩn giấu) cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.  

Bức ảnh Hidden Smile - Nụ cười ẩn giấu của nhiếp ảnh gia  Réhahn Croquevielle

 Hình ảnh bà lão lái thuyền 78 tuổi lái thuyền trên sông Thu Bồn đã được nhiều tờ báo lớn ca ngợi như "cụ bà đẹp nhất thế giới". 
Đưa hình ảnh Việt Nam đi khắp thế giới
Nhiếp ảnh gia người Pháp có 7 năm rong ruổi suốt chiều dải mảnh đất hình chữ S để lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của người dân nơi đây. Anh kể mình đã chụp tới hơn 40.000 bức ảnh về Việt Nam.
Trong đó bức ảnh chụp cụ bà Bùi Thị Xong - người phụ nữ nghèo làm nghề chèo thuyền đón khách du lịch ở Hội An từng được nhiều tờ báo và kênh truyền hình uy tín của Mỹ như National Geographic, Los Angeles Times, Daily Mail... ca ngợi là "cụ bà đẹp nhất thế giới". Bức ảnh cũng là điểm nhấn trong cuốn sách Vietnam, Mosaic of Contrasts (Việt Nam, những mảnh ghép đối lập) gồm gần 150 bức ảnh về con người và đất nước Việt Nam được Réhahn Croquevielle giới thiệu với công chúng đầu năm 2014.
 
Báo chí Mỹ ngợi ca còn với Réhahn Croquevielle đây là tác phẩm mà anh tâm đắc nhất, ẩn chứa một câu chuyện dài phía sau về hai con người đến từ hai vùng đất tưởng chừng xa lạ.
Anh chia sẻ: "Tôi xem mình không chỉ là một nhiếp ảnh gia, mà còn là một người kể chuyện. Mỗi tấm ảnh, tôi thích được tiếp xúc với mọi người và chia sẻ những giây phút, trải nghiệm cuộc sống với họ như những người bạn. Tôi chụp và hành nghề như một nhiếp ảnh gia tự do, du lịch khắp nơi, tới đâu chụp đó. Và trong hành trình của mình, tôi đã tới Việt Nam, lưu lại đây và lưu giữ lại cảnh đẹp thiên nhiên và con người của quốc gia tuyệt vời này".
Với tình yêu đất nước, con người Việt Nam cùng lòng đam mê nhiếp ảnh những bức chân dung về nụ cười nơi đây của Rehahn nhanh chóng được đón nhận. Một hình ảnh Việt Nam gần gũi, thân thương, dung dị lan tỏa cùng Hidden Smile đi khắp thế giới. Anh cũng chia sẻ ban đầu chỉ mục đích chụp nhằm thỏa mãn đam mê của mình chứ không ngờ đứa con tinh thần được đón nhận nhiều tới vậy. Âu đây là những cái duyên với con người Việt Nam và cả bà cụ Xong.   
Những câu chuyện đằng sau bức ảnh
Bức ảnh được báo Mỹ ca ngợi là "cụ bà đẹp nhất thế giới" được sáng tác một cách hoàn toàn ngẫu nhiên như một cơ duyên.
"Tôi nhớ đó là mùa hè năm 2011, khi tôi đi dạo trên phố cổ Hội An thì bà cụ mời đi thuyền của bà. Bà có một con thuyền nhỏ, dùng để chở khách du ngoạn trên sông Thu Bồn. Có rất nhiều người phụ nữ lái đò trên con sông này nhưng tôi thấy bà Xong có một nét đẹp rất đặc biệt. Trong khi bà chèo thuyền, tôi đã xin chụp ảnh bà. Bà xem ảnh xong rồi cười và nói "Mẹ già rồi".
Tôi tận dụng vốn tiếng Việt ít ỏi của mình và trả lời "Đẹp lắm". Đó là câu chuyện tôi gặp bà Xong, người được truyền thông ca ngợi là người phụ nữ đẹp nhất thế giới. Tôi không thể đồng ý hơn, vẻ đẹp không có tuổi. Bà có đôi mắt tuyệt đẹp, nhìn vào mắt bà người xem có thể nhận ra tâm hồn vô cùng đôn hậu của người phụ nữ này", nhiếp ảnh gia người Pháp bồi hồi nhớ lại.
Khi được hỏi tại sao lại đặt tên tác phẩm của mình là Hidden Smile - Nụ cười ẩn giấu và những giá trị lớn nhất trong tác phẩm, Croquevielle bộc bạch: "Bức ảnh này đại diện cho cả thế hệ phụ nữ Việt Nam. Bà ấy có thể là một người mẹ hay người phụ nữ Việt điển hình. Bà Xong 78 tuổi và vẫn hàng ngày hết mình làm việc kiếm sống, nhưng bà vẫn luôn giữ nụ cười trên môi. Tôi coi bà Xong như người bà ruột của mình, và việc trao tặng tấm hình này cho viện bảo tàng là một hành động để tôn vinh những người phụ nữ trên toàn thế giới này, cũng như để kỷ niệm tình bạn đặc biệt của hai chúng tôi".



Nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle và cụ Xong trong lần đón bà ra Hà Nội nhân dịp trao tặng bức ảnh Hidden Smile cho Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam. Ảnh: Lê Huy
Réhahn Croquevielle dành thời gian cho những chuyến khám phá vùng sâu vùng xa của Việt Nam thay vì hướng ống kính vào đề tài đô thị. Lý do rất đơn giản, ở những thành phố đang phát triển tốc hành, hiếm có người sẽ dừng lại cho bạn chụp ảnh, và cảnh quan những đô thị như Hà Nội thì đã quá quen thuộc với du khách quốc tế". Réhahn muốn chọn cho mình một cách tiếp cận mới để khác biệt.
Chân dung cũng là một lối đi riêng của nhiếp ảnh gia này bởi theo anh: "Ảnh phong cảnh thì khó có thể thay đổi, bạn đi đến những nơi giống nhau và chụp lại những góc máy đã cũ. Nhưng ảnh chân dung thì khác, nơi cảm xúc nhân vật được thể hiện và sẽ không bức nào giống bức nào. Không có hai bức ảnh nào chụp cùng một người lại giống nhau cả. Tôi muốn tạo ra sự khác biệt!".
Hiện tại, Réhahn Croquevielle đã chuyển về sống tại Hội An. Anh cũng chia sẻ kế hoạch ra mắt cuốn sách ảnh tiếp theo: "Tôi muốn thực hiện đề tài về văn hóa uống cà phê tại Việt Nam, nơi tác nghiệp sẽ là những quán cà phê nhỏ hay những người bán dạo trên phố". 
Sáu tháng sau khi cuốn sách được xuất bản Réhahn Croquevielle mua tặng cụ một chiếc thuyền mới và họ vẫn giữ mối quan hệ như người thân trong nhà. Cụ bà Bùi Thị Xong được báo chí chú ý nhiều hơn nhưng với bản tính chân chất của người con sông nước cụ không màng danh vọng. "Mình nghèo thì có nghèo, mà có hạnh phúc. Lúc đói cũng vui, con thấy không?", lời chia sẻ làm tất cả chúng ta phải ghen tị.
"Bức ảnh "Nụ cười ẩn giấu" đã có một hành trình trải dài hơn 40 quốc gia, từng được giới thiệu trên nhiều chương trình truyền hình, nhiều báo chí quốc tế. Bức ảnh sẽ còn tiếp tục những hành trình mới trong tương lai, nhưng tôi cho rằng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chính là địa chỉ phù hợp nhất để bảo tồn, trưng bày, truyền thông tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh này tới đông đảo công chúng trong nước và quốc tế." bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Theo My Lan - Zing.vn

http://alobacsi.com/giai-tri/cau-chuyen-ve-ba-cu-viet-dep-nhat-the-gioi-a20160309054823920c344.htm

 'Vẻ đẹp không có biên giới tuổi tác'

Bức ảnh chụp cụ bà 78 tuổi với nụ cười che miệng đã được đưa vào Bảo Tàng phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội vào dịp 8-3.

http://www.bbc.com/vietnamese/pictures/2016/03/160308_xong_gallery_womens_day



 


     
Fr: Moon Tran

Cuộc sống thay đổi của cụ bà 'bất ngờ nổi tiếng'

Khách du lịch tới Hội An đều tìm tới chỗ 'Bà cụ đẹp nhất thế giới' để gặp và chụp ảnh cùng.
cuoc-song-thay-doi-cua-cu-ba-bat-ngo-noi-tieng
Lần đầu lên máy bay ra Hà Nội, bà Bùi Thị Xong, 78 tuổi, người phụ nữ Việt Nam trong bức ảnh được báo chí Mỹ bình chọn "Bà cụ đẹp nhất thế giới" rất vui. Khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn vất vả, mái đầu hai thứ tóc, bà Xong móm mém cười hồn hậu giữa xung quanh là máy quay, máy ảnh của phóng viên. Đôi bàn tay già nua, đầy vết chai sạn thâm đen của bà thỉnh thoảng đưa lên vuốt những sợi tóc xòa xuống mặt.
Hôm 8/3, bà Xong cùng chồng tới dự lễ trao tặng bức ảnh nổi tiếng "Nụ cười ẩn giấu" của nhiếp ảnh gia người Pháp Rehahn cho bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. "Bà cụ đẹp nhất thế giới" mặc chiếc áo dài cũ, cười tít mắt lúc nghe Rehahn thốt lên "bà đẹp quá".
 
Nhiếp ảnh gia Rehahn (thứ hai từ phải sang) và vợ chồng bà Xong đứng cạnh bức ảnh "Nụ cười ẩn giấu" trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
"Nụ cười ẩn giấu" ghi lại khoảnh khắc bà Xong, người chèo thuyền ở Hội An, xấu hổ lấy tay che mặt để lộ ánh mắt biết cười. Đôi bàn tay gầy guộc trở thành khung ảnh tự nhiên khiến người xem tập trung vào đôi mắt. Bức ảnh chụp bà Xong sau đó được các tạp chí nhiếp ảnh nổi tiếng nhất thế giới đăng tải và trở thành trang bìa cho cuốn sách ảnh best seller (bán chạy nhất) của tác giả.
Ra Hà Nội đúng những ngày mưa phùn gió rét, vợ chồng bà Xong phải mang thêm áo ấm. Ông bà được Rehahn đưa đi chơi bằng xích lô, dạo quanh bờ hồ và ăn phở. Với đôi vợ chồng già, như thế cũng đủ mãn nguyện. Cả đời nghèo khó sống bằng nghề chèo thuyền trên sông Hoài ở phố cổ Hội An, bà Xong chưa từng nghĩ có ngày mình nổi tiếng và được ra Hà Nội thế này.
Trước khi gặp Rehahn, vợ chồng bà Xong chở hàng thuê ra chợ bán trên chiếc thuyền cũ nát kiếm mỗi ngày vài chục nghìn đồng. Bà Xong và chồng, ông Đỗ Tới (76 tuổi), sinh được ba người con, trong đó có hai trai, một gái. Ông bà hiện sống cùng con cả trong căn nhà xây nhỏ ở phường Cẩm Nam, sau khi hai người con còn lại lập gia đình. Người con đầu của bà Xong năm nay hơn 40 tuổi nhưng hay ốm đau, lại bị tật ở lưng nên nhờ cậy cả vào bố mẹ.
Bà Xong cười đùa, nhà có hai vợ chồng và một đứa con nhưng giống như ba người già. Ở tuổi thất thập, ông bà vẫn ngày ngày chung nhau chiếc thuyền bươn chải trên khúc sông kiếm sống. Nếu không đi làm, họ chẳng biết lấy gì nuôi ba miệng ăn. Gia đình các con cũng khó khăn nên không giúp được gì cho bố mẹ.
Khi tuổi cao, sức yếu, vợ chồng bà Xong chuyển sang chở khách du lịch tham quan phố cổ bằng thuyền. Một ngày mùa hè năm 2011, trong lúc đợi khách ở bến sông, bà Xong gặp Rehahn. Với ánh mắt nhà nghề của một nhiếp ảnh gia, anh nhanh chóng phát hiện ra bà Xong có thể trở thành nhân vật tuyệt đẹp nếu đặt trong khuôn hình.
Sau đó, suốt 30 phút bơi thuyền dọc sông, bà Xong và Rehahn trò chuyện vui vẻ. Rehahn biết một chút tiếng Việt nên có thể giao tiếp với bà. Ấn tượng đầu tiên của bà Xong với người khách nước ngoài là sự thân thiện. Rehahn chụp rất nhiều ảnh về người phụ nữ này và buột miệng trêu "ô bà không có răng". Một cách tự nhiên, bà Xong ngượng ngùng lấy tay che miệng. 
cuoc-song-thay-doi-cua-cu-ba-bat-ngo-noi-tieng-1
Nụ cười hiền hậu luôn rạng ngời trên môi bà Xong.
Rehahn từng hứa khi cuốn sách ảnh xuất bản và bán được, anh sẽ tặng bà một món quà. Giữ lời hứa, nhiếp ảnh gia người Pháp tặng bà Xong chiếc thuyền mới. "Rehahn hỏi 'bây giờ bà có ước nguyện gì' khi thấy thuyền của tôi cũ nát. Tôi bảo không muốn gì cả, chỉ mong có chiếc ghe mới", bà Xong nhớ lại.
Bức ảnh "Nụ cười ẩn giấu" sau đó xuất hiện trên báo chí và truyền hình quốc tế khiến bà Xong ngày càng được nhiều người biết tới. Khách du lịch trong cũng như ngoài nước mỗi khi tới Hội An đều tìm tới chỗ bà Xong chèo thuyền để gặp và chụp ảnh cùng. Họ không quên biếu bà chút tiền.
Từ lúc xuất hiện trong ảnh của Rehahn, bà được nhiều nơi tới quay phim, chụp ảnh. Khách đi thuyền tìm đến có cả người Hà Nội, TP HCM và nước ngoài. "Họ bảo thấy bà trên tivi, bà nổi tiếng rồi này khiến tôi cũng mừng và tự hào. Tôi chưa từng nghĩ sẽ được biết đến và không ngờ lọt vào ống kính của Rehahn. Ngày trẻ, tôi chưa bao giờ được khen đẹp. Trước khi gặp Rehahn, cuộc sống của tôi cũng bình thường như bao người, đi làm về là nấu ăn cho chồng con", bà Xong chia sẻ.
Theo bà Xong, nhờ chở khách du lịch, cuộc sống gia đình bà đã đỡ cơ cực hơn trước với mức thu nhập một ngày từ 50.000 đồng  đến 200.000 đồng nhưng cũng có hôm về không. "Bà cụ đẹp nhất thế giới" cho hay số tiền đó đủ trang trải cuộc sống. Ngày nào được nhiều, bà để dành một nửa, bù cho những hôm không kiếm được đồng nào.
Không biết tiếng Anh, bà Xong được khách dạy cho vài câu bồi để nói chuyện với người nước ngoài. "Tôi biết vài từ như one hundred, one dollar, two dollars. Khách đưa tiền, tôi nói thank you tức là cảm ơn với họ. Tôi chở được 6 người Việt, còn khách nước ngoài chỉ 4 thôi", bà Xong nói.
Khi được hỏi bà sẽ chèo thuyền tới lúc nào, bà Xong đáp cuộc sống còn nhiều khó khăn nên sẽ làm tới khi nào không còn sức lực thì thôi./.