Sunday, March 13, 2016

TIN BUỒN : CỰU ĐẠI TÁ TRẦN VĂN THĂNG

Tưởng nhớ Đại Tá Trần Văn Thăng
Nguyên Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội VNCH
                                                                         HỒ ĐẮC HUÂN



Đại Tá Trần Văn Thăng, nguyên Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội VNCH đã mãn phần lúc 4 giờ chiều ngày 3 tháng Ba, 2016 tại thành phố Westminster, Nam California. Hưởng thọ 88 tuổi. Từ đây ông thật sự chia lìa gia đình, thân quyến, các bạn: đồng khóa, đồng môn, đồng ngũ, đồng tù, đồng hương... cùng các chiến hữu và bằng hữu.( Từ bên trái, Đại Tá Trần Văn Thăng, Đại Tá Trần Ngọc Thống và tác giả ngày 20 tháng 5, 2015 ).

Người viết có cơ duyên được hân hạnh quen biết ông lúc sinh tiền. Thỉnh thoảng được ông mời dùng cơm, trà đàm hoặc tiếp xúc qua điện thoại. Có những mẩu chuyện tâm tình về thân thế, vui buồn trong binh nghiệp, ông cũng nhắc lại 13 năm trong lao tù tập trung của Cộng Sản.
Thương tiếc và tưởng nhớ một Huynh Trưởng có bề dày về kiến thức và kinh nghiệm đời người, nhất là trong Quân Lực VNCH. Nhân dịp đau buồn này tôi xin ghi lại đôi điều từng nghe ông kể như một làn khói quyện vào nén hương tưởng niệm để vĩnh biệt một Huynh Trưởng quý mến của tôi với pháp danh Thiện Chánh.
Thân thế
Đại Tá Trần Văn Thăng sinh ngày 29 tháng 9, 1928 (nhằm ngày 16/8 Âm lịch năm Mậu Thìn) tại thị xã Đáy Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Bắc Việt Nam) trong một gia đình khoa bảng. Thân phụ của ông là cụ Trần Văn Ứng, Thẩm Phán ngành Bưu Điện. Thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Ty.
Thời trẻ ông kết hôn với cô Đặng Thị Ngọ (1930-2004). Ông bà sinh hạ được 11 người con gồm 4 trai và 7 gái đặt tên theo thứ tự: Trần Thị Hoàng Anh, Trần Thị Hoàng Yến, Trần Phi Long, Trần Tấn Thành, Trần Thị Thanh Loan, Trần Tấn Tài, Trần Thị Kim Phượng, Trần Hữu Đức, Trần Thị Kim Liên, Trần Thị Thiên Kim và Trần Thị Kim Ngọc. Các con ông đã sinh được 5 cháu: 2 nội và 3 ngoại. Cháu đích tôn là Trần Kenny Minh Duy. Ông Thăng có ba người em ruột là: Trần Thị Thanh Sơn, Trần Cảnh Chung và Trần Thị Thu Thủy.
Thuở thiếu thời
Cha ông là công chức ngành bưu điện Sài Gòn. Lúc 10 tuổi ông cùng gia đình theo cha vào Sài Gòn. Tiếp tục học các trường Tiểu Học, Trung Học và tốt nghiệp Tú Tài Pháp.
Tháng 9, 1951 ông có tên gọi động viên Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức nhưng được tạm hoãn dịch một năm vì lý do công vụ phụ trách Ban Dịch Thuật tại Nha Giám Đốc Cảnh Sát Công An Quốc Gia Nam Việt.
Dòng đời binh nghiệp
- 1953 động viên theo học Khóa 3 Đống Đa Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Tốt nghiệp mang cấp bậc Thiếu Úy.
- 8-1954 thăng Trung Úy, thuyên chuyển về Phòng 6 Bộ Tổng Tham Mưu.
- 1955 Chánh Sở 421 Đệ Nhất Quân Khu.
- 1956 Giám Đốc Tổng Nha Nghiên Huấn Đệ Tứ Quân Khu (Buôn Mê Thuột).
- 1957 phục vụ Sư Đoàn 4 Dã Chiến tại Biên Hòa.
- Cuối năm 1957 Giám Đốc Sở An Ninh Quân Đội Quân Khu Thủ Đô Sài Gòn.
- 1960 Giám Đốc Sở An Ninh Quân Đội Quân Khu I (Miền Đông), sau đổi thành Vùng 3 Chiến Thuật. Thăng Thiếu Tá Chánh Sở 3 An Ninh Quân Đội.
- 1965 Thăng Trung Tá, Cục Phó Cục An Ninh Quân Đội kiêm nhiệm Phó Tổng Giám Đốc (Tư Lệnh Phó) Cảnh Sát Quốc Gia.
- Giữa 1967 Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội, sau đó thăng Đại Tá.
- Cuối 1968 nằm bệnh viện Grall mổ bướu máu, sau đó xin ra khỏi ngành An Ninh Quân Đội.
- 1969 Phụ Tá Đặc Biệt Tổng Nha Thanh Tra Quân Lực.
- Tháng 1/1975, Phụ Tá Trung Tướng Phụ Tá Hành Quân Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH kiêm Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Bộ Tổng Tham Mưu cho đến ngày 30 tháng Tư, 1975.
Các khóa học chuyên môn
- 1954-1955: Sở Phản Gián Pháp.
- 1962 An Ninh Tình Báo Anh, Singapore.
- 1962 An Ninh, Phản Tình Báo Mỹ (Okinawa)
                              

Thủ bút của Đại Tá Trần Văn Thăng qua thư gởi tác giả.
Ân thưởng huy chương
Đại Tá Trần Văn Thăng với 22 năm quân vụ, từng giữ những chức vụ quan trọng qua thành tích thu đạt, ông được tưởng thưởng nhiều huy chương Quân Sự cũng như Dân Sự. Trong đó có những huy chương cao quý nhất như: Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, Chương Mỹ Bội Tinh Đệ Nhất Hạng.
Về huy chương ngoại quốc ông được thưởng thưởng:
- Chiến Công Bội Tinh T.O.E (Pháp).
- Chung Mu (Đại Hàn).
- Commendation Medal (Hoa Kỳ).
Việt Cộng không có tấn công vào Bộ TTM
Trong thư Đại Tá Thăng gởi cho tác giả đề ngày 21 tháng 2, 2014 có đoạn (xin trích):
"Với chức vụ Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Bộ Tổng Tham Mưu, tôi xin góp ý kiến:
Khoảng 8 giờ 30 sáng 30/4/1975, Đại Tướng Dương Văn Minh gọi điện thoại đến phòng Đại Tướng TTM Trưởng. Tôi bắt máy nghe. Đại Tướng hỏi thăm tình hình Bộ TTM. Tôi báo cáo rất bình thường. Đại Tướng ra lệnh "chờ" và sẽ liên lạc sau...
Đến khoảng 10 giờ, nghe đài phát thanh Đại Tướng tuyên bố đầu hàng, tôi cho tất cả ai về nhà nấy lo cho gia đình. Tôi và Đại Tá Lại Đức Chuẩn, Phòng I Bộ TTM ở lại cho đến khoảng 11 giờ 30 mới ra khỏi Bộ TTM. Tôi xác nhận VC không có tấn công Bộ TTM.
Ngày 21/2/2014.
Ký tên Thăng"
13 năm trong lao tù khổ sai của Cộng Sản
Vì những thành tích và cống hiến cho TIỀN ĐỒN TỰ DO của Miền Nam Việt Nam nên sau ngày 30/4/1975 đau thương, Đại Tá Thăng đã bị đày vào các trại tù tập trung như bao chiến sĩ anh hùng của VNCH, đa số là sĩ quan.
Người xưa nói: "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại." Đó là nói bị tù do chế độ phong kiến, thực dân giam giữ. Với Cộng Sản gọi là học tập "cải tạo" nhưng còn ác độc hơn nhiều.
Đại Tá Thăng bị tập trung 13 năm tù, ước tính ra có khoảng 365 x 13 = 4,745 ngày tù khổ sai. Ông đã lần lượt trải qua các trại giam: Long Giao (Long Khánh), Tam Hiệp (Biên Hòa), Yên Bái (Bắc Việt), Tân Lập (Vĩnh Phúc, Bắc Việt), Thanh Phong (Thanh Hóa), Hàm Tân Z30C/Z30D (Phan Thiết).
Rời khỏi trại tù nhỏ để ra trại tù lớn từ tháng Hai, 1988. Đại Tá Thăng về đến nhà ở Sài Gòn vào tối 29 tháng Chạp Tết Đinh Mão, tức 16/2/1988.
Đoàn tụ, vợ con ông quây quần vừa mừng vừa tủi vì thân xác ông tiều tụy quá nhiều. Qua 13 năm xa cách ông nghe vợ con kể lại những sự cơ cực ở nhà. Điều may mắn là vợ ông đã lo cho ba con trai được vượt thoát đến Hoa Kỳ. Ông ôm chặt vợ ông với sự trìu mến và vô cùng biết ơn bà đã tần tảo nuôi các con khôn lớn nên người.
Một cuộc đổi đời của gia đình
Sau khi Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, Đại Tá Thăng vào tù, gia đình vẫn còn cư trú tại cư xá Sĩ Quan Chí Hòa, Bắc Hải, Quận 10, Sài Gòn. Từ đây một mẹ còng lưng lo nuôi 11 người con đa số tuổi còn nhỏ. Việc lo ăn cho các con đã vô cùng khó khăn, việc học hành lại bị kỳ thị lý lịch là con của những người thuộc chế độ cũ nên việc thi tuyển của các con lớn vào Đại Học vô cùng khó, các cháu trai lại phải đối phó với việc bắt buộc đi nghĩa vụ thanh niên xung phong rất là nguy hiểm như một số người đã bỏ thây nơi công trường sản xuất do mìn bẫy gây ra. Về đêm trong giấc ngủ luôn chập chờn do công an khu vực thường vào nhà khám xét người.
      
Lo cho ba người con trai vượt biển
Vì lo sợ cho các con trai phải bị bắt đi thanh niên xung phong nên bà Thăng đã sắp xếp cho ba người con trai lớn vượt biển vào năm 1979. Các con rời khỏi nước, gia đình luôn mong có ti
                                  
n mừng báo về nhưng gia đình bà Thăng vô cùng đau buồn mong tin từng ngày, rồi đến từng tháng qua, thời gian dài không có tin tức, gia đình xem như các con đã mất tích.

Ông Trần Văn Thăng trong hình chụp tháng 5, 2015.Sau hai năm có tin vui bất ngờ là nhận được thư và hình của các con từ Hoa Kỳ gởi về. Trong chuyến đi, ghe tấp vào đảo Pulau Bidong. Một thời gian dài mới được cứu thoát để xét cho được định cư tại Hoa Kỳ.
Trên đường sang Mỹ, đoàn tụ gia đình
Đền bù những ngày vô cùng lao khổ trong tù, ông Thăng cùng vợ và 8 người con được sang định cư tại California, Hoa Kỳ theo chương trình H.O. 4 vào tháng Hai, 1991. Dịp này gia đình ông đã đoàn tụ cùng 3 người con trai vượt biển năm 1979.
Qua 25 năm định cư tại Mỹ, ông có cơ hội gặp lại nhiều chiến hữu và thân hữu. Ông thường tham dự các buổi lễ họp mặt của các Hội Đoàn, Cộng Đồng bạn, đặc biệt là các bạn đồng Khóa 3 Đống Đa Thủ Đức và các bạn Đại Tá cựu tù được tổ chức hàng năm.
Lâm trọng bệnh rồi qua đời
Tích lũy những bệnh hoạn từ khổ ải trong lao tù Cộng Sản, vào dịp Tết Bính Thân, ông ngã bệnh nặng phải vào điều trị nhiều ngày ở bệnh viện. Do tuổi cao, sức yếu, ông đã mãn phần ngày 3 tháng Ba, 2016.
Trong dân gian có câu truyền lại là đời người thường qua chu kỳ: sinh, lão, bệnh, tử nhưng với Đại Tá Thăng và hàng trăm ngàn chiến sĩ VNCH bị tù Cộng Sản thì phải thêm vào đời người phải qua chu kỳ: sinh, tù, lão, bệnh, tử.
Bức hình kỷ niệm
Trước khi viết bài này người viết có tiếp xúc với cô Hoàng Anh, trưởng nữ của Đại Tá Thăng để biết việc tổ chức tang lễ về phần lễ nghi liên hệ Quân Lực. Được cô cho biết: Lúc sinh tiền ba cô có dặn các chị em cô khi ông qua đời thì tang lễ cứ tổ chức bình thường. Việc làm lễ phủ cờ Quốc Gia VNCH khi còn chính phủ là để vinh danh các chiến sĩ đã hy sinh ngoài mặt trận hoặc đã hy sinh vì công vụ và những người có công được ân thưởng Bảo Quốc Huân Chương dù còn phục vụ tại ngũ hay đã về hưu hoặc đã xuất ngũ. Việt Nam Cộng Hòa đã tức tưởi sụp đổ ngày 30/4/1975, không còn chính phủ nên việc tổ chức phủ cờ cho ông thấy không cần thiết. Theo ông, chỉ cần thực hiện một tấm hình có vài biểu hiệu tượng trưng có ý nghĩa để kỷ niệm cho con cháu biết lúc sinh tiền ông đã góp phần phục vụ cho chính phủ VNCH là ông vui rồi.
Đôi lời vĩnh biệt
Lúc 12 giờ trưa Chủ Nhật, ngày 13 tháng Ba, 2016, linh cữu của Đại Tá Trần Văn Thăng sẽ được hỏa táng. Từ đây con cháu, thân nhân, chiến hữu, bằng hữu... ông sẽ không còn nhìn thấy ông, ngoại trừ nhìn ông trên phim ảnh hoặc hiểu biết ông qua tài liệu. Thương tiếc và tưởng nhớ người thầy, người anh trong Quân Lực với nhiều cảm tình và kỷ niệm giữa ông và tôi nên tôi viết bài tưởng niệm như một nén hương tiễn ông lần cuối. Ngoài ra, giúp các con cháu ông biết thêm những công việc ông đã làm và sự hy sinh suốt đời cho vợ con ông. Đồng thời qua bài viết một số chiến hữu, bằng hữu của ông nơi xa có thể biết qua tin tức ông đã qua đời.
Cuối bài xin có lời chia sẻ sự mất mát lớn lao đến 11 người con của ông, các dâu, rể, các cháu nội, ngoại và ba người em ruột của ông cùng đại gia đình và tang quyến.
Cầu xin Ơn Trên sớm dẫn đưa hương linh cố Đại Tá Trần Văn Thăng, pháp danh Thiện Chánh về miền Tây Phương Cực Lạc.
Kính lời vĩnh biệt Đại Tá Trần Văn Thăng.
Westminster, ngày 12 tháng 3, 2016
Hồ Đắc Huân