Saturday, April 30, 2016

MỘT BÀI THƠ ĐANG GÂY BÃO MẠNG

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...


Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ

Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...

Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...


Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...


Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...

Trần Thị Lam (Hà Tĩnh)


Bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh" của cô giáo Trần Thị Lam 46 tuổi, cô giáo tổ trưởng tổ văn tại trường trung học phổ thông chuyên ở tỉnh Hà Tĩnh:xuất hiện trên trang Facebook của cô từ ngày Thứ Hai, 25 Tháng Tư, và khoảng một ngày sau thì có hơn 2,000 lượt người chia sẻ. Tuy nhiên, nếu tìm kiếm trên mạng google ngày 29 Tháng Tư, với tên bài thơ vừa kể thì người ta thấy đã có tới 440,000 kết quả. Còn nếu tìm kiếm nhóm từ "cô giáo Trần Thị Lam" thấy có tới 1.5 triệu kết quả. Điều này chứng tỏ tâm sự của cô giáo Lam qua bài thơ đã và còn đang tác động mạnh mẽ vào lòng người.   Cô giáo Trần Thị Lam (phải). (Hình: Facebook Trần Thị Lam)
 Bài thơ viết tay trên một tập giấy viết có vẻ như của "Xi măng Sông Gianh" bây giờ không còn thấy trên trang Facebook của cô nữa. Trên một số trang mạng xã hội, nhiều người chia sẻ là đã khóc khi đọc bài thơ của cô. Đại đa số cảm ơn cô giáo Lam đã nói thay cho họ. Có người đã phổ nhạc bài thơ rồi đưa lên youtube hoặc họa lại bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh."Có người bầy tỏ lòng phẫn nộ khi thấy nói cô bị bắt "Yêu cầu chính quyền có giỏi thì chứng minh cô giáo nói sai đi, đừng có cậy có súng, có nhà tù mà bắt bớ, kỷ luật vô tội vạ. Dùng bạo lực để dập tắt một ngọn lửa nhỏ là thổi bùng lên ngọn lửa lớn."
Bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam làm người ta nhớ lại bài thơ "Nhỏ và to" lan truyền rộng rãi trên mạng sau khi thấy nó xuất hiện trên tờ Lao Động Cuối Tuần ngày 25 Tháng Sáu, 2014, như sau:
Nhỏ và to
Một đất nước nhỏ có cái thủ đô to.
Trong thủ đô to có con đường nhỏ.
Trên con đường nhỏ có những biệt thự to.
Trong biệt thự to có cô vợ nhỏ.
Cô vợ nhỏ dành cho ông quan to.
Ông quan to xách cái cặp nhỏ.
Trong cái cặp nhỏ có dự án to.
Dự án to nhưng hiệu quả rất nhỏ.
Hiệu quả nhỏ vì thất thoát to.
Thất thoát to nhưng chỉ là lỗi nhỏ.
Lỗi rất nhỏ nhưng mất lòng tin to. (TN)