Monday, April 4, 2016

CHUYỆN CÁ THÁNG 4 : TỪ SỰ TÍCH ĐẾN PHÀT NGÔN CỦA BỘ TRƯỞNG ĐỨC PHÁT

1. Hé lộ nguồn gốc và ý nghiã của ngày Cá tháng Tư 
1 Tháng Tư 2016 bởi Mai Anh
  Ngày Cá tháng Tư còn được gọi là ngày nói dối, ngày nói khoác là ngày đầu tiên của tháng 4. Vào ngày này mọi người trên thế giới có thể nói khoác với nhau mà không sợ ai đó giận.
Theo quan niệm từ xưa vào ngày Cá tháng Tư tất cả mọi người có thể nói khoác với nhau càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên, tại một số nơi quy định khung thời gian cụ thể, chẳng hạn trò chơi này sẽ kết thúc vào buổi trưa. Còn nếu sau buổi trưa mà vẫn nói khoác, trêu đùa thì sẽ gặp những điều không may mắn.
Tuy đã rất phổ biến trên thế giới nhưng cho tới hiện tại nguồn gốc chính xác của ngày Cá tháng Tư vẫn còn rất nhiều bí ẩn với những nguồn gốc khác nhau. Sau đây là câu chuyện được nhắc nhiều nhất khi nói tới ngày Cá tháng Tư.
Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư
Nước Pháp được coi là quê hương của ngày Cá tháng Tư (hay còn gọi là ngày nói dối 1.4). Vào thế kỉ 16 ở Pháp, mùa lễ hội hàng năm bắt đầu vào ngày đầu tháng Tư. Vào thời gian đó, năm mới được tính bắt đầu từ ngày 1.4 vì ngày này được xem là đầu tiên của mùa xuân. Nhưng vào năm 1582, Hoàng đế Charles IX đã ra lệnh chuyển ngày đầu năm mới về ngày 1.1.
Tuy nhiên, trên thực tế, do phương tiện liên lạc thời đó còn lạc hậu, người ta truyền tin chủ yếu bằng cách chạy bộ nên không phải người dân nào cũng biết có sự thay đổi đó. Những người khác tuy biết vẫn không chấp nhận lịch mới và tiếp tục đón năm mới vào ngày 1.4. Trò ngoan cố này bị quy là "ngớ ngẩn" và trở thành trò cười cho thiên hạ.
Một số người khi biết được điều này đã lém lỉnh trêu đùa gọi ngày 1.4 năm đó là "ngày nói dối". Cũng từ đó, cái tên "Cá tháng Tư" hay "ngày nói dối" chính thức xuất hiện.
Cùng với thời gian, trò đùa vào ngày 1.4 trở thành truyền thống và lan từ Pháp sang Anh và Scotland (thế kỷ 18). Người Anh và người Pháp đưa tục lệ nói dối sang các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Từ đó, ngày Cá tháng Tư trở thành một lễ hội quốc tế được chấp nhận ở nhiều nước khác nhau.
Ý nghĩa ngày Cá tháng Tư
Ngày Cá tháng Tư được biết đến là ngày con người có thể mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau. Bạn có thể thỏa thích đi lừa những trò đùa không gây hại cho mọi người.
Bên cạnh ý nghĩa mua vui và mang lại tiếng cười sảng khoái, ở mỗi một quốc gia, trò đùa trong ngày Cá tháng Tư lại mang một ý nghĩa riêng biệt. Người dân ở mỗi quốc gia tiếp nhận truyền thống này theo những cách riêng để trêu gia đình và bạn bè.
Đất nước Mexico kỷ niệm ngày Nói dối vào 28.12. Đó là một thời khắc buồn trong lịch sử đất nước này vì đúng ngày đó, vua Herod ra lệnh thảm sát trẻ em vô tội. Vì thế, những trò trêu ghẹo chỉ mang tính chất nhẹ nhàng.
Ở Scotland có tới 2 ngày Cá tháng Tư. Ngày thứ hai đặc biệt để trêu ghẹo phần sau lưng của mỗi người nên được gọi là "Ngày vuốt đuôi". Đây được coi là ngày phát sinh của trò đùa "Hãy đá tôi một phát". Và những người bị lừa được gọi là "gowk" (kẻ ngốc).
Ngày nay, ở Anh người ta gọi những người bị lừa trong dịp 1.4 là "April Fool" cũng có nghĩa là fool – kẻ ngốc. Người Pháp thì gọi những người bị lừa là Poissons D'Avirl có nghĩa là "những con cá tháng Tư". Và có lẽ do ảnh hưởng của người Pháp nên ở Việt Nam chúng ta gọi ngày này là ngày Cá tháng Tư.
Nguồn: nguoiduatin.vn
http://nguoivietukraina.com/he-lo-nguon-goc-va-y-nghia-cua-ngay-ca-thang-tu.nvu

2. Tản mạn về ngày “Cá tháng tư

VOA- 02.04.2016
Cả thế giới đều biết đến ngày “Cá tháng tư” (1-4), ngày “nói dối”. Ngày này, gặp bạn bè trang lứa, người ta nói đùa, nói xạo nhằm trêu chọc, tạo niềm vui bằng cách “đánh lừa” người khác. Có điều, sự “đánh lừa”, trò láu cá ấy là vô hại, cả bên “lừa” và “bị lừa” đều cười sảng khoái vô tư. Phong tục này có nguồn gốc từ thế kỷ 16 ở một số nước châu Âu, sau đó lan ra khắp thế giới. Ý nghĩa nhân văn của nó rất rõ ràng, niềm vui nho nhỏ đời thường qua tiếng cười bật lên thân thiện. Với người tính hài hước, họ không đợi ngày này, đùa lúc nào được là đùa, dí dỏm, hồn nhiên tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho mọi người xung quanh. “Nói dối” kiểu như vậy thật có giá trị. Thử hình dung trong tập thể tất cả mọi người lúc nào khuôn mặt cũng “nghiêm túc”, “hình sự”, vắng những nụ cười thì không khí làm việc, giao tiếp căng thẳng biết dường nào! Ngược lại, giả sử nếu chúng ta cứ thấy nhau là nói đùa, trêu chọc, cười ha hả suốt ngày, ai cũng vậy thì sẽ thế nào, có giống nhà thương … điên không ?
Nói dối ngày “Cá tháng tư” chẳng qua để “lòi” ra cái thật, để thấy mâu thuẫn rồi cười, cười cái mâu thuẫn do mình tạo ra. Vậy rõ ràng ngày “Cá tháng tư” không cổ vũ cho lời nói dối, sự dối trá. Nhưng khổ nỗi, lời nói dối ngọt ngào thường dễ chịu hơn hiện thực đắng cay. Hơn nữa, tốc độ thông tin của lời nói dối nhanh hơn lời nói thật rất nhiều. Thử xem sự thật rành rành ra đó chẳng ai chịu tin nhưng một tin đồn thì lại lan đi rất nhanh chóng. Terry Pratchett nói “Một lời nói dối có thể chạy quanh thế giới trước khi sự thật kịp mang giày”. Tác hại của nói dối không thể lường hết được. (Tất nhiên trừ kiểu nói dối như ngày “Cá tháng tư”). Con dối cha mẹ, trò dối thầy, cấp dưới dối cấp trên … Nghiêm trọng hơn, cấp trên nói một đường làm một nẻo, nói kiểu mị dân, hứa chứ không làm, làm thì không đến nơi đến chốn. Có câu chuyện khôi hài rằng, cô giáo ra đề văn yêu cầu học trò tả cô giáo của em, em nào cũng tả cô giáo với những gì tốt đẹp nhất, từ ngoại hình đến tính cách, duy chỉ một em “thiệt như đếm” tả cô giáo em với những gì em nghĩ: “Cô giáo em không được cao cho lắm, mặt cô bị mụn, mắt một mí, mũi thì tẹt. Cô giảng dạy nhiệt tình nhưng đôi khi học trò không ngoan thì cô cau có, quát mắng”. Sự thật “tàn nhẫn” đó với cô giáo là điều xúc phạm, bài văn bị điểm 0. Thế đó, trẻ con vô tình bị nhiễm thói nói dối từ người lớn. Trẻ đi học về khoe được 10 điểm, thầy cô khen, cha mẹ thưởng quà cho nó, còn nếu bị điểm kém thì cha mẹ mắng, chê bai, dọa nạt. Đó cũng là cách tạo cho trẻ nói dối. Nhưng trách gì trẻ, người lớn cũng nói dối như cuội. Khen để lấy lòng người khác, những món quà quá mức tình cảm vào các dịp lễ tết, hiếu hỉ. Trong hội nghị “không đồng tình vẫn giơ tay biểu quyết”. Những kẻ làm chơi ăn thật, làm láo báo cáo hay. Tham nhũng tràn lan nhức nhối cả xã hội nhưng cơ quan có trách nhiệm lại tuyên bố “chưa phát hiện ra một vụ tham những nào”. Đó không phải là dối trá sao ?
Benjamin Franklin nói “Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực”, vậy nên sự dối trá dù che đậy tinh vi thế nào cũng bị lòi ra như cây kim lâu ngày trong bọc. Người tinh ý nhìn vào mắt kẻ dối trá có thể phát hiện ra lời nói giả dối của hắn, nhưng khó có thể phát hiện những người nói thật một nửa. Rất nguy hại. Nói một nửa sự thật chẳng khác gì nói dối. Kiểu người này xuất hiện không ít, họ chỉ khen chứ không chê người khác, chỉ “dám” nói cái tốt của mình, còn cái xấu thì vùi sâu chôn chặt. “Quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật”, “ba phải” cũng là kiểu tính cách của người nói nửa sự thật. Còn những người không chịu nói gì thì sao ? Không khen cũng chẳng chê, thế nào cũng được, thấy đúng cũng chẳng ủng hộ, thấy sai cũng chẳng phê phán, “mũ ni che tai” – không biết, không nghe, không thấy. Xin thưa, đây là một kiểu nói dối siêu đẳng, chẳng biết thế nào mà lần. Thà rằng nói dối như sau còn “dễ chịu” hơn : “Dạ, khuyết điểm của sếp là sếp làm việc quá sức, không lo giữ gìn sức khỏe của bản thân” (Lời góp ý lãnh đạo trong buổi họp cơ quan cuối năm).
Người xưa nói “trung ngôn nghịch nhĩ”, lời nói thật khó nghe, nhưng “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Vậy tại sao không “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, tạo sao không đẩy mạnh “tự phê bình và phê bình” ?
Xin khép lại bài viết bằng câu chuyện về nhà vật lý Ga-li-lê: Hồi thế kỷ 17, Ga-li-lê đã công bố khám phá của mình, một sự thật chân lý “trái đất quay quanh mặt trời”. Nhiều nhà khoa học cùng thời cho rằng ông sai. Giáo hội La Mã bảo rằng ông truyền bá tư tưởng “tà giáo”, đem ông ra xử tội, đòi giết ông. Bị coi là tội phạm, nhà bác học buộc phải thề từ bỏ ý kiến cho rằng trái đất quay. Nhưng vừa bước ra khỏi cửa tòa án, ông đã bực tức nói to: “Dù sao trái đất vẫn quay !”.
Lê Xuân Chiến

http://www.voatiengviet.com/content/tan-man-ve-ngay-ca-thang-tu/3265330.html

 
3. CON CÁ 1-4 CỦA BỘ TRƯỞNG TO QUÁ !

 Ai cũng mong lời bộ trưởng Cao Đức Phát: "Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác tất cả không an toàn…" là sự thật.
Mấy ngày này, đi du lịch qua những vùng núi phía Bắc, ngoài việc mãn nhãn với phong cảnh rừng núi sông hồ tuyệt vời, chúng tôi còn rất vui với những bữa ăn cùng dân bản trong những nhà nghỉ homestay: rau rừng, gà đồi, cá suối.
Không chỉ vì ngon, bởi những đặc sản này cũng không còn khó kiếm, mà chính là vì tạm quên đi được nỗi lo sợ nơm nớp vây bủa trong đời sống hằng ngày: thịt thấm chất tạo nạc, rau đẫm thuốc trừ sâu, quả bọc chất bảo vệ thực vật…
Thế rồi đột nhiên chúng tôi đọc được một tin vui từ bài phát biểu của Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác tất cả không an toàn…".
À thì ra là do chúng ta không biết nên mới phải "sống trong sợ hãi" như thế. Tất cả chúng tôi nhìn nhau, và chợt ai đó phá lên cười: con cá 1-4 của bộ trưởng to quá!
Điều chúng tôi biết là những điều đã diễn ra hằng ngày trong nhiều năm tháng, đã được đưa lên báo chí, truyền hình: những người trồng rau dành riêng luống không phun thuốc cho nhà mình; những trang trại dành riêng chuồng heo, gà sạch cho gia đình, người quen;
Những chợ hóa chất bán đủ thứ thuốc không nguồn gốc nhưng tác dụng thần kỳ: ngọn rau dài hàng tấc trong đêm, trái cây căng tròn bóng mỡ hàng tháng, thịt cá tươi ròng từ sáng nay sang sáng mai…
Điều chúng tôi biết là con số người mắc bệnh ung thư đang tăng lên hằng ngày, đang được cảnh báo sẽ trở thành đại nạn tại Việt Nam trong vài năm nữa, đã rất nhiều người còn trẻ khỏe, tài năng phải ra đi oan uổng, trong đó có cả những người thân quen, bạn bè, đồng nghiệp của chúng tôi.
Điều chúng tôi biết là trong lúc mình cố gắng tìm mua thực phẩm ở những nguồn có thương hiệu, cam kết sạch, không ngâm tẩm với giá đắt hơn rất nhiều thực phẩm bên ngoài mà vẫn còn nơm nớp, thì vẫn còn rất nhiều bà nội trợ khác phải bấm bụng mua rau, mua thịt ngoài chợ…"mua trong sợ hãi".
Và đúng là có rất nhiều điều người dân chúng tôi không biết. Ấy là 6.000 mẫu thực phẩm mà các cơ quan chức năng của bộ đã lấy để kiểm nghiệm là những mẫu nào, được lấy từ đâu, tỉ lệ như thế nào với mật độ xuất hiện trên thị trường?
Bao nhiêu mẫu lấy từ các chợ đầu cầu, giữa xóm mà đa số người dân chúng tôi mua bán hằng ngày? Bao nhiêu mẫu là từ chợ chiều của các cô công nhân mua vội lúc tan ca?
6.000 mẫu thực phẩm lấy trong 5 tháng có là tỉ lệ mẫu hợp lý để kết luận về thị trường thực phẩm với hàng chục ngàn chủng loại, cung cấp hàng ngàn tấn mỗi ngày cho 90 triệu người?…
Không có ai muốn ăn thực phẩm bẩn đi kèm theo mầm bệnh. Không có ai muốn sống trong sợ hãi từ cốc nước, miếng ăn. Không có ai muốn mình phải nghi ngờ từ cái lá rau đến cô hàng rau, chị bán thịt vốn rất vui vẻ, xởi lởi…
Vì vậy, chắc chắn ai cũng mong ước làm sao những điều Bộ trưởng Cao Đức Phát vừa phát biểu là sự thật, để được yên tâm, để được bình an.
Nhưng lại có quá nhiều điều đã biết và không biết, thế nên với chúng tôi, ác thay, lời bộ trưởng nói vào ngày 1-4 lại vẫn chỉ là trò đùa cá tháng tư.
Ước chi không phải thế…
Theo Tuổi trẻ
http://nguoivietukraina.com/con-ca-1-4-cua-bo-truong-to-qua.nvu