Monday, April 11, 2016

SỰ THẬT VỀ TIẾNG CƯỜI

Sự thật về tiếng cười

Radio Australia - 30 March 2016 
Steve Ellen, Đại học Monash
Khán giả cười vui vẻ tại Liên Hoa Hài Quốc Tế Melbourne (Ảnh cung cấp bởi Liên Hoan Hài Quốc Tế Melbourne)
Liên Hoan Hài Quốc Tế tại Melbourne đang diễn ra vô cùng sôi nổi, hãy cùng suy nghĩ về tiếng cười. Tại sao chúng ta lại cười? Steve Ellen từ khoa Tâm Thần Học, Đại Học Monash sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về khoa học đằng sau hành động cười ra tiếng của con người
Khán giả cười vui vẻ tại Liên Hoa Hài Quốc Tế Melbourne (Ảnh cung cấp bởi Liên Hoan Hài Quốc Tế Melbourne)
Cười thường được coi là liều thuốc bổ. Nếu quả đúng vậy thì tốt vì tôi đang định sẽ thức khuya, uống rượu, hút thuốc và ăn uống như điên trong đợt Liên Hoan Hài Quốc Tế ở Melbourne năm nay.
Nhưng có lẽ tôi sẽ phải cân thận khi chọn buổi diễn vì tôi muốn mình sẽ có sức khỏe cân bằng sau liên hoan. Lỡ đâu lại có diễn viên hài nào khiến tôi thất vọng thì coi như tốn mấy năm sức khỏe của tôi.
Cười thường được coi là liều thuốc giải quyết đủ mọi vấn đề, từ giảm căng thẳng thần kinh tới hỗ trợ chữa ung thư.  Hầu hết các bệnh viện lớn đều có các bác sĩ "mặc đồ hề" để giúp các em bệnh nhân bật cười và phấn chấn hơn. Thậm chí còn có một dạng yoga gọi là Hasyayoga đã kết hợp hành động cười vào trong bài tập của mình. Chúng ta cũng có cả những câu lạc bộ cười được tạo ra nhằm mục đích nâng cao sức khỏe .
Úc còn có một tổ chức chuyên quảng bá những lợi ích sức khỏe của tiếng cười. Chưa hết, chúng ta có cả
Ngày Thế Giới Cùng Cười vào chủ Nhật đầu tiên của tháng 5. 

Hình : Flickr CC: Matteo Staltari 
Cười và sức khỏe
Những người tin vào lợi ích sức khỏe của tiếng cười đã tiến hành nhiều nghiên cứu về khả năng chữa bệnh của tiếng cười. Nhìn chung, có quá ít bằng chứng để khẳng định rằng cười có thể là thuốc chữa bệnh. Đúng là tiếng cười có thể giảm đau, có thể tăng đề kháng, giảm u sầu và căng thẳng.
Song hành động cười không thực sự chữa được bất kì bệnh nào. Hầu hết cười là "phần thêm" để hỗ trợ các phương thức chữa trị thông thường chứ không thay thế chúng. Tuy vậy, chúng ta cũng nên vui khi ít nhất biết rằng 'phương pháp' cười có vẻ như không có phản ứng phụ nào. 
Tại sao con người lại cười?
Không ai thực sự biết câu trả lời. Nhiều người cho rằng cười có tác dụng về mặt tiến hóa. Nó là một cách loài người giao tiếp với nhau, đặc biệt là trong các tình huống lãng mạn.
Nữ giới thường hay cười, trong khi nam giới thường là người kể chuyện đùa. Trong các trang tìm bạn hẹn hò, phụ nữ cũng hay viết mẫu đàn ông lý tưởng của họ là người có óc hài hước. Trong khi đó, đàn ông thì thường viết trên profile rằng họ là người biết đùa.
Cười mang lại cảm giác phấn chấn và  nâng cao khả năng học tập, đặc biệt là với trẻ em. Cười cũng có vai trò quan trọng trong việc tập hợp và củng cố mối quan hệ giữa người với người.
Cười cũng rất dễ lây – khả năng chúng ta bật cười trong tình huống xã hội thường gấp 30 lần khi một mình. Đó là lí do vì sao truyền hình hay lồng tiếng cười vào các chương trình giải trí.
Khi thử nghiệm chương trình Hogan's Heroes trước khi lên sóng năm 1965, các nhà sản xuất đã làm ra 2 phiên bản: một bản lồng tiếng cười và một bản không lồng tiếng cười.  Kết quả là bản không có tiếng cười  gặp thất bại. Từ đó, lồng tiếng cười vào chương trình trở thành một điều bình thường trong truyền hình. 
Hình : Flickr CC: hey tiffany!  
Cái gì khiến chúng ta bật cười?
Chúng ta thường cười khi nghe các chuyện đùa tự ta nói hoặc nghĩ ra. Trung bình người kể chuyện đùa sẽ cười nhiều hơn 50% so với người nghe. Trong số những người cười, 80% cười sau khi nghe những câu nhận xét thông minh, hóm hỉnh, trong khi chỉ có 20% cười vì nghe chuyện đùa.
Có rất nhiều ý kiến về việc thế nào mới là một chuyện đáng buồn cười. Có vẻ như một chuyện buồn cười thường có yếu tố ngạc nhiên và khó tin; chúng thường có mô típ quen thuộc, song đến khi kết thúc lại thay đổi bất ngờ.
Thị hiếu và sở thích cũng là yếu tố quan trọng. Mỗi người đều có sở thích riêng, thế nên mọi người có suy nghĩ khác nhau về cái gì mới đáng là buồn cười.
Nếu người Anh thích những chuyện thật ngốc nghếch, những người Yankee lại thích các chuyện cười mang tính công kích. Trong khi đó, người Úc lại thích nghe các kiểu đùa nói xấu chính quyền, tự đá đểu bản thân và mang nhiều tính mỉa mai.
Rất nhiều sách đã viết về bí ẩn của một câu chuyện cười hay. Nhưng nếu bạn thực sự tò mò về chủ đề này, tôi khuyên bạn nên xem phim The Aristocrats (2005). Trong phim này 100 diễn viên hài có cuộc thảo luận thú vị xung quanh một câu chuyện đùa. 
Ai cười?
Có vẻ như tất cả chúng ta đều cười. Chúng ta thường bắt đầu cười mỉm sau khi sinh ra được vài tuần. Khi được 3-4 tháng, chúng ta bắt đầu cười ra tiếng và tiếp tục làm vậy đến khi chúng ta chết.
Nhưng con người không phải sinh vật duy nhất biết cười. Các loài động vật có vú khác – như tinh tinh và gozzila, cũng cười dù cách cười của chúng khác với chúng ta. Nhiều bằng chứng cũng chỉ ra rằng những động vật này biết đùa. 
Hình : Flickr CC: Eric Kilby
Chúng ta cười như thế nào? 
Cười có nhiều kiểu phụ thuộc vào tình huống và chuyện đùa. Cười cũng có nhiều mức độ - có khi chúng ta cười thầm, có khi chúng ta cười khúc khích, có khi chúng ta cười như nắc nẻ.  Có khi chúng ta cười to trước đám đông, có khi chúng ta cười thầm để không ai để ý.
Cười cũng không phải chỉ để con người thể hiện cảm giác hạnh phúc, phấn chấn. Nhiều lúc chúng ta cười cũng vì xấu hổ, bối rối, hay vì phép lịch sự. Khi chúng ta quá căng thẳng, chúng ta cũng cười.
Chúng ta có cả kiểu cười "xấu xa" - đó là khi chúng ta cười trước sự kém may mắn của người khác.
Cách chúng ta cười cũng nói nhiều về tính cách của bản thân. Người hướng ngoại thường cười to, trong khi người hướng nội lại có kiểu cười hơi lãnh đạm.  
Có lúc nào chúng ta không nên cười không?
Có lúc chúng ta sẽ muốn bật cười trong tình huống đãng lẽ không nên cười. Tôi từng đùa cợt khi khám một bệnh nhân sắp chết, không để ý tới sự buồn bã của gia đình người đó khi họ đứng ngay sau tôi.
Mỗi lần nghĩ về lần đó tôi lại rùng mình. Thật may là gia đình bệnh nhân đó rất vị tha và đã thông cảm cho tôi vì hiểu rằng tôi đùa do muốn giảm bớt sự căng thẳng chứ không có ý gì.Tôi chưa bao giờ cảm thấy ngu ngốc như vậy.
Nói tóm lại, cười là một bí ẩn mà có lẽ chúng ta nên cố trải nghiệm hơn là nghiên cứu. Đúng là cười có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng đó không phải lí do khiến chúng ta muốn cười. Chúng ta cười vì hành động ấy mang lại phấn chấn, quyến rũ và kết nối mọi người lại với nhau. 

Steve Ellen, là Trợ tá phó giáo sư về Tâm Thần Học tại Đại Học Monash, Melbourne.