Monday, June 19, 2017

ẢO THUẬT * ĐỜI SỐNG ẢO * TRẢ THÙ TRÊN MẠNG

1. Ảo  thuật
Fr: Canh Tran


2. Ám ảnh tiền tài, danh vọng của những người Mỹ 'sống ảo'
Zing 18/06/2017
Một thế hệ mới xuất hiện ở Mỹ cùng sự phổ biến của truyền hình thực tế, khi mọi người đều khao khát sống vương giả như những người giàu có và nổi tiếng mà họ thấy trên TV.
Trong bữa tiệc Quốc khánh ngày 4/7/1993, Lindsey, 18 tuổi, ngồi bên một hồ bơi ở Los Angeles với vẻ mặt suy tư. Tấm băng phẫu thuật màu trắng dán giữa khuôn mặt cô từ lông mày đến môi trên.
Hầu hết bạn học của cô đều đã phẫu thuật thẩm mỹ, nâng ngực hoặc thu nhỏ ngực, hút mỡ, làm mũi. Cuối cùng, Lindsey cũng được thỏa ước nguyện.
Đó là một trong những bức ảnh của Lauren Greenfield ở California, người đã dùng nhiếp ảnh ghi lại sự biến đổi của giấc mơ Mỹ trong hơn 25 năm qua.
Greenfield bị thu hút tiền bạc và danh vọng hay "ảnh hưởng của sự giàu có" theo cách gọi của cô về việc mọi người cố gắng sống như những người giàu.
Ảo tưởng giàu sang
Thành quả của Greenfield là 300 bộ ảnh dành cho các báo và tạp chí kể về những khía cạnh của văn hóa tiêu dùng quá mức: sự hào nhoáng, danh vọng, ái kỷ.
600 bức ảnh của cô đã được lựa chọn để tập hợp trong cuốn sách "Thế hệ giàu sang", phản ánh nỗi ám ảnh tiền bạc và danh vọng của người Mỹ ngày nay.
Trong một bức ảnh, Greenfield ghi lại hình ảnh thu nhỏ của hoa hậu nhí Eden Wood, 6 tuổi, qua tấm kính vào năm 2011. Cô bé mặc bộ trang phục biểu diễn màu hồng trị giá 3.500 USD.
Eden Wood từng giành 200 giải thưởng trong các cuộc thi nhan sắc dành cho thiếu nhi và đang chuẩn bị "nghỉ hưu" để tập trung phát triển sự nghiệp người mẫu cũng như tham gia chương trình truyền hình thực tế "Thế giới của Eden".
Lindsey, 18 tuổi, tham dự một bữa tiệc mừng ngày Quốc khánh. Lindsey cho biết cô mong ước phẫu thuật mũi từ năm 12 tuổi. Ảnh: Lauren Greenfield.
Suzanne Rogers, 40 tuổi, vợ của một tỷ phú người Canada cũng xuất hiện trên một số trang sách để thể hiện tính quốc tế hóa của giấc mơ Mỹ. Bà đứng giữa những tủ đồ theo mùa trong căn nhà ở Toronto năm 2010, rạng rỡ khoe những đôi giày đắt tiền và túi xách hiệu Hermes. Mỗi hộp giày đều dán ảnh đôi giày bên trong để dễ dàng nhận diện.
Trong khi đó, những người đàn ông phô trương sự giàu có của mình trên khuôn mặt. Tại lễ trao giải âm nhạc ở Los Angeles năm 2004, rapper kiêm nhà sản xuất Lil Jon đã bọc các chiếc răng hàm trên bằng kim cương và bạch kim trị giá 50.000 USD.
Vào kỳ nghỉ ở St. Barts, Brett Ratner, 29 tuổi, đạo diễn loạt phim "Giờ cao điểm", trông như vừa trúng số. Một người bạn của Ratner đang phe phẩy xấp tiền 100 USD ngay trước ống kính của Greenfield.
Greenfield cho biết phải đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cô mới nhận ra thông điệp ẩn sau công việc của mình. "Chúng ta đã quên đi đạo đức và tiếp tục tiệc tùng trên boong tàu Titanic đang chìm", cô nói. 
Khao khát cuộc sống vương giả
Nữ nhiếp ảnh gia tin rằng cô đã ghi lại được sự chuyển dịch căn bản trong xã hội Mỹ. Trong quá khứ, người Mỹ thường so sánh bản thân với hàng xóm của họ và mong mỏi được như hàng xóm nếu họ khá giả hơn mình một chút. Truyền hình thực tế đã thay đổi tất cả.
"Chúng ta biết về những nhân vật trên TV còn rõ hơn hàng xóm của mình và thèm muốn những gì họ có", cô nói.
Mọi người đều muốn trở nên đẹp hơn, mặc quần áo đắt tiền hơn, đi xe xịn hơn, ở trong ngôi nhà rộng lớn hơn, có bể bơi và sống trong khu sang trọng tràn ngập ánh nắng ở California, Las Vegas và Florida.
 Jackie Siegel, nhân vật chính trong phim tài liệu "Nữ hoàng Versailles" năm 2012 của Greenfield, và bạn bè khoe những chiếc túi Versace năm 2007. Ảnh: Lauren Greenfield.
Báo cáo năm 2017 của Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Mỹ cho thấy người Mỹ đã chi 16,4 tỷ USD cho phẫu thuật thẩm mỹ vào năm 2016, so với mức 9,4 tỷ USD vào năm 2005.
Theo Cục điều tra dân số, trong khoảng thời gian 30 năm từ 1983 - 2013, trung bình một ngôi nhà của người Mỹ đã mở rộng từ 160 m2 đến 240 m2. Cục Dự trữ Liên bang cho biết tính đến ngày 31/3, tổng nợ thế chấp quốc gia là 8.360 tỷ USD. Nhiều người muốn sống trong những ngôi nhà sang trọng và rộng lớn như những người giàu bất chấp khả năng tài chính có hạn.
Bộ ảnh "Thế hệ giàu sang" ghi lại hình ảnh của những người nổi tiếng và những đồ vật mà nhiều người khao khát: một chiếc xe thể thao Chrysler Crossfire bám bụi bị bỏ lại ở Sân bay Dubai sau khi chủ sở hữu dường như đã bỏ trốn, một chiếc ví phiên bản giới hạn chứa đầy những viên pha lê Swarovski hay nhà vệ sinh bằng vàng trong một cửa hiệu trang sức ở Hong Kong.
Nhiều người đã tới để ngắm nhìn, chạm tay vào chúng và để chụp ảnh selfie. Greenfield cho rằng thực tế đó phản ánh văn hóa của "thế hệ giàu sang" đã lan tràn tới mức nào.
3.Nhức nhối nạn trả thù bằng ảnh khiêu dâm thời mạng xã hội
Zing / 18/06/2017
Với sự phổ biến của Internet và mạng xã hội, hình thức trả thù bằng cách tung ảnh nóng lên mạng để làm nhục nạn nhân đang ngày càng lan rộng và hủy hoại cuộc sống của nhiều người.
Trong nhiều năm, Kara Jefts sống với một bí mật khủng khiếp. Khi gặp một chàng trai, cô sẽ không tiết lộ họ của mình cho đến khi họ đã trải qua 4 hoặc 5 cuộc hẹn. Khi bắt đầu công việc mới, cô sẽ lập tức kết bạn với chuyên gia công nghệ để nhờ họ chặn các email quấy rối. Cô cũng buộc phải kể với cấp trên về chuyện tình trong quá khứ của mình.
Bí mật của cô khủng khiếp ở chỗ mọi người đều có thể tìm ra. Trong 5 năm qua, các bức ảnh khỏa thân của Jefts đã bị phát tán qua email, Facebook và có thể tìm kiếm được trên Google.
Tội ác tình dục thời công nghệ số
Là giảng viên tại Đại học Chicago, Jefts không bao giờ muốn nghĩ cảnh cơ thể trần truồng của mình bị phát tán trên Internet. Tuy nhiên, vào năm 2011, không lâu sau khi Jefts chia tay bạn trai lâu năm ở Italy, ảnh chụp màn hình từ các cuộc trò chuyện qua Skype của họ bắt đầu xuất hiện trên mạng.
Chúng được gửi qua email cho gia đình và bạn bè của Jefts, được đăng trên Facebook kèm lời đe dọa thô bạo, thậm chí còn xuất hiện trên một số trang web với cáo buộc cô bị mắc bệnh tình dục.
Những gì mà Jefts phải trải qua được gọi là tội ác tình dục công nghệ số. Hành vi này đã hủy hoại cuộc sống của hàng nghìn người nhưng vẫn qua mặt được pháp luật.
 Kara Jefts từng bị bạn trai cũ phát tán ảnh nóng trên mạng không lâu sau khi chia tay. Ảnh: Time.
Đó là loại văn hóa phẩm khiêu dâm dùng để trả thù. Mục đích của chúng là quấy rối và hạ thấp danh dự, nhân phẩm của nạn nhân bởi những hình ảnh bị phát tán không được sự đồng ý của họ. Hậu quả là họ sẽ bị mất uy tín và bị mọi người xa lánh, dè bỉu.
Hình thức trả thù này đang ngày càng tăng lên nhờ sự biến động của công nghệ và văn hóa mạng xã hội. Gần như mỗi ngày lại có những trường hợp mới.
Một phụ nữ 20 tuổi ở Pennsylvania bị đàn ông lạ tới gõ cửa sau khi bạn trai cũ đăng ảnh và địa chỉ của cô cùng lời mời tới "quan hệ". Một giám thị 50 tuổi ở Illinois bị sa thải sau khi chồng cũ gửi video khêu gợi của bà tới hội đồng nhà trường.
Một số hình ảnh và video riêng tư của các nạn nhân xuất hiện trên các trang web khiêu dâm. Số khác được đăng tải trên mạng xã hội, nơi tất cả bạn bè của họ đều có thể nhìn thấy. 
Sống trong lo sợ
Theo các tài liệu Guardian thu thập được, Facebook đã nhận được hơn 51.000 báo cáo về nội dung khiêu dâm được dùng để trả thù chỉ riêng trong tháng 1 năm nay.
Cuộc thăm dò năm 2016 của tạp chí Dữ liệu và Xã hội cho thấy khoảng 4% số người được khảo sát bị người khác tự ý đăng hình hoặc đe dọa làm như vậy. Đối với phụ nữ dưới 30 tuổi, tỷ lệ là 10%.
Một cuộc khảo sát Facebook vào tháng 6 của tổ chức Cyber Civil Rights Initiative cho thấy 5% người sử dụng mạng xã hội từng đăng ảnh nhạy cảm của người khác khi chưa được họ đồng ý.
Đầu năm nay, hàng trăm lính thủy đánh bộ bị phát hiện phát tán ảnh nhạy cảm của các nữ quân nhân trên một nhóm Facebook bí mật. Hàng chục thành viên của nhóm này đã bị điều tra từ khi bê bối vỡ lở hồi tháng 1. 
Sự quan tâm của công chúng đối với vụ việc đã khiến Thủy quân Lục chiến Mỹ chính thức cấm nội dung khiêu dâm gây tổn hại tới người khác. Hạ viện cũng bỏ phiếu nhất trí xếp nội dung khiêu dâm loại này vào tội phạm quân sự.
 Một bài đăng về Anon-IB, trang web chứa các bảng tin dành cho các thành viên quân đội chia sẻ những bức ảnh khỏa thân . Ảnh: CBS
Nạn nhân là những ngôi sao 
Trong một số trường hợp, thủ phạm là các tin tặc với mục tiêu là những phụ nữ nổi tiếng. Năm 2014, diễn viên Jennifer Lawrence và một số ngôi sao nữ khác đã bị tin tặc tấn công và phát tán hình ảnh nhạy cảm lên mạng.
Những sự việc tương tự có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới. Những bức ảnh khỏa thân được cho là của Diane Shima Rwigara, ứng viên tổng thống Rwanda, đã xuất hiện trên mạng hồi tháng 5 sau khi bà tuyên bố ý định thách thức lãnh đạo lâu năm của nước này, Tổng thống Paul Kagame.
Các cơ quan hành pháp, công ty công nghệ và các quan chức đang cố gắng bắt kịp sự lây lan nhanh chóng của kiểu quấy rối bằng ảnh nóng.
Khi các bằng chứng trú ngụ trong thế giới ảo trên mạng còn nhiều luật lệ vẫn kẹt ở thời kỳ tiền smartphone, nội dung khiêu dâm kiểu này là ác mộng của pháp luật. Chúng có thể dễ dàng được phát tán nhưng gần như không thể bị trừng phạt.
Các luật sư đang cố gắng thay đổi điều này với việc thúc đẩy một dự luật biến nội dung khiêu dâm gây tổn hại cho người khác thành một tội trong luật liên bang.
Tuy nhiên, nỗ lực của họ đã gặp phải vô số trở ngại, từ thách thức về công nghệ, thái độ của các nhà hành pháp cho tới lo ngại điều luật có thể hạn chế tự do ngôn luận.

Trong khi đó, các nạn nhân vẫn phải sống trong nỗi sợ bị xã hội lên án và kỳ thị. "Đến lúc này tôi đã chấp nhận việc điều đó sẽ tiếp tục đeo bám tôi. Nó giống như là bị mắc bệnh nan y vậy", Jefts nói ./.