Wednesday, January 17, 2018

DU LỊCH : NHẬT BẢN

Fr: Flixxy
1. Màn biểu diễn của một nhóm hoạt náo viên thể thao  của Nhạt Bản 
       

Fr: Sinh Do*Lien Pham* Phe Doan
 Nàng Thái tử phi u uất "Diana của phương Đông": Trầm cảm vì lồng son Hoàng gia, bị thần dân ngờ vực 
Từ một cô gái có tiền đồ rộng mở cùng những ước mơ bay nhảy tự do, bà đã vì tình yêu của mình mà trở thành người Hoàng tộc. Vì sống một cuộc sống đầy quy tắc, bà mắc căn bệnh trầm cảm. Đã vậy, bà còn bị chính thần dân của mình quay lưng. Nếu phương Tây có Công nương Diana như một tượng đài u uẩn về một người phụ nữ phải gánh chịu những quy tắc hà khắc của Hoàng gia đến mức mắc tâm bệnh, sống trong nhung lụa mà dằn vặt khổ đau thì ở châu Á, cụ thể là Nhật Bản cũng đang có một Thái tử phi u sầu tương tự.



Vị Thái tử phi này, từ một cô gái với tiền đồ rộng mở cùng những ước mơ bay nhảy tự do, vì tình yêu mà chấp nhận bước chân vào lồng son Hoàng tộc, sống một cuộc sống đầy quy tắc.  Tuổi thơ màu hồng của nữ Thái tử phi xinh đẹp, tài giỏi nhất Nhật Bản .
Vị Thái tử phi đó, không ai khác chính là Masako Owada, vợ của đương kim Hoàng Thái tử Nhật Bản Naruhito. Bà sinh ngày 9 tháng 12 năm 1963 tại Tokyo trong một gia đình quan chức cấp cao với cha là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, đồng thời cũng là cựu Thẩm phán Tòa án Tư pháp quốc tế. Với nguồn gốc gia đình như vậy, ngay từ thuở bé, Thái tử phi Masako đã có cơ hội sống ở nhiều quốc gia khác nhau và tiếp cận với những nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới. Khi còn nhỏ, Thái tử phi đã tỏ ra là một cô gái thông minh nhưng rất hiếu động. Masako mê thể thao, âm nhạc và các hoạt động ngoài trời. Bà cũng rất yêu thích động vật và có lần đã thổ lộ ước mơ muốn trở thành bác sĩ thú y. Ngoài ra, bà tuy là một người ít nói, trầm tĩnh nhưng lại ăn nói rất khéo léo và có tài hùng biện khó có ai sánh bằng. Kỹ năng sống của bà được tôi luyện tự nhiên nhờ vào những lần thay đổi môi trường sống và môi trường giáo dục vì tính chất công việc của cha, vì vậy bà có thể dễ dàng hòa nhập với bất kỳ nơi đâu và dễ làm quen với bất kỳ ai.


Trong cuốn sách "Công nương Masako, người tù của ngai vàng Nhật" của nhà báo Úc Ben Hills, tác giả đã mô tả về bà như là một người xuất sắc nhất trong thế hệ phụ nữ cùng lứa, là sinh viên giỏi của ba trường đại học hàng đầu thế giới: Harvard, Oxford, Tokyo. Sau khi tốt nghiệp đại học, Masako trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp thông thạo 6 ngoại ngữ: Nhật, Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha và Đức. Thậm chí bà còn được lựa chọn là nữ Bộ trưởng đầu tiên ở Nhật. Chính vì thế, có thời Thái tử phi Masako đã trở thành biểu tượng của phụ nữ Nhật hiện đại: duyên dáng, hấp dẫn và thông minh. Tuy nhiên, không lâu sau đó, dấu mốc từ một cô gái thường dân trở thành Thái tử phi Hoàng tộc Nhật Bản đã đưa cuộc đời bà sang một ngã rẽ khác với nhiều áp lực và quy tắc bủa vây.
 2 lần từ chối lời cầu hôn của Thái tử Nhật Bản nhưng cuối cùng vẫn trở thành Thái tử phi
Masako chạm mặt với chồng mình, tức là Thái tử Naruhito vào khoảng tháng 10/1986 tại một buổi tiệc của Hoàng gia Nhật Bản. Sau lần gặp gỡ ấy, Thái tử liền trúng tiếng sét ái tình trước cô nàng Masako thông minh, tài giỏi lại có khoa ăn nói khéo léo. Sau đó, Thái tử đã tìm mọi cách kết nối với Masako bằng những cuộc hẹn hò bí mật và những lần giới thiệu Masako với Nhật hoàng và Hoàng hậu. Sau một thời gian ngắn bên nhau, Thái tử Naruhito đã ngỏ lời cầu hôn. Vì biết làm dâu Hoàng gia không phải là điều dễ dàng, Masako đã tìm cách từ chối lời cầu hôn của Thái tử Naruhito. Sau đó, bà lập tức xuất ngoại sang Anh quốc để đi du học như một động thái muốn chấm dứt mối quan hệ với Thái tử Naruhito. Thêm vào đó, ông ngoại của Masako từng dính tới một vụ bê bối trước kia nên cái tên Masako bị gạch khỏi danh sách "ứng cử viên tiềm năng" cho vị trí Thái tử phi Nhật Bản.
Về phần Thái tử Naruhito, tuy bị Masako từ chối nhưng ông vẫn không nản lòng. Ông quyết khước từ các cuộc hôn phối do Hoàng gia Nhật sắp đặt và bỏ ngoài tai những lời thúc giục sớm kết hôn để tìm người nối dõi ngay vàng sau này. Cũng trong cuốn sách của Ben Hills, tác giả có ghi lại tình cảm son sắt mà Thái tử dành cho Masako như sau: "Thái từ chỉ đắm đuối Masako, không yêu bất cứ cô gái nào khác. Ngài nói với đức Nhật hoàng Akihito rằng nếu không cưới được Masako, ngài sẽ không cưới bất cứ ai khác".
Sau 2 năm du học về nước, Masako có cơ hội gặp lại chàng Thái tử năm nào. Lần này, Thái tử tiếp tục gửi lời cầu hôn đến Masako để chứng minh tình cảm bao năm vẫn không hề thay đổi. Cũng như lần trước, Masako đã từ chối thẳng thừng lời cầu hôn này. Đến năm 1992, sau nhiều cuộc thảo luận khá dai dẳng với cha mẹ, theo nhiều nguồn tin báo chí, cuối cùng Masako đã chấp thuận thành ý của Thái tử. Lúc này, Masako đã 29 tuổi và bà cho biết, Naruhito đã phải cam đoan với bà rằng: "Có thể em lo sợ khi về làm dâu Hoàng gia, nhưng anh hứa sẽ bảo vệ em đến trọn đời".
 Cuộc sống làm dâu Hoàng gia hà khắc khiến Thái tử phi mắc bệnh trầm cảm Dự định về một cái đám cưới Hoàng gia được vẽ ra nhanh chóng sau đó. Đúng như tiên liệu, sự hà khắc của những quy tắc ứng xử khi trở thành người Hoàng tộc đã ngay lập tức đến với Thái tử phi Masako. Trước đám cưới, Masako phải bỏ ra 62 giờ để học các quy tắc về cách đi đứng, cúi chào sao cho chuẩn phong thái Hoàng gia. Bà còn phải bỏ thêm thời gian để làm quen với bộ trang phục Kimono cưới của Hoàng tộc nặng lên đến hàng chục kg.
Đám cưới diễn ra vào ngày 9/6/1993, ngày đó Masako chính thức trở thành thường dân thứ 2 bước chân vào gia đình Hoàng tộc Nhật Bản, sau mẹ chồng là Hoàng hậu Michiko. Tuy nhiên, không hào nhoáng như những đám cưới Hoàng tộc khác trên thế giới, cũng không bình thường như những cặp đôi bình thường khác, đám cưới đã diễn ra mà không có xe ngựa hay đoàn tùy tùng, không tặng phẩm, không tuần trăng mật. Sau đám cưới, hai người lập tức thực hiện nghĩa vụ của một cặp đôi Hoàng gia.



Trong 3 năm đầu sau khi cưới, Thái tử phi Masako rất hiếm khi rời khỏi hoàng cung, cuộc sống của bà hoàn toàn khác trước kia bởi cảnh "chim lồng cá chậu". 3 năm đó, bà chỉ được về thăm cha mẹ 5 lần, mà mỗi lần bà phải xin phép trước nửa tháng. Bà cũng phải nộp lại hộ chiếu cho Cục quản lý Hoàng gia Nhật, mọi hoạt động đều bị giám sát chặt chẽ và bị cấm tiết lộ đời sống riêng tư cho báo giới. Những áp lực giáo điều quy tắc cứ bủa vây cô gái Masako thích bay nhảy ngày nào.


Chẳng hạn như Thái tử phi phải mặc lễ phục Hoàng gia gồm sáu áo kimono lại nặng đến 20kg. Nếu mặc áo không phải kimono, thì màu áo không được quá rực rỡ... Thậm chí khi muốn ra phố, Thái tử phi Masako không bao giờ được đi một mình, và phải lên kế hoạch và được chấp nhận trước 15 ngày. Thái tử phi phải luôn đi phía sau chồng, chỉ lên tiếng khi chồng cho phép...
 Bên cạnh đó, áp lực sinh con trai nối dõi cho dòng tộc Hoàng gia cũng là một áp lực với Thái tử phi Masako. Áp lực đến mức, bà đã bị sảy thai lần đầu vào năm 1999. Sau đó, mãi 2 năm sau bà mới hạ sinh ra Công chúa Aiko. Đến tận ngày nay bà và chồng vẫn chỉ có một cô Công chúa độc nhất, điều này đồng nghĩa rằng bà vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ phải sinh con trai nối dõi như Hoàng tộc Nhật Bản mong muốn. Áp lực bủa vây cứ kéo dài khiến bà mắc một số chấn thương tâm lý, phải điều trị bằng thuốc chống trầm cảm và phải từ bỏ hầu hết một số nghĩa vụ của một Thái tử phi. Bà ít xuất hiện trước công chúng bắt đầu từ năm 2003.


 Chính vì lẽ này, một số tin đồn ác ý bắt đầu được khơi lên từ người dân Nhật Bản. Người ta nói rằng Masako bỏ bê nghĩa vụ, không tham gia các hoạt động các lẽ ra bà phải có mặt mà lại đi chơi với bạn bè, thậm chí người ta còn nói Thái tử phi Masako không chăm lo cho Công chúa Aiko…
Đây có lẽ là những tin đồn khá chấn động đối với Thái tử phi, điều này cũng ngấm ngầm chứng minh thân dân Nhật Bản đã bắt đầu quay lưng với vị Thái tử phi của họ. Và trước những lời nói không hay về vợ mình, Thái tử Naruhito đã giữ đúng lời hứa ngày trước với vợ. Có lần, lần vào năm 2004 ông chính thức lên tiếng để bảo vệ Masako như sau: "Trong suốt 10 năm qua, Masako – người đã từ bỏ sự nghiệp ngoại giao để kết hôn cùng tôi, đã làm mọi điều có thể để thích ứng với môi trường Hoàng gia. Điều đó đã làm cô ấy kiệt sức".
Mới đây, trong một thông báo mới nhất vào ngày 1/12/2017 đến từ Hoàng gia Nhật Bản thì có thể trong năm tới, Nhật hoàng Akihito vì tuổi cao sức yếu sẽ thoái vị, nhường ngôi báu nước Nhật lại cho Thái tử Naruhito. Điều này đồng nghĩa, Thái tử phi Masako sẽ trở thành Hoàng hậu mới của Nhật Bản thay cho mẹ chồng mình là Michiko.

                
Đứng trước thông tin này trong khi vẫn đang vật lộn với căn bệnh tâm lý, Thái tử phi Masako cho biết bà đang rất sợ hãi về tương lai. Tuy nhiên, bà cũng nói: "Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nghĩa vụ của mình khi hỗ trợ cho chồng". (Nguồn: Reuters, Japantimes)





******

Fr: Ngoc Ai Dang *Dinh Thuc Ngo*Phi Bang Dansereau

3. Những điều không nên làm khi tới Nhật

Người Nhật nổi tiếng lịch sự và chu đáo. Khi đến thăm xứ sở hoa anh đào, có một số điều du khách cần nhớ, để tránh bị mất mặt trong thời gian ở lại nước này.      
1. Dùng đũa sai cách: 
Ở Nhật, đũa luôn được đặt trên đồ gác đũa (hashioki). Bên cạnh đó, việc dùng đũa để kéo thức ăn đến gần mình hay lấy thức ăn từ đũa người khác là những điều cần tránh.  
     
2. Để giày ở bên ngoài vào nhà:
 Trước khi bước vào nhà của người Nhật, mọi người sẽ cởi giày, đặt ngay ngắn trên giá hoặc cửa ra vào, và sử dụng dép đi trong nhà do chủ nhà cung cấp. Quy tắc này cũng được áp dụng tại các đền chùa, khách sạn ryoken truyền thống, và một số không gian công cộng. Một nguyên tắc quan trọng khác là khi sử dụng nhà vệ sinh, mọi người sẽ sử dụng dép riêng, thường được đặt ở cửa. 
             
 3. Chen ngang hàng:
Người Nhật xếp hàng ở mọi nơi, bến xe bus, nhà ga hay thang máy. Ở ga tàu, mọi người xếp hàng tại vị trí được đánh dấu trên sàn. Khi tàu đến, khách đợi tàu sẽ chờ người xuống hết trước khi bước lên. Việc chen ngang hàng sẽ khiến bạn trở thành một "sinh vật lạ" trong mắt mọi người xung quanh.
     
4. Vừa đi vừa ăn:

Ở Nhật, việc ăn hoặc uống khi đi trên đường là hành động thiếu lịch sự. Tương tự, việc ăn uống trên phương tiện giao thông công cộng cũng là hành động khiếm nhã, ngoại trừ trên các chuyến tàu đường dài.
         
5. Dùng nhà tắm sai cách:


Bồn tắm truyền thống của Nhật Bản được gọi là "furo" thường có dạng hình chữ nhật, nhỏ và sâu hơn so với bồn tắm của phương Tây, được dùng để ngâm mình, thư giãn. Vì vậy, mọi người thường tắm sạch bên ngoài trước khi ngâm bồn. Ngoài ra, ở Nhật Bản, hình xăm thường liên quan đến các băng nhóm xã hội đen, nên nếu có hình xăm, bạn không được phép dùng bồn tắm công cộng.
         
6. Để lại tiền tip:

 Không giống như ở Hoa Kỳ, nơi tiền tip là điều quen thuộc, Nhật Bản không có văn hóa này và thậm chí việc đưa tiền tip có thể được coi là một hành động thiếu tôn trọng. Tất cả phí dịch vụ đã được tính trong hóa đơn tại các nhà hàng, và ngay cả tài xế taxi cũng sẽ từ chối nhận tiền tip. Nếu bạn ra khỏi nhà hàng và để lại một chút tiền lẻ, chắc chắn nhân viên nhà hàng sẽ chạy theo bạn và trả lại.
           
7. Làm ồn nơi công cộng:


Người Nhật dùng điện thoại di động của họ một cách kín đáo, không nói chuyện điện thoại hoặc nói thật nhỏ khi ở nơi công cộng. Nếu bạn phải dùng điện thoại ở các khu vực này, bạn hãy đi đến một nơi yên tĩnh và ít người.
           
8. Chỉ tay vào người khác:

 Chỉ tay vào người hoặc vật được xem là hành động thô lỗ ở Nhật Bản. Thay vào đó, người Nhật sẽ đưa cả bàn tay hướng về những gì họ muốn nói đến. Khi nói về bản thân, mọi người sẽ sử dụng ngón tay trỏ để chạm vào mũi, thay vì chỉ vào chính mình.
         
9. Đưa đồ bằng một tay: 

Ở  Nhật, mọi người luôn dùng cả hai tay để trao hoặc nhận đồ vật, gồm cả những vật nhỏ như danh thiếp. Khi trả tiền tại cửa hàng hoặc quán cà phê, khách hàng thường đặt tiền vào khay nhỏ bên cạnh quầy tính tiền, thay vì đưa trực tiếp cho nhân viên.
              
10. Rót rượu cho bản thân:

Trong các bữa tiệc, bạn hãy rót đầy ly của người ngồi bên cạnh khi ly của họ đã cạn thay vì chỉ rót cho mình. Sau đó, người khác sẽ làm điều tương tự với bạn. Việc tự rót rượu cho mình bị coi là hành động ích kỷ. Đồng thời, bạn cần giữ chai rượu bằng cả hai tay khi rót.

*******