Monday, August 6, 2018

PHO TƯỢNG QUAN ÂM TRẢ LẠI

 Fr: Minh Luong *Ck Tran *Khanh Bui

BỨC TƯỢNG TRẢ LẠI VÀ Ý NIỆM HÓA GIẢI 
 Đại đức Thích Mãn Toàn cùng đại diện thôn, các bậc cao niên trong làng Bồ Bản nhận lại bức tượng.

Sau Hiệp định Paris 1973, những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Từ đó đến nay đã 45 năm, những “di chứng” chiến tranh vẫn còn trên mảnh đất này, và còn trong tâm trí những người lính ở bên kia bán cầu. Bên cạnh việc hóa giải nỗi đau của chiến tranh, thì hóa giải những uẩn khúc trong lòng người cũng cho thấy nỗ lực phục thiện mà tất cả mọi người bất kể chiến tuyến đều hướng đến.
Hành trình tìm lại chốn cũ
Một buổi trưa đầu tháng 6-2018, có bốn người cựu binh Mỹ tuổi chừng tám mươi tìm về ngôi chùa làng Bồ Bản (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Trên xe bước xuống, ông Anderson ôm trước ngực một bức tượng Quán Thế Âm Bồ tát mầu trắng, trang nghiêm đi vào chùa.
Đại đức Thích Mãn Toàn, người trụ trì ngôi chùa ra tiếp đoàn. Anderson hỏi đại đức Thích Mãn Toàn đây có phải chùa Trường Khánh không? Đại đức Mãn Toàn đáp phải, cả vùng chỉ một ngôi chùa này tên Trường Khánh, người dân thường gọi là chùa Bồ Bản. Ngôi chùa khang trang, cây cối trong khuôn viên xanh tốt, không còn chút dấu tích hoang vu ngổn ngang nửa thế kỷ trước, thuở ông hành quân qua đây.
Suốt cuộc trò chuyện, Anderson vẫn ôm khư khư bức tượng trên tay và quan sát cảnh vật để tìm dấu tích xưa. Gần cuối câu chuyện, ông Anderson mới nhìn thấy cái giếng phía trước và ồ lên, chính cái giếng đó ngày xưa ông từng múc nước lên uống cho đỡ khát. Nhưng để xác minh thêm, Anderson hỏi sư thầy: “Ông có cái gì để chứng minh đây là chùa Trường Khánh không?”. Đại đức Thích Mãn Toàn lấy tờ bìa đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó ghi rõ đất cấp cho chùa Trường Khánh - Niệm Phật đường Bồ Bản. Đến lúc đó Anderson mới hoàn toàn tin mình đã đến đúng chỗ cần tìm và trang trọng đặt bức tượng Phật xuống bàn. Ông nói: “Không phải tôi lấy bức tượng này. Tôi chỉ giúp ông Muller, bạn cùng quân ngũ, trao trả lại nhà chùa mà thôi”.
Chuyện người lấy tượng Phật
Tháng 4-1968, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Clark Clifford chỉ thị cho Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Việt Nam thực hiện ba nhiệm vụ cấp bách. Một trong ba nhiệm vụ đó là tiến hành các cuộc hành quân càn quét để giải tỏa các thành thị, căn cứ, đường giao thông, ngăn chặn quân giải phóng tiến công. Lúc này trên mặt trận Đường 9 - Khe Sanh chiến sự đang căng thẳng và ác liệt, còn ở phía đông Quảng Trị, Mỹ tăng cường càn quét. Muller là người chỉ huy một đại đội Mỹ thực hiện càn quét.
Một lần, Muller dẫn đại đội qua làng Bồ Bản, ông thấy cảnh vật hoang vu. Trước đó người dân đã được sơ tán, di cư lánh nạn. Muller đi vào một ngôi chùa đầu làng có tên hiệu Trường Khánh. Chùa tiêu điều bởi đạn bom, chỉ còn bốn cột gỗ, dưới đất có nhiều tượng Phật bị đánh rơi ngổn ngang. Nổi bật trong số đó có một tượng Phật ngồi, tạc từ đá thạch anh trắng phau, cao tầm gang tay. Muller lấy bức tượng cho vào túi mang đi.
Những cuộc hành quân sau đã lấy mất của ông Muller một chân. Khi về Mỹ, ông luôn bị ám ảnh với cảnh bom đạn tang thương ở Việt Nam. Nhiều đêm Muller nằm mơ thấy mình đi qua những đổ nát hoang tàn khói lửa, và hiện lên một ngôi chùa làng, ông thấy chính mình trong giấc mơ đã lấy bức tượng Phật. Hình ảnh này cứ lặp đi lặp lại khiến Muller ấp ủ ước mơ phải trở về Việt Nam, phải trở về Quảng Trị, phải trở về ngôi chùa Trường Khánh để trả lại bức tượng. Muller không theo tôn giáo và không biết tên cũng như ý nghĩa bức tượng, song qua những giấc mơ, ông nghĩ hẳn đây là vật linh thiêng nên ông bày trang trọng trên một giá sách.
Không may, những ám ảnh chiến tranh giày vò đã khiến ông đột quỵ, không thể đi lại được dù đầu óc vẫn tỉnh táo. Ước nguyện trở lại Việt Nam càng xa vời đối với ông. Năm 2006, Muller mất. Trong giấy tờ để lại, Muller có bản di nguyện gửi gắm những người đồng đội nếu có dịp quay về Việt Nam hãy giúp ông trả bức tượng cho chùa Trường Khánh.
Chuyện người trả tượng Phật
Ông Anderson, một người dưới quyền chỉ huy của Muller, sau này về Mỹ cũng là người bạn thân của Muller. Những ám ảnh Muller trải qua, cũng chính là những ám ảnh chung về chiến tranh Việt Nam của bao nhiêu binh lính Mỹ được gọi chung là “Hội chứng Việt Nam” (Vietnam Syndrome). Khi Muller mất, Anderson nghĩ, mình phải “tiếp quản di nguyện” của bạn, để bạn và mình cùng được thanh thản.
             
Lần theo tấm bản đồ quân sự cũ, ông Anderson tìm lại được ngôi chùa.
Năm 2008, Anderson có chuyến trở lại Việt Nam nhưng không tìm được thông tin gì về ngôi chùa để trả bức tượng. Các ngôi chùa làng ở Việt Nam hầu hết đều có tên hiệu Hán Việt nhưng ít được dùng, thay vào đó người dân lấy tên làng để gọi tên chùa. Chùa Trường Khánh dân gọi là chùa Bồ Bản, vì nằm ở làng Bồ Bản. Chính vì điều này mà Anderson hỏi thăm chùa Trường Khánh thì không nhận được câu trả lời xác đáng.
Quay về Mỹ, Anderson tìm đến Viện Bảo tàng quân đội Mỹ mượn tấm bản đồ chiến tranh tại Quảng Trị. Trên bản đồ chi chít những chấm đen là căn cứ quân sự Mỹ, các mũi tấn công càn quét và thời gian càn quét được ghi chú rõ ràng. Dò tìm mãi cuối cùng Anderson cũng tìm ra tên địa danh Bồ Bản (trong bản đồ ghi Bo Bang), ghi chú thời gian càn quét qua đây là ngày 7-4-1968. Đặc biệt, trên bản đồ có một đường khoanh đậm bao quanh ngôi chùa thành một cụm cứ điểm Mỹ dày đặc. Sự trùng hợp trong bản di nguyện của Muller và tấm bản đồ đó đã giúp cho Anderson định vị được chính xác địa chỉ ngôi chùa Trường Khánh.
Lại thêm nhân duyên khác, một lần tình cờ Anderson đi thăm một ngôi chùa Việt Nam ở bang Texas thì gặp sư cô Thích Nữ Minh Hòa. Sư cô Minh Hòa quê ở làng Vĩnh Lại (xã Triệu Phước, bên cạnh làng Bồ Bản) sang đây định cư tu hành rồi xây chùa, trụ trì. Sư cô Minh Hòa đã khẳng định với Anderson về ngôi chùa Trường Khánh chính là chùa Bồ Bản và kết nối, chỉ đường để Anderson về Quảng Trị một lần nữa.
Ý niệm hóa giải
Bức tượng “lưu lạc” đúng 50 năm. Trong khoảng thời gian đó có gần bốn mươi năm là dằng dặc ám ảnh chiến tranh của người cựu binh Mỹ Muller và hơn mười năm ông Anderson day dứt thực hiện nguyện vọng sau cùng của bạn. Nên dù đến vào giờ chỉ tịnh chốn thiền môn của một buổi trưa nắng nóng Quảng Trị, Anderson vẫn phải làm phiền nhà chùa để được vào trả lại bức tượng. Người bạn quá cố Muller và cả ông nữa, đã chờ đợi giây phút này quá lâu rồi!
Khi đặt bức tượng xuống bàn, Anderson hỏi đại đức Thích Mãn Toàn về tên và ý nghĩa của bức tượng. Vị sư trụ trì trả lời, đấy là tượng Phật Quán Thế Âm Bồ tát, mang hình ảnh của người mẹ hiền lắng nghe những khổ đau và cứu độ chúng sanh.
Đại đức Mãn Toàn có hỏi Anderson về động cơ của Muller khi lấy bức tượng. Nhưng ông Anderson bảo không biết, chỉ khẳng định chắc chắn rằng đó không phải là hành động cố ý đánh cắp.
Không thể biết chính xác mục đích của người lấy tượng để làm gì. Nhưng việc mong muốn trả lại tượng của Muller, và hành trình lần tìm về của Anderson cho thấy, những người lính dù bên kia chiến tuyến vẫn đầy trách nhiệm. Một bức tượng bằng đá trọng lượng chừng năm cân, không phải là nhẹ so với hành trang của người lính, nhưng Muller đã mang đi theo suốt những năm chiến tranh ở Việt Nam cho tới khi sang Mỹ. Kể cả khi một chân đã gửi lại nơi chiến địa, thì ông vẫn mang theo một khối đá như giữ đức tin nào đó, hoặc để nuôi dưỡng một sự ăn năn. Ông Anderson cũng đã hai lần đưa đi mang về bức tượng vượt nửa vòng trái đất, hẳn cũng là một việc làm không dễ dàng khi quá cảnh các sân bay.
Sau cùng, Anderson nói với đại đức Thích Mãn Toàn: “Dù chúng tôi không theo tôn giáo nào, nhưng tôi nghĩ khi lấy bất kỳ một vật gì đó, dù của nhà Phật hay của nhà thờ Thiên Chúa giáo thì cũng phải trả lại như vậy. Ở một nơi nào đó, hẳn linh hồn Muller cũng đã thanh thản mãn nguyện, và tôi cũng mừng khi đã thực hiện xong di nguyện của người bạn. Càng kỳ diệu khi hôm nay tôi mới biết ý nghĩa của ngài Quán Thế Âm Bồ tát như biểu tượng lắng nghe và cứu khổ. Chúng tôi đã gây ra cho người dân Việt Nam bao nhiêu khổ đau, nên hôm nay mang trả lại bức tượng về với chùa, cũng như xoa dịu một phần nào quá khứ đau buồn, và hy vọng có thể hàn gắn, hóa giải được những khúc mắc, những vết thương chiến tranh”.
HOÀNG CÔNG DANH

'Ck Tran' via Cựu Thiếu via Cựu Thiếu Sinh Quân-VNCH <kbc4437@googlegroups.com






<DUC QUAN THE AM.JPG>