Tuesday, March 26, 2019

TRUYỆN CHƯỞNG KIM DUNG ( LỊCH SỬ - VĂN HỌC -Y,DƯỢC )

Truyện chưởng Kim Dung của Trần Văn Tích: Từ hư cấu đến hiện thực

Trần Doãn Nho/Người Việt
March 22, 2019
Kim Dung - tiểu thuyết gia nổi tiếng người Trung Quốc với hàng loạt tác phẩm võ hiệp kinh điển. (Hình: Hoa Học Trò)
Dựa theo bối cảnh, sự kiện cũng như các nhân vật trong truyện chưởng Kim Dung, tác giả Trần Văn Tích lần lượt nêu lên nhiều chi tiết lý thú về lịch sử cũng như về văn học và y, dược qua tập biên khảo “Văn Sử Y Dược trong Truyện Chưởng Kim Dung.”

Về phương diện lịch sử
Trần Văn Tích tìm kiếm trong các kho sử liệu để giúp chúng ta hiểu rõ thêm về lai lịch của một số tổ chức hay sự kiện trong truyện Kim Dung. Chẳng hạn như “ma giáo.”
Trong truyện Kim Dung, hai chữ “ma giáo” được sử dụng với ngữ thái khinh mạn, khiến nó “hồn nhiên” trở thành một từ vựng Việt Ngữ với ý nghĩa hết sức tiêu cực. Thực ra, “ma giáo” chính là Minh Giáo (Manichéism), hay còn được gọi là Mạt Ni Giáo hay Ma Ni Giáo. “Minh” có nghĩa là sáng, còn Mạt Ni hay Ma Ni là phiên âm từ tiếng Ba Tư.
Minh Giáo được hình thành “ở Babylone, do giáo chủ Mani sáng lập năm 224. Lấy Hiên Giáo làm chủ, Minh Giáo còn hấp thụ một số giáo lý của đạo Cơ Đốc và đạo Phật.”
Năm 694, vào thời nhà Đường, Minh Giáo truyền đến Trung Hoa và do giúp dẹp tan loạn An sử, nên được các vua Đường cho phép truyền bá rộng rãi trong dân chúng; nhờ thế, chùa Minh Giáo mọc lên khắp nơi.
Nhưng đến năm 842, vua Đường trở mặt, tiến hành đàn áp, khiến Minh Giáo phải chuyển qua hoạt động bí mật. “Cho đến thời Minh, tên gọi đạo Ma Ni vẫn còn được thư tịch Trung Văn ghi nhận, đến Thanh thì mất biến.”
Lai lịch của nhiều nhân vật trong truyện Kim Dung cũng được tác giả tìm hiểu kỹ, theo đó, Khâu Xứ Cơ, Hư Trúc hay những khuôn mặt Mông Cổ như Thiết Mộc Chân, Đà Lôi, Oa Khoát Đài, Triết Biệt, Truật Xích đều là những người có thật trong lịch sử.
Khâu Xứ Cơ đã đi phiêu bạc nhiều nơi, sang tận vùng Trung Đông ngày nay, được ghi lại trong bộ “Trường Xuân chân nhân Tây du ký” (đầu thế kỷ 13). Nhà sư Hư Trúc trong Thiên Long Bát Bộ, lấy công chúa nước Tây Hạ; Tây Hạ, tức là xứ Tangut, là một quốc gia ở vùng Tây Tạng, tồn tại từ năm 986 cho đến 1227.  Con ngựa “hãn huyết bão câu” rất quý giá của Quách Tỉnh cũng có thật, đã từng được Tư Mã Thiên ghi lại trong bộ sử ký nổi tiếng của mình.
Đặc biệt, theo Trần Văn Tích ghi nhận, có hai khuôn mặt Việt Nam. Thứ nhất là Trần Hữu Lượng. Trong “Cô Gái Đồ Long,” Trần Hữu Lượng gia nhập cái bang, giữ chức trưởng lão tám túi. Theo “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” và “Khâm Định Việt Sử Cương Mục,” Trần Hữu Lượng là con của Trần Ích Tắc; Trần Ích Tắc là con của Trần Thái Tông, tức Trần Cảnh, vị vua đầu tiên của triều Trần. Năm 1215, Trần Ích Tắc đầu hàng giặc Mông, sống lưu vong trên đất Tàu.
Nhân vật thứ hai là Nùng Trí Cao, thuộc sắc tộc thiểu số. Nùng Trí Cao đã từng nổi loạn chống lại nhà Lý của Đại Việt năm 1041, sau khi lập ra nước Đại Lịch. Nùng Trí Cao đánh Tống, chiếm một số vùng, sau bị đánh bại, chạy trốn sang nước Đại Lý của họ Đoàn rồi chết ở đó. Người Tống vào Đại Lý, lấy đầu Trí Cao đem về nước, giết luôn mẹ, em và con. Từ đó, họ Nùng bị tuyệt diệt.
Các nhân vật họ Đoàn nước Đại Lý trong Lục Mạch Thần Kiếm như Đoàn Dự, Đoàn Chính Thuần, Đoàn Nam Đế đều là những nhân vật lịch sử. Trong chương “Họ Đoàn nước Đại Lý,” tác giả đưa ra rất nhiều chi tiết liên quan đến dòng họ này. Họ Đoàn thuộc chủng tộc Nam Chiếu và Đoàn Tư Bình là người dựng nên nước Đại Lý vào năm 937. Tuy nhiên, theo chính sử, thì Đoàn Dự không hề làm vua và Đoàn Chính Thuần không hề tự sát như Kim Dung dựng nên trong truyện.
Về phương diện văn học
Tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung thỉnh thoảng nhắc đến một số thể loại văn học: thể “ký” qua danh tính Phạm Trọng Yêm với bài “Nhạc Dương lâu ký” trong “Anh Hùng Xạ Điêu,” thể “phú” với bài “Lạc thần phú” mô tả điệu Lăng ba trong “Thiên Long Bát Bộ,” thể “câu đối” khi Hoàng Dung tranh tài văn chương với Tân Mùi Trạng Nguyên vào dịp được Quách Tỉnh cõng đi cầu Nhất Đăng đại sư trị thương. Nhưng được nhắc đến với tần số cao nhất thì lại là thể “từ.”
Trần Văn Tích để riêng một chương khá dài, “Thi loại từ,” bàn về thể loại này. Theo ông, “từ” là một thể thơ gắn chặt với âm nhạc, dựa vào nhạc mà đặt lời, lời lẽ hoa lệ, sắc màu sặc sỡ, ủy mị. “Từ’ chuyên tả đàn bà con gái, ngạt ngào son phấn.
Ông trích những bài “từ” nổi tiếng trong văn học Trung Hoa, đối chiếu với các bài “từ” được Kim Dung đưa vào trong truyện. Chẳng hạn bài “Mãn giang hồng,” kèm theo bản dịch tiếng Pháp của Demiéville hay của Jacques Chatain. Ông cho biết, “từ” được Kim Dung vận dụng theo rất nhiều kiểu cách qua quá trình bố trí cốt truyện đa tuyến và xây dựng hình tượng nhân vật.
Lý do chính khiến Kim Dung sử dụng nhiều bài “từ” trong truyện là vì yếu tố văn học sử. Theo ông, “Nền văn học chữ Hán mỗi triều đại có một thể loại thịnh hành. Hán thì có phú, Đường thì có thi,  Tống thì có từ, Minh Thanh thì có khúc. Mà bối cảnh lịch sử các truyện chưởng Kim Dung chủ yếu là nhà Tống.”
Trong “Anh Hùng Xạ Điêu,” Hoàng Dung làm “từ,” trong “Lục Mạch Thần Kiếm,” Đoàn Chính Thuần làm “từ,” trong “Thần Điêu Đại Hiệp,” Lý Mạc Thu cũng làm “từ.”
Văn chương Việt Nam cũng có nhiều thi nhân làm “từ” như Hồ Xuân Hương với bài “Xuân đình lan,” Nguyễn Du với “Hành lạc từ,” Ngô Thời Sỹ với “Tô mộ già,” Tùng Thiện Vương với “Trúc chi từ” và Tản Đà là người cuối cùng làm từ, đó là bài “Tống biệt.”
Trần Văn Tích dùng một chương khác để bàn về khúc ca “Tiếu ngạo giang hồ” trong phần cuối truyện “Tiếu Ngạo Giang Hồ.” Ông nêu lên lịch sử âm nhạc và mối liên hệ giữa văn chương và âm nhạc trải qua các thời đại trong lịch sử Trung Hoa. Nhạc liên hệ tới tâm, dùng nhạc để an tâm. Ông cho biết, “Văn học và nhạc học Trung Hoa có mối liên hệ cực kỳ mật thiết. Từ những nguyên tắc cơ bản có tính chỉ đạo đến cung cách ứng dụng vào từng trường hợp cụ thể, thi và nhạc luôn luôn giao hòa, gắn bó.” Các bài nhạc nổi tiếng được đề cập rải rác trong nhiều truyện của Kim Dung như “Quảng lăng tán,” “Tư Mã phượng cầu,” “Chiêu quân thán,” “Nghê thường vũ y,” “Tiếu ngạo giang hồ,” vân vân.
Về phương diện y, dược
Truyện chưởng Kim Dung thường có những nhân vật thầy thuốc, chẳng hạn Sát nhân danh y Bình Nhất Chỉ trong “Tiếu Ngạo Giang Hồ,” Diêm vương địch Tiết Thần Y trong “Lục Mạch Thần Kiếm,” Diệp Cốc Y Tiên Hồ Thanh Ngưu trong “Cô Gái Đồ Long”…
Trong chương “Y dược và chưởng kiếm,” Trần Văn Tích trình bày mối tương quan khoa học-văn học thuộc hai lãnh vực y và dược trong các truyện chưởng Kim Dung. Theo tác giả, một thủ pháp quen thuộc là điểm huyệt. Các huyệt vị được Kim Dung ghi nhận rất đúng. “Mối thống thuộc giữa huyệt vị và kinh mạch được Kim Dung mô tả chính xác.” Tuy nhiên, có những huyệt do Kim Dung phịa ra như “Tiếu yếu huyệt” (huyệt gây cười) chẳng hạn.
Về dược liệu, “Mỗi khi cần, ông nêu tên các vị thuốc, các thang thuốc nhưng không lạm dụng vốn liếng thông tin dược liệu học và phương tễ học,” theo tác giả. Thang thuốc bổ Vô Kỵ kê đơn cho Kỷ Hiểu Phù là “bát tiên thang,” có ghi trong “Thẩm thị tôn sinh thư”; trong “Lộc Đỉnh Ký,” Ngô Chí Vinh bàn luận với Vi Tiểu Bảo về các cây thược dược trồng trong sân chùa đã nhắc đến bộ sách dược liệu học rất nổi tiếng của Lý Thời Trân đời Minh là “Bản thảo cương mục,” vân vân.
Trong phần này, Trần Văn Tích còn đề cập đến võ thuật. Võ thuật là hậu thân của thể dục y khoa. Theo ông, “Các thế võ trong Kim Dung thường được gọi tên theo cung cách các loài động vật cầm thú di chuyển bay nhảy; còn các cao thủ võ lâm sáng tạo các chưởng pháp, kiếm thuật nhiều khi do quan sát động tác của chim muông súc vật.”
Tóm lại, nếu đọc truyện chưởng Kim Dung cho ta phiêu du một cách sảng khoái vào một thế giới  tưởng tượng vô cùng phong phú, thì tập biên khảo của Trần Văn Tích lại đưa ta về với thực tế qua những kiến thức lý thú và bổ ích về văn học, lịch sử và y lý. Có những cái tưởng là hư nhưng lại thực và có những cái tưởng là thực, hóa ra là hư.
Ấy thế, hư có cái thú của hư, thực lại có cái thú của thực. Nhưng thích nhất, có lẽ là vừa hư vừa thực! Kim Dung ăn khách ở chỗ đó. (Trần Doãn Nho)

The Golden Kings of Kung Fu - Shaolin Yanze World's Best Audition

         
                        475,460 views   https://www.youtube.com/watch?v=3pVhvbzStJU