Saturday, July 6, 2019

NGƯỜI VIỆT NĂM CHÂU

  1.Cả 3 mẹ con gốc Việt ở San Jose

           
                                https://www.youtube.com/watch?v=scVHiRhCYPM

2. Nhiều người vô gia cư ở San Francisco sống trong xe cộ

Người Việt Cali/Trường Giang

Photo Credit: AP / Jeff Chiu

AP – Đa số người vô gia cư ở san Francisco trước đây thường ngủ đêm trong các công viên hay trên vỉa hè, nhưng đạo quân homeless sống hẳn trong xe của họ ngày càng gia tăng, theo một báo cáo công bố hôm thứ sáu 5/7.
Như vậy với số người người này, lượng dân vô gia cư đã gia tăng thêm 17% từ hai năm qua ở thành phố SF. Cũng giống như mọi quận hạt và thành phố phải làm theo yêu cầu của Bộ Nhà Ở và Phát Triển Gia Cư, SF phải đếm số người vô gia cư trong một đêm.
Vào tháng giêng năm nay, thành phố SF đã thực hiện kiểm kê này và cho hay số người vô gia cư của thành phố khoảng 8,000 người.
Nhiều quận hạt khác của California cũng có số cư dân vô gia cư gia tăng thêm 2 con số trong tỉ lệ như ở SF, cho thấy hiện tượng nhà ở trở nên khó khăn như thế nào ở ‘tiểu bang vàng
Nếu như quận hạt Los Angeles báo con số người vô gia cư của họ là 59,000 người, tăng thêm 12% chỉ qua 1 năm thôi thì quận hạt Alameda trong 2 năm qua tăng tới 43%.
Vấn đề con số người vô gia cư ở SF gia tăng cho thấy một tình trạng khủng hoảng, mặc dù đã có nhiều trăm triệu đô la đổ vào quỹ giúp đỡ cho người vô gia cư. Trong lần kiểm kê trong tháng giêng, có đến 1,200 người còn phải chờ có giường ngủ trong các trung tâm tá túc qua đêm dành cho họ.
Trong một thành phố như SF nơi giá nhà trung bình là 1.4 triệu đô la và giá thuê 1 căn chung  cư 1 phòng ngủ lên tới 3,700 đô la/tháng thì con số cư dân thành phố trở thành homeless đã trở thành quá tải cho các viên chức lo về nhà ở của thành phố.

3. Một chủ tiệm nail gốc Việt nuôi hàng trăm người vô gia cư mỗi tuần

Viễn Đông Daily

Queen Trần, chủ tiệm Queen Nail Salon ở Windsor đã được giải North Bay Spirit (Tinh Thần North Bay). (John Burgess/The Press Democrat)
Vào cuối tháng Sáu, nhật báo The Press Democrat tại Santa Rosa đã đăng bài viết của ký giả Austin Murphy về một chủ tiệm nail mà ai từng biết cũng đều nể phục. Dưới đây là tóm lược của bài báo ấy.
*
Gần năm năm trước, cô Queen Trần, 44 tuổi, chủ nhân của Queen Nail Spa ở Windsor, mà khách hàng gọi một cách thân quen là “Queenie,” đã lái xe cùng chồng là Michael tới San Francisco vào ngày 31 tháng 10 năm 2014, để xem cuộc diễn hành ăn mừng giải vô địch World Series mà đội San Francisco Giants mới thắng được.
Vào ngày mưa sũng ướt, cặp vợ chồng ngồi ăn trưa tại một quán ăn ở Market Street tên là Munch Haven. Họ ngồi ở một cái bàn cạnh cửa sổ. Queen Trần không nhớ những gì cô đã gọi. Nhưng cô nhớ như in hình ảnh của một phụ nữ vô gia cư ướt đẫm mưa ở phía bên kia tấm cửa kính ấy.
Queen Trần nói rằng cô đã nhìn thấy những người vô gia cư trước đó. Nhưng cuộc sống của cô đầy đủ và bận rộn đến nỗi cô không có xu hướng nghĩ về họ. “Tôi nhìn họ bằng mắt,” cô ấy nói, “Nhưng lòng tôi không thấy họ.”
Rồi đến buổi sáng lạnh lẽo trên đường Market Street hôm ấy, “Tôi ngồi bên trong và chúng tôi có thức ăn. Còn cô ấy bên ngoài, lạnh và ẩm ướt… và tôi khóc. Và trái tim tôi thức dậy.”
Và đó không phải chỉ là một chút cảm giác thoáng qua. Queen Trần nói rằng cô đã thay đổi từ ngày hôm đó, và những gợn sóng của sự thức tỉnh của cô đã được cảm nhận kể từ đó, trong cộng đồng của cô và hơn thế nữa.
Từ những chuyến đi hàng tuần của cô cùng Michael đến một tiệm Goodwill bán những bán hàng cũ rẻ ở địa phương, nơi họ phân phát thực phẩm, quần áo, đồ dùng vệ sinh và túi ngủ - phần lớn được mua bằng tiền riêng của họ - đến số tiền cô gửi về làng cô ở Việt Nam, từ những hành động tử tế của cô đối với những người lạ ngẫu nhiên gặp, Queen Trần đã biến việc chu cấp cho người kém may mắn trở thành một phần chính của cuộc đời cô.
Nhờ làm như vậy, cô ấy đã khích lệ cảm hứng cho người khác. Biết rằng Queen Trần dành tất cả số tiền tip của mình cho người vô gia cư, nhiều khách hàng của cô đã quyết định tip cho cô nhiều hơn. 
Cô Gina Ward, một khách hàng lâu năm cho biết, cô dễ dàng bỏ $40 vào lọ tiền, khi cô biết Queen Trần dùng tiền để nuôi người nghèo, hoặc gửi chúng đến làng của cô ấy ở Việt Nam, nơi họ dùng số tiền đó để chi trả cho thực phẩm và thuốc men.
Queen Trần sinh năm 1974 tại một ngôi làng nhỏ ở Rạch Giá, miền Nam Việt Nam. Đó là thời điểm chưa đầy một năm trước Sài Gòn bị chiếm, kết thúc Chiến Tranh Việt Nam.
Trong những năm sau chiến tranh, khi đảng Cộng Sản cầm quyền áp đặt nền kinh tế tập trung bao cấp lên cả đất nước, năng suất quốc gia bị giảm xuống. Việt Nam bị cô lập với thế giới, trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
“Khi tôi còn nhỏ,” Trần nhớ lại, “Tôi lớn lên rất cực khổ. Chúng tôi không có giày, chúng tôi không có quần áo, chúng tôi không có đồ ăn. Chúng tôi thường đói bụng.”
Những ngày đó, cảnh tượng nghèo đói tương tự đã khơi dậy sự đồng cảm của cô, và nhanh chóng theo sau bằng hành động.
“Mọi người đau đớn, tôi đau đớn,” cô nói. Khi cô ấy nhìn thấy một người không có giày, thì “tôi nhớ khi tôi đi chân trần.” Ngoài việc phân phát tiền, thực phẩm và thuốc men cho người nghèo ở Rạch Giá trong chuyến công tác hai tuần tới Việt Nam năm 2016, cô đã tặng hàng tá đôi dép.
Đôi lúc, việc giúp đỡ người khác của cô đến một cách rất ngẫu nhiên. Như đầu năm nay, cô đã thấy thương cho một chàng trai trẻ sống trong xe hơi của anh ta. Anh ấy đã mất chìa khóa duy nhất của mình và đã sống bên ngoài xe được ba ngày trước khi gặp cô. Cô đã trả cho một thợ $350 để người thợ này làm một chiếc chìa mới cho chàng trai kia. Vào tháng Tư, cô đã mua cho một người phụ nữ một vé xe bus Greyhound trị giá $230 đến Houston, để người phụ nữ có thể đến thăm con gái mình.
“Bà tôi thường nói, Khi con cho đi, con không bao giờ đói,” Queen Trần kể.
Queen Trần đến Hoa Kỳ vào năm 1994. Sau khi làm việc trong một loạt tiệm nail, 9 năm trước, cô đã quyết định mở cửa hàng của riêng mình. Queen Nail Spa đã phát triển mạnh mẽ, một phần lớn nhờ vào việc tạo ra sự kết nối đích thực với mọi người như một món quà của cô.
“Bạn vào tiệm nail đó và bạn không cảm thấy như một khách hàng,” cô Tricia Ratto nói. “Bạn cảm thấy như một thành viên trong gia đình.”
Chú tâm vào công việc kinh doanh của mình trong bốn năm đầu tiên, thế giới của Queen Trần gần như rất nhỏ. “Tôi không bao giờ chú ý đến những người bên ngoài,” cô ấy nhớ lại. “Cuộc sống của tôi thật điên rồ, tôi làm việc bảy ngày một tuần.”
Rồi chuyến đi định mệnh đến San Francisco xảy ra vào cuối tháng 10 năm 2014 đó.
Bây giờ, mỗi tối thứ Sáu, sau một ngày làm việc, cô và Michael có một cuộc hẹn với hàng trăm người đang đợi họ ở Goodwill ngay phía bắc ngã tư đường Sebastopol và Stony Point.
Trước khi đến điểm hẹ, hai vợ chồng dừng chân tại hai nơi trên đường đi, đầu tiên tại một cơ sở chứa thức ăn có tên là Windsor Service Alliance.
Ở đó, hai vợ chồng thu nhặt thức ăn và quần áo mà cơ sở sắp bỏ đi. Bà Angelita Llerena, một tình nguyện viên tại cơ sở đựng thức ăn, mô tả “hai vợ chồng là những người rộng lượng nhất mà tôi đã từng gặp. Rộng lượng không thể ngờ được.”
Điểm dừng kế tiếp: Tiệm Little Caesars ở thương xá Stony Point Plaza, nơi họ tiếp tục công việc của tuần trước, bỏ tiền ra mua 20 chiếc bánh lớn hoặc nhiều hơn.
Bất kể thời tiết xấu hay sự mệt mỏi, đau ốm cũng không thể làm Queen Trần bỏ qua công việc từ thiện tối thứ sáu này trong hai năm qua.
“Cô ấy lăn lộn, không sợ hãi, bất kể trời đổ mưa hay lạnh cóng, với thức ăn và hơi ấm,” khách hàng lâu năm của Queen Nail Spa, bà Susan Hubbard nói.
Khi trở về từ một công tác từ thiện đến Việt Nam năm 2016, Queen Trần được biết rằng con trai cô, Ben, một sinh viên đại học ở San Diego, đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Ben là con của Queen Trần với người chồng đầu tiên, người mà cô đã ly dị vào năm 1995.
Một năm sau khi chẩn đoán, Ben đã trải qua ca ghép tủy thành công và hiện không còn ung thư.
Sự phục hồi của Ben đã làm cho mẹ anh càng tin chắc rằng làm phước thì sẽ được phước, những hành động tốt mà mọi người thực hiện cuối cùng cũng tìm được đường quay lại với họ.
Queen Trần không bao giờ xin tiền. Nhưng cô là một tấm gương mạnh mẽ, làm thức tỉnh những người khác. Gina Ward nói, “Bạn càng cho đi, nó càng quay trở lại với bạn. Queenie là một chứng minh cụ thể, nói một cách ngắn gọn.”
Queen Trần đã được người địa phương trao giải North Bay Spirit (Tinh Thần North Bay). Giải giành cho người tốt, làm việc tốt ở phía bắc của Vịnh San Francisco. 


4.Mua đồ cũ ở Little Saigon, ‘điểm hẹn’ của người cao niên
Nguyễn Việt Linh/Người Việt
July 5, 2019
Bà Yến Du (trái) xem chiếc bóp xách tay LV. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)
FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Không phải ai cũng có sẵn tiền để sắm đồ mới. Vì thế, có cầu ắt có cung, ở Mỹ có những nơi bán đồ, vật dụng, quần áo, đồ đạc cũ để đáp ứng nhu cầu của những người nghèo, nhất là người cao niên. Với họ, mua đồ cũ vừa tốt, vừa hợp túi tiền, và cũng có khi mua được đồ quý.
Nhu cầu khách hàng đến tiệm, mỗi người mỗi khác, và mục đích khác nhau. Có người cho biết ngày nào cũng đi!
Giá rẻ mà còn “sale”
Ông Jimmy Phạm, 87 tuổi, cư dân Westminster, tâm sự: “Tôi đến tiệm Salvation Army Family Store này để mua sách cũ. Rẻ và rất giá trị. Tôi thích nhất là các sách về y khoa vì ngày xưa ở Việt Nam tôi là bác sĩ y khoa. Sang đây năm 1993. Tuổi già nên không đi học lại được.”
“Tuy vậy, tôi vẫn tình nguyện làm ở chỗ thờ Cha Trương Bửu Diệp, giúp những ai không có bảo hiểm y tế. Tôi hướng dẫn họ mua các loại thuốc không cần toa. Nhiều người khỏi bệnh là tôi vui rồi,” ông nói.
“Tôi bây giờ phải đi lo cho một ông lính Biệt Động Quân, xưa tôi có giải phẫu cho ông ấy. Đến nay miểng đạn vẫn còn trong người. Lâu lâu ông ấy lại bị hành đau nhức,” ông nói thêm.
“Thôi tôi đi. Hy vọng tôi còn sống đến ngày mình gặp nhau ở nước Việt Nam, không còn Cộng Sản!” vị bác sĩ già nói, rồi cười từ giã.
Ông Josh Johnson, một khách hàng, khoe món hàng mới mua. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)
Ông Lê Trần, 74 tuổi, cư dân Garden Grove, đang xem mấy cái tủ kiếng, tay ông rờ theo mặt kính xem có bị trầy hay nứt không.
“Lâu lâu tôi mới đi một lần. Thấy đồ gì thích mới mua. Thế mà năm này qua năm khác, nhà tôi cũng đầy đồ. Tôi phải đem cho bớt để trống nhà. Có lần tôi mua một món về, phải đợi lúc bà xã không để ý, tôi xách tuốt ra sau hè, giấu đi để khi bà ấy không có nhà, lấy ra thưởng thức,” ông nói.
Ông cũng kể lại những món ông mua mà lòng ưng ý: “Có lần tôi mua được cái rương bằng nhựa mica, giá $30. Mua mới phải mấy trăm đô. Lần khác, tôi mua được cái tủ cabinet bóng loáng mà chỉ tốn $15!”
Một người khác, ông Hiệp Lê, 54 tuổi, ở Westminster, cho biết: “Tôi đến tiệm bán đồ cũ chỉ để chơi cho đỡ buồn. Nhưng tôi nhớ nhất là mua được cái tủ gỗ. Tốt số một vì giá $250 mà tôi chỉ mua nửa giá! Gỗ thiệt, hai người khiêng mới nổi, chứ không phải loại như IKEA đâu. Xài không biết khi nào mới hư!”
“Vào tiệm đồ cũ, nhìn mặt hàng cũ nhớ đến quá khứ. Hồi đó tôi muốn mua cũng không đủ tiền. Nay thì ở tiệm này, tôi mua thứ nào cũng được. Cần gì thì đợi ngày 28, 30 cuối tháng hãy mua, vì sale 50%!” ông dặn dò khi nói về tiệm Salvation Army Family Store tọa lạc tại tại số 16119 Brookhurst St., Fountain Valley, CA 92708.
Còn bà Thanh Trần, cư dân Fountain Valley, kể: “Nhà tôi ở gần đây nên tuần nào cũng đến đây bốn, năm lần!”
Ông Josh Johnson ở Costa Mesa cho biết: “Tôi là khách hàng cũ nơi ông Charles Flyr, quản lý tiệm này, làm ở một tiệm trước đây. Tôi thích ông ấy nên khi ông ấy về đây, tôi đi theo. Hôm nay tôi mua được cái Power Trakbar để cắm các bộ phận khác cho hệ thống Home Theater. Giá có $7.99 gần như mới mà lại được hiệu Monster nổi tiếng. Mua mới phải gần $80!”
Ông Jimmy Phạm, 87 tuổi, cư dân Westminster, tìm mua sách y học. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)
Bán lại kiếm lời
Ngắm nghía chiếc bóp xách tay hiệu LV (Louis Vuitton), giá $499, bà Yến Du, cư dân Huntington Beach, xem đi xem lại rồi trả vì: “Bóp này da hơi cứng. Chắc không phải hàng thật!”
Bà kể, bà từng mua được chiếc đồng hồ Gucci, hai màu (two tones) giá $8 tại đây và đang đeo trên tay.
“Mua mới là gần $800 ở Macy’s. Phải biết mới nhận ra hàng thật!” bà nói và cho xem hình chiếc đồng hồ trên trang web.
Chưa hết, bà cho biết bà mua được chiếc nhẫn kim cương 2 carat cũng ở một tiệm Salvation Army ở Tustin: “Tôi mua có $10 thôi. Chưa hết, tôi còn mua được chiếc nhẫn vàng trắng (platinum), 2 carat baguette, mà chỉ có $12. Tôi bán được $2,500!”
Cô Lisa Tạ, phụ tá quản lý Salvation Army Family Store ở Fountain Valley, cho biết từng chứng kiến một ông Mỹ mua một bức tranh $3, sau đó ông trở lại tặng cô $100 tiền “tip” vì ông bán lại bức tranh được $1,500!
Hàng bán không tính thuế
“Tiệm được rất nhiều khách hàng người Việt chiếu cố có lẽ vì ở gần trung tâm Little Saigon. Số đông là các bác cao niên. Các sắc dân khác thì ít hơn. Đặc biệt khách mua sắm đông trong những ngày có giảm giá 50%, thường là vào ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật cuối tháng,” cô Lisa Tạ nói với Người Việt.
Cô cho hay, Salvation Army Family Store là một tổ chức bất vụ lợi, và nơi cô làm là một trong 34 địa điểm bán các mặt hàng đã có người dùng qua, do mạnh thường quân hay người có đồ dư dùng hiến tặng cho tiệm.
Ông Charles Flyr, quản lý, và cô Lisa Tạ, phụ tá quản lý Salvation Army Family Store, Fountain Valley. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)
Nơi đây Thứ Hai đến Thứ Bảy mở cửa từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và Chủ Nhật từ 10 giờ sáng đến 6 giờ tối.
“Nói vậy chứ ngày nào cũng là ngày ‘sale’ hết. Không bớt ít thì bớt nhiều. Cá nhân tôi, tôi luôn tìm cách giúp đỡ để các bác vui là được rồi. Có bác đến chỉ để nói chuyện, xem hàng cho vui mắt. Có gì thích mới mua. Tôi biết tâm lý phục vụ, nhất là những người Việt Nam mới qua, nên bác nào cũng muốn đợi tôi có mặt, mới xếp hàng trả tiền!” cô tâm sự thêm.
Trong tiệm có nhiều khu, chia theo loại hàng. Bước vào là khu bàn ghế, tủ, salon, chiếm nhiều chỗ nhất. Bên trái là quần áo tắm, giày dép phụ nữ, nữ trang, đồng hồ. Kế đến là khu quần áo hàng hiệu nổi tiếng, như Polo, CK, Christian d’Or, Nordstrom, Saks Fifth, Victoria Secrets… Rồi đến khu ly, tách, vật dụng linh tinh trong nhà.
Sát tường là khu trưng bày tranh vẽ, sơn dầu, hình ảnh trang trí trong nhà. Khu sách cũ, băng nhạc, CD, DVD. Khu trưng bày xe đạp, nệm giường, tủ lạnh, bếp. Ở giữa là từng dãy trưng quần áo phụ nữ, bóp xách tay, quần áo trẻ em, hành lý, đồ tập thể thao, đồ điện, máy hát, radio, máy ảnh, nồi niêu, áo veston, quần áo, giày dép đàn ông.
Phía sau là nhà kho và là nơi tiếp nhận đồ đạc và các thứ được khách đem tới hiến tặng.
Khu trưng bày bàn ghế. (Hình: Nguyễn Việt Linh/Người Việt)
Người điều hành là ông Charles Flyr, quản lý, rất niềm nở: “Tiệm chúng tôi nhằm mục đích chính là phục vụ cộng đồng, hàng bán ra không tính thuế. Chúng tôi dùng tiền bán được, cứ 0.85 cent mỗi một đô la, được dùng để tài trợ những chương trình giúp người uống rượu có thể cai nghiện; người thất nghiệp tìm việc làm. Chúng tôi cũng từng mướn những người này sau khi hoàn tất khóa học.”
Ông Chris Kuszmaul, quản lý tập sự, cho biết thêm rằng: “Tiền bán được cũng được dùng để hỗ trợ những ai có nhu cầu về phương diện tâm linh, vì đó cũng là công việc của Salvation Army.”
Khách muốn hiến tặng đồ cũ có thể đem đến cửa sau, có nhân viên sẽ nhận và đưa biên nhận để khai thuế. Trường hợp cho các đồ vật cồng kềnh, như bàn, salon, tủ lạnh, bếp, có thể gọi 1-800-SA-TRUCK (1-800-728-7825) để làm hẹn cho xe tới chở đi. 
(Nguyễn Việt Linh)

5. Người Việt sống bằng nghề trồng bông súng tại Mỹ

Đai Kỷ Nguyên 06 Jul 2019


Ông Phạm Nhựt Quang giữa hồ bông súng. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Ông Phạm Nhựt Quang, sống ở tiểu bang Texas, Mỹ chia sẻ rằng ông là người Việt Nam duy nhất đang sống với nghề trồng bông súng tại Mỹ, theo Người Việt.
Với dáng người dong dỏng cao, da nhuộm màu nắng, ông Quang nói rằng một mình ông làm hết các công việc trên mảnh vườn nhà của mình.
Bước chân vào khuôn viên nhà ông Quang làm người ta ngỡ rằng mình đang đứng giữa một đồng quê nào đó ở Việt Nam với nào trúc, tre, lay-ơn, diên vĩ, những bụi chuối, bạc hà, thanh long, cam, bưởi… hồ sen, ao súng, và những chuồng gà.
MỹMột góc vườn nhà ông Phạm Nhựt Quang ở Houston, Texas. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Chia sẻ với báo Người Việt, ông Quang nói rằng ông làm nghề này 40 năm rồi, nhưng “hồi đó giờ tôi làm chỉ bán sỉ (bán buôn) thôi, tôi không bán lẻ. Rồi có người nào đó tìm ra tôi, họ ‘la’ quá trời, nói sao không bán cho người Việt Nam, để cho bà con phải đi mua ở những chỗ khác, vì giá của Mỹ bán hơn bốn lần giá của tôi”.
Cũng như bao người đam mê với công việc, ông Quang nói say sưa khi nghe hỏi về bông súng, loại hoa mà ông đang muốn mở rộng vào thị trường bán lẻ, vì “thấy phụ nữ Việt Nam đặc biệt thích màu sắc của bông súng”.
MỹAo trồng bông súng đủ màu tại nhà ông Phạm Nhựt Quang. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Trong khi nhiều người chỉ biết bông súng với màu hồng tím được trồng khá nhiều ở các vùng sông nước Việt Nam thì bông súng trồng ở nhà ông Quang có vô số màu sắc đẹp đến lạ lùng.
                         Mỹ
Hoa súng tại nhà ông Phạm Nhựt Quang. (Hình: Phạm Nhựt Quang cung cấp)
“Mỗi tháng lại có thêm 3-4 chục màu được tạo ra bằng cách lai giống, chỉ cần cái lá khác một chút, cái màu khác một chút thì đã là một loại khác, có tên khác rồi”, ông Quang chia sẻ.
Ông Quang chia sẻ rằng chỉ với bông súng màu tím thôi, thì đã có không biết bao nhiêu màu sắc đậm nhạt khác nhau, từ tím phơn phớt tới tím đậm, rồi có những hoa nhìn phân nửa bên này trắng, phân nửa bên kia tím, lại có hoa toàn một màu tím nhạt bỗng có hai cánh đối xứng màu tím đậm lên, trông rất lạ.
MỹCác sắc màu bông súng tại nhà ông Phạm Nhựt Quang. (Hình: Phạm Nhựt Quang cung cấp)
“Công ty mẹ của tôi ở Florida và California, và những giống tôi lấy trồng là của Đức và Anh. Lý do tôi chọn giống của họ là vì công nghệ lai giống của họ đứng đầu trên thế giới. Sen, súng Việt Nam trồng theo kiểu cổ truyền, còn Mỹ, Anh, Đức thì lai giống đủ thứ. Nghề này tiềm năng phát triển rất lớn, có thể kiếm rất nhiều tiền nhưng người Việt Nam không ai dự phần hết. Tôi có thể nói là người đầu tiên làm công việc này ở đây”, ông nói.
Ông Quang cũng chia sẻ thêm rằng bông súng có 2 loại, một loại nở ban ngày từ 9 giờ sáng đến 9 tối, một loại nở ban đêm từ 9 giờ tối đến 9 giờ sáng.
MỹBông súng tại nhà ông Quang. (Ảnh chụp màn hình từ video của báo Người Việt) MỹBông súng tại nhà ông Quang. (Ảnh chụp màn hình từ video của báo Người Việt)
Để chuẩn bị bán lẻ, ông Quang trồng bông súng vào từng chậu nhỏ, mỗi chậu ông bán với giá 12 USD. Người mua muốn chọn màu gì, cứ đến ngay buổi trưa, lúc hoa nở rộ (đối với hoa nở ban ngày), ông Quang sẽ lội xuống hồ bốc lên chậu hoa đã bén đầy rễ, có hoa nở sẵn, kèm theo nhiều nụ he hé, mang lên cho khách. Khách mua chỉ cần mang về thả xuống ao hồ có sẵn hoặc cho vào một chậu lớn, là đã có hoa để ngắm.
Băng Thanh