Sunday, August 4, 2019

CHÚA GIÊSU DẠY CẦU NGUYỆN

                           Chúa Giêsu dạy cầu nguyện

(Getty Images)
                 Bài LM. VINCENT PHẠM NGỌC HÙNG
Cầu nguyện là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống một Kitô hữu. Chúng ta cần hít thở không khí thế nào, thì cầu nguyện cũng mang tầm vóc quan trọng như vậy. Qua đoạn tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta được nghe Chúa Giêsu không những dạy cho các môn đệ của Ngài cầu nguyện, mà còn nhắc nhở họ phải kiên trì, và tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn lắng nghe lời chúng ta cầu xin.


Khi tìm hiểu về Kinh Lạy Cha, là kinh duy nhất Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài cầu nguyện, các nhà chú giải Thánh kinh phân tích rằng, Kinh Lạy Cha chất chứa một nội dung thần học thực dụng cho đời sống hàng ngày của một Kitô hữu. Ngay câu đầu của Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu xác định rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta, và chúng ta cần phải làm cho danh thánh Chúa luôn được cả sáng. Điều này có nghĩa, trong mọi lời chúng ta nói và việc chúng ta làm, phải hướng về một mục đích duy nhất, đó là làm cho Danh Chúa cả sáng. Qua những sinh họat mục vụ trong Giáo Hội, chúng ta thấy không ít những người dấn thân làm rất nhiều việc cho nhà thờ và các đoàn thể, nhưng cộng đoàn của họ vẫn bị chia rẽ và xáo trộn.
Điều này là một dấu chỉ rõ ràng cho thấy có những người mang danh nghĩa phục vụ, nhưng chỉ phục vụ danh dự cá nhân, chứ chưa nghĩ đến việc làm cho Danh Chúa cả sáng. Kế đến Chúa Giêsu muốn cho chúng ta biết Nước Chúa đang ngự trị giữa chúng ta. Xét theo ngữ pháp của câu văn, Chúa Giêsu dùng thì hiện tại để nói đến “Nước Cha trị đến” chứ không phải “Nước Cha đã trị đến” hoặc “Nước Cha sẽ trị đến.” Qua cách hành văn rõ ràng này, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng sự hiện diện của Nước Chúa luôn ở giữa chúng ta và trường tồn cho đến ngày tận thế.
Như vậy, không riêng gì các tín hữu, mà cả nhân loại, dù muốn dù không, đang chung sống trong cùng một Nước Thiên Chúa ở thế gian này. Sau khi mạc khải cho các môn đệ biết về Thiên Chúa là Cha, trách nhiệm làm sáng danh Chúa, và ý nghĩa của Nước Cha trị đến, Chúa Giêsu dạy đến việc kêu xin cho nhu cầu cơm bánh hàng ngày của con người. Lời nguyện này nhấn mạnh đến ân sủng của Thiên Chúa ban cho. Thông thường nhiều người vẫn cho rằng cơm bánh chúng ta có được là do công lao khó nhọc của con người tạo ra, nhưng Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ơn Chúa. Nếu Chúa không ban cho, con người không cách nào có được.
Điểm kế tiếp là xin ơn tha tội. Với thân phận yếu hèn, không ai có thể tránh được tội lỗi. Chúa Giêsu biết điều đó, nên Ngài dạy chúng ta phải chạy đến Chúa để xin ơn tha tội vì chỉ có mình Thiên Chúa (và Giáo Hội, đã được Ngài ban cho quyền tha tội) mới có quyền tha tội mà thôi. Đồng thời Ngài cũng nhắc nhở chúng ta phải sẵn lòng tha tội cho những ai xúc phạm đến mình. “Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ tội lỗi cho các con” (Mt.6:14). Đó là điều kiện để được tha tội.
Điểm sau cùng của Kinh Lạy Cha, là xin cho tránh xa chước cám dỗ. Hơn ai hết, Chúa Giêsu hiểu cám dỗ lan tràn khắp thế gian, và ma quỷ không chừa một ai.Nếu chúng đã từng cám dỗ Chúa, thì không ai trong chúng ta có thể thoát. Điều cần lưu ý ở đây là Chúa muốn chúng ta phải tránh xa cám dỗ, chứ không phải tự đưa mình vào cám dỗ rồi xin ơn đối phó. Cách tốt nhất để vượt qua cám dỗ là tránh xa cám dỗ. Sau khi dậy cho các môn đệ Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu còn kể cho họ nghe một dụ ngôn người bạn xin bánh giữa đêm khuya. Qua dụ ngôn này, Chúa muốn nhắc nhở chúng ta cần phải kiên trì trong lời cầu nguyện. Nhờ vào lòng kiên trì trong lời kêu xin mà nhu cầu của anh đã được đáp ứng. Nếu giữa những con người bất toàn mà chúng ta còn biết lo cho nhau, thì Thiên Chúa sẽ không bỏ qua những lời chúng ta kêu xin Ngài. Do đó, Ngài nhấn mạnh thêm, “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho.”

              http://www.viendongdaily.com/chua-giesu-day-cau-nguyen-fSePp7Aw.html