Sunday, August 11, 2019

CON ƠI CHO MẸ VỀ NHÀ

Fr:Loan Phan
Viện Dưỡng Lão
Nhà tôi cũng đã tình nguyện đi thăm ba nhà già mỗi tuần trong bẩy năm trời với tư cách là người đi kiểm tra tình trạng vệ sinh của các nơi này và bá cáo cho Quận Faitfax biết. Ban giám đốc các nơi này cũng rất e ngại mỗi khi nhà tôi ghé thăm. Nhờ vậy mà những cụ già cũng được họ chăm sóc tử tế hơn và giữ gìn nơi chốn sạch sẽ hơn.
Tôi có tháp tùng nhà tôi mấy lần nhưng tôi hơi bị depressed vì thấy có lần một cụ già đứng ôm cái walker và kêu liên miên: “Help me! Help me!” mà không có ai tới giúp. Mùa đông một cụ khác ngồi xe lăn, mặc áo dài không che được hai cái chân. Cụ là người Việt Nam không biết nói tiếng Anh. Thấy chúng tôi, cụ xin mặc cho cụ cái leg warmer cho đỡ lạnh. Cụ khác thì bốc cả phân của mình trên giường mà ăn. Có cụ thì vào nhầm phòng và leo lên giường người khác nằm. Nhà tôi đã về hưu từ lâu nên đã bỏ thì giờ để làm công việc thăm nom này. Đến năm 72 tuổi mới thôi tình nguyện thăm nhà già.
Bài viết dưới đây của Trịnh Gia Mỹ mô tả đúng tâm trạng của tôi khi đến các viện dưỡng lão. Tôi có nói với các con tôi là bố muốn chết trong nhà chứ không muốn vào viện dưỡng lão. Ước mong được như vậy.
* * * * * * *
Sáng Thứ Tư , Ngọc thường vào Viện Dưỡng Lão thăm những người Việt Nam ở đó. Lâu ngày, việc này trở thành một thói quen không thể thiếu trong sinh hoạt hàng tuần của Ngọc. Khu nhà lạnh lẽo, có dãy hành lang dài sơn màu trắng, lạnh lẽo như bệnh viện chẳng có gì hấp dẫn mà sao nó mời gọi Ngọc đến thế? Khu nhà có những căn phòng nhỏ vuông vức thoang thoảng mùi ngay ngáy, khai nồng của nước tiểu đôi khi xen lẫn phân vương vãi trên những tấm nệm mỏng sao mà nó làm cho Ngọc thiết tha đến thế ? Khu nhà vô tri mà có lúc Ngọc nghĩ nó như một nấm nhà mồ vĩ đại chôn dần những Cụ già đang bị đời sống quên lãng, chờ giờ để lên đường. Vậy mà sao nó vẫn làm cho Ngọc cảm thấy ray rứt, cảm thấy khó chịu nếu tuần lễ nào bận việc không đến được. Các Cụ đã trở thành một phần trong đời sống của Ngọc.

Đến thăm viếng các Cụ thường xuyên, Ngọc quen và biết rành cá tính từng người. Cụ Cơ hiền lành, ít nói nhưng hay tủi thân. Đụng gì Cụ cũng khóc, làm gì Cụ cũng lẫy hờn. Nhiều khi Cụ bỏ cả bữa cơm chiều chỉ vì một lời nói bâng quơ. Bác Tám nóng nảy, hay la hét mỗi khi có điều gì không vừa ý. Nếu Miền Nam không mất thì giờ này Bác đã làm đến cái chức gì rồi đó chứ! Mấy đứa khó ưa ở đây làm gì có được cái diễm phúc sờ vào chân của Bác, nói chi là chúng nó dám la mắng Bác như bây giờ! Cụ Điền thì chỉ thích nói tiếng Mỹ nhưng lại có cái tật pha tiếng Tây nên chẳng ai hiểu, hoặc nếu có ráng hiểu thì cũng phải đoán lờ mờ. Khổ nỗi là Cụ chẳng bao giờ chịu nói tiếng Việt. Cụ bảo phải tập nói tiếng Mỹ cho nó quen, để còn nói chuyện với đám cháu của Cụ khi chúng vào thăm, nhưng chưa lần nào Ngọc gặp con cháu của Cụ vào thăm cả !
Ngọc thân với Cụ Lũy và Bác Nga hơn hết. Phòng của Cụ Lũy ở giữa khu Buiding và phòng của Bác Nga thì ở cuối tòa Buiding. Cuộc sống của hai người hoàn toàn đối lập cho Ngọc một cái nhìn trung dung về cuộc đời. Cụ Lũy âm thầm trong khi Bác Nga thì ồn ào. Cụ Lũy lúc nào cũng sống trong sự chờ đợi, mong mỏi trong khi Bác Nga thì có vẻ chẳng mong mà lại có được đầy đủ. Cụ Lũy chịu đựng còn Bác Nga thì thỏa mãn. Hai cuộc đời khác biệt như hai mặt của sự sống và sự chết. Lần đầu tiên gặp Cụ Lũy, Ngọc để ý đến Cụ ngay. Nhìn Cụ bây giờ, không dễ gì người ta hình dung ra được một Vị quan quyền oai phong lẫm liệt ngày nào.
Cụ tiều tụy đến thảm hại. Thân hình Cụ mỏng dính, dán sát xuống mặt nệm nhàu nát và mỏng manh như chính thân hình Cụ ! Qua cái chăn phủ trên người, Ngọc có cảm tưởng tấm thân còm cỏi của Cụ Lũy chỉ còn toàn xương. Cụ nằm im như pho tượng. Khuôn mặt không lộ một chút cảm giác nào. Nếu không có cặp mắt còn đưa qua, liếc lại một cách chậm chạp thì chắc người ta không thể nhận biết Cụ còn sống! Cụ Lũy rất ít nói, họa hoằng lắm mới nghe Cụ nói một vài tiếng. Có thể vì ít nói quá cho nên mỗi khi muốn nói, Cụ Lũy phải cố gắng uốn cái lưỡi khá lâu rồi mới rặn ra được một câu, thường là câu ngọng nghịu, khó nghe! Phải để ý lắm mới hiểu Cụ muốn nói gì. Đôi lúc đến thăm, Ngọc ở với Cụ Lũy lâu hơn và thường đem những chuyện vui trong Sở kể cho Cụ nghe.
Thỉnh thoảng Ngọc cũng làm cho Cụ cười nhưng Ngọc thấy nụ cười hiếm hoi của Cụ Lũy sao mà nó héo hon! Sao mà nó tội nghiệp! Mỗi khi Ngọc ngừng kể, Cụ đưa mắt nhìn Ngọc, Cụ giơ cánh tay khẳng khiu của Cụ lên, như muốn đòi Ngọc kể tiếp. Ngọc luôn lợi dụng những cơ hội như vậy để bắt bí Cụ, để dỗ cho Cụ ăn. Lâu dần, Ngọc khám phá ra một điều là chẳng có phương pháp nào khuyến khích Cụ Lũy hay cho bằng phương pháp nói với Cụ là : Cụ hãy chịu khó ăn uống, hãy chịu khó tập đi rồi các con của Cụ sẽ vui và sẽ tới đón Cụ. Những lúc nghe nhắc đến con, đôi mắt của Cụ Lũy sáng lên, người của Cụ như được truyền thêm nghị lực, Cụ ráng đứng dậy, gập người trên chiếc máy tập đi mà lê từng bước. Cụ cũng ráng ngồi, vừa thở hổn hển vừa cố tựa lưng vào thành giường mà múc từng muỗng soup lạnh tanh đưa lên miệng, trệu trạo nuốt. Cánh tay Cụ yếu ớt, run run có lúc làm đổ cả soup ra giường.
Cụ Lũy âm thầm vậy, nhưng ngược lại, Bác Nga thì đầy sinh động. Lúc nào Bác cũng là người cuối cùng Ngọc ghé thăm. So với Cụ Lũy thì Bác Nga tương đối còn trẻ. Ngọc đoán chắc là Bác độ chừng hơn sáu mươi hoặc xấp xỉ bảy mươi. Lần nào đến, Ngọc cũng thấy Bác ngồi trên chiếc xe lăn ở ngay ngoài cửa phòng. Môi Bác thường nở nụ cười và đầu tóc Bác tươm tất. Bác Nga thích nói, nhất là về những người con của Bác. Bác Nga có hai hay ba người con gì đó, Ngọc không nhớ rõ lắm. Người nào nghe nói cũng ăn học thành tài và có hiếu với Mẹ. Bác khoe là hai người con của Bác thường gọi điện thoại thăm Bác, nói chuyện cho Bác vui. Họ cũng thay phiên nhau vào săn sóc cũng như giúp Bác tắm rửa, vệ sinh.
Nghe Bác Nga nói, đôi khi Ngọc có hơi thắc mắc là sao những người con của Bác không để Bác ở nhà khi Bác cũng chưa già lắm để phải trải những chuỗi ngày còn lại của Bác ở nơi này ? Nhưng Ngọc vội xua đuổi ý tưởng đó ngay. Ngọc đoán hai người con của Bác Nga chắc là thường vào thăm Bác vào những lúc cuối tuần hoặc đầu ngày, vì từ khi biết Bác, Ngọc chưa lần nào được gặp họ. Bác Nga luôn hãnh diện về những người con của Bác. Có lần Bác chỉ cái hình chụp một tòa nhà cao ngất dán bên tường, bảo là do con trai của Bác xây khiến Ngọc phục quá. Quả là một công trình xây dựng lớn. Lâu lâu cao hứng, Bác ngâm những đoạn thơ tình rất mùi do con gái Bác sáng tác làm Ngọc càng phục hơn. Nhìn gương mặt rạng rỡ của Bác Nga khi nhắc đến những người con, Ngọc cũng vui lây.
Nhưng có một lần, Bác Nga bảo Ngọc đẩy Bác vào phòng, buồn bã nói hôm nay là Ngày Sinh Nhật Bác mà chẳng thấy đứa con, đứa cháu nào đến thăm hoặc gọi điện thoại. Bác bảo chẳng đứa nào còn nhớ tới Bác ! Nghe Bác Nga nói mà Ngọc thấy tim mình se thắt. Ngọc liên tưởng thật nhanh đến những tháng ngày sắp đến của Bác trong căn phòng này, Bác còn ngồi trong chiếc xe lăn đó bao lần nữa để nhìn ngày Sinh Nhật của Bác âm thầm đến trong sự chờ đợi và cô đơn? Ngọc nghiêng xuống sát tai Bác, buông một câu khách sáo không ngờ:
" Happy Birthday Bác ”.
Ngọc nghe tiếng mình lạ hoắc, như tiếng ngói gạch vụn vỡ, chập chờn. Bác Nga quơ tay ra đằng sau, tìm tay Ngọc. Bác ríu rít nói những lời cám ơn Ngọc xen lẫn trong tiếng cười dòn mà Ngọc nghe không rõ. Nhưng Ngọc biết là Bác vui, và đôi mắt Bác chắc là đang ánh lên một niềm hạnh phúc….
Ngày Tết, Ngọc cũng vào thăm. Cụ Lũy ăn mặc chỉnh tề. Trên đầu còn thêm cái nón nỉ nên trông Cụ có vẻ mạnh khỏe, khác hẳn mọi ngày. Cụ nhìn Ngọc, cười, uốn cái lưỡi rồi nói: “Về” , và ngó mong ra cửa. Ngọc thấy ánh mắt Cụ Lũy y hệt ánh mắt của một đứa trẻ thơ mong Mẹ về chợ.
“Thời thơ trẻ thứ hai”
Ai đó đã nói chắc không sai. Ngồi với Cụ Lũy một chút, định tiễn Cụ ra xe khi các con Cụ đến đón mà mãi vẫn chưa thấy nên Ngọc đành phải từ giã Cụ để sang thăm Bác Nga, trong lòng cứ sợ trễ, cứ sợ là Bác đã về. Đúng như Ngọc đoán, phòng Bác Nga trống trơn, cái xe lăn Bác thường ngồi nằm chõng chơ ở một góc phòng. Chắc là Bác đã về ăn Tết với các con của Bác rồi! Vừa lúc Ngọc quay gót thì Cô Y Tá đi ngang, nhìn thấy Ngọc Cô dừng lại:
- Bà Nga đổi sang phòng 109 từ hôm qua rồi !
Ngọc ngạc nhiên:
- Ô, sao vậy ?
- Bà bị Stroke, giờ đang nằm mê man chẳng biết gì hết, chúng tôi liên lạc với gia đình mà chưa được !

Ngọc cám ơn người Y Tá rồi đi ngược lại phòng 109. Bác Nga nằm một mình với những ống dây chằng chịt nối vào người. Mắt Bác nhắm nghiền còn miệng Bác thì há to, thở những hơi thở nặng nhọc nghe như tiếng ngáy của một người đang trong cơn ác mộng. Một tấm khăn trải giường mỏng phủ dài từ ngực đến chân. Bên cạnh giường Bác Nga, cái biểu đồ vô nghĩa đang chạy những lằn lên xuống như những đợt sóng nhấp nhô ngoài khơi. Những lằn vẽ chậm chạp đang thu nhỏ dần khoảng cách giữa sự sống và chết của một kiếp người! Thỉnh thoảng Bác Nga cựa mình, ú ớ những tràng âm thanh vô nghĩa.
Ngọc đứng sát vào mép giường, cảm thấy đời sống Bác Nga cũng mấp mé ở đâu đó, đang dần trôi. Một hồi lâu thì Bác Nga mở mắt, dường như có một đóm lửa nào đó leo lét vừa lóe lên trong đôi mắt đã lờ đờ:
- Con… tới rồi đó à ?

Ngọc dạ nhỏ, tiếng dạ nghe mơ hồ như từ một cõi xa xăm nào đó vọng về.
- Con cho Mẹ về… đón Ông Bà… ăn Tết hả con ?

Ngọc dạ lớn hơn. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má Bác Nga. Bác cựa mình, cố gắng giằng sợi dây đang cột chặt đôi tay Bác vào những thanh sắt. Ngọc luồn tay xuống giường, nắm lấy tay Bác, siết chặt, như muốn truyền cho Bác thêm nghị lực.
Bỗng nhiên Ngọc rùng mình vì bàn tay của Bác Nga lạnh ngắt! Một hồi lâu, Bác lại mở mắt, thều thào:
- Con cho Mẹ ở nhà… đừng bỏ Mẹ ở đây nữa… Mẹ sợ…
- Vâng, vâng, thưa Mẹ…

Ngọc cảm thấy đôi mắt mình cay cay. Có một cái gì đó như vừa đổ ập xuống, gãy vụn.
À, thì ra đây mới là giây phút sống thật của Bác.. Hóa ra bấy lâu nay Bác Nga sống bằng ảo tưởng. Bác sống bằng mộng mơ. Bác sống bằng những vở kịch mà Bác vừa là Đạo Diễn, vừa là Diễn Viên và cũng vừa là Khán Giả. Bác leo lên sân khấu rồi Bác lại chạy xuống ghế ngồi. Bác vỗ tay, Bác cười, Bác khóc bâng quơ một mình, cô đơn một mình ! Ngọc thầm ước phải chi con gái Bác có mặt ở đây, giờ này, để nghe những lời ao ước của Mẹ.
Bác Nga cố gắng thều thào một cách khó khăn:
- Con… cho Mẹ về… thật hả con?
- Vâng, thật, về bây giờ, về ngay !

Ngọc siết chặt tay Bác Nga, cảm thấy hai hàng nước mắt nóng hổi của mình đang trào ra, lăn xuống đôi môi, mặn chát.
- Con … cho Mẹ ở nhà… thật hả con?
Ngọc gật gật, nghe tiếng lòng mình nức nở:

- Vâng, vâng …. ở nhà. Con không để Mẹ ở đây nữa đâu, Mẹ yên tâm!
Bác Nga cười, nhắm nghiền đôi mắt. Bác nói những câu gì đó mà Ngọc không nghe được nữa. Tiếng Bác nhỏ dần…, nhỏ dần…im bặt…rồi Bác thở hắt ra một cái, đầu Bác nghẻo sang một bên !
Trịnh Gia Mỹ

                  Image may contain: one or more people, people sitting and indoor