Sunday, January 26, 2020

MÂM CƠM VÀ VĂN HÓA ẨM THỰC CỦA NGƯỜI VIỆT

1. Nét đẹp cổ truyền: Bữa ăn ngày thường của người Việt




Ảnh minh họa (nguồn: GenVita).

Bữa ăn của người Việt Nam bình thường, trừ cỗ bàn không kể, ai mà chẳng biết. Tùy gia cảnh, điều kiện, nó thay đổi chút ít.
Phổ biến là mâm cơm đặt trên chiếu, trên ghế ngựa, có khi chỉ là chiếu trải trên đất. Thành thị mới có thói quen ngồi bàn, bàn trải khăn trắng.
Nếu người ông, người cha chủ động giờ ăn, nếp ăn, thì người mẹ, người bà mới thực sự là chỉ huy trong bữa ăn.
Trước hết đã thành phong tục đẹp của cả dân tộc: Lời mời. Ai đang bận hoặc dở tay, phải có người ra mời. Không thể nói: “Bố vào ăn cơm”. Mà phải nói: “Mời Bố vào xơi cơm ạ”. Khi cả gia đình đã ngồi vào mâm đông đủ, bắt đầu cũng bằng lời mời. Lần lượt mời từ trên xuống, từng người một rồi mới được nâng bát. Lời mời cũng không được nói sõng, phải có chữ “ạ” sau cùng. Ai ăn xong, trước khi đứng dậy, cũng phải điệp khúc lại lời mời như bắt đầu bữa ăn.
“Chao ơi, vẽ. Trong nhà cả mà, rách việc, phong kiến…” Thật chăng? Không. Ngàn đời cho đến nay, dân tộc ta không chấp nhận người nào ngồi vào mâm mà hùng hục ăn luôn, không mời mọc, không chú ý đến ai. Ðó là loại người: “Ăn cơm không biết giở đầu đũa”, là “vục mặt xuống mà ăn”. Cho nên dù là sống với nhau suốt đời, hằng ngày bên nhau, gần gũi, thân thương, mỗi ngày ngồi vào mâm hai lần, nhưng lời mời vẫn phải có. Nó thể hiện thái độ kính trọng người trên, thương yêu người dưới, lễ phép, văn minh, lịch sự. Hoàn toàn không phải là vẽ chuyện, là rách việc, là phong kiến như có ai cực đoan đã nghĩ. Thử xem, một gia đình nghèo nhưng nền nếp, mâm cơm đạm bạc, nhưng có bao giờ thiếu được lời mời. Nó cũng còn là một khía cạnh đạo đức mà truyền thống dân ta không bao giờ từ bỏ.
Bà, hoặc mẹ, cô con gái lớn, chị con dâu bao giờ cũng ngồi đầu nồi. Ðó là người cầm cái, người chỉ huy, cũng là người phục vụ cho cả nhà. Chúng ta không chấp nhận kiểu nồi cơm để xa, ai ăn hết tự đứng lên xới cơm lấy. Người ngồi đầu nồi phải ăn thong thả, ý tứ quan sát cả nhà, ai sắp hết bát cơm thì mình dừng tay và cơm ngay, sẵn sàng để xới cơm, không để ai phải chờ. Có khi người ngồi đầu nồi dừng trước lâu quá, còn giả vờ đánh nồi cơm, dù nồi cơm đã đánh tơi lên rồi. Cử chỉ hành động đó rất nhỏ, nhưng vô cùng cần thiết vì thể hiện sự quan tâm đến mọi thành viên trong gia đình, nhất là những người có tuổi, những người bậc trên. Mình vì mọi thành viên. Mọi thành viên vì mình. Nhân văn lắm chứ.
Có chuyện nàng dâu mới về, ngồi đầu nồi, nhà lại đông anh em trai, họ ăn như hổ cuốn rồng leo, chị dâu xới cơm luôn tay, hết bữa mà chị chưa ăn hết được một bát. Chả lẽ ngồi ăn sau cùng, sẽ mang tiếng tham ăn. Ðành coi như no, nhịn. Tối phải về nhà mẹ để ăn thêm cơm nguội. Ngồi ăn cơm không được nhai tóp tép, nhồm nhoàm, húp xuỵt soạt, gõ bát đũa khua vòng tròn trên mâm. Có một cái thìa chan canh, không được dùng nó để húp. Muốn húp, phải múc canh vào bát riêng của mình và đặt thìa thật khẽ, không bắn canh ra ngoài.Ảnh minh họa (nguồn: Món cơm Việt).
Chấm thức ăn phải hứng bát, không nên rê miếng thức ăn đã chấm xuống đĩa thức ăn, để tránh nhỡ món nước chấm đó có người không ăn được thì đĩa thức ăn vẫn không sao. Cũng không được đưa miếng thức ăn đã chấm trực tiếp lên miệng, mà phải đặt vào bát cơm rồi và.
Trên mâm cơm có miếng ngon nhất, bao giờ bố mẹ cũng gắp nhường ông bà, và thông thường ông bà lại gắp trả lại cho cháu, người được ưu tiên nhất nhà. Có khi bé em không thích, gắp trả vào bát của mẹ, và người mẹ lại nhường cho bố. Thật hạnh phúc khi có không khí gia đình thương yêu nhường nhịn nhau như vậy. Miếng cháy xém, ăn cho thơm miệng, người già răng yếu ít ăn, nên mẹ thường ngồi nhai cho hết vì bỏ đi thì phí. Thật là một cử chỉ đáng trọng của mẹ trong gia đình.
Bữa cơm, hay bữa ăn thường diễn ra như một việc hết sức bình thường hằng ngày. Nhưng thực ra nó đã trở thành nghi thức thiêng liêng, đầy chất văn hoá, đáng yêu. Nghe nói trước đây nhà văn Lan Khai, tuy sống thiếu thốn, nhưng mỗi khi ông ngồi vào bàn viết và ngồi vào bữa ăn, bao giờ ông cũng quần áo chỉnh tề như đi dự bữa tiệc hay làm một việc quan trọng.
Nhìn nhiều gia đình dùng bữa, ta có thể biết gia đình ấy thuộc loại nào, sống ra sao, mỗi người trong gia đình đối xử với nhau như thế nào. Kinh sợ nhất là có nhà chỉ có dăm người, nhưng người ăn trước, người ăn sau, mâm cơm lúc nào cũng như ăn dở, bát rếch để lẫn bát sạch, đĩa thức ăn nham nhở, bát canh nguội lạnh, nồi cơm đóng từng cục… Hẳn người ăn sau không thể thấy ngon, không thể thấy vui, không cảm nhận được không khí đầm ấm, thương yêu của sợi dây tình cảm gia đình.
Với người dân bình thường, thực cụ thật đơn giản, mâm thau, mâm nhôm, mâm gỗ, bát mộc đũa tre, toàn vật rẻ tiền, nhưng chủ yếu là khô ráo, sạch sẽ, thơm tho. Bát sạch ngon cơm mà. Chí lý. Tất nhiên thế. Nó thể hiện tài khéo léo, tính tỉ mỉ, sự chăm sóc của người phụ nữ trong gia đình, làm gương cho con cái noi theo, nó phải thành nền nếp. Không thể bằng lòng với đôi đũa cọc cạch, cái dài cái ngắn, chiếc bát mẻ, cái thìa gẫy, cái mâm han gỉ. Cụ Nguyễn Tuân sinh thời, trên mâm chỉ vài món, nhưng cái mâm phải bóng lộn, đôi đũa thật khô, cái bát thật sạch. Cũng như nhà văn ấy, nhiều gia đình Việt Nam cũng có gia phong ấy, không bao giờ bát nước chấm thừa từ bữa trước có mặt trên mâm cơm.
… Bữa ăn của chúng ta hiện nay còn đơn giản. Nó còn bị đơn giản hóa hơn nữa là vợ chồng con cái đến bữa rủ nhau đi ăn cơm bụi, cơm đầu ghế. Thời đại công nghiệp chăng? Phải chạy đua với thời gian chăng? Ðể tiết kiệm chăng? Cũng tùy. Và cũng xin tùy thích. Chỉ có điều như vậy, là làm mất đi bàn tay chăm sóc ân cần của người phụ nữ trong gia đình, làm con cái mất đi những bài học về gia chánh, khiến nhiều cô gái trẻ, nhiều cô dâu mới rất lúng túng khi nói đến một số món ăn truyền thống dân tộc, hoặc các cô không còn làm được tròn bổn phận của người con, người vợ, giữ gìn sức khoẻ qua bữa cơm cho người thân yêu. Luộc rau, tráng trứng, kho cá, pha nước chấm, nếu không học thì dù đó là những món đơn giản, cũng khó mà làm cho ngon. Thật tiếc.
Mong sao mỗi gia đình chúng ta ngày càng có những bữa ăn ngon hơn, đầm ấm hơn, đầy chất văn hóa, văn minh hơn.
Băng Sơn
(Thú Ăn Chơi Người Hà Nội, 1993)
https://www.dkn.tv/doi-song/net-dep-co-truyen-bua-an-ngay-thuong-cua-nguoi-viet.html

2. Những quy tắc trên mâm cơm Việt cho thấy nét đẹp tu dưỡng của người xưa




Từ cách ăn uống có thể nhìn thấy tu dưỡng của một người (ảnh minh họa nguồn: Adobe).
Diễn giả nổi tiếng người Mỹ Iyanla Vanzant từng nói “Cách bạn làm một việc là cách bạn làm tất cả mọi việc”. Người xưa cũng có câu “Từ chi tiết nhỏ nhìn ra trí tuệ lớn”, ăn cơm tuy là việc rất đơn giản thường ngày, nhưng quan sát một người ăn cơm cũng có thể nhìn ra sự tu dưỡng của bản thân họ, tính cách và cách họ đối xử với những người xung quanh. 
Bạn có để ý không? Có nhiều người khi đi ăn cùng họ, ta cảm thấy thật dễ chịu, nhưng cũng có người chỉ sau một bữa ăn khiến bạn mất cảm tình. Trên đời có đủ kiểu người đủ loại tính cách, có những người khi đi ăn chỉ chăm chăm gắp món ngon, miếng lớn cho mình, không để ý gì tới người khác, kiểu người này thông thường ích kỷ, không biết quan tâm đến mọi người xung quanh. Nhưng một người không quá kén chọn, khi ăn không lãng phí, nhường người khác ăn miếng ngon trước, thường là người lương thiện, chính trực, có thể tin cậy. 
Thói quen ăn uống của một người chính là được hình thành từ những bữa cơm gia đình tuổi ấu thơ. Có người nói rằng, chỉ cần nhìn cách bạn ăn uống cũng có thể đoán ra hoàn cảnh của cha mẹ bạn và cách họ dạy dỗ bạn ra sao. 
Quả đúng là như vậy, khi tôi còn nhỏ mỗi khi tôi phạm những lỗi như ăn mà không mời người lớn, thấy món ngon liền gắp “lia lịa” liền bị bố mẹ nhắc nhở rất nghiêm khắc. Từ đó mà hình thành thói quen cân nhắc cho người khác khi dùng bữa. 





Cha mẹ nên rèn con thói quen ăn uống đúng mực từ khi còn nhỏ (ảnh minh họa nguồn: Adobe).

Thế nhưng ngày nay quan niệm này ngày một phai nhạt, bố mẹ mong rằng con cái “ăn đủ dinh dưỡng”, “thích gì ăn nấy” nên để trẻ em uống tùy tiện; đến bữa cơm thấy đồ ăn không ngon thì khóc, đòi bố mẹ làm món mình yêu thích… Điều này chắc hẳn sẽ ảnh hưởng đến cách ứng xử của trẻ trên bàn ăn và cũng gián tiếp ảnh hưởng đến tính cách của trẻ sau này. 
Bởi vậy, các bậc cha mẹ cần xem trọng việc giáo dục con cái ngay trên bàn ăn. Người trưởng thành cũng cần tu dưỡng bản thân trong cách ăn uống. Không nên vì thấy việc nhỏ mà bỏ qua, như thế sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này. 
Dưới đây mời bạn tham khảo một số quy tắc trên bàn ăn của người Việt xưa. Mặc dù trải qua thời gian, những nét văn hóa quý báu của dân tộc này đang dần mai một, nhưng khi nhìn lại chúng ta thấy được tham chiếu cho thời hiện đại, để giữ được sự kết nối với những giá trị truyền thống tốt đẹp. 
1. Không dùng thìa đũa cá nhân của mình quấy vào bát chung.
2. Không xới đĩa thức ăn để chọn miếng ngon. 
3. Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm. Hành động này được cho là giống cắm nhang vào bát cơm, chẳng khác nào cúng cơm cho người chết. 
4. Khi muốn gắp thức ăn cho người khác phải trở đầu đũa. 
5. Khi ngồi ăn không rung đùi. Dân gian có câu “Cây rung thì lá rơi, người rung thì phúc bạc” hay “Nam mà rung chân thì cùng cực, nữ mà rung chân thì hèn mọn”Từ nhân tướng học có thể nói rung chân là một loại tướng xui xẻo, phá tài.  
6. Tránh cơm đầy trong miệng mà nói, điều này vừa mất vệ sinh vừa không lịch sự, tôn trọng người đối diện. 
7. Muỗng múc canh phải đặt úp trong bát không được để ngửa.
8. Không tạo tiếng ồn khi ăn, ví dụ húp canh sột soạt hay nhai chóp chép. 
9. Không ăn trước người lớn tuổi. Cần chờ mọi người ngồi đủ chỗ rồi mới bắt đầu dùng bữa. Nếu được mời làm khách thì chờ chủ nhà bố trí chỗ ngồi, không tự ý ngồi vào bàn trước khi chủ nhà mời. Ngoài ra nên thành thực nói về việc ăn kiêng, dị ứng (nếu có) để tránh bất tiện cho chủ nhà. 
10. Không gắp liên tục một món dù đó là món khoái khẩu của mình. 
11. Phần người đi muộn phải phần vào đĩa riêng, không để phần theo kiểu ăn dở còn lại trong đĩa.
12. Ăn từ tốn, không ăn hối hả, không vừa đi vừa nhai.
13. Nếu ăn gặp xương hoặc vật lạ trong thức ăn, cần từ từ lấy ra, không được nhè ra toàn bộ tại bàn.
14. Muốn hắt hơi, xì mũi thì xin phép ra ngoài.
15. Phải chú ý tay áo khi gắp đồ ăn, không được để chạm vào thức ăn. 
16. Khi đang ăn mà có việc riêng phải xin phép rồi mới rời mâm.
17. Trong bữa ăn, người nhỏ tuổi phải mời hết lượt ông bà cha mẹ cô chú anh chị… Khi tới đâu thì quan sát gia chủ, không thể mang tập quán nhà mình vào bữa ăn nhà người ta.
18. Ăn xong cần tô son lại thì xin phép vào phòng vệ sinh, không tô son trên bàn ăn trước mặt người khác. Không dùng điện thoại di động trong bữa ăn.
19. Tránh va chạm tay với người cùng mâm, nếu thuận tay trái thì nói trước để chọn chỗ cho thuận tiện.
20. Nói cảm ơn sau bữa ăn dù là chỉ có hai vợ chồng nấu cho nhau. Đừng tiếc lời khen ngợi những món ngon.
Trên đây chỉ là một số quy tắc trong lễ nghi dùng cơm của người Việt. Người xưa có rất nhiều thành ngữ, tục ngữ về ăn uống như “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” (có ý nói cần phải biết giữ chừng mực khi ăn, không nên ăn quá nhiều, hết phần của người khác), “học ăn học nói học gói học mở” (nói về những điều cơ bản trong cuộc sống mà con người ta phải học như cách ăn ở, giao tiếp, cách đối nhân xử thế sao cho lịch sự, tế nhị). Có thể nói người xưa rất coi trọng lễ nghi không chỉ trên bàn ăn mà ở các khía cạnh khác của cuộc sống. 
Giáo dục con cái hay tu dưỡng nhân phẩm là việc vô cùng quan trọng, nó được thể hiện từ những chi tiết, việc làm nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt tướng ăn rất quan trọng, nó phản ánh không chỉ là nhân cách mà còn là gia phong của mỗi một gia đình.
https://www.dkn.tv/doi-song/nhung-quy-tac-tren-mam-com-viet-cho-thay-net-dep-tu-duong-cua-nguoi-xua.html