Nguy cơ Trung Quốc kiểm soát sông Mekong

Ngoài việc xây dựng các đập thủy
điện trên thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đang muốn nạo vét lòng
sông, mở đường đi cho các tàu cỡ lớn.
Theo tin từ hãng thông tấn Thời báo của
Nhật Bản ngày 17/01 cho biết, từ lâu Trung Quốc đã muốn nạo vét lòng
sông Mê Kông ở phía Bắc Thái Lan để mở đường đi cho các tàu chở hàng lớn
và có thể là cả các tàu quân sự.
Cuối cùng, một đường dẫn thông suốt sẽ
được tạo ra từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) xuống hàng ngàn kilomet về phía
Nam qua các nước ven sông Mekong (Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và
Việt Nam) để ra Biển Đông – một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp
nhất thế giới và cũng là trọng tâm của chiến lược an ninh và thương mại
của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng.
Trung Quốc cho rằng, họ chỉ tìm kiếm sự
phát triển bền vững của dòng sông và phân chia lợi ích từ sự bùng nổ về
thương mại và năng lượng với các nước Mekong láng giềng và cho khoảng
240 triệu dân của họ. Nhưng nhiều đập thủy điện mà Trung Quốc xây dựng
trên phần thượng nguồn đang đe dọa nghiêm trọng nhiều cộng đồng dân cư
dưới hạ nguồn và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và đa dạng sinh
học.
Nguồn cá dồi dào trên sông Mekong ngày
càng suy giảm và vùng đất màu mỡ của Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)
đang chìm dần khi dòng chảy trầm tích co lại. Theo các nhà môi trường,
các loài đặc hữu của Mekong như cá da trơn Mekong khổng lồ và cá heo
sông đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Công ty nạo vét CCCC của Trung Quốc và
cũng là công ty nạo vét lớn thứ hai thế giới đề xuất loại bỏ các bãi đá,
đảo nhỏ và ghềnh trên sông để tạo nên tuyến vận chuyển đường thủy từ
Vân Nam, Trung Quốc xuống tận Lào, trong khuôn khổ Dự án cải tạo kênh
dẫn đường sông Mekong. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải phản ứng mạnh
mẽ của các nhà hoạt động tại miền Bắc Thái Lan.
Ông Niwat Roikaew, nhà bảo tồn của Tập
đoàn Love Chiang Khong cho biết, vào tháng 3/2019, chính phủ Trung Quốc
đã chính thức từ bỏ kế hoạch của mình sau khi chiến dịch của ông đưa ra
lập luận rằng cả hệ sinh thái độc đáo của dòng sông và chủ quyền của
Thái Lan sẽ bị phá hủy bởi tàu nạo vét Trung Quốc.
Ông Pianyh Deetes, giám đốc chiến dịch
của Tổ chức sông ngòi quốc tế tại Thái Lan cho rằng, Trung Quốc đang
muốn biến sông Mekong thành một “đường cao tốc” cho hàng hóa.
Không chỉ muốn cải tạo và nạo vét lòng
sông Mê Kông, Trung Quốc giờ còn có thể sử dụng các con đập để điều tiết
dòng chảy sông Mekong. Tác động tiêu cực lên nguồn lương thực và cuộc
sống của người dân dưới hạ lưu, điều đó có thể tồi tệ hơn nhiều nếu tất
cả các đập thủy điện lớn của Trung Quốc ở thượng nguồn cùng hoạt động.
Mới đây nhất, Bộ Tài nguyên nước Trung
Quốc thông báo, trong thời gian tiến hành các hoạt động thử nghiệm, đập
Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam giảm lượng xả từ ngày 1-4/1/2020.
Chính phủ Thái Lan ngày 31/12/2019 cảnh
báo 8 tỉnh của nước này nằm dọc sông Mekong sẽ thiếu nước khi Trung Quốc
thử đập thủy điện Cảnh Hồng. Hoạt động thử đập diễn ra trong thời điểm
Thái Lan đang đối phó với một đợt hạn hán nghiêm trọng.
Chiều 31/12/2019, Tổng cục Thủy lợi (Bộ
NN&PTNT) của Việt Nam cũng cho biết, đập thủy điện Cảnh Hồng sẽ giảm
lượng xả nước và sẽ tác động xấu đến tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho
biết, ảnh hưởng của việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc sẽ về đến
biên giới Việt Nam tại Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) bắt đầu từ ngày
22/1/2020 và ảnh hưởng ra các vùng ven biển kéo dài đến hết ngày
28/1/2020 – thời điểm của kỳ triều cường và chuẩn bị đón năm mới 2020,
cho nên, mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng với đỉnh mặn vào những ngày
Tết cổ truyền.
Khi dự hội nghị của ASEAN vào tháng 8
năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ quan ngại Trung Quốc xây
nhiều đập, nạo vét và tiến hành các hoạt động khác trên sông Mekong là
“những xu hướng phiền toái”.
“Chúng tôi thấy một loạt công trình xây
dựng đập trên thượng nguồn để kiểm soát dòng chảy xuống hạ lưu. Dòng
sông này đã xuống mức nước thấp nhất trong thập kỷ qua – vấn đề liên
quan đến quyết định của Trung Quốc trong việc chặn nước ở thượng nguồn.
Trung Quốc cũng có kế hoạch cho nổ mìn và nạo vét lòng sông. Trung Quốc
tiến hành các hoạt động tuần tra ngoài lãnh thổ”, ông Pompeo nói.