Monday, February 24, 2020

DÂN MẤT ĐẤT

Dân mất đất vì vay nặng lãi

Internet/Google

 Công an thì làm thinh cho đánh bạc, xã hội đen thì thâu tóm bìa đỏ, sau đó sân sau của cán bộ địa chính sẽ mua lại với giá rẻ và chủ nhà phải ký bán.


Bài NGUYÊN QUANG
Mùa Tết năm nay có thể nói là quá đặc biệt, bởi nó xoay quanh hai chủ đề: Đất và Dịch. Nếu như những ngày giữa tháng Chạp, người dân giật mình tỉnh giấc bởi tiếng súng tấn công nhà cụ ông Lê Đình Kình vì tranh chấp đất đai giữa dân làng với nhà cầm quyền Hà Nội và nhóm lợi ích quân đội, rồi sau đó không lâu, dịch Covid-19 hoành hành khắp châu lục… Thì hiện tại, vấn đề mất đất vẫn là câu chuyện hết sức éo le của người Việt, và nói cho cùng là mất theo kiểu gì thì cũng rơi vào bàn tay các nhóm quyền lực, nhóm lợi ích và nhóm xã hội đen. Vì sao?

Xã hội đen bắt tay xã hội đỏ
Sau Tết, chỉ cần đi dạo một vòng ở các xã miền núi Quảng Ngãi, trong đó có các xã ở huyện Nghĩa Hành, Minh Long, Quảng Ngãi, dường như đi đâu cũng gặp những tụ bầu cua tôm cá, xóc dĩa và nhiều loại cờ bạc khác, không ngoại trừ các trường gà đá độ. Và lạ ở chỗ là mức cá cược tiền ở các trường gà cũng như mức đặt cược các sòng bài khá lớn, có nơi vài triệu, thậm chí vài chục triệu đồng trong một lần chơi nhưng người ta chơi công khai, không hề giấu diếm, thậm chí các sòng bầu cua tôm cá còn hò hét cãi vã hoặc reo hò rất lớn mỗi khi trúng mặt. Nhưng dường như ngành công an không nói gì. Nếu hỏi, thì họ sẽ trả lời là “do dịch cúm Vũ Hán hoành hành quá nên không đi kiểm tra định kì và thường xuyên như trước đây được.”
 Bán đất với giá rẻ, mối nguy về an ninh lương thực, tương lai con cái của người nông dân thấy trước mắt. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Có thể nói là hầu hết công an địa phương ở đây đều có chung câu trả lời như vậy. Nhưng ngược lại, ông Phước, một cán bộ địa chính về hưu ở Quảng Ngãi thì cho biết đây là một chuyện không liên quan gì đến dịch corona cả. Nó là một chuỗi những tính toán và cơ hội đến lại nằm ở chỗ dịch cúm corona. Ông khẳng định, “Tất cả chỉ mượn cơ hội mùa dịch, thực ra đã có sự thông đồng giữa xã hội đen và xã hội đỏ!”
“Họ thông đồng với nhau trong chuyện thả cho cờ bạc hoành hành hay là chuyện nào khác vậy chú?
“Cái chính là thông đồng để mua đất của dân với giá rẻ bèo, chuyển loại hình từ đất vườn sang đất ở và bán đất ở với giá cao ngất ngưởng, mua một bán thành hai, ba, thậm chí chín, mười.”
“Chú có thể nói rõ hơn không?”
“Thường thì có cờ bạc thì chắc chắc sẽ có người ra bụi ở, bán vợ đợ con khi thua bạc là cái chắc rồi. Trong đó, có một nhóm cán bộ địa chính cấp huyện đã tạo sân sau của họ và chính cái sân sau gồm vợ con, người thân của các cán bộ này sẽ là người đứng ra mua đất với giá rất thấp, hô biến rồi bán lại. Cụ thể, bên công an nhân mùa corona này mà ít đi kiểm tra hoặc kiểm tra cho có lệ, mặc cho nhiều sòng bạc diễn ra khắp mọi nơi. Và đương nhiên các con bạc một khi đã lao vào thì như thiêu thân, sẽ vay nặng lãi, thế chấp đất đai cho xã hội đen và đánh đến khi thua trắng tay thì mất đất.”


 Đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Xã hội đen có thể lấy của con nợ mọi thứ, nhưng lấy đất là chuyện rất khó nếu như cả gia đình con nợ không ký giấy bán hoặc có người trốn đi, không ký thì họ không được cấp bìa hồng chính chủ, chỉ cầm cái bìa giống như giữ giùm đất cho con nợ kia mà!?”
“Không đâu, giữa xã hội đen và cán bộ địa chính có quan hệ với nhau, thậm chí công an cũng có dây mơ rễ má, công an thì làm thinh cho đánh bạc, xã hội đen thì thâu tóm bìa đỏ, sau đó sân sau của cán bộ địa chính sẽ mua lại với giá rẻ và chủ nhà phải ký bán cho nhóm này, nhóm này sẽ cho thêm một ít tiền cho chủ nhà, mà thực ra chả bao nhiêu vì đa phần là ký bán một miếng thổ cư (đất ở) cộng với một miếng vườn, đất vườn thì rẻ ngang với đất ruộng. Sau đó sân sau này sẽ về chuyển mục đích sử dụng của đất vườn thành thổ cư và ngang nhiên rao bán trên mạng xã hội cùng các mạng quảng cáo. Đương nhiên là giá cao gấp từ hai đến năm lần giá mua. Chỉ hôm Tết tới nay, có đến vài chục lô đất được hô biến như vậy bởi các sân sau và các nhóm giang hồ. Người mất đất thì nghĩ rằng mình đen đũi bài bạc mà mất, không bị ai cướp, đơn giản là mình bán thôi.”
“Theo chú, khi các lô đất vườn chuyển sang thổ cư và mua bán rộng rãi như vậy có ảnh hưởng đến an ninh lương thực hoặc đời sống nhà nông hay không?”
“Đương nhiên rồi! Có ảnh hưởng nặng nề nữa là khác. Trước đây, người ta dựa vào mảnh vườn trồng rau, đậu, dựa vào mảnh thổ cư làm nhà cho con cháu khi ra riêng, bây giờ không còn vườn tược, mất cả mảnh thổ cư dôi ra, như vậy khi con cháu cần làm nhà ra riêng thì phải đi mua với giá cao ngất, nếu làm công nhân thì có khi cả đời mua không nổi miếng đất để làm nhà đâu nhá! Còn việc đảm bảo an ninh lương thực gia đình thì chắc chắn mất rồi. Không những vậy, thị trường địa ốc cũng đảo lộn.”
“Nó đảo lộn như thế nào vậy chú?”.
“Nó tạo ra một lượng cung rất lớn nhưng đầy gai góc. Nghĩa là bất ngờ đất hạ giá cục bộ ở Quảng Ngãi, vì phải chạy theo giá của các nhóm lợi ích. Nhìn bên ngoài, người ta tin rằng do kinh tế đình trệ bởi ảnh hưởng dịch corona. Nhưng trên thực tế, dịch corona là cái cớ để người ta hạ giá và bán nhanh những mảnh đất vừa mua và hô biến. Mà tôi nói cho mà biết, anh nào dại dột mua mấy miếng đất đó, có khi sau này mất trắng đấy!”.

 Ruộng lúa hôm nay, công trình ngày mai (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Mất trắng như thế nào vậy chú?”
“Thì nó ngay từ đầu đã là đất bất minh, đất hô biến từ đất rừng, từ đất nông nghiệp và anh biết là Việt Nam không có quyền sở hữu đất, nên khi cần thiết, nhà nước phát hiện và thu hồi, đền bù theo giá nhà nước, lúc đó chỉ có mà khóc. Vì giá đất mua bán ngoài thị trường luôn cao gấp ba, thậm chí gấp bốn, năm lần so với giá nhà nước. Bây giờ áp giá theo bản đồ gốc, tức hoàn nguyên nó theo lúc chưa hô biến thì nó chỉ có một ít diện tích được đền bù theo thổ cư, diện tích còn lại đền bù theo đất vườn hoặc đất rừng. Mà anh biết rồi đó, Việt Nam thì đời cán bộ sau có thể lật tẩy đời cán bộ trước nên chuyện mất đất khi mua những lô như vậy là nằm trong tầm ngắm rồi!”

 Nhiều lô đất của người dân được hô biến bởi sân sau của xã hội đỏ cấu kết xã hội đen. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Như vậy cả người nông dân và nhà đầu tư đều mắc bẫy?”
“Đúng, ở đâu thì tôi không biết mức độ hô biến của các sân sau như thế nào, chứ ở Quảng Ngãi thì mức độ hô biến đất đai quá khủng khiếp và với đà này, nhà nước sẽ sớm vào cuộc để làm cho ra nhẽ. Lúc đó, người mất đất là nông dân, vì nhà nước có thu hồi về cũng không bao giờ trả lại cho nông dân. Người mất tiền là nhà đầu tư, vì lúc đó các nhóm lợi ích hoặc là cao chạy xa bay, hoặc là bị lao lý rồi, họ lấy đâu ra tiền mà trả. Nói cho cùng là các nhóm lợi ích hiện nay quá đông và họ đang cày tới cày lui mọi khoản đất ở tỉnh này!”
Vấn đề ông Phước nói, dường như đang hiện ra trước mắt, chưa đầy một tháng kể từ Tết Nguyên Đán đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có ít nhất phải trên 100 lô đất được giao dịch, mua bán. Mà đặc biệt là hầu hết các lô đất này đều rộng hàng ngàn mét vuông, có nhiều lô rộng đến 3,000, 4000 mét vuông, toàn thổ cư, giá rẻ, mua bán nhanh tay vì được bao giấy tờ và mọi chuyện thông suốt hơn rất nhiều so với việc mua đất, đi hầu cơ quan “một cửa” ở nhiều nơi khác.

Đủ chiêu trò lừa đảo đất đai
Có thể nói rằng câu chuyện đất đai tại Việt Nam là câu chuyện quá ư sôi động và nhạy cảm tại Việt Nam hiện nay. Bởi chưa bao giờ hiện tượng các cò đất nhiều như nấm sau mưa, những tay lừa đảo đất đai cũng xuất hiện và lừa khách hàng đến hàng chục tỉ đồng, rồi những nhóm lợi ích nổi lên, thao túng đất đai. Như tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi có thông tin một tập đoàn bất động sản lớn trong nước sẽ đầu tư một dự án quy mô 800 hécta tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, những ngày qua dân cũng như những nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Hàng trăm cò đất thay phiên nhau hô giá, đẩy giá nhưng sau đó tháo chạy từ xã này sang xã khác khiến hàng trăm người ôm nợ. Nhìn chung, đất đai hiện nay là miếng mồi quá béo bở và gần như người ta sẵn sàng đạp lên nhau để có nó.
Ông Trương Gia Huy, người có chiều sâu thâm niên trong việc buôn bán địa ốc, chia sẻ, “Kinh doanh đất đai ở Việt Nam, nếu làm ăn chân chính, vẫn giàu nhưng không thể giàu sụ. Những ai giàu sụ, phất lên nhờ đất đai đều có vấn đề.”
“Ông nói như vậy nghĩa là sao? Vì hiện tại, có rất nhiều nhà kinh doanh địa ốc giàu có và uy tín?”
“Ừ, nếu nhìn bên ngoài thì họ rất uy tín, nhưng cậu đừng quên rằng uy tín của người Việt nó rất lập dị, uy tín phụ thuộc hoàn toàn vào quyền lực và tiền bạc, người nào càng có quyền lực thì uy tín càng lớn, càng có nhiều tiền thì càng có uy tín.”
“Ông nói như vậy nghĩa là sao? Tôi vẫn không hiểu vì có rất nhiều người nắm quyền tối thượng hoặc từng như vậy nhưng chưa hẳn họ có uy tín, nhiều tiền cũng vậy mà?!”
“Đó là số rất hiếm người nhìn giống cậu và tôi. Nghĩa là chúng ta không phụ thuộc vào tiền và quyền lực của ai cả nên có thể nhìn thấy vấn đề cốt lõi. Ngược lại, đám đông không cần biết cậu là ai đâu, họ chỉ cần biết cậu đang nắm chức vụ gì, cậu làm chức càng bự thì nói đúng nói sai gì cũng có người hưởng ứng. Điều đó cũng giống như cậu cầm một xấp tiền và rải thật nhẹ nhàng vào sân của các nhà báo (nhà nước) thì liên sau đó có nhiều bài báo ca ngợi cậu, và uy tín nhờ đó mà hình thành. Cái này đâu phải uy tín của cậu, mà uy tín cậu mua được từ các nhà báo đấy!”
“Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao ông nói người kinh doanh đất tử tế chỉ giàu vừa, còn người kinh doanh mà giàu sụ thì không được tử tế?”
“À, nếu các tay đầu sỏ trong kinh doanh đất đai mà không dựa vào thế lực nhà nước, không mua những mảnh đất vàng, bóc nó khỏi tay bà con nông dân với giá vài ổ bánh mì trên một mét vuông để rồi sau đó phá núi, chở đất về đắp, cải tạo và bán nó với giá cả vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng một mét vuông thì lấy đâu ra tiền cả ngàn tỉ, cả tỉ đô la. Hoặc là có sân sau là quan quyền, hoặc là kẻ rửa tiền cho nhà buôn Trung Quốc, thậm chí vay thế chấp rất nhiều ở ngân hàng Trung Quốc để mua đất, đến khi vỡ nợ thì chủ nợ Trung Quốc sang Việt Nam đòi đất, cái này phải nói là Việt gian chứ không giỡn chơi. Chứ còn những người mua bán chân chính, giỏi tính toán cỡ gì thì cũng mua đi, bán lại, chọn điểm rơi thị trường để tung sản phẩm. Nhưng chỉ ăn chênh lệch chả là bao nhiêu đâu! Nhìn chung thì hiện tại, đất đai Việt Nam là miếng mồi xâu xé, từ trong nhà đã xâu xé nhau rồi, sau đó đến các nhóm xã hội đen, rồi các nhóm quyền lực và các nhóm lợi ích. Người bị thiệt hại là nông dân, người được lợi là các nhóm từ giang hồ xã hội đen đến cán bộ xã hội đỏ. Rõ ràng, nền tảng xây dựng chế độ Cộng sản là giai cấp Công, Nông, tức công nhân và nông dân. Nhưng họ mãi là người xây dựng đổ mồ hôi, đổ máu, còn người hưởng lợi thì một nhóm nhỏ không phải là hai giai cấp này!”
Câu chuyện trở nên trầm lắng hơn khi ông Trương gia Huy dự đoán thị trường bất động sản năm nay sẽ đứng trong giai đoạn nửa đầu năm 2020 và sau đó sẽ tăng. Nhưng chỉ cần chừng đó thời gian cũng đủ để các nhà “hô biến” có thể bán đi rất nhiều mảnh đất mà họ đã đoạt được từ tay người nông dân bằng nhiều chiêu trò và thủ đoạn chẳng còn tình người hay tính người.


 Thu nhập chỉ ba cọc ba đồng, nếu trong nhà có ai ham bầu cua tôm cá hoặc đánh bạc thì chỉ có gán đất mà trả nợ. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

 Xóm làng chẳng biết có bình yên (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Tương lai phía trước mịt mùng (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Nhiều người phải đi tứ xứ làm đủ thứ nghề sau những ngày say máu bạc rồi mất nhà mất đất. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Sa cơ lỡ vận, bán hàng rong với một mớ bòng bòng sản phẩm cũng trở thành lựa chọn của không ít người. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

 Đã từng một thời kì nhiều đại gia trở nên rỗng túi vì bất động sản đóng băng, và khi thị trường nhà đất sống dậy, nếu làm ăn chân chính, người kinh doanh đất đai có thể giàu nhưng không thể giàu sụ. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
http://www.viendongdaily.com/dan-mat-dat-vi-vay-nang-lai-32GUlKJz.html