Monday, May 4, 2020

BÁO TIẾNG DÂN CỦA CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG

Fr: Khanh Bui

Báo ‘Tiếng dân’ ra đời năm 1927 qua ký ức người đương thời

Trần Đình Ba 

Ra đời tại đất Trung kỳ với số đầu tiên ngày 10/8/1927, báo "Tiếng dân" của cụ Huỳnh Thúc Kháng tự nhận cất tiếng khóc chào làng báo để tranh đấu cho quyền lợi  dân tộc.Bao ‘Tieng dan’ ra doi nam 1927 qua ky uc nguoi duong thoi hinh anh 1 unnamed.jpg


Tòa soạn báo Tiếng dân, cũng là trụ sở Công ty Huỳnh Thúc Kháng tại đường Đông Ba (nay là đường Huỳnh Phúc Kháng), Huế. Ảnh tư liệu.
Tồn tại trong 16 năm, báo Tiếng dân đã gây nên tiếng vang lớn ở đất Trung kỳ nói riêng và trong làng báo Việt nói chung dạo trước 1945 với hoạt động năng nổ của cụ Huỳnh Thúc Kháng và những nhà báo, nhà yêu nước dạo ấy. 
Những bước chuẩn bị
Nhân vật đứng chủ cho việc ra đời Tiếng dân là cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng. Việc dự trù ra báo, manh nha năm Bính Dần (1926). Tháng 7 năm ấy, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử dân biểu, rồi được hội nghị đầu tiên của Hội đồng Nhân dân Đại biểu bầu làm nghị trưởng. Sau lần hội nghị ấy, trong Huỳnh Thúc Kháng tự truyện cụ kể “tôi cùng đồng nhân trù hoạch xin mở một tờ báo, vì xưa nay ở Trung kỳ chưa có tờ báo nào”.
Báo Tiếng dân ra đời, còn khởi phát từ tình hình nước nhà khi thực dân Pháp chơi trò mị dân, cho phép lập Viện Nhân dân đại biểu ở Bắc kỳ, Trung kỳ để nhân dân thuộc địa có quyền tham dự việc nhà nước, còn ở Nam kỳ thì Đảng Lập hiến được Bùi Quang Chiêu lập nên thực hiện chính sách Pháp Việt đề huề. Thế nên khi được cử làm Viện trưởng, Đào Duy Anh trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm cho hay “cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận đứng ra lập một tờ báo để làm cơ quan bênh vực quyền lợi của nhân dân, làm hậu thuẫn cho hoạt động của Viện dân biểu”.