Sunday, July 4, 2021

CƠN GIẬN HÔM NAY HÃY ĐỂ SANG NGÀY MAI

 Fr:  Huu Dinh Nguyen ** Truc Le

Cơn giận hôm nay hãy để sang ngày mai


Ngày xưa có một người nghèo làm nghề bán củi. Ngày ngày ông lang thang trên thảo nguyên nhặt củi cành mang ra chợ bán lấy ba quan tiền. Ông dùng số tiền ấy mua bánh mì để nuôi vợ và đứa con trai duy nhất. Ông thức dậy khi trời đất còn tối và đi nằm khi đêm rất khuya.

Một lần, như thường lệ, ông bó củi mang ra chợ bán. Ông bán được ba quan tiền, giắt vào cái khăn buộc ngang lưng và đi mua bánh.

Trên đường đi ông gặp một cụ già.

– Ấy, chào người bán củi. – Cụ già nói. – Hãy cho ta một quan tiền, ta sẽ nói cho anh một điều thông thái.

Người bán củi rất muốn nghe điều thông thái ấy, ông nghĩ:

“Ta có ba quan tiền. Mất một đồng ta còn hai đồng. Ít ra ta cũng được nghe một lời khuyên thông thái”.

Ông liền rút ở thắt lưng ra một quan tiền đưa cho cụ già.

– Nào, xin cụ hãy nói cho tôi nghe lời khuyên thông thái của cụ đi.

– Cơn giận hôm nay hãy để sang ngày mai.

Người bán củi giận giữ: Cụ thật là người hay tán phét. Không lẽ vì một lời nói như thế này mà tôi bị mất một quan tiền hay sao? Hãy trả ngay tiền cho tôi.

Ầm ĩ cả lên và dân chúng xô lại. Ông cụ bán củi ấy liền giải thích những gì đã xảy ra còn cụ già kia mất tăm trong đám đông. Suốt đêm người bán củi không ngủ được. Ông ta nghĩ đông tiền mà ông phải vất vả mới kiếm được đã bị mất toi một cách vô ích. Sáng sớm hôm sau, như thường lệ ông lại dậy sớm, giắt rìu vào thắt lưng, quang gánh trên vai và ra đi.

Ông đi và cứ nghĩ mãi về đồng tiền đã mất. Ông nghĩ mãi đến nỗi không nhận ra ông đã rơi vào một nơi xa lạ và bị lạc đường. Ông lang thang mãi trên thảo nguyên và cuối cùng ông đi tới một thành phố kỳ lạ. Bầu trời ở đây thấp đến mức có thể giơ tay với lên là hái được các vì sao bỏ túi nhưng thật ra đấy không phải là các vì sao mà là những viên đá quý.

Người bán củi thích nơi này đến nỗi quên cả làng quê, quên cả người vợ và đứa con trai nhỏ, ông sống ở đây thật thoải mái. Mười lăm năm trôi qua nhưng người bán củi vẫn cứ tưởng rằng ông đến thành phố này mới chiếu hôm qua.

Một lần, ông chợt nhớ tới vợ và con trai “không biết họ sống ra sao? Thiếu mình chắc hai mẹ con khổ lắm”. Tỉnh giấc, ông liền giắt rìu vào thắt lưng và tìm đường về quê hương. Ông trở về nhà thì chiều đã muộn, trời tối đen. Ông ngó qua khe cửa, nhìn thấy vợ ông và một người đàn ông nữa đang ăn tối.

Ông rất ngạc nhiên: Vì sao người đàn ông ấy lại ngồi cùng bàn ăn tối với vợ ta nhỉ? Thật là lạ lùng!

Người bán củi cứ nhìn chằm chằm vào mâm cơm, và bỗng dưng ông cảm thấy đói không thể chịu được. Cũng vì một lẽ cả ngày hôm nay ông chưa có gì vào miệng.

Người bán củi tức giận: “Thật không ra làm sao cả. Lí ra ta phải ngồi trong lều, ăn những thức ăn vợ ta nấu, đằng này ta lại đói và lạnh bên ngưỡng cửa ngôi nhà thân thuộc của mình, không thể để như vậy được”.

Ông liền rút cái rìu sắc từ thắt lưng ra và muốn đi ngay vào nhà để giết chết gã đàn ông kia nhưng chợt nhớ tới lời cụ già thông thái nói: “Cơn giận hôm nay hãy để sang ngày mai”.

Ông liền ra khỏi cửa, leo lên mái nhà. Một làn khói nhẹ thổi lên và ông nghe thấy câu chuyện giữa vợ mình và gã đàn ông kia.

Đầu tiên người đàn ông nói: Mẹ ơi, hãy nói cho con biết, con bao nhiêu tuổi khi cha bỏ nhà đi?

– Lúc ấy con ba tuổi

– Vì sao cha lại bỏ chúng ta?

– Mẹ cũng không hiểu nữa. Từ đó đến nay đã mười lăm năm trôi qua rồi.

– Con hoàn toàn chẳng nhớ gì về cha cả. cha con trông thế nào?

– Con rất giống cha.

– Liệu sẽ có ngày hạnh phúc khi con được nhìn thấy cha không?

Người bán củi nằm trên mái nhà và nghĩ: “Ôi, chỉ một chút nữa là ta đã giết đứa con trai yêu của ta rồi.Thật may là ta đã gặp được cụ già ấy. Ta mua câu nói “Cơn giận hôm nay hãy để sang ngày mai” mất một quan tiền thì nó đã mang lại cho ta lợi ích đáng giá hàng nghìn đồng vàng”.

Ông vội vã tụt từ trên mái xuống và bước vào nhà. Vợ và con ông mừng rỡ khi gặp lại ông. Và họ đã sống với nhau thật hạnh phúc trong suốt cuộc đời.

Trần Phong (Sưu tầm)