Xưa - nay, chuyện tết
Với người Việt, một năm có những ngày bình thường và một số ngày khác thường. Sự khác thấy rõ trong ngày Tết Nguyên đán, người xưa gọi Tết nhất, hàm nghĩa những ngày quan trọng nhất trong năm. ( Hình : Gói bánh chưng ngày Tết )Ngẫm chuyện Tết xưa, soi vào Tết nay, thấy vẫn còn đó những phong tục, thói quen truyền thống tốt đẹp của dân tộc được trao truyền qua bao thế hệ!
Ngày trước rằm tháng Chạp Giáp Ngọ, nhà vợ tôi đón người thân ở Anh về nước ăn Tết Ất Mùi. Hai vợ chồng cao tuổi, lên lão đã lâu, "đội một núi khó khăn" trong hành trình di chuyển qua hàng vạn cây số để về lại nơi chôn nhau cắt rốn, ý thức mơ hồ rằng đó có thể là lần trở về cuối cùng. Ngày về, cụ ông đi Thái Bình, Nam Định thăm đằng họ nhà mình - phần lớn đã chuyển "hộ khẩu" tới nơi khác, chỉ còn lại gia đình của mấy người em họ. Cụ bà yên tâm ở lại Quảng Ninh với họ mạc, ra Giêng mới tính chuyện đi thăm mấy người em sinh sống ở Hà Nội.
Kế hoạch được vạch ra chi tiết từ ngày hai cụ còn ở Anh. "Chả biết rồi có còn về thăm quê được nữa không nên lần này phải gặp mặt họ hàng đầy đủ", cụ ông nói với người nhà ra đón ngay khi xuống sân bay Nội Bài. Càng gần Tết Ất Mùi thì chuyện Tết xưa - Tết nay càng rộ trên các trang mạng và báo giới.
Ngày 28 tháng Chạp, khi những thịt thà, bánh chưng, đào, quất đã hòm hòm đâu vào đấy, chuyện Tết cổ truyền ê hề trên mạng lẫn trong cuộc chuyện trò của các bà các cô. Mấy anh trẻ trong nhóm tình nguyện viên Truyền thông Trắng đen trưng trên mạng bộ ảnh "Tết xưa - Tết nay", vỏn vẹn năm, sáu tấm mà gây "sốt" trong cộng đồng mạng. Hàng nghìn người xem, bình luận về nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục đón Tết cổ truyền, sự khác nhất định giữa cách "ăn Tết" xưa và nay. Hiệu ứng là rõ ràng, nhưng điều quan trọng là sự phản hồi từ cộng đồng về một vấn đề được nhiều người quan tâm. Đọng lại sau tất cả là câu hỏi của một bạn trẻ: "Phải chăng cuộc sống hiện đại xô bồ khiến người ta sống quá vội? Vội ăn, vội gội đầu, vội mua sắm, vội chen chúc nhau đi xem pháo hoa và vội cả những giờ phút thiêng liêng sum họp? Chúng ta còn có Tết, hay chỉ còn lại một kỳ nghỉ dài ngày?"…
Hai câu chuyện trong muôn vàn chuyện diễn ra trong những ngày cuối tháng Chạp này cho ta thấy nhiều điều vượt trên ý nghĩa thông tin thuần túy mà nó chuyển tải. Tết xưa, Tết nay có gì khác biệt, có gì làm thức dậy trong ta sự lo lắng về cái gọi là sự mai một nét đẹp văn hóa truyền thống? Tết cổ truyền còn nguyên nghĩa là dịp sum vầy của mọi nhà, nơi thắp sáng niềm vui, niềm tin và ước mơ về một tương lai tốt lành, nơi mà nhà nhà hướng về cội nguồn, tổ tiên? Liệu giới trẻ có xa rời truyền thống, coi Tết Cả chỉ là dịp xả hơi với những chuyến chơi xa?
Nhà văn Tô Hoài, hồi viết "Giỗ, tết" trong tập "Chuyện cũ Hà Nội" có đưa ra nhận định mang tính đúc kết rằng: "Mỗi người ta đều có nếp nghĩ, cái nhìn và thói quen được truyền lại cả nghìn đời… Những cái tết và các ngày giỗ chạp khá nhiều. Bây giờ vẫn như thế - nhất là ở thôn xóm, nhà có thì miếng thịt, con gà, nhà thanh bạch thì đĩa xôi, nải chuối, nhà túng bấn lắm cũng phải thẻ hương, bát nước cúng đặt lên ban thờ, cốt tấm lòng ghi nhớ, không nhà ai tị hiềm, đua đòi, ganh ghét".
Nhà văn viết những dòng trên đã lâu rồi, sự thể giờ này đã có sự khác, tiếp biến văn hóa khiến nền nếp xưa có sự dịch chuyển nhất định theo hướng văn minh, hiện đại, tiếp nhận nét mới và bỏ qua những gì rườm rà. Nhưng sự quan tâm đến văn hóa truyền thống, tâm lý hướng về cội nguồn, đặc biệt là trong những ngày Tết Nguyên đán thì vẫn còn nguyên.
Nhìn chung là vậy, bất kể rằng đâu đó còn có sự dị hợm, những phô trương khoe khoang ồn ã thái quá, hoặc đơn giản hóa Tết cổ truyền thành một kỳ nghỉ dài ngày. Vậy thì điều gì dẫn dụ ta sa vào câu hỏi thường trực đầy lo lắng, về cái gọi là sự đứt gãy truyền thống? Những gì mà Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Vũ Bằng… mô tả về Tết cổ truyền thời chưa xa giờ có còn không? Thế giới phẳng, cuộc sống đủ đầy, có còn nỗi nhớ khắc khoải của người xa xứ: "Tết về nhớ bánh chưng xanh/Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà/Nhớ cành đào thắm đầy hoa/ Nhớ giây phút đợi giao thừa trang nghiêm/Nhớ ngũ vị, nhớ chè lam/Nhớ cây nêu, nhớ khách vang tiếng sành/Nhớ tam cúc tẹt, nhớ mình/Nhớ khoanh mứt lạc, nhớ khoanh giò bì"?
Nỗi nhớ vẫn còn, vẹn nguyên, dù trẻ nhỏ nhà nhà không còn nguyên nghĩa ngóng đợi phong bánh, túi kẹo, chiếc bánh chưng nhỏ như thuở nào; các bà chủ gia đình không còn chi li nước mắm, dưa hành vì "một lần ra siêu thị là xong". "Ăn Tết" giờ chuyển nhiều sang thành "chơi Tết", thanh niên mới chớm kỳ nghỉ đã phơi ước muốn bắt đầu hành trình tới những miền xa ngay sau ba ngày Tết bên gia đình.
Cuộc sống dư dả làm thay đổi thói quen theo hướng văn minh, hiện đại nhưng không làm giảm ý nghĩa thiêng liêng của Tết Nguyên đán. Chợ hoa vẫn mở, đào thắm mỗi nhà, mâm ngũ quả đủ bộ trên ban thờ ngát hương suốt ba ngày Tết, những chuyến thăm viếng trong ngày đầu năm mới thắt chặt mối dây gia đình, kết nối tình thân giữa các thành viên trong cộng đồng.
Tết cổ truyền của dân tộc là lễ hội lớn của mọi nhà, không dễ gì thay đổi quan niệm ấy. Tết Ất Mùi 2015, ngàn vạn người từ nước ngoài trở về đón xuân cùng gia đình, cảm nhận bầu không khí đầm ấm bên người thân. Ngày 28 tháng Chạp, Hà Nội thưa dần người xe, những người xa quê bỏ chốn đô hội trở về quê, chỉ riêng sự vắng vẻ lạ thường đủ cho thấy ngày Tết cổ truyền có ý nghĩa thế nào trong lòng người. Bầu không khí ấy vẫn vậy, cho dù mỗi nhà mỗi cảnh, giàu - nghèo có khác…
Lê Minh (Hà Nội mới)
Nguồn : http://doanhnghiepodessa.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2065401