Monday, August 3, 2015

TỶ PHÚ HONG KONG LI KA-CHING ( LÝ GIA THÀNH )

Li Ka-shing và con đường trở thành tỷ phú
 01 Tháng Tám 2015 bởi ÁNH HỒNG
15
  Có lẽ một trong những yếu tố quan trọng nhất mang lại thành công của tỷ phú Li Ka-shing là niềm đam mê dành cho công việc và chính sách “không nợ”.
Tỷ phú Hong Kong Li Ka-shing có thể không còn là người giàu nhất châu Á, nhưng ông vẫn đang nắm giữ khối tài sản trị giá 20,1 tỷ USD.
Con đường làm giàu của Li Ka-shing rất gian nan và đáng ngưỡng mộ từ một cậu bé phải bỏ học để phụ giúp gia định. Giờ đây, ông là một trong những người giàu nhất thế giới. Li Ka-shing mở nhà máy đầu tiên ở tuổi 22 và chỉ trong vài năm đã gặt hái thành công rực rỡ với tư cách nhà sản xuất, nhà đầu tư bất động sản, doanh nhân và nhà đầu tư.
Li Ka-shing là một trong những nhà đầu tư lớn đổ tiền vào Facebook và cuối tháng 3 vừa qua, ông đã mua công ty viễn thông O2 của Anh với giá 15 tỷ USD.
Li Ka-shing phải gánh vác trách nhiệm lo kinh tế cho gia đình từ khi còn nhỏ. Sau khi gia đình ông từ miền Nam Trung Quốc di cư sang Hong Kong trong Thế chiến thứ 2, cha ông qua đời vì bệnh lao. Li Ka-shing phải bỏ học khi chưa đầy 16 tuổi để làm công nhân tại một nhà máy.
Trong 4 năm dưới sự chiếm đóng của quân Nhật, ông gửi 90% số tiền kiếm được về phụ giúp mẹ ông. Có lẽ thành công khi còn trẻ với tư cách lao động chính trong nhà đã dạy cho ông những giá trị lớn, tạo tiền đề cho sự nổi tiếng về lòng bác ái của ông ngày nay.
Li chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những kinh nghiệm làm việc khi còn là một đứa trẻ. “Bất kể bạn khỏe mạnh và tài năng đến đâu, nếu bạn không có một tấm lòng rộng lượng và hào hiệp, bạn sẽ không bao giờ thành công”, ông Li nói.
Ông Li đã chứng tỏ là người có tầm nhìn và một lãnh đạo tài ba khi khai trương nhà máy đầu tiên vào năm 1950 ở độ tuổi 22. Nhà máy, Cheung Kong Industries, sản xuất hoa nhựa. Ông dự đoán rằng ngành nhựa và chất dẻo sẽ bùng nổ, và ông đã đúng.
Li cho rằng thành công của Cheung Kong – nhà máy ông khởi nghiệp chỉ với 50.000 USD – là nhờ việc ông quyết tâm học hỏi và tìm hiểu về những xu hướng mới nhất. “Mối tương quan giữa kiến thức và thương mại – chìa khóa của thành công – ngày càng chặt chẽ hơn bao giờ hết”, ông Li chia sẻ.
Mặc dù phải bỏ học từ khi còn nhỏ và chưa bao giờ có bằng đại học, song ông Li luôn luôn là “kẻ ngốn sách” và cho rằng thành công của ông là nhờ khả năng tự học. Chẳng hạn ông tự mình hoàn tất sổ sách kế toán của Cheung Kong trong năm đầu tiên hoạt động mà không có một chút kiến thức nào về lĩnh vực này cả – chỉ đơn giản là ông tự học từ sách giáo khoa mà thôi.
Cùng với kiến thức và hiểu biết sâu sắc, Li luôn coi lòng trung thành và danh tiếng là chìa khóa để thành công. Trong cuộc phỏng vấn năm 2006 với tạp chí Forbes, ông nói “Bất kỳ khi nào tôi nói “có” với một người nào đấy, đó chính là bản hợp đồng”.
Năm 1956, Li đã từ chối một đề nghị có thể kiếm cho ông thêm 30% lợi nhuận (và cho phép ông mở rộng nhà máy) chỉ vì ông đã “hứa mồm” với một khách hàng khác. Giờ đây, ông vẫn luôn tuân thủ nguyên tắc này, kể cả khi điều đó đồng nghĩa với việc mất tiền.
Tầm nhìn xa trông rộng của Li là với ngành nhựa và chất dẻo. Sau đó, ông một lần nữa thành công khi lao vào hoạt động phát triển bất động sản năm 1979 với việc mua lại Hutchison Whampoa – tạo tiền đề cho ông trở thành ông trùm bất động sản trước khi thị trường Hong Kong bùng nổ.
Tuy chủ yếu nổi tiếng với tư cách nhà phát triển bất động sản, song các công ty của Li đang kiểm soát 70% hoạt động cảng biển và phần lớn hoạt động viễn thông và dịch vụ công tại Hong Kong. Li cũng sở hữu phần lớn cổ phần tại Husky Energy, công ty của Canada. Li đầu tư tài sản và quyền lực của mình vào nhiều lĩnh vực và vùng địa lý khác nhau, cho thấy ông không sợ phải học và trải nghiệm những điều mới mẻ.
Li bố trí cổ phần đầu tư một cách có chiến lược nhằm đảm bảo an toàn bất chấp nền kinh tế có biến động ra sao. “Tôi không quá lạc quan khi thị trường tăng trưởng tốt và cũng không quá bi quan khi thị trường ảm đạm”, ông nói.
Tuy nắm giữ nhiều cổ phần, song tính tiết kiệm – vốn mang tính sống còn trong thời thơ ấu của Li – vẫn còn đi theo ông trong nghề nghiệp hiện tại. Chính sách “không vay nợ” của ông có nghĩa là các công ty hoạt động sao cho càng vay ít nợ càng tốt và bản thân Li mua bất động sản bằng tiền kiếm được nhằm duy trì mức nợ cá nhân bằng 0.
Thói quen tài chính lành mạnh đã giúp Li có được “tự do” để đầu tư vào công nghệ như một “sở thích được ăn cả, ngã về không” thông qua Horizons Ventures Ltd. Người bạn cũ của ông, Solina Chau, đang điều hành quỹ công nghệ này.
Li là một trong những nhà đầu tư quy mô lớn đầu tiên đổ tiền vào Facebook. Ông Li chỉ đầu tư vào công nghệ mà ông coi là “đột phá” và nâng cao khả năng cạnh tranh của ông.
Li thích đổ nguồn “tiền dự phòng” (mad money) vào loại hình đầu tư đột phá này thay vì những thứ hữu hình. Li luôn được coi là người giản dị, ông đeo chiếc đồng hồ điện tử giá 30 bảng Anh trong suốt những năm 1990.
Có lẽ một trong những yếu tố quan trọng nhất mang lại thành công của Li là niềm đam mê ông dành cho công việc. Năm 2010, ông nói với tạp chí Forbes “Niềm vui thích quan trọng nhất đối với tôi là làm việc chăm chỉ và kiếm nhiều lợi nhuận hơn”.
Tuy chưa có dự định nghỉ hưu, song việc ông Li, 87 tuổi, dồn hết cổ phần vào 2 công ty dường như là động thái chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền lực cho người con trai cả, Victor.
 
nguoivietukraina.com/li-ka-shing-va-con-duong-tro-thanh-ty-phu.nvu