Monday, June 6, 2016

BIỂN ĐÔNG : MỸ-NGA-TRUNG QUỐC-ÂU CHÂU

1. NGA CẦN THÊM LỰA CHỌN ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG QUỐC
 06 Tháng Sáu 2016 bởi LÊ HÙNG
11
Hai năm trước, ngay sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga, xa lánh nước này về mặt ngoại giao vì đã sáp nhập bất hợp pháp Crimea, Tổng thống Nga Putin đã đến Thượng Hải để ca tụng một mối quan hệ chiến lược đang "đâm chồi nảy lộc" với Trung Quốc.
Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một tuyên bố hứa hẹn cùng hành động chống lại mưu đồ bá chủ của Mỹ và cam kết đưa mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước đi vào chiều sâu. Biểu tượng của bản cam kết này là một thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD mà cuối cùng sẽ đưa khí đốt tự nhiên của Nga sang Trung Quốc. Ông Putin hãnh diện rằng quan hệ Trung-Nga chưa bao giờ tốt hơn. Ông sẽ không khuất phục trước sức ép của phương Tây. Và ông đã có những lựa chọn. Hai năm sau, Nga chợt nhận ra mình chỉ còn một lựa chọn là Trung Quốc.
Các nhà bình luận đã nói về một chiến lược "xoay trục" sang châu Á của Nga song song với của Mỹ. Trên thực tế, nỗ lực xây dựng quan hệ với Trung Quốc – để tạo ra những lựa chọn chiến lược – đã bắt đầu sớm hơn nhiều từ khi Liên Xô suy yếu. Khi đó, nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev đã nỗ lực tiến tới để khôi phục thế cân bằng mối quan hệ tay ba giữa ba cường quốc, khi quan hệ Trung-Mỹ trở nên bấp bênh với sự nổi lên của phong trào dân chủ năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn. Trong thập niên đầu tiên hậu Liên Xô, việc nối lại quan hệ hữu nghị đã đi vào chiều sâu, mà đỉnh cao là Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác vào năm 2001. Nhờ đó, hợp tác thương mại giữa hai nước đã nở rộ: kim ngạch thương mại song phương từ 16 tỷ USD năm 2003 tăng vọt lên 95 tỷ USD năm 2014, khi Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nga. Cuộc khủng hoảng ở Ukraina chỉ tăng cường việc Nga đón nhận Trung Quốc.
Các mối quan hệ gần gũi hơn luôn đem lại ý thức chiến lược tốt. Bên cạnh việc làm xói mòn đòn bẩy về mặt ngoại giao của Mỹ đối với Nga, họ im lặng, và nhờ thế giảm bớt gánh nặng bảo vệ đường biên giới dài Trung-Nga sau hàng thập kỷ căng thẳng, trong đó có một cuộc xung đột vũ trang ngắn vào năm 1969. Tăng cường bán vũ khí cho Trung Quốc đã đem lại sinh lực cho nền công nghiệp quốc phòng Nga, đặc biệt là vào những năm 1990, khi mà Nga đã không còn đủ khả năng chi những khoản tiền lớn cho quân đội nước này. Ở Trung Á, trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã kháng cự lại ảnh hưởng của Mỹ khi nước này tăng cường sự hiện diện của mình để duy trì các chiến dịch quân sự ở Afghanistan.
Hiện nay, các mối quan hệ gần gũi hơn cũng giúp Nga đứng vững trên sân khấu thị trường kinh tế sôi động nhất của thế giới – Đông Á. Lợi ích trải khắp nền kinh tế của Nga, nhưng những mối liên hệ thương mại vững chắc đã đem lại tiềm năng lớn để phát triển các nền kinh tế đã suy kiệt ở vùng Viễn Đông của Nga. Hơn thế nữa, các thị trường ở Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, có thể giúp đa dạng hóa thượng mại của Nga để thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào châu Âu, trong những năm gần đây, vốn chiếm một nửa thương mại quốc tế của Nga và phần lớn nhất đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga.
Tuy nhiên, các lợi ích lớn thường đi kèm rủi ro cao về địa chính trị, kinh tế và tâm lý. Chẳng hạn Trung Quốc có thể giúp Nga kiềm chế Mỹ ở Trung Á, nhưng đồng thời cũng dần dần làm xói mòn vị thế của chính Nga ở đó. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã vượt qua Nga, trở thành đối tác thương mại hàng đầu với 5 nước Trung Á. Tương tự, Trung Quốc có thể đem lại hy vọng phát triển vùng Viễn Đông của Nga, nhưng khu vực này có nguy cơ trở nên bị phụ thuộc vào các thị trường Trung Quốc, và việc khu vực này hội nhập khu vực kinh tế Đông Bắc Á có thể làm suy yếu mối quan hệ vốn đã mong manh với phần châu Âu xa xôi của Nga.
Nhưng thách thức lớn nhất có lẽ là về tâm lý, kết quả của việc vận mệnh bị đảo ngược quá nhanh. Trong phần lớn 300 năm qua, Nga là một siêu cường; nếu không phải về sản lượng kinh tế hay dân số thì cũng không nghi ngờ gì về nguồn năng lượng và tham vọng. Trong thế kỷ 18 và 19, Nga đã củng cố vị thế của mình ở Đông Á gây tổn hại cho một Đế chế Trung Hoa đang suy tàn và chiếm vùng lãnh thổ phía Bắc Mãn Châu, bao gồm phần đất nay là cảng Vladivostok nhờ một trong những hiệp ước bất bình đẳng giữa thế kỷ 19. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền năm 1949, việc Nga cố vấn cho Trung Quốc một cách ngạo mạn đã dẫn đến sự chia rẽ trong phong trào cộng sản quốc tế những năm 1960 và cuối cùng đẩy Trung Quốc vào thế hình thành liên minh với Mỹ những năm 1970. Khi đó trạng thái cân bằng đã thay đổi. Tại thời điểm Liên Xô tan rã, nền kinh tế của Nga và Trung Quốc đại thể có quy mô như nhau. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đã lớn gấp 5 lần của Nga và khoảng cách đó hứa hẹn còn lớn hơn trong những năm tới.
Đằng sau sự chêch lệch về kinh tế là một khoảng cách thậm chí còn lớn hơn về tham vọng và tầm nhìn chiến lược. Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy, hướng về phía trước với sự lạc quan; nước này đang xây dựng tương lai. Nga là một cường quốc đang suy sụp, lo lắng rằng mình sẽ không thể khôi phục sự vĩ đại đã mất; Nga muốn tái dựng quá khứ.
Khoảng cách còn thể hiện rõ ràng ở các điểm trọng tâm trong chiến lược lớn của hai nước, dự án "Một vành đài, một con đường" (Con đường tơ lụa mới) của Trung Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu của Nga. Sáng kiến của Trung Quốc là một kế hoạch cơ sở hạ tầng Á-Âu khổng lồ nhằm chuyển đổi khung cảnh bằng các hành lang trên biển và trên bộ, kết nối hai khu vực kinh tế chiến lược lớn của thế giới, Đông Á và châu Âu. Trung Quốc đã thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và thuyết phục hầu hết các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới tham gia và hỗ trợ tài chính cho tầm nhìn của mình. Ngược lại, sáng kiến của Nga là một nỗ lực nhằm tái hội nhập các nền kinh tế trì trệ và các nhà nước dễ đổ vỡ thuộc Liên Xô trước đây dưới sự lãnh đạo của Moksva. Cho đến nay, Nga mới chỉ tìm được cách thuyết phục 4 trong 14 nước cộng hòa Xôviết trước đây tham gia, trong khi những hành động của Nga ở Ukraina có lẽ đã khiến nước cộng hòa Xôviết cũ này tránh xa Moskva ít nhất một thế hệ. Làm thế nào để hai dự án chiến lược không tương thích nhau có thể hòa hợp như những gì mà Putin và Tập Cận Bình đã hứa vẫn còn là một điều bí ẩn.
Kết quả của sự vượt trội của Trung Quốc thể hiện thường xuyên trong những vấn đề từ nhỏ đến lớn. Trong tất cả các cuộc thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược, Trung Quốc sẽ không hủy hoại mối quan hệ của mình với Mỹ hoặc châu Âu vì lợi ích của Nga. Chẳng hạn Trung Quốc đã không bỏ qua việc Nga sáp nhập Crimea, cũng như từ chối công nhận việc Nga tách Abkhazia và Nam Ossetia ra khỏi Gruzia năm 2008. Trung Quốc tiếp tục ký kết các thỏa thuận thương mại khó khăn với Nga tận dụng sự yếu kém và sự cô lập của châu Âu gần đây với Nga. Được biết Nga đã có sự nhượng bộ đáng kinh ngạc về giá cả, để ký kết bản hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD mà Tổng thống Putin đã chào hàng tại Thượng Hải hai năm trước.
Vậy Nga làm sao có thể hy vọng sẽ đủ khả năng xoay xở các mối quan hệ lợi ích của mình với người khổng lồ năng động trên các đường biên giới châu Á của nước này? Nga không thể thực hiện một mình, Nga cần các đối tác, hoặc những lựa chọn chiến lược. Và, một thực tế không mấy dễ chịu đối với Nga là những đối tác đó chỉ được tìm thấy ở phương Tây. Ấn Độ, Brazil hay những nước tương tự, bất chấp Nga mong chờ nhiều đến thế nào, thì cũng sẽ không làm như vậy. Chắc chắn rằng không một nước phương Tây nào muốn liên minh với Nga để chống lại Trung Quốc. Thứ Nga cần thay thế là một cực khác hoặc các cực tạo ra không gian xoay xở với Trung Quốc, để nước này có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp mà không rơi vào tình trạng phụ thuộc vào Trung Quốc cả về kinh tế và chiến lược.
Nhiệm vụ của Nga phải rõ ràng: Moskva cần cải thiện mối quan hệ với phương Tây, thêm bạn, bớt thù. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Putin, Nga dường như có xu hướng lợi dụng những rạn nứt và nỗi sợ hãi ở phương Tây – về vấn đề người nhập cư, khủng bố, sự bất bình đẳng về kinh tế và bản sắc dân tộc – với hy vọng thuyết phục phương Tây thừa nhận vai trò của mình trong vấn đề Syria, Ukraina và an ninh châu Âu nói chung. Sự can thiệp như vậy sẽ chỉ củng cố sự phản đối Nga trong các cường quốc châu Âu như trong chuyến thăm châu Âu tháng 4 vừa qua của Tổng thống Obama cho thấy đó là một chiến lược thất bại đối với Nga, một con đường không tìm lại sự vĩ đại mà chỉ khiến Nga bị gạt ra ngoài lề cả ở phương Tây và phương Đông. Chỉ Trung Quốc có thể vui mừng./.
Tác giả Thomas Graham là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Các Vấn đề Toàn cầu Jackson.
Theo Nghiên cứu Quốc tế
http://nguoivietukraina.com/nga-can-them-lua-chon-de-doi-pho-voi-trung-quoc.nvu
 
2. ĐẠI PHÁP SƯ PUTIN LOAY HOAY SOAY TRỤC
 06 Tháng Sáu 2016 bởi LÊ HÙNG
Mọi chuyện đang diễn ra không như mong đợi của ông Putin. Ảnh: AP
Mọi chuyện đang diễn ra không như mong đợi của ông Putin. Ảnh: AP
Đầu năm 2014, Nga phải đối mặt với các trừng phạt tài chính vì đã sáp nhập Crimea bất chấp sự phản đối của phương Tây. Đối phó với sức ép từ phương Tây, Moscow đã chuyển hướng sự chú ý vào phương Đông, đặc biệt là tới Trung Quốc. Tuy nhiên, dường như mọi chuyện đang diễn ra không như mong đợi của ông Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập việc chuyển trọng tâm sang thị trường Đông Á từ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraina, nhưng các trừng phạt của phương Tây đã đẩy nhanh "chính sách xoay trục sang châu Á" này.
Các lệnh trừng phạt đã dẫn tới việc ký kết một loạt các thỏa thuận nhiều chưa từng thấy với Trung Quốc hồi tháng 5/2014. Trong số này có một thỏa thuận khí tự nhiên, liên quan đến việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mang tên "Sức mạnh của Siberia" nhằm xuất khẩu hơn 38 tỷ m3 khí sang Trung Quốc mỗi năm. Trong bối cảnh quan hệ Trung – Nga đang ở thời điểm hoàng kim kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, thỏa thuận trên trở thành biểu tượng của sự thách thức của Moscow đối với phương Tây.
Nhưng trong hai năm qua, Nga đã ghi nhận những tiến bộ rất nhỏ trong nỗ lực hướng Đông của mình.
Bề ngoài, hợp tác Nga – Trung đã được tăng cường kể từ khi Nga hứng chịu các lệnh trừng phạt. Năm 2015 là năm ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) đạt một thỏa thuận cùng theo đuổi các dự án phát triển giữa Liên minh Kinh tế Á – Âu và "Vành đai kinh tế cong đường tơ lụa mới". Có một thỏa thuận quốc phòng lớn, với việc Trung Quốc trở thành khách hàng đầu tiên của hệ thống phòng không S-400 AA và máy bay SU-35 của Nga. Cũng trong năm ngoái, hai lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình đã viếng thăm lẫn nhau và tham dự cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Nhưng các sự kiện này không đủ để chứng minh rằng chính sách "xoay trục sang châu Á" của Moscow đã thành công. Cả thỏa thuận khí đốt năm 2014 và thỏa thuận quốc phòng năm 2015 đều đã trong quá trình thương lượng từ nhiều năm trước khi Nga bắt đầu chuyển hướng sang phía Đông. Kế hoạch khởi công đường ống "Sức mạnh của Siberia" đã bị hoãn lại từ năm 2018 sang 2019, thậm chí có thể là 2021, trong khi nguồn cung cấp khí đốt chỉ có thể đạt đến mức thỏa thuận vào năm 2024.
Các lợi ích kinh tế – hoàn toàn đối lập với giá trị biểu tượng về chính trị – của thỏa thuận khí đốt đối với Nga đã bị đặt câu hỏi ngay từ đầu. Nhưng đến năm 2016 này, những nghi ngại thậm chí còn nhiều hơn so với khi văn bản này được đặt bút ký, vì giá dầu thế giới đã bất ngờ sụt giảm mạnh.
Bất chấp những thỏa thuận song phương được ký trong hai năm qua, chẳng bên nào có thể hưởng lợi đầy đủ từ các văn bản này do những khó khăn về kinh tế.
Tại Nga, đồng rouble rớt giá khiến cho tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Nga sang Trung Quốc vẫn giảm 30% dù xuất khẩu dầu sang Trung Quốc tăng 30%. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm gần 20%. Xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng cũng giảm hơn 50%.
Tại Trung Quốc, đồng NDT tăng giá. Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,9% trong năm 2015, mức thấp nhất trong 1/4 thế kỷ qua. Thương mại hai chiều giữa Nga và Trung Quốc giảm gần 30% trong năm 2015. Và các nỗ lực của Moscow trong việc tạo một môi trường thu hút đầu tư không đem lại kết quả khả quan. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc sang Nga giảm 20% trong năm 2015, xuống còn chỉ chiếm 0,7% tổng FDI của Trung Quốc.
Cuối cùng, trong khi đường ống "Sức mạnh của Siberia" được xem như một sự thay thế cho thị trường châu Âu, nguồn cung cấp khí đốt cho Trung Quốc hiện đã vượt quá nhu cầu vì nền kinh tế này đang tăng trưởng chậm lại. Hơn nữa, Nga vẫn chỉ là một trong nhiều nhà cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, bên cạnh các đối tác truyền thống như Australia, Qatar và nhiều nhà cung cấp khác gần đây hơn như Turkmenistan chẳng hạn. Các nhà cung cấp này đều đưa ra mức giá rẻ hơn Moscow.
Việc Trung Quốc ký thỏa thuận khí đốt 2014 với Nga thực chất là vì Nga chấp nhận chịu toàn bộ chi phí xây dựng và bảo dưỡng đường ống mới. Nói một cách khác, Nga đang tự trả tiền để được ưu tiên bán khí đốt cho Trung Quốc.
Nhưng Nga có thể đạt tiến bộ trong chính sách "xoay trục sang châu Á" của mình, dù có thể không phải là với Trung Quốc – đối tác mục tiêu ban đầu của họ. Ai cũng biết là Nhật Bản đang ngày càng cảnh giác, thậm chí tới mức hoàn toàn phản đối sự ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Và trong khi Nhật Bản đang dựa vào việc phối hợp với Mỹ để đối trọng với Trung Quốc, Tokyo gần đây đã để ngỏ một quan hệ thân mật hơn với Moscow.
Sự thay đổi của chính sách chống hạt nhân của Tokyo kể từ sau sự cố Fukushima năm 2011 đã tạo ra một nhu cầu khổng lồ đối với khí tự nhiên mà chưa có nguồn cung đáp ứng. Nga lại đang có các thuận lợi để làm việc này, đặc biệt trong bối cảnh thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc đang có nhiều điểm không công bằng và không chắc chắn như đã nói ở trên. Nguồn năng lượng này có thể được chuyển từ vùng Viễn Đông của Nga, đi qua vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Vì vậy, Nhật Bản dường như thấy các nguồn cung ứng từ Nga có tính đảm bảo hơn các nguồn cung ứng từ các nhà cung cấp lớn của họ hiện nay.
Một sự xích lại gần nhau hơn trong quan hệ Nga – Nhật về năng lượng và an ninh có thể cho thấy một cán cân phụ hữu dụng tại Đông Bắc Á đối với cả Tokyo và Moscow. Việc Thủ tướng Shinzo Abe gần đây nỗ lực khuyến khích sự xích lại gần hơn giữa hai nước trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 cho thấy ông đồng tình với điều đó.
Kể từ khi Nga phát động chính sách "xoay trục sang châu Á" của mình cách đây hai năm, các kết quả chưa được như kỳ vọng của giới lãnh đạo ở Moscow. Bắc Kinh tỏ ra không sẵn sàng hy sinh các quan hệ kinh tế và chiến lược truyền thống với phương Tây để thắt chặt quan hệ hợp tác với Nga. Nhưng các cơ hội hứa hẹn vẫn còn khi thúc đẩy quan hệ năng lượng và an ninh với Nhật Bản, quốc gia đang thể hiện mong muốn kiên định là duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga. Vấn đề hiện nay là liệu Nga có quyết định đáp lại mong muốn này hay không./.
Theo VietNamnet
http://nguoivietukraina.com/dai-phap-su-putin-loay-hoay-xoay-truc.nvu
 
3) MỸ,NGA CÓ THỂ " BẮT TAY' VÌ AN NINH KHU VỰC CHÂU Á –THÁI BỈNH DƯƠNG
Tuệ Minh | 06/06/2016 
Mỹ, Nga có thể

Mỹ mong muốn Nga đóng góp nhiều hơn cho an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định Nga có thể đóng góp nhiều hơn cho an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như trở thành một phần của "hệ thống an ninh theo quy chuẩn".

Nhận định trên được ông Carter phát biểu tại phiên bế mạc Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore, với sự tham gia của các quan chức an ninh và quân sự cấp cao từ nhiều nước trong khu vực.
"Nga là một cường quốc ở khu vực Thái Bình Dương và có thể đóng góp một vai trò quan trọng ở châu Á – Thái Bình Dương. Với việc tôn trọng những đóng góp của Moscow trong khu vực, tôi cho rằng Nga còn có thể làm được nhiều hơn thế", ông Carter nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh mặc dù Washington có quan điểm khác biệt với Moscow về tình hình châu Âu và Trung Đông, song hai nước đều có một tiếng nói mạnh mẽ cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản về chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Carter cho biết: "Nếu sử dụng sức ảnh hưởng của mình theo một cách tích cực, mang tính xây dựng thì Mỹ luôn sẵn lòng hợp tác với Nga. Vì vậy, tôi cảm thấy có tiềm năng trong vấn đề này.
Dù nó chưa được nhận ra nhưng để trả lời câu hỏi rằng Nga có thể trở thành một phần trong hệ thống an ninh khu vực châu Á hay không thì tôi có thể khẳng định rằng, chắc chắn Mỹ luôn hy vọng như vậy".
Bộ trưởng Carter cũng cho hay một hệ thống an ninh trên toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang được phát triển mạnh mẽ, bên cạnh khối ASEAN.
Quan chức Mỹ nhấn mạnh Washington đã cam kết hợp tác chặt chẽ với hệ thống này, trở thành đại diện cho làn sóng an ninh tiếp theo ở châu Á – Thái Bình Dương.
http://soha.vn/my-nga-co-the-bat-tay-vi-an-ninh-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-20160606142554904.htm

4) MỞ MÀN ĐỐI THOẠI MỶ –TRUNG, ÔNG TẬP NÓI" KHÔNG SỢ BẤT ĐỒNG
P.Võ | 06/06/2016 
Mở màn Đối thoại Mỹ - Trung, ông Tập nói "không sợ bất đồng"

Lễ khai mạc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung (SEC) hôm 6-6 bị phủ bóng bởi những căng thẳng gia tăng ở biển Đông.

Phát biểu tại lễ khai mạc ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng hai nước cần tin tưởng nhau nhiều hơn, cũng như tăng cường nỗ lực xử lý xung đột và tránh những đánh giá sai về chiến lược.
Song song đó, ông Tập đề cập những lợi ích thiết thực trong quan hệ giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới này trong những lĩnh vực như trao đổi quân sự, biến đổi khí hậu...Theo ông, Mỹ và Trung Quốc không nên sợ bất đồng.
"Việc có bất đồng không có gì đáng sợ. Điều quan trọng là không sử dụng bất đồng như một cái cớ cho sự đối đầu. Một số bất đồng có thể không được giải quyết trong thời gian ngắn. Hai bên cần hiểu nhau và quản lý bất đồng một cách thực tế và mang tính xây dựng" - ông Tập cho biết.
Chủ tịchTập Cận Bình chào đón Ngoại trưởng John Kerry (giữa) và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew của Mỹ hôm 6-6. Ảnh: Reuters
Dù ông Tập không đề cập chi tiết về những cái gai trong quan hệ Mỹ - Trung nhưng ai cũng biết hai cường quốc này đang hục hặc về một loạt vấn đề, từ chiến lược xoay trục của Washington sang châu Á cho đến những hành động khiêu khích của Bắc Kinh ở biển Đông.
"Chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở biển Đông và phản đối bất kỳ nước nào đơn phương hành động để giải quyết vấn đề này" - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh ngay sau bài phát biểu của ông Tập.
Ngoài biển Đông, SEC còn bàn một loạt vấn đề khác, như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, chủ nghĩa khủng bố, hợp tác thương mại và kinh tế và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.Kerry đặc biệt thúc giục hai nước hợp tác để ngăn Triều Tiên mở rộng khả năng vũ khí hạt nhân, từ đó đe dọa đến các nước láng giềng và an ninh khu vực. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew kêu gọi Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép thừa mứa đang tác động tiêu cực lên thương mại toàn cầu
Dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự SEC là Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Jack Lew. Trong khi đó, phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đứng đầu.
http://soha.vn/mo-man-doi-thoai-my-trung-ong-tap-noi-khong-so-bat-dong-20160606200304323.htm

5 )Pháp muốn EU tuần tra biển Đông

Bình Minh | 06/06/2016


Pháp muốn EU tuần tra biển Đông

Pháp sẽ hối thúc các nước trong Liên minh châu Âu (EU) phối hợp thực hiện các cuộc tuần tra hàng hải trên biển Đông nhằm đảm bảo sự hiện diện "thường xuyên và rõ rệt" ở vùng biển này.

Theo hãng tin Bloomberg, đây được xem là tín hiệu mới nhất cho thấy sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với việc Trung Quốc bành trướng quân sự trên biển Đông.
Chính phủ Pháp xem việc bảo vệ tự do hàng hải là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trên phương diện kinh tế, và Paris lo ngại rằng việc để mất tự do hàng hải trên biển Đông có thể dẫn tới tình trạng tương tự ở Bắc Băng Dương và Địa Trung Hải - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu ngày 5/6 tại diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore.
Phát biểu này được ông Le Drian đưa ra trước các quan chức quốc phòng cao cấp đến từ nhiều quốc gia, trong đó có các quan chức Trung Quốc.
"Nếu chúng ta muốn kiềm chế nguy cơ xung đột, chúng ta phải bảo vệ quyền tự do hàng hải, và tự mình bảo vệ quyền này", ông Le Drian nói.
Ông Le Drian cũng nói rằng từ đầu năm đến nay, hải quân Pháp đã ba lần triển khai tuần tra ở một số khu vực của biển Đông. "Mỗi năm vài lần, tàu hải quân Pháp đi qua khu vực này, và chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành công việc đó", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp phát biểu.
Đến nay, các nước châu Âu vẫn hối thúc các bên tuyên bố chủ quyền trên biển Đông giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, đồng thời kêu gọi duy trì tự do hàng hải tại một trong những tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới này.
Tuy nhiên, châu Âu vẫn chưa có tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự trên biển Đông.
"Đây là một thông điệp: Pháp sẽ tiếp tục có mặt tại các diễn đàn quốc tế. Pháp sẽ tiếp tục hành động bằng cách đưa tàu và máy bay của mình tới bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", ông Le Drian phát biểu.
Ông Le Drian cũng nói rằng ông cảm thấy tiếc khi Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc chưa đạt được bước tiến lớn tới một bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC).
Phát biểu tại diễn đàn Shangri-La hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói Trung Quốc đang có nguy cơ dựng lên một "vạn lý trường thành tự cô lập mình" ở châu Á vì những hành động của nước này trên biển Đông.
Ông Carter cũng nói việc Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông là "chưa từng có tiền lệ".
Một quan chức cấp cao Pháp tiết lộ rằng nước này sẽ đàm phán với các đối tác EU trong tuần tới về vấn đề biển Đông, và trọng tâm là đảm bảo rằng hải quân các nước EU sẽ thường xuyên đi qua vùng biển này.
Một số nước như Anh và Hà Lan đã thường xuyên cử tàu hải quân đi qua biển Đông, nên Pháp hiện đang quan tâm tới việc phối hợp tuần tra để đảm bảo không có khoảng trống lớn nào trong sự hiện diện của EU trên vùng biển - vị quan chức đề nghị giấu tên nói.
Vị này cũng nói, một khả năng khác là những nước có hải quân nhỏ hơn trong EU hoặc những nước ít liên quan đến biển Đông có thể cử tàu đi cùng với lực lượng làm nhiệm vụ của Pháp để giảm thiểu những khó khăn về tiếp tế.
 
  theo VnEconomy
http://soha.vn/phap-muon-eu-tuan-tra-bien-dong-20160606143248118.htm