Wednesday, January 6, 2021

ĐỈNH GIÓ HÚ CHƯƠNG 4 - EMILY BRONTE - NHẤT LINH DỊCH

 Chương IV

Chúng mình thực thay đổi như chong chóng. Tôi không ưa sự thù tiếp xã giao, tự lấy làm mãn nguyện tìm được một nơi hầu như không thể có được, thế mà khi mụ Diễn 1 coi nhà đem cơm chiều lên tôi mời mụ ngồi lại trong khi tôi ăn. Tôi thực tình mong mụ ta là một mụ lắm nhời lắm miệng. Tôi bắt đầu hỏi:


"Bác ở đây lâu lắm rồi, có phải không? Hình như bác nói đã mười sáu năm rồi..."

"Thưa ông, mười tám năm rồi. Tôi đến lúc bà chủ đi lấy chồng. Sau khi bà ta mất, ông ta giữ tôi lại làm người quản gia."

"Thật vậy à?"

Bác ta yên lặng. Có lẽ mụ không thuộc loại người lẻo mép. Nhưng sau đó một lúc, hai nắm tay chống đầu gối, vẻ mặt đỏ ửng, nhiễm vẻ suy nghĩ mơ màng, bác ta nói:

"A! từ lúc đó đến bây giờ biết bao nhiêu là thay đổi."

Tôi nói thêm vào:

"Chắc bác đã chứng kiến những sự thay đổi, có phải thế không?"

"Vâng, chính thế. Lại bao nhiêu đau khổ nữa."

Tôi nghĩ thầm: "Mình phải gợi cho mụ ta nói chuyện về gia đình ông Hy, mình mới biết cô nàng dâu góa trẻ và đẹp ấy."

Nghĩ thế tôi hỏi bác Diễn tại sao ông Hy lại cho thuê Họa Mi Trang và chịu sống ở một địa vị và trong một căn nhà kém cỏi như thế. Hay ông ta không giàu có lắm để giữ gìn sản nghiệp cho được đàng hoàng. Bác Diễn đáp lời:

"Thưa ông Hy giàu lắm chứ! Không ai biết ông ấy có bao nhiêu tiền và mỗi năm tài sản lại tăng lên đến mức nào; ông ấy thừa sức sống trong cái nhà sang trọng hơn căn nhà này nhiều; nhưng ông ấy phải cái tính keo kiệt, cho dẫu ông ta có ý dọn sang ở Họa-Mi Trang đi nữa mà nếu có người muốn thuê và trả giá cao, ông ấy cũng không bỏ qua dịp kiếm thêm tiền. Chỉ có một thân một mình trên đời này mà còn tham lam như vậy nghĩ cũng kỳ thật."

"Tôi tưởng ông ta có cậu con trai?"

"Có, ông ta có một cậu nhưng chết rồi."

"Còn cái người đàn bà trẻ ấy là vợ góa của con ông ta?"

"Vâng."

"Cô ấy ở đâu đến?"

"Cô ấy là con gái ông chủ tôi. Cô ấy là cô Liên, Tôn Liên 2 tên riêng cô ta từ thuở nhỏ. Chính tôi là vú nuôi cô ấy. Tội nghiệp con bé. Tôi chỉ mong ông Hy về đây ở để tôi với cô Liên được đoàn tụ với nhau."

Tôi kinh ngạc kêu lên:

"Ai? Cô Tôn Liên?"

Nhưng suy nghĩ một lát tôi biết cô này không phải cô Tôn Liên ở trong giấc mộng của tôi. Tôi tiếp theo:

"Thế ra ông Tôn là người ở Họa Mi Trang này trước tôi?"

"Vâng, đúng thế."

"Thế còn anh chàng họ Yên... Yên Hạ, cùng ở với ông Hy là ai? Có họ với ông Hy không?"

"Không, đấy là cháu của bà Tôn Kha."

"Nghĩa là anh em con cô con bác với cô goá trẻ?"

"Vâng, và chồng cô Liên với cô Liên cũng là anh em con cô con bác với nhau: chồng về phía mẹ, vợ về phía bố. Còn ông Hy lấy em gái ông Tôn 3."

"Tôi thấy ở Gió Hú có tên họ Yên khắc trên cổng chính. Có phải là một họ gia thế không?"

"Thưa vâng, cậu Hạ là con trai nối dõi sau cùng của họ Yên, cũng như cô Liên là dòng dõi cuối cùng của họ Tôn. Thưa ông, ông đã đến thăm trại Gió Hú? Xin lỗi ông tôi hỏi như vậy thực là tò mò, nhưng tôi muốn hỏi thăm ông xem cô Liên có được mạnh khỏe không?"

"Cô Tôn Liên ấy à? Cô ấy có vẻ khỏe mạnh lắm và trông cô ấy cũng xinh đẹp; song hình như không được sung sướng lắm thì phải."


"Trời! Cái đó cũng không có gì lạ. Còn về ông Hy? Ông nghĩ sao?"

"Một người hơi thô tục. Có phải tính nết ông ta thế không, bác Diễn?"

"Vâng, thưa ông, đúng thế. Ông Hy thô tục và đanh đá. Ông càng ít giao thiệp với ông ta càng hơn."

"Chắc ông Hy trong đời nhiều lúc lên voi xuống chó nên bản tính mới thế. Bác có biết chuyện gì về ông ta không?"

"Tôi biết hết chuyện ông ta, nhưng còn ông ta sinh đẻ ở đâu, bố mẹ là ai, lúc đầu ông ta làm giầu cách nào thì tôi không biết gì hết. Anh chàng Hạ bị người ta vứt ra khỏi tổ như một con chim sẻ non. Chỉ có mình anh ta là không ngờ rằng mình bị sang đoạt."

"Bác Diễn, thế thì bác hãy làm phúc kể cho tôi nghe ít nhiều về đời những người láng giềng của tôi. Tôi biết là nếu tôi có ngủ bây giờ cũng không thể nào ngủ được. Vì vậy bác ngồi chơi thong thả một lát rồi nói chuyện gẫu cho tôi nghe đi."

"Thưa ông tôi rất vui lòng. Để tôi đi lấy đồ đan rồi ngồi cho tới khi nào ông không muốn nghe nữa."

Bác Diễn bắt đầu kể chuyện không đợi tôi mời thêm lần nữa.

° ° °

Trước khi đến đây, tôi vẫn ở trại Gió Hú. Bà cụ thân sinh ra tôi trước kia là vú nuôi ông Yên Hạnh tức là cha đẻ ra Yên Hạ bây giờ. Tôi thường chơi với lũ trẻ con. Một buổi sáng mùa hè, cụ Yên ông (bố đẻ của ông Yên Hạnh và cô Yên Liên) mặc bộ quần áo kiểu du lịch đi xuống dưới nhà. Sau khi chỉ bảo công việc cho bác Dọi làm, cụ Yên quay về phía Hạnh, Liên và tôi rồi hỏi con trai:

"Ngày hôm nay ba đi Li-vơ-pun 4 con có thích cái gì không? Con muốn chọn cái gì tùy ý miễn là đừng to lớn quá vì ba phải đi bộ suốt cả lượt đi lẫn lượt về ngót hai trăm cây số, xa lắm đấy."

Hạnh muốn có một cây đàn vĩ cầm. Rồi cụ lại hỏi Yên Liên (tức là Liên mẹ) hồi đó mới lên sáu, nhưng đã cưỡi được tất cả ngựa ở chuồng nên cô ta chọn cái roi quất ngựa.

Trước khi hôn các con, chào từ biệt và lên đường, cụ Yên không cũng quên tôi, cụ hứa sẽ mang về cho tôi một bịch lê táo.

Ba ngày cụ Yên đi vắng đối với chúng tôi thực là đằng đẵng. Cô bé Liên cứ luôn miệng hỏi bao giờ bố về. Chiều hôm thứ ba, cụ bà cứ hoãn mãi giờ cơm, hết giờ này sang giờ khác mà cụ ông vẫn chưa về. Bà cụ muốn các con đi ngủ nhưng chúng kêu van ở lại đợi. Mãi đến mười một giờ đêm, ông cụ mới về. Cụ ném mình xuống một cái ghế và nửa cười nửa gắt bảo vợ con đừng đến gần vì cụ mệt gần chết.

Ông cụ mở cái áo tơi cuộn tròn trong tay ra rồi nói:

"Đã thế lại phải mang một thứ nặng chết người. Này mình xem. Trong đời tôi chưa bao giờ thấy mệt như bây giờ, nhưng mình phải nhận lấy cái gánh nặng này trời gán cho đấy, mặc dù nó đen như quỷ sứ."

Chúng tôi đứng xúm lại. Tôi nhìn qua đầu cô Liên thấy một đứa trẻ bẩn thỉu, quần áo tả tơi, tóc đen bù xù, nhưng người đã đủ lớn để có thể đi lại và nói năng được. Trông nét mặt nó có vẻ nhiều tuổi hơn Liên. Nhưng đến lúc nó đứng dậy, nó chỉ biết nhìn quanh một cách ngơ ngác và nói lí nhí mãi không ai hiểu gì cả. Tôi sợ quá và cụ bà thì muốn đem quẳng nó ra cửa ngay lập tức. Bà giận dữ không hiểu cụ ông đem cái đứa trẻ cầu bơ cầu bất ấy về làm gì, trong lúc nhà có lũ con cần nuôi dậy. Chồng mình định làm gì? Ông có điên không chứ? Cụ ông cố sức giảng giải. Cụ gặp nó đương nằm đói ở ngoài phố, định thăm hỏi nhưng không ai biết nó. Ít tiền lại ít thì giờ cụ nghĩ không gì tốt hơn là đem nó về nhà, không thể để nó trong tình trạng đó được. Sau cùng cụ bà cũng dịu và cụ ông bảo tôi tắm cho nó, mặc quần áo sạch sẽ cho nó, rồi cho nó đi ngủ với bọn trẻ con.

Hạnh và Liên đứng yên nhìn và nghe cho đến khi mọi việc ổn thỏa và hai đứa trẻ khám hết các túi cha để tìm quà. Hạnh là một cậu bé đã mười bốn tuổi nhưng khi cậu lôi ra một cây đàn bị đè nát từng mảnh trong áo bành tô của cha, cậu cũng khóc nức nở. Còn Liên khi biết cha vì săn sóc thằng bé đã để mất cái roi ngựa, cô nhăn mặt tỏ ý khó chịu và nhổ về phía đứa bé đứng, khiến ông cụ tát cho một cái để dậy cho cô có những cử chỉ lịch sự hơn. Cả hai cô cậu đều quyết liệt không chịu ngủ chung giường với đứa bé, ngay cả chung buồng cũng vậy. Tôi cũng chẳng khôn gì hơn bọn chúng, đem đặt đứa bé ở cầu thang, mong sáng hôm sau dậy nó cút thẳng. Không may ông cụ ở buồng đi ra trông thấy nó nằm đấy liền điều tra: tôi đành phải thú nhận, và vì tội hèn nhát và vô nhân đạo ấy, tôi bị đuổi.

Đấy, Hy nhập gia đình cụ Yên như thế đấy. Mấy ngày sau khi tôi trở về (vì tôi biết chỉ là sự đuổi tạm thời) thì tôi thấy nhà đã đặt tên đứa bé là Hy (tên một đứa con của cụ Yên chết). Hy vừa là tên vừa là tên họ. Lúc đó Liên và Hy đã ăn ý với nhau lắm. Hạnh thì ghét Hy và thú thực tôi cũng ghét Hy. Chúng tôi trêu chọc Hy và đối đãi với nó một cách bất công; bà chủ Yên giá có thấy nó bị oan ức cũng không bao giờ bênh vực nó.

Hy có vẻ một đức bé rầu rĩ và nhẫn nhục, đã quen chịu đựng những cách đối đãi cục cằn. Hạnh đấm đá nó, nó không hề cau mày, không hề giỏ nước mắt; tôi có véo nó thì nó chỉ thở dài và giương to hai mắt ra, hình như bị đau chỉ vì rủi ro và không có ai đáng trách cả. Cụ Yên thấy nó có tính gan dạ thế nên mỗi khi thấy con mình hành hạ nó, cụ cáu vô cùng; cụ gọi nó là thằng bé mồ côi khù khờ. Cụ yêu nó một cách lạ lùng; nó nói gì, cụ cũng nghe (nó nói rất ít nhưng thường nói sự thực); và nuông nó còn hơn cả bé Liên nhiều vì bé Liên có tính cứng đầu cứng cổ không tuân lời.

Vì vậy, ngay từ lúc đầu, Hy đã gây nên bao nhiêu sự bất hòa ở trong nhà. Hai năm sau... cụ Yên bà qua đời, Hạnh coi cha như một người áp chế chứ không phải một người bạn, và coi Hy như một người đã cướp tình yêu và quyền thế của cha mình. Mới đầu tôi cũng về hùa với Hạnh, nhưng về sau, khi các trẻ bị lên sởi, tôi phải săn sóc chúng thì ý nghĩ của tôi đổi khác. Hy bị bệnh nguy hiểm nhất; lúc cơn bệnh lên tột độ, nó muốn tôi luôn luôn ngồi ở đầu giường: tôi đoán nó thấy tôi đã hết lòng với nó, nhưng nó chưa đủ trí để hiểu rằng tôi phải làm thế chỉ vì bổn phận mà thôi. Dầu sao tôi cần phải nói rõ nó là một đứa trẻ ngoan ngoãn nhất. Sự khác biệt giữa Hy với Liên và Hạnh khiến cho tôi bớt tư vị. Liên, Hạnh làm tôi mệt nhoãi mệt nhoài, còn Hy thì yên lặng như con cừu non; nó làm tôi bớt lo nghĩ không phải vì tính nó hiền lành, nhưng chỉ vì nó chịu đựng được đau đớn.

Về sau Hy khỏi; bác sĩ nói quyết rằng một phần lớn nhờ tôi, rồi khen tôi chịu khó săn sóc nó. Tôi hài lòng về những lời khen đó và trở nên rộng lượng đối với Hy, người đã làm cho mình được tiếng khen. Thế là Hạnh không còn ai là bạn nữa. Tuy vậy tôi cũng không ưa gì Hy cho lắm; tôi vẫn tự hỏi không biết đứa trẻ lầm lỳ ấy có thứ gì khiến cụ Yên thích nó đến thế. Theo chỗ tôi biết, không có một lần nào nó tỏ ý biết ơn ông cụ. Nó không hỗn sược với người làm ơn cho mình, nó cứ thản nhiên vô tình, mặc dầu nó biết đã chiếm được tình yêu của người ấy. Nó chỉ khẽ tỏ ý ra là tất cả nhà ai cũng phải chiều ý nó. Chẳng hạn, tôi nhớ lại một ngày cụ Yên mua một đôi ngựa cho Hy và Hạnh mỗi cậu một con. Hy lấy con đẹp nhất, không bao lâu con này què chân. Thấy vậy nó bảo Hạnh:

"Anh cần phải đổi ngựa cho tôi. Tôi không thích con ngựa của tôi nữa. Nếu anh không bằng lòng tôi sẽ mách ba rằng trong tuần lễ này anh đã đánh tôi ba lần rồi. Tôi sẽ giơ cánh tay bầm tím đến tận vai để ba xem."

Hạnh thè lưỡi ra chế nhạo, và bợp tai nó một cái. Nó lùi ra cửa chuồng ngựa và dằn giọng nói:

"Anh biết điều thì đổi ngay đi, nếu không tôi giơ những chỗ bị đánh này thì anh bị ốm đòn."
Hạnh giơ quả tạ dùng để cân khoai và kêu lên:

"Cút đi, đồ chó!"

Hy không động đậy:

"Anh cứ ném đi. Rồi tôi sẽ mách ba rằng anh đã dọa tống cổ tôi ra khỏi nhà này khi ba mất. Chắc chắn anh sẽ bị đuổi ngay lập tức bây giờ."

Hạnh ném quả tạ trúng giữa ngực Hy; Hy ngã nhưng lại đứng dậy ngay, mặt tái mét, người lảo đảo và thở hổn hển. Nếu tôi không ngăn cản thì nó đi thẳng tìm cụ Yên và không cần nói gì, chỉ để cụ Yên thấy tình trạng nó là tự cụ đã đoán ngay ai là thủ phạm.
Hạnh nói:

"Ừ thì mày lấy con ngựa của tao đi, thằng chết đường. Tao cầu trời cho nó quật gẫy cổ mày, thử xem nó lại không đá cho một cái vỡ sọ ra à."
Trong lúc Hy tiến lên để tháo yên ngựa đổi chuồng, Hạnh đẩy nó ngã dưới chân ngựa rồi cắm cổ chạy thẳng không kịp nhìn xem ngựa có đá không. Tôi lấy làm ngạc nhiên thấy thằng bé Hy đứng dậy thản nhiên như không, tiếp tục tháo yên cương. Rồi nó ngồi xuống bó cỏ cho đỡ mệt, trước khi vào nhà. Tôi bảo nó để tôi nói rằng nó bị bầm tím mình mẩy là tại con ngựa, nó chịu ngay: muốn nói gì thì nói nó cũng không cần, vì nó đổi được con ngựa là đủ rồi. Vả lại, sau những cuộc đánh nhau như vậy, ít khi nó than phiền, nên tôi tưởng nó không để bụng thù. Nhưng tôi hoàn toàn lầm. Để rồi tôi kể ông nghe.

--------------------------------

1

Dean

2

Tức là con gái cũa Yên Liên, Tôn Liên, người đã hiện ra trong giấc mơ của ông Lộc. Ở bên Anh mẹ con trùng tên họ nhau là chuyện thường.

3

Xem "bản truyền hệ" ở đầu quyển truyện này.

4

Liverpool, một bến đò lớn ở Anh.

vietmessenger.com

 Xem các chương khác