Fr: Van Tran *Sinh Do
Nữ Hải Quân Thiếu Tá Hoa Kỳ gốc Việt
By Tre Online -May 9, 2018
Diana Tran Yu phát biểu cảm tưởng trong buổi lễ.
Theo lẽ thường tình, thì mọi người đều mong muốn học hành đến nơi đến chốn để sau này trở thành Tiến sĩ, Bác sĩ, Kỹ sư,… có được công việc nhàn hạ, mà lãnh lương cao.
Tuy nhiên, có một phụ nữ Việt Nam tên Diana Trần Yu là một nữ Tiến sĩ quản lý một bệnh viện với mức lương trên 160 ngàn đô la một năm. Nhưng bất ngờ chị bỏ tất cả để thực hiện ước mơ của đời mình, bằng cách đầu quân làm lính cho Lực lượng Hải quân Mỹ với muôn vàn thử thách khó khăn, và đối mặt với nhiều hiểm nguy để thi hành nhiệm vụ của mình. HIẾU PHỤNG.
Phóng Viên Trẻ đã có dịp trò chuyện với chị Diana Trần, và hiểu được nguyên nhân vì sao chị đã quyết định chọn đường binh nghiệp. Sau đây là cuộc trò chuyện với chị Diana Trần:
PV: Chào chị Diana Trần, tôi thật sự tự hào khi đất nước ta có được những người phụ nữ mạnh mẽ về ý chí như chị đứng trong Lực lượng Hải quân Mỹ, và rất ngạc nhiên vì sao mãi đến tuổi 40 chị mới thực hiện ước mơ của đời mình?
Diana Trần: Ước mơ của tôi xuất phát từ thời ấu thơ, khi ấy gia đình còn ở Việt Nam, các vị khách trong quân đội thường ghé nhà chơi, tôi thấy họ mặc quân phục rất đẹp và oai hùng. Từ đó, tôi đã nuôi mơ ước sau này lớn lên sẽ trở thành một người lính để phục vụ cho tổ quốc của mình.
Khi tôi lên sáu tuổi, cả nhà rời khỏi Việt Nam bằng cách vượt biển, và may mắn được định cư tại nước Ðức, nhưng cha mẹ tôi vẫn muốn sang định cư tại Mỹ, để được sum họp với anh chị em. Ðến khi tôi 10 tuổi (năm 1980) thì cả nhà được chuyển qua Mỹ, và ở tại thành phố Houston cho đến nay.
Ngay từ những ngày đầu định cư tại nước Ðức và Mỹ, tôi đã chứng kiến sự vất vả của cha mẹ trong việc mưu sinh. Và mẹ tôi cũng là người phụ nữ mạnh mẽ đã vượt qua tất cả khó khăn để chăm lo cho anh em chúng tôi. Vì thế tôi được thừa hưởng ý chí mạnh mẽ từ mẹ, tôi đã tạm gác lại ước mơ của mình để tập trung cho chuyện học hành trước mắt.
Lễ tuyên thệ khi nhận cấp bậc Hải Quân Thiếu tá.
PV: Mẹ chị đã cho biết, chị học rất giỏi và đã đạt được bằng Tiến sĩ ngành Dược, nhưng chị lại làm quản lý bệnh viện. Vì sao có chuyện thay đổi này?
Diana Trần: Sau khi học xong Trung học, tôi vào trường Đại học với chuyên ngành Dược ở California, khi chỉ còn thi vài môn nữa là xong chương trình học, tôi nhận được tin gia đình có chuyện khẩn cấp, thế là tôi phải ngưng chuyện học hành trở về nhà phụ giúp cho cha mẹ. Chính trong thời gian này tôi thường xuyên đến bệnh viện, và tận mắt chứng kiến thái độ lạnh lùng của các nhân viên bệnh viện đối với người đến thăm nuôi. Từ đó, tôi có suy nghĩ phải học ngành Quản trị để có thể chấn chỉnh thái độ làm việc lạnh lùng của những nhân viên bệnh viện như vậy.
Một năm sau tôi trở lại California hoàn thành chương trình Tiến sĩ Dược năm 1995, rồi đi làm. Trong thời gian đi làm tôi dành thời gian học thêm được bằng Thạc sĩ năm 2003 ngành Quản trị, và tôi đã thực hiện được mong muốn trở thành quản lý bệnh viện, chấn chỉnh được những thái độ lạnh lùng trên. Tôi vẫn tiếp tục công việc cho đến khi bước vào Lực lượng Hải quân Mỹ.
Diana Tran Yu cùng các cấp Chỉ huy trong buổi lễ.
PV: Chị đã được tuyển mộ vào Lực lượng Hải quân dễ hay khó, bởi vì quân đội Mỹ chỉ thích hợp với những người trẻ. Trong khi chị đã bước vào tuổi 40 mới bắt đầu đường binh nghiệp, vậy khó khăn lớn nhất mà chị phải đối mặt đó là gì?
Diana Trần: Tôi vẫn nhớ, ngày bước vào Văn phòng tuyển mộ lính Hải quân Mỹ khi ấy tôi đã 40 tuổi. Người lính nhân viên đã từ chối ngay chỉ vì tôi không còn trẻ, nhưng tôi vẫn kiên nhẫn thuyết phục anh ta cho gặp cấp trên để trình bày nguyện vọng của mình. Người cấp trên này đã hướng dẫn thủ tục cho tôi, và cho biết sẽ chuyển hồ sơ lên trên để xem xét. Tôi đã kiên nhẫn chờ đợi gần ba năm với nhiều lần gởi hồ sơ và gặp được nhiều Lãnh đạo trong ngành Hải quân để xem xét trước khi tuyển dụng tôi vào Lực lượng Dự bị Hải quân. Vào một ngày đẹp trời tôi nhận được tin nhắn “Chúc mừng bạn được gia nhập vào đại gia đình Hải quân Mỹ !”.
Tuy nhiên, khi vào tôi phải vượt qua thời gian huấn luyện thể lực, và các kỹ năng cần thiết như những người lính trẻ. Có lẽ thời kỳ này là giai đoạn khó khăn nhất mà tôi buộc phải trải qua. Bởi thể lực và ý chí liên tục được thử thách, đôi khi tôi nghĩ mình sẽ không vượt qua. Ví dụ, trong những đêm huấn luyện ở một khu rừng, tôi phải ngủ ngoài trời giá lạnh cùng với thiết bị và vũ khí được trang bị. Tôi đã rất hoảng sợ khi nhớ lại cảm giác bị nóng sốt lúc bảy tuổi, mà phải ở nhà một mình, vì cha mẹ bận việc đi xa không về được. Lúc ấy tôi tự chăm sóc bản thân và đã vượt qua những cơn sốt lẫn sợ hãi để chờ cha mẹ về. Ðêm huấn luyện đó tôi đã tự nhủ với bản thân, khi nhỏ mà đã kiên cường vượt qua, thì bây giờ lớn rồi có gì mà phải ngại thế là tôi đã vượt qua giai đoạn thử thách lớn này.
Cuối cùng nhờ sự nỗ lực của bản thân và sự quan tâm giúp đỡ hết mình của cha mẹ lẫn người thân, tôi đã hoàn thành được ước mơ từ thuở còn thơ của mình
Diana Tran Yu với con gái cũng là lính Hải quân Hoa Kỳ. PV: Ðược tuyển dụng vào Lực lượng Hải quân Mỹ từ năm 2012 cho đến nay, ngoài những khóa huấn luyện bắt buộc chị còn được huấn luyện đào tạo thêm chuyên môn gì, và việc thăng tiến ra sao?
Diana Trần: Khi được tuyển mộ vào Lực lượng Hải quân Mỹ, tôi được mang cấp bậc Hải Quân Ðại úy, do tôi đã có học vị Tiến sĩ, nhưng vẫn nằm trong danh sách Lực lượng Dự bị. Từ đó đến nay tôi đã ra sức rèn luyện và làm việc vượt qua nhiều thử thách đã được 5 năm, đến ngày 04/04/2018 vừa qua, tôi đã được nói lên lời tuyên thệ “xả thân cho nước Mỹ, cho Quân chủng Hải quân mà tôi đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ…”. Buổi tuyên thệ được tổ chức dưới chân tượng đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ trên đường Bellaire (TP. Houston), trước các cấp Chỉ huy cùng với những người thân trong gia đình.. Ðó là ngày tôi chính thức trở thành Sĩ quan Hải Quân Chính quy (không còn Dự bị) với cấp bậc Hải Quân Thiếu tá. Kể từ ngày 30/04/2018 trở đi tôi được chuyển về Bộ chỉ huy làm việc, và sau đó cứ mỗi ba năm sẽ được chuyển nơi làm việc một lần.
Hiện nay tôi đang làm việc trong các bệnh viện thuộc Lực lượng Hải quân Mỹ, ngoài ra còn có những nhiệm vụ khác mà khi cần cấp Chỉ huy sẽ điều động và tôi luôn sẵn sàng cống hiến vì nước
Mỹ.
Diana với niềm vui bên cha mẹ.
PV: Có nhiều lính Hải quân gốc Việt trong Quân chủng này không, và chị có thể cho biết những kỷ niệm vui buồn trong đời binh nghiệp của mình?
Diana Trần: Trong các Quân chủng khác của quân đội Mỹ thì tôi không nắm rõ, nhưng trong Lực lượng Hải quân Mỹ, thì số lượng Sĩ quan và Hạ sĩ quan cả nam và nữ có gốc Việt rất ít, đếm được trên đầu ngón tay. Riêng nữ chiến sĩ Hải quân Mỹ gốc Việt thì hiện nay theo tôi biết chỉ có con gái tôi. Hai mẹ con đang cùng chung Quân chủng. Mẹ con chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc để giúp đỡ lẫn nhau..Về những kỷ niệm vui thì tôi nhớ nhất ngày nhận tin nhắn được chọn vào Lực lượng Hải quân Mỹ, và những lúc tôi phiên dịch cho các Chỉ huy để giúp đỡ cho những người lính đàn em gốc Việt. Còn buồn một “tí” vì phải xa cha mẹ, gia đình, người thân, và nguy hiểm luôn rình rập, bởi vì hiện nay tôi đang ở trong một đơn vị thường trực chiến đấu.
PV: Khi trò chuyện với chị, tôi rất xúc động vì biết được chị rất nhớ quê hương Việt Nam, dù thời gian chị sinh sống không bao lâu. Vậy chị có mong muốn gì cho quê mẹ trong tương lai?
Dian Trần: Trên con đường sự nghiệp tôi sẽ cố gắng học tập, nghiên cứu thêm nữa, để có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ.Ðối với quê hương, tôi nhớ hoài khi còn nhỏ lúc ở Việt Nam, tôi có mấy cái áo đầm rất đẹp, nhưng mẹ không cho mặc, vì sợ mọi người chú ý không tốt!… Sau này nhờ đọc sách báo, lịch sử tôi mới biết đất nước mình còn nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vì thế, tôi mong ước có ngày được trở về nhìn lại quê hương, và nhất là trở về trong vai trò một Sĩ quan của quân đội Mỹ, để có thể đóng góp công sức cho đất mẹ trong công việc bảo vệ biển Ðông, cùng sự tự do hàng hải.
PV: Cám ơn chị nhiều về buổi trò chuyện thú vị này, và chúc chị thành công trên con đường binh nghiệp.
Hết.