Monday, December 14, 2020

DẠO MỘT VÒNG KHÁM PHÁ XÍCH LÔ TẠI CÁC QUỐC GIA CHÂU Á

VietTimes -- Xích lô không chỉ có ở Việt Nam mà còn xuất hiện tại nhiều quốc gia châu Á khác và trở thành một nét văn hóa đặc sắc.


Xích lô là phương tiện giao thông ở nhiều nước châu Á

“Cycle rickshaw”, “pedicab”, “trishaw”, gọi theo tiếng Việt là xích lô (cyclo), hay theo cách gọi “chưa đầy đủ nghĩa” là “xe kéo” (rickshaw), là phương tiện giao thông dùng sức người, có ba bánh, người lái xe vận hành như xe đạp thông thường. Phương tiện này xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 và được du nhập vào châu Á từ thời thuộc địa. Xích lô ngày nay ở phần lớn các quốc gia chủ yếu để thu hút khách du lịch với tên gọi, hình dáng và trang trí khác nhau.

1. Bangladesh

Thủ đô Dhaka của Bangladesh được mệnh danh là “thủ đô xe kéo của thế giới” (the Rickshaw Capital of the World). Được đưa đến Bangladesh từ năm 1938 và đạt hơn 300,000 chiếc tại Dhaka vào cuối thế kỷ 20, xích lô cho đến nay đã trở thành phương tiện giao thông phổ biến nhất tại Bangladesh. Chúng phủ sóng trên khắp mọi miền đến nỗi du khách có thể thuê tại bất kỳ ngóc ngách nào của đất nước này (giống xe ôm của Việt Nam).



Tắc đường xích lô tại Bangladesh

Hiện nay, có khoảng 400,000 xích lô chạy mỗi ngày tại Bangladesh. Ở quốc gia này, chúng thuận tiện hơn các phương tiện công cộng khác như xe lôi (auto rickshaw), taxi và xe bus. Đây là phương tiện duy nhất có thể luồn lách trong các khu phố tại các thành phố ở Bangladesh, nơi có những con ngõ, làn đường nhỏ và hẹp. Chúng chủ yếu là những chiếc xe với mui gập lại được hoặc mui trần, được trang trí rất đa dạng, sặc sỡ và bắt mắt.

Tình trạng “tắc đường xích lô” ngày càng gia tăng cộng thêm các vụ va chạm đã dẫn đến việc cấm xích lô trên nhiều tuyến phố lớn trong thành phố ở Bangladesh. Việc làm đô thị ở đây cũng chủ yếu là để phục vụ cho ngành xích lô. Do lạm phát và thất nghiệp tại khu vực nông thôn, nhiều người dân từ các làng quê đã đến thành phố và trở thành những người lái xích lô, được gọi là “rikshawalar”, xuất hiện rất nhiều trên phim ảnh của Bangladesh.

2. Ấn Độ



Xích lô là phương tiện đến trường của nhiều trẻ em Ấn Độ

Xe lôi (autorickshaw) mới là phương tiện giao thông phổ biến trên đường phố Ấn Độ, tuy nhiên xích lô cũng chiếm một phần không hề nhỏ. Những chiếc được trang trí đẹp sẽ phục vụ cho du lịch. Những chiếc đơn giản hơn sẽ là phương tiện giao thông bình dân, mà phổ biến là phục vụ các em học sinh đi đến trường. Hơn chục em nhỏ chen chúc trên một chiếc xích lô là hình ảnh dễ bắt gặp tại Ấn Độ.

3. Nepal



Xích lô phục vụ du lịch tại thủ đô Kathmandu, Nepal năm 2019

Tại Terai (vùng đất thấp giữa Nepal và Ấn Độ), xích lô vẫn là phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất dùng để di chuyển trong khoảng cách gần. Hầu hết các thành phố lớn ở Terai đều có hàng trăm chiếc xích lô chở dân địa phương và khách du lịch, cũng như vận chuyển hàng hóa. Do Terai giáp với Ấn Độ, xích lô cũng là phương tiện được lựa chọn hàng đầu đối với người mua sắm, doanh nhân và khách du lịch đi lại tự do trong và ngoài Nepal. Biên giới tự do giữa Ấn Độ và Nepal cho phép chủ sở hữu xích lô từ cả hai quốc gia hoạt động xuyên biên giới mà không bị hạn chế.

Tuy nhiên, tại vùng núi ở Nepal, xích lô chủ yếu được sử dụng để thu hút khách du lịch. Du khách có thể thư giãn, ngắm các đường phố, chợ nổi tiếng ở Thamel và Kathmandu một cách thong dong với giá cả hợp lý.

4. Trung Quốc



Xích lô phục vụ du lịch tại Bắc Kinh, Trung Quốc

Xe kéo tay thịnh hành ở các đô thị Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh, vốn dành cho tầng lớp thượng lưu trong xã hội, cho đến năm 1950, loại phương tiện này bị loại bỏ. Hành khách trong các thành phố lớn có thể di chuyển bằng xích lô ba bánh, vận hành như xe đạp hoặc chạy bằng động cơ.

Ngày nay, nhiều cơ quan du lịch địa phương ở Trung Quốc có cấp giấy phép cho những người lái xe xích lô chở khách. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đang thắt chặt các quy tắc thi hành tại nhiều thành phố nhằm giảm bớt các hành vi gian lận đối với khách du lịch và giảm tắc nghẽn giao thông. Chẳng bạn, xích lô thông thường chỉ chạy dưới 10km và đủ rộng để vừa làn đường của xe máy hoặc xe đạp.

5. Malaysia



Beca tại Malaysia

Xích lô ở Malaysia được gọi là “beca”. Những chiếc xe kéo tay chạy bộ từ đầu thế kỷ 20 đã dần được thay thế bởi “beca”. “Beca” có mặt ở khắp mọi nơi tại các thành phố Malaysia cho đến những năm 1970. Kể từ đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã làm tăng nhu cầu về giao thông công cộng, vốn hiệu quả hơn, dẫn đến số lượng “beca” giảm dần. Ngày nay, “beca” được vận hành chủ yếu để phục vụ khách du lịch, với số lượng nhỏ hoạt động ở Malacca, Penang, Kelantan và Terengganu được trang trí rất cầu kỳ và đẹp mắt.

6. Indonesia


Becak tại Indonesia

“Becak” là tên gọi của xích lô tại Indonesia, bắt đầu được sử dụng ở Jakarta khoảng từ năm 1936. “Becak” được coi là biểu tượng của thủ đô Jakarta trước khi bị cấm trên các đường phố chính của thành phố do vấn đề trật tự công cộng vào những năm 1970. Những cảnh trong chiến dịch cấm becak xuất hiện trong một bộ phim tài liệu Canada của nhà sản xuất phim Michael Rubbo, có tên “Wet Earth and Warm People” vào năm 1975. Mặc dù đã cố gắng loại bỏ, nhiều chiếc “becak” vẫn hoạt động gần các khu ổ chuột trên toàn thành phố. Nỗ lực củng cố lệnh cấm đã dẫn đến những vụ tịch thu quy mô lớn những chiếc “becak” vào cuối những năm 1990 và trong năm 2007. Năm 2018, Thống đốc Anies Baswedan đã cố gắng cho phép “becak” hoạt động trở lại sau 10 năm bị cấm tại Jakarta theo lời cam kết của ông với các tài xế becak trong chiến dịch tranh cử.

Có hai loại “becak” ở Indonesia, loại thứ nhất tài xế ngồi phía sau hành khách. Loại thứ hai chủ yếu được tìm thấy ở Sumatra, là tài xế ngồi bên cạnh hành khách. “Becak” vẫn đang được sử dụng ở nhiều nơi khác nhau tại Indonesia, đặc biệt là ở các thành phố và thị trấn nhỏ.

7. Philippines


Traysikad hay trisikad tại Philippines

Xích lô ở Philippines được gọi là “traysikad”, “trisikad”, hoặc đơn giản là “sikad”, “padyak”, được cấu tạo như một chiếc mô tô ba bánh nhưng lại gắn lên một chiếc xe đạp. “Sikad” được dùng chủ yếu để chở hành khách trong khoảng cách gần dọc theo các tuyến phố nhỏ, đông dân cư. “Sikad” cũng được sử dụng để vận chuyển hàng hóa quá nặng nếu xách bằng tay trong khoảng cách ngắn hoặc do đường quá tắc nghẽn để vận chuyển xe máy. Trong mùa mưa, “sikad” hữu ích như một cách để tránh đi bộ qua nước lũ

8. Việt Nam


Xích lô tại Việt Nam

Tại Việt Nam, xích lô (cyclo) có phát âm bắt nguồn từ tiếng Pháp, là phương tiện giao thông được phát minh bởi một người Pháp tên P.Coupeaid, được du nhập vào Sài Gòn từ năm 1939. xích lô dần dần bị chiếm ưu thế bởi “xe ôm”, chính là xe máy (semi-scooter: xe số hoặc scooter: xe tay ga), loại phương tiện giao thông chính của người dân Việt Nam.

Từ 2008 đến 03/2012, do tắc đường xích lô đã bị cấm hoàn toàn tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, ngoại trừ các tour xích lô được tổ chức bởi các công ty và tổ chức du lịch. Ngày nay, xích lô chỉ còn với số lượng rất nhỏ chủ yếu để phục vụ du khách.

Một bộ phim điện ảnh có tên “Cyclo” của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng, kể về biến cố cuộc đời của một người lái xe xích lô, đã giành giải Sư tử Vàng (Golden Lion) tại Liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 52. Bộ phim sản xuất năm 1995, được quay tại TP.Hồ Chí Minh và Hồng Kông có sự tham gia của ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Lương Triều Vỹ.

9. Campuchia


Xích lô tại Campuchia

Xích lô ở Campuchia cũng được gọi là “cyclo” (phát âm là see-clo), có nguồn gốc từ Pháp và được du nhập từ năm 1939, ngày nay còn lại với số lượng rất ít. Người dân dần dần chuyển sang di chuyển bằng xe máy, xe lôi và tuk tuk.

10. Thái Lan



Samlor tại Phrae, Thái Lan


Ở Thái Lan, bất kỳ xe ba bánh nào cũng được gọi là “samlor”, dù có động cơ hay không, bao gồm xích lô, xe lôi, xe máy có gắn quầy bán hàng di động,  mô tô ba bánh (sidecar),... Người lái xe ba bánh cũng được gọi là “samlor”. Xích lô tại Thái Lan hiện không còn được dùng nhiều. Thay vào đó, người Thái Lan dùng xe ôm (xe máy), tuk tuk (auto rickshaw), taxi, xe bus, songthaew (xe bán tải chuyển đổi thành xe chở khách),... Trong đó, tuk tuk và songthaew được dùng để thu hút du lịch.