Tuesday, June 21, 2022

CHUỐI

                             

Chuối là loại cây thân nhiều nước, lá to và dài.

Chuối mọc hoang đầu tiên ở vùng Đông Dương, Mã Lai, Miến Điện với những trái chuối đầy hạt. Ngày nay chuối không hạt, vô tính được trồng khắp những vùng có khí hậu nhiệt đới.

Chuối nhập cảng vào Hoa Kỳ hầu hết từ các trại ở Nam Mỹ Châu và Phi Luật Tân.

Cây chuối cũng rất quen thuộc với người Việt nam, với chuối hương, chuối ngự, chuối sứ, chuối mường…

Chuối thường được thu hoạch nguyên buồng khi còn xanh, nhưng khi để nơi có nhiệt độ trung bình, hoặc trong túi nhựa kín với quả táo, chuối chín rất mau.

Chuối xanh có vị chát, thịt cứng nhưng khi chín, tinh bột chuyển hóa thành chất ngọt, thịt mềm và thơm. Chuối xanh cũng có một chất đạm làm mất tác dụng của diếu tố amylase, một loại men tiêu hóa trong nước miếng, khiến cơ thể không hấp thụ được carbohydrat.

Nhìn vỏ chuối đoán được chuối chín hay chưa chín. Khi vỏ còn xanh vàng là chuối chưa chín; khi vỏ vàng đều là chuối đã chín, sẵn sàng để ăn. Chuối chín thì hầu hết tinh bột được chuyển hóa thành các loại đường.

Dinh dưỡng

Chuối là loại trái cây nhiệt đới được ăn nhiều nhất.

Chuối có đủ 8 loại amino acid cần thiết mà cơ thể không tổng hợp được. Ngoài ra, chuối có nhiều đường glucose, fructose, sucrose và là nguồn năng lượng đáng kể. Chuối chỉ đứng sau trái bơ (avocado) về lượng kali, một khoáng chất rất cần thiết cho sự vận hành của bắp thịt. Chuối còn có sinh tố B, C, Folate, chất xơ. Đặc biệt chuối không có cholesterol và rất ít chất béo.

Trong 100g chuối tươi có khoảng 70 g nước, 1 g đạm, 25g carbohydrat.

Ngoài ra, còn có loại chuối lá (plaintain), vỏ xám vàng, nhiều tinh bột, không đường, không ăn như chuối thường mà phải chiên. Bên Ấn Độ, bột chuối này được dùng để chữa viêm loét bao tử, đầy bụng, khó tiêu.

Một quả chuối cung cấp khoảng 100 calori.

Công dụng y học

Kết quả nghiên cứu tại Đại học Harvard năm 1998 cho hay khi ăn thực phẩm có nhiều kali như chuối, thì nguy cơ tai biến mạch máu não có thể giảm tới 36 % so với người ít ăn chuối. Kali cũng có thể giúp hạ thấp huyết áp.

Chuối có khá nhiều pectin nên rất tốt để làm giảm cholesterol trong máu, do đó giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

Chuối làm tăng khả năng chịu đựng của cơ thể với các căng thẳng về thể xác và tâm thần nhờ nhiều chất đường thiên nhiên.

Trên 70 năm về trước, y giới đã quan sát thấy rằng chuối có khả năng chữa loét bao tử ở loài chuột. Gần đây, các khoa học gia Anh quốc và Ấn Độ chứng minh là chuối có hóa chất chống acid trong bao tử giống như thuốc Cimetedine. Hóa chất này cũng giúp tăng sức chịu đựng của niêm mạc bao tử mạnh hơn để ngăn chặn sức phá hoại do độ acid của dịch vị.