Thursday, July 6, 2017

CHÀO BUỖI SÁNG : NHẠC THƯ GIÃN & LÒI HAY Ý ĐẸP

       


Fr: Loan Phan

                   









Fr: Mien Tay Nguyen
Đời Người, Hiểu Thấu "3 Và 7″Là Nắm Được Hạnh Phúc
Hạnh phúc đôi khi tưởng chừng như xa vời, nhưng thực ra nó ở ngay bên cạnh mỗi chúng ta. Đừng mải mê theo đuổi những thứ cao xa, chậm lại bước chân, hưởng thụ từng phút giây của cuộc sống.
Cuộc sống tấp nập hối hả qua đi thật nhanh, mới ngày nào còn lang thang đây đó nô đùa với đám bạn, hôm nay ngoảnh đầu nhìn lại mới thấy mình đã già.
Cuộc đời ngắn ngủi, thời gian không đợi người, nhưng đôi khi ta lại mải miết tìm kiếm truy cầu hạnh phúc, mà quên đi cách hưởng thụ cuộc sống. Niềm vui và hạnh phục kỳ thực rất đơn giản, chỉ là ta đã lãng quên mà thôi.
Khi bạn không vui
Hãy nghĩ cuộc đời là phép toán trừ, và "quên" là công cụ để thực hiện, loại bỏ đi tất cả những thứ làm ta phiền não, cớ gì phải tức giận vì những người không đáng.
Không màng chuyện cũ, không tính toán ân oán, ăn một bữa cơm thật ngon, ngủ một giấc thật dài, thị phi ngày hôm qua, hôm nay tỉnh dậy sẽ là quá khứ. Hãy tiến về phía trước, sống cho hiện tại và tương lai.
Khi bạn bất mãn
Hãy so sánh mình với người nghèo, chúng ta sẽ hiểu rằng biết đủ chính là hạnh phúc.
So sánh mình với người bệnh, chúng ta sẽ hiểu sống khỏe mạnh chính là hạnh phúc.
So sánh với người đã khuất, chúng ta sẽ biết còn sống chính là hạnh phúc.
Sống đơn giản, biết coi nhẹ, chính là hạnh phúc.
Khi bạn so đo
Hãy nghĩ đến con người ở trong thế gian cũng tựa như bọt xà phòng, thoáng chốc rồi sẽ tiêu tan, đến thế gian tay trắng, ra đi cũng là tay trắng, một hạt bụi cũng không thể mang theo.
So đo thiệt hơn chỉ có thể làm ta thêm tổn hại, cái gì của mình ắt sẽ thuộc về mình, không của mình thì tranh giành cũng không được. Con người vốn rất nhỏ bé, sống vô tư thuận theo tự nhiên thì mới có thể vui vẻ hạnh phúc.
Hạnh phúc ẩn sau sự không trọn vẹn
Một cái điện thoại đắt tiền, 70% chức năng là không dùng đến;
Một biệt thự xa hoa, 70% diện tích là không được sử dụng;
Một trường đại học; 70% kiến thức của giáo sư là sinh viên không cần.
Đời người cũng vậy, trong 10 phần thì chỉ có tìm kiếm niềm vui trong 3 phần, 7 phần còn lại chính là phải bỏ qua, phải quên đi, phải buông xuống. Hãy sống thật đơn giản để tận hưởng 3 phần thuộc về mình.

Lê Hiếu biên dịch
Nguon: Blog: nguoiphuongnam

Fr: Toan Dang* Chuong Dang*Khoa Nghi Truong* SaoKhue
Cậu bé gọi 911 nhờ tìm mẹ trên… thiên đường, và câu trả lời đầy xúc động của chú cảnh sát



Fr: Hưu Dinh Nguyen
Cựu quân nhân Mỹ 82 tuổi đi Việt Nam tìm ông hiệu trưởng chỉ vì một bức tranh
Đằng-Giao/Người Việt
July 1, 2017
CYPRESS, California (NV) – Ông Lee Lagda, 82 tuổi, một cựu quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam trước năm 1968, vừa quyết định sẽ quay lại Quảng Trị vào đầu năm 2018 để tìm người tặng ông bức tranh.
                 
Ông Lee Lagda và bức tranh Việt Nam trên tường. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Ông nói: “Đầu năm 1968, ngay sau Tết Mậu Thân, đơn vị tôi, Tiểu Đoàn Xây Dựng Cơ Động 4, thuộc Hải Quân Hoa Kỳ, được điều động từ Đà Nẵng ra khoảng giữa Huế và Căn Cứ Tác Chiến của Thủy Quân Lục Chiến tại Quảng Trị, trên Quốc Lộ 1.”
Lúc ấy, ông Lagda đã chán ngấy cảnh dân lành vô tội trở thành nạn nhân của chiến tranh.
“Hồi mới năm tuổi, tôi đã phải thấy cái chết của cha tôi trong Thế Chiến 2 nên tôi muốn làm một cái gì đó cho những đứa trẻ ngây thơ Việt Nam,” ông kể.
Để làm được việc này, ông huy động một nhóm quân y trong tiểu đoàn và những người thuộc Chương Trình Y Tế Dân Sự (MEDCAP) đến làng Phú Ốc, cách trại chừng 10 cây số về phía Nam và cách Huế 3 cây số rưỡi về hướng Bắc. Cả mấy làng chỉ có một ngôi trường, cả trường chỉ có một lớp học.
Vợ chồng ông hiệu trưởng và đứa con đến thăm ông Lee Lagda. (Hình:Lee Lagda cung cấp)
“Mỗi tuần, trung bình, chúng tôi chăm sóc được chừng 100 bệnh nhân, đa số là học sinh của trường, và trẻ em ở lối xóm quanh đó,” ông nói.
Vào khoảng đầu Tháng Tám, 1968, ông tìm gặp ông hiệu trưởng để báo rằng ông đang chuẩn bị về Mỹ.
Ông hồi tưởng: “Mặc dù không tiếp xúc nhiều với ông ấy, nhưng tôi muốn cám ơn ông đã cho chúng tôi mượn trường làm trạm y tế và cho phép học trò lên khám bệnh trong giờ học.”
Ông Lagda nghĩ rằng như vậy là đủ lịch sự với ông hiệu trưởng rồi. Ông cũng nghĩ rằng sẽ không bao giờ muốn quay lại quê hương đầy khổ đau này nữa.
Hai hôm sau, một việc bất ngờ xảy ra tại căn cứ Hải Quân.
Ông hồi tưởng: “Tôi hết sức ngạc nhiên khi người lính gác báo rằng có người đang ở cổng chờ gặp tôi. Tôi không thể ngờ đó chính là ông hiệu trưởng, có cả vợ và đứa con khoảng năm tuổi của ông nữa.”
Ông nhấn mạnh: “Phải nhớ lúc đó khu vực này hết sức bất an, Việt Cộng đặt mìn dọc theo Quốc Lộ 1 rất nhiều, mìn nổ như cơm bữa. Vậy mà ông ấy chịu bỏ thời gian, bất chấp nguy hiểm, đưa cả gia đình đến cám ơn tôi. Cả gia đình ông ăn mặc rất chỉnh tề, trang trọng. Đã vậy, ông còn tặng tôi một bức tranh nữa.”
Bức tranh vô giá của ông Lee Lagda. (Hình: Lee Lagda cung cấp)
Đây là một bức tranh sơn dầu vẽ trên giấy, khổ 21.5 cm x 28 cm, mô tả cảnh sinh hoạt tại một ngôi chợ thôn quê bé nhỏ.
“Ông ấy nói ông vẽ cho vui thôi. Nhưng với tôi, đây là một món quà quí giá nhất đời,” ông Lagda khẳng định một cách hãnh diện.
Vị hiệu trưởng cũng cho ông Lagda tên và địa chỉ mình, với hy vọng hai người sẽ có dịp gặp lại nhau trong một hoàn cảnh tốt đẹp hơn.
“Thật đáng tiếc, trong lúc di chuyển từ căn cứ này qua căn cứ khác, tôi đánh mất cuốn sổ địa chỉ với hàng trăm tên họ trong đó,” ông nói.
Là quân nhân, ông đến Việt Nam, tưởng rằng sẽ giúp gì cho đất nước này, nhưng những gì ông chứng kiến “chỉ là sự chết chóc thảm khốc của cả bốn nhóm, lính Mỹ, lính VNCH, lương dân vô tội, và Việt Cộng.”
Vẫn biết cái chết là hậu quả hiển nhiên của chiến tranh, nhưng tác động của cuộc chiến đã để lại cho ông Lagda những ấn tượng không thể phai nhòa, và ông không hề muốn quay lại Việt Nam bao giờ nữa.
Chữ ký vị hiệu trưởng. (Hình: Đằng-Giao/ Người Việt)
… Cho đến bây giờ, 49 năm sau.
“Khi ông hiệu trưởng đưa gia đình đến cám ơn tôi, ông đã cho tôi thấy rằng trong những hoàn cảnh tang thương, điêu tàn nhất, người ta vẫn có thể tử tế, đứng đắn, và lịch sự với nhau,” ông nói.
Từ ngày về nước, ông Lagda chưa bao giờ rời xa bức tranh “vẽ cho vui” của ông hiệu trưởng này.
Ông tâm sự: “Tôi luôn luôn treo bức tranh trên tường gần nơi tôi hay ngồi trong nhà.”
Bà Jeanette, con gái ông, nói: “Tôi chưa bao giờ thấy cha tôi khóc. Lần đầu cha tôi khóc là khi ông nhắc lại chuyện này. Ông hiệu trưởng và bức tranh để lại một ấn tượng quá lớn lao cho cha tôi.”
Bức tranh này tượng trưng cho những gì đẹp đẽ nhất, cao quí nhất mà ông có được từ cuộc chiến Việt Nam.
Mới đây, trong lúc lau chùi, thấy bức tranh, tụt xuống dưới trong khung, ông kéo lên thì, không ngờ, ông thấy được chữ ký của người hiệu trưởng. Chữ ký không có dấu, chỉ đọc được là “QUAN.”
Ông cẩn thận lấy bức tranh ra khỏi khung lần đầu tiên trong suốt 49 năm. Mặt sau bức tranh là phác họa một khuôn mặt đàn ông.
Mặt sau bức tranh là một phác họa. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Từ những khám phá này, ông Lagda chợt bị thôi thúc phải quay lại Việt Nam, mong tìm được vị hiệu trưởng năm nào.
“Cuộc gặp gỡ của chúng tôi quá ngắn ngủi nhưng tôi rất trân trọng. Chúng tôi giúp trẻ em Việt Nam vì đó là chuyện chúng tôi có thể làm. Tôi chưa bao giờ cần ai cám ơn cả. Nhưng thái độ cảm kích của người hiệu trưởng này đã làm tôi hết sức xúc động,” ông khẽ nói.
Đầu năm 2018, ông sẽ cùng con trai là Jeff đi Việt Nam tìm vị hiệu trưởng chỉ với cái tên “QUAN” không có dấu và không có địa chỉ chính xác.
“Tôi hy vọng tìm được ông ấy để nói rằng ông đã cho tôi bài học vô giá về tư cách con người. Không biết ông còn nhận ra tôi không.”
Bốn mươi chín năm trôi qua với biết bao đổi thay của cuộc sống mà vị hiệu trưởng ngôi trường làng Việt Nam vẫn không phai nhòa trong lòng người lính già.
Hy vọng chuyến đi của ông sẽ dẫn đến một kết cục có hậu.

Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com