Tuesday, January 26, 2021

ĐỈNH GIÓ HÚ CHƯƠNG 19 - EMILY BRONTE - NHẤT LINH DỊCH

 Chương XIX

Một bức thư viền đen báo cho chúng tôi biết ngày cậu chủ tôi trở về. Sa đã chết. Cậu Kha dặn tôi thu xếp cho con gái để tang và dọn một buồng đầy đủ tiện nghi cho cháu cậu.

Liên nghe tin cha cô sắp về, cô mừng nhẩy nhót như điên; cô nuôi những hy vọng lạc quan nhất về cậu em họ "thực" của cô, chắc chắn phải có rất nhiều điểm hay đẹp không chê vào đâu được.

Rồi cái buổi chiều ngày cậu Kha đem cháu về đã tới. Ngay từ sáng sớm Liên đã giục sắp sẵn quần áo cho cô. Và bây giờ, trong chiếc áo dài đen mới - tội nghiệp cô bé, cái chết của người cô chẳng gây cho nó một nỗi buồn thương nào - cô không ngừng kèo nèo bắt tôi đi cùng qua mấy bãi cỏ xuống đón cha cô và Tôn. Dưới bóng hàng cây dâm mát Liên nói líu lo luôn miệng trong khi chúng tôi thong thả đi qua những mô đất và rãnh nước trơn rêu.

"Tôn thua em nửa tuổi. Có nó làm bạn thích quá! Cô Sa lúc trước có gửi cho ba một lọn tóc của nó, màu lợt hơn màu tóc em, đẹp ghê. Tóc nó vàng, mượt, không thua gì tóc em. Em giữ cẩn thật trong một cái hộp kính nhỏ và em thường mơ có ngày được gặp người có lọn tóc ấy sẽ thú vị biết chừng nào... ờ, em thích quá... và cả ba nữa, ba yêu của em... Này, vú Diễn, mình chạy đi, chạy đi nào!"

Liên tung tăng chạy tới chạy lui trong khi tôi cứ thủng thẳng bước tới cổng. Cô ngồi xuống chờ trên bờ cỏ cạnh con đường mòn nhưng nào cô bé nào có thể ngồi yên được, cô sốt ruột kêu lên:

"Sao mãi không thấy ba về nhỉ. A, kia rồi, em thấy trên đường có bụi mù lên kìa... chắc ba sắp về tới nơi…nhưng mà, không phải!... Bao giờ ba với Tôn mới về? Hay là mình đi thêm một quãng nữa đi... độ hơn nửa cây số nữa thôi, vú Diễn. Vú ừ đi, chỉ nửa cây số thôi, đến đám cây phong ở chỗ rẽ ấy."

Tôi nhất định không đi. Mãi rồi Liên cũng chịu ngồi yên... đã thấy bóng chiếc xe ở đằng xa. Vừa thấy mặt bố ló ra ngoài cửa xe, Liên đã la lên, tay dang phía trước. Cậu Kha xuống xe, vẻ bồn chồn không thua con gái. Trong một lúc lâu hai bố con ôm chặt lấy nhau tưởng như thế giới không còn một ai khác.

Trong lúc ấy tôi nhìn vào xe kiếm Tôn. Cậu bé, ủ trong chiếc áo ấm lông cừu như thể đang giữa mùa đông, ngủ vùi trong góc xe. Trông nó xanh xao yếu đuối như con gái. Nó giống cậu Kha như tạc. Người ta có thể lầm nó là em út của cậu chủ tôi, chỉ khác ở cái vẻ buồn rầu bệnh hoạn mà Kha không bao giờ có.

Cậu Kha thấy tôi nhìn nó, cậu chào tôi và bảo tôi đừng đụng đến Tôn vì nó đi đường xa còn mệt. Khi hai bố con đi tới bậc tam cấp, Kha bảo con gái:

"Này cưng, em họ con không được vui và khỏe như con đâu. Nó không thể chơi đùa với con ngay và con đừng quấy rầy nó quá. Con nên nhớ là mẹ nó vừa mới mất mấy hôm nay. Con hãy để nó nghỉ ngơi chiều nay, được không?"

Liên vội đáp:

"Dạ, dạ, thưa ba được ạ. Nhưng con muốn xem mặt nó, nó chưa nhìn ra ngoài xe mà."

Cỗ xe ngừng bánh, cậu Kha đánh thức thằng bé dậy, nhấc nó xuống đất. Cậu cầm hai tay đứa trẻ đặt vào nhau và nói:

"Cháu Tôn, đây là chị Liên của cháu. Tuy chưa gặp cháu mà Liên đã mến cháu rồi. Cháu nhớ đêm nay cháu đừng có khóc làm chị buồn. Cháu ráng vui lên, bây giờ mình hết phải đi nữa rồi, cháu khỏi phải làm gì cả, cứ việc ăn chơi nghỉ ngơi cho thỏa thích.

Cậu bé thấy Liên chào thì lùi lại, giơ tay quệt nước mắt, đáp:

"Vậy thì cho cháu đi ngủ thôi."

Tôi dắt Tôn vào nhà, khẽ nói với nó:

"Nào lại đây, chú bé ngoan. Đừng làm vậy, chị Liên cũng khóc theo bây giờ... Nhìn xem chị ấy buồn vì thương chú biết là chừng nào."

Tôi không biết có phải Liên buồn vì thương Liên thật không, nhưng mặt cô bé trông cũng thiểu não như Tôn. Cô quay lại phía cha và cả ba bước vào nhà, lên phòng sách có bầy sẵn tiệc trà.

Tôi cởi áo và bỏ mũ cho Tôn rồi đặt chú bé ngồi lên ghế, nhưng chưa kịp đặt đít thì chú ta lại òa lên khóc nữa. Cậu Kha hỏi, chú nức nở đáp:

"Cháu không muốn ngồi ghế."

Kha kiên nhẫn nói:

"Vậy cháu ra nằm ghế dài kia. Vú Diễn sẽ bưng nước trà lại cho cháu."

Tôi nghĩ bụng: "Quả là một thách thức lớn đối với cậu Kha phải cáng đáng trông nom thằng bé đau ốm vòi quấy ấy trong suốt cuộc hành trình dài vất vả."

Tôn uể oải lê bước tới chiếc ghế dài nằm xuống. Liên nhấc một chiếc ghế đẩu thấp và đem tách trà của cô lại ngồi cạnh Tôn.

Liên lúc đầu ngồi im. Nhưng chỉ lát sau cô bé bắt đầu táy máy nựng nịu chú em họ. Cô bắt đầu vuốt tóc và hôn lên má nó. Cô còn đổ nước trà ra đĩa cho nó uống như một đứa con nít. Thằng bé lấy thế làm khoái, nó lau khô nước mắt, mỉm cười gượng gạo.

Kha nhìn hai đứa trẻ, bảo tôi:

"À, nó sẽ quen ngay ấy mà. Giá mình được nuôi được nó thì còn gì bằng. Một khi nó có được đứa trẻ cùng tuổi làm bầu bạn, nó sẽ nhiễm tinh thần mới, và rồi nó sẽ khỏe mạnh."

"Nếu mình giữ được nó ở đây." Tôi lẩm bẩm nói thế và ngờ rằng ít có hy vọng được như vậy. Lòng tôi bất giác buồn buồn nghĩ tới cái cảnh thằng bé yếu đuối kia phải sống bên trại Gió Hú, giữa cha nó và Hạ. Họ sẽ dậy dỗ nó ra sao?"

Sớm hơn tôi dự đoán điều lo ngại của chúng tôi trở thành sự thực. Sau bữa trà, tôi dẫn hai đứa trẻ lên lầu và dỗ cho Tôn ngủ. Vì Tôn không chịu cho tôi rời chỗ nên tôi phải đợi nó ngủ rồi mới đi xuống nhà dưới. Khi tôi đang đứng cạnh bàn ngoài phòng lớn thắp ngọn nến để đem vào buồng ngủ cho cậu Kha thì một chị người làm ở trong bếp đi ra báo cho biết có người nhà ông Hy là bác Dọi đang đứng đợi ngoài cửa, muốn xin vào thưa chuyện cùng ông chủ.

Tôi run bắn người lên, nói:

"Để tôi ra hỏi xem việc gì đã. Giờ này mà còn đến quấy rầy người ta. Ông chủ vừa đi xa về mệt nhọc, tôi chắc ông không tiếp đâu."

Tôi đang nói dở thì bác Dọi đã bước qua khỏi nhà bếp vào phòng. Bác mặc bộ đồ đi lễ, nét mặt nhăn nhúm ra vẻ con người mộ đạo, tay cầm mũ, tay cầm gậy, đang chùi chân trên tấm thảm.

Tôi lạnh lùng hỏi:

"Chào bác Dọi. Có việc gì mà đêm hôm bác tới đây?"

Bác ta ngoắc tay, khinh khỉnh đáp:

"Tôi muốn nói chuyện với cậu Kha."

"Cậu ấy ngủ rồi. Trừ khi có chuyện thật cần kíp tôi chắc cậu Kha không tiếp ai vào giờ này đâu. Bác ngồi xuống đây, cho tôi biết chuyện gì để tôi thưa lại."

Bác Dọi nhìn dẫy cửa phòng hỏi:

"Phòng nào là phòng cậu ấy?"

Thấy bác ta nhất định không muốn tôi làm trung gian, tôi đành lên phòng sách báo cho chủ tôi biết có khách đến thăm không đúng lúc và theo ý tôi nên đuổi khéo về bảo sáng mai tới. Cậu Kha chưa kịp ra lệnh thì bác Dọi đã theo gót tôi xông đại vào phòng, đứng lù lù ở chiếc bàn đằng xa, hai bàn tay chống lên đầu cây gậy, nói lớn tiếng như biết trước sẽ bị người ta phản đối:

"Hy sai tôi đến đón thằng bé. Thằng bé phải về cùng với tôi."

Cậu Kha lặng người đi hồi lâu. Trông cậu buồn ra mặt. Tình cảnh của thằng bé làm cậu thương xót. Chắc cậu nhớ tới mối lo lắng và niềm hy vọng của cô Sa đối với đứa con trai và lời ủy thác cho cậu trông nom nuôi nấng. Cậu chua xót nghĩ đến cái cảnh phải giao nó cho người khác và đang nghĩ cách làm sao tránh việc đó khỏi xẩy ra. Cậu chưa nghĩ được cách nào, vì nếu tỏ ý giữ thằng bé lại chỉ tổ làm cho người ta cương quyết đòi mạnh. Cuối cùng chả còn cách nào khác hơn là trả thằng bé cho cha nó, nhưng Tôn đang ngủ, cậu Kha không đành lòng dựng nó dậy. Cậu điềm đạm nói:

"Bác về nói với ông Hy là ngày mai con ông ấy sẽ về bên Gió Hú. Nó đang ngủ và nó mệt không thể đi ngay bây giờ được. Bác cũng có thể nói thêm là mẹ nó muốn tôi giám hộ nó và bây giờ sức khỏe nó rất kém."

Bác Dọi nện mạnh cây gậy xuống sàn đánh cộp một cái, giọng quả quyết:

"Không được! Không được! Nó phải về ngay bây giờ. Hy không muốn mẹ nó hay ông nuôi nó... mà chính Hy nuôi. Tôi phải đem nó về... ông hiểu chứ?"

Cậu Kha gằn giọng đáp:

"Nhưng đêm nay thì không được! Bác về ngay đi và nhắc lại lời tôi cho chủ bác biết. Vú Diễn, dẫn bác ấy xuống. Đi..."

Rồi, đỡ một cánh tay bác Dọi, cậu đẩy lão ra khỏi phòng, đóng cửa lại. Bác Dọi tức lắm, vừa đi vừa kêu:

"Thôi được! Sáng sớm mai Hy sẽ đích thân tới đây, rồi xem ông có dám đuổi không?"


Xem các chương khác