Chương XII
Trong
lúc Sa đi vơ vẩn buồn rầu và lúc nào cũng yên lặng trong rừng cây, trong vườn
hoa, mắt gần như lúc nào cũng không ráo lệ; trong lúc Kha giam mình với những
cuốn sách không bao giờ mở coi, trong lòng bứt rứt vì đợi vợ biết hối, tự ý đến
xin lỗi và làm lành; trong lúc Liên khăng khăng nhịn đói, cho là chồng mỗi bữa
ăn không thấy mình xuống chắc nghẹn ngào lắm nhưng chỉ vì tự kiêu nên không
chạy đến quỳ sụp dưới chân mình; trong lúc đó thì tôi vẫn tiếp tục công việc
hàng ngày và yên trí là ở giữa bốn bức tường bao bọc Họa Mi Trang, chỉ có một
người đủ sáng suốt, đó là tôi. Tôi không tỏ lời chia buồn cùng Sa, tôi cũng
không khuyên răn Liên, cũng không để ý đến những tiếng thở dài của Kha chắc
nóng lòng muốn người khác nói đến vợ mình vì mình không được nghe tiếng vợ nói;
tôi định cứ để mặc họ xử sự với nhau theo ý họ muốn. Tuy cách ấy rất chậm có
kết quả nhưng sau cùng tôi cũng vui vẻ thoáng nhận thấy một tia hy vọng thành
công. Ấy là lúc đầu tôi tưởng thế.
Ngày thứ ba, Liên mở then cửa và vì bình nước uống và nước rửa đều cạn, nàng
bảo lấy thêm và đem lên một bát cháo vì nàng cảm thấy mình sắp chết. Tôi coi
những lời đó nói ra chỉ cốt để tôi nhắc lại cho Kha nghe. Tôi không tin một lời
nào thành thử tôi cứ yên lặng đem cho Liên bánh mì nướng và một ít nước trà.
Liên ăn và uống có vẻ ngon lành rồi nàng vật mình xuống gối, hai bàn tay nắm
chặt và kêu rền rĩ:
"Trời ơi! Tôi chết mất chẳng ai thèm để ý đến tôi! Biết thế thà đừng ăn
cho xong."
Một lúc lâu sau, tôi nghe nàng lẩm bẩm:
"Không, tội gì mà chết! Mình có chết thì nó sướng hơn! Nó có yêu gì mình.
Mình có chết thì nó cũng kệ thây kệ xác mình."
Thấy nàng sắc mặt lợt lạt như thây ma và bồng bột một cách thái quá, tôi hỏi:
"Thưa mợ, mợ cần thứ gì ạ?"
Liên hất những lọn tóc quăn rũ xuống, nét mặt bần thần hỏi tôi:
"Con người bất nhẫn ấy đương làm gì vậy? Ngủ gục hay là chết rồi?"
Tôi đáp:
"Chẳng phải ngủ cũng chẳng phải chết gì cả, nếu mợ định nói cậu Kha. Câu
ấy khỏe như vâm, lúc nào cũng chúi mũi vào sách vở!"
Nếu tôi biết rõ bệnh trạng của Liên thì tôi đã không nói thế, nhưng tôi vẫn yên
trí nàng ốm giả nhiều hơn là ốm thật. Liên sửng sốt kêu lên:
"Chúi mũi vào sách? Mà ngay trong lúc mình gần kề miệng lỗ. Trời ơi!"
Nàng nhìn lên chiếc gương treo trước mặt:
"Không biết Kha có biết mình khác đi nhiều như thế này không? Có phải đây
là Yên Liên thật không? Có lẽ Kha tưởng mình giả vờ. Vú không nói với cậu để
cậu biết tôi thật sự nguy kịch đến thế nào sao, vú Diễn? Khi tôi mà biết được ý
nghĩ của cậu ấy thế nào rồi và nếu còn kịp, thì tôi sẽ chọn một trong hai đường
- hoặc là cứ nhịn đói cho chết quách đi, như vậy có thể là một hình phạt cho
cậu ấy nếu cậu ấy còn đôi chút lương tâm - hoặc là ráng khỏi bệnh đi rồi đi
khỏi nơi đây. Vú này, vú phải thận trọng, vú có nói thật với tôi không đó? Có
thực là Kha cứ để mặc xác tôi muốn sống chết ra sao thì ra, có phải không?"
Tôi đáp:
"Dạ, thưa mợ, cậu đâu có hay biết đầu óc mợ lộn xộn như thế và cố nhiên là
cậu ấy đâu có lo tới chuyện mợ định nhịn ăn cho tới khi chết đói."
"Vú không tin hả? Vú không thể nói với cậu ấy rằng tôi sẽ nhịn đói cho đến
chết hoặc tôi bỏ nhà ra đi sao? Vú phải nói làm sao cho cậu ấy tin. Vú cứ bảo
là vú nghĩ thế, vú tin chắc rằng tôi sẽ làm như vậy."
Tôi nhắc:
"Thôi, mợ. Mợ quên là chiều nay mợ vừa ăn bát cháo ngon lành đấy ư và ngày
mai mợ sẽ thấy kiến hiệu ngay."
Nàng ngắt lời:
"Nếu tôi biết chắc là tôi chết đi cậu ấy sẽ chết theo thì tôi tự tử ngay
lập tức. Trong ba đêm ghê rợn vừa qua tôi đâu có chợp mắt được phút nào! Trời
ơi, tôi đau khổ quá chừng. Tôi bị ma ám, vú Diễn ạ! Tôi có cảm tưởng vú không
ưa tôi. Thật lạ, tôi cứ tưởng là mọi người tuy oán ghét khinh bỉ nhau nhưng
không thế nào không yêu tôi được... ấy thế mà chỉ trong vòng có vài tiếng đồng
hồ, tất cả đều trở thành thù nghịch tôi. Tôi quả quyết là họ thù oán tôi...
những người ở trong nhà này. Sắp chết đến nơi mà chung quanh chỉ toàn những bộ
mặt lạnh như tiền! Sa thì khiếp sợ không dám nhìn con Liên này chết. Ghê quá
mà! Còn Kha thì lạnh lùng đứng bên giường xem ta chết rồi cầu nguyện cảm ơn
Chúa đã vãn hồi được cảnh yên vui cho gia đình hắn và sau đó lại quay về với những
cuốn sách! Trong lúc mình đương ngắc ngoải chết không biết sách vở giúp
hắn được cái trò trống gì cho đời!
Liên không thể nào chịu nổi cái ý tưởng tôi đã nêu ra rằng Kha đã chịu đựng
cảnh ngộ một cách điềm tĩnh như một triết gia. Nàng vật mình vật mẩy, lăn lộn
trên giường, rồi cơn giận nổi lên đùng đùng như điên dại; nàng cắn rách chiếc
gối, chồm dậy sùng sục đòi tôi mở cửa sổ. Tôi không mở vì bấy giờ đương giữa
mùa đông, gió bấc đang ào ào thổi. Tôi đâm hoảng thấy sắc mặt và tính khí nàng
biến đổi bất thường và sực nhớ lại trận ốm trước, bác sĩ dặn không nên làm nàng
phật ý. Mới phút trước nàng còn hung hăng làm dữ thế mà chỉ phút sau, nàng đã
hiền khô, chống một tay lên giường, không còn để ý đến việc tôi từ chối không
làm theo ý nàng nữa. Rồi hình như nghĩ ra được trò chơi con nít, nàng ngồi rút
ra những chiếc lông chim từ những chiếc gối nàng vừa cắn rách, xếp ra từng loại
một, bày lên vải giường để chơi: trí óc nàng đã lạc tận đâu đâu mất rồi!"
Liên lẩm bẩm nói một mình:
"Lông kia là lông gà, lông này là lông vịt, lông này là lông bồ câu. A,
người ta nhồi lông bồ câu vào gối.. thảo nào mà mình không sao chết được! Thôi
chốc nữa nằm xuống mình nhớ vứt nó xuống sàn... đây là lông gà rừng còn đây
đích thị là lông con te-te không lẫn vào đâu được. Giống chim dễ thương này vẫn
lượn trên đầu mình giữa đồng cỏ hoang. Nó muốn về tổ vì nó thấy mây đen kéo tới
báo trời sắp mưa. Chiếc lông này người ta nhặt trên cây thạch thảo, com chim
không bị bắn...bọn này thấy tổ nó mùa đông, tổ đầy những bộ xương nho nhỏ. Hy
đặt cái bẫy phía trên và mấy con chim lớn không dám trở về. Sau lần ấy mình bắt
Hy phải thề không được bắn te-te và Hy đã giữ lời. A, đây lại có nữa này! Anh
Hy có bắn te-te không, vú Diễn? Có con nào lông đỏ không? Để tôi xem
nào..."
Tôi ngắt lời Liên:
"Thôi, bỏ cái trò con nít ấy đi! Mợ nằm xuống đi và nhắm mắt lại, mợ nói
sảng rồi. Bừa quá đi mất. Lông bay tứ tung như tuyết thế này này!"
Tôi giựt lấy chiếc gối, lật úp những lỗ thủng xuống nệm. Vì Liên lôi ra từng
nắm lông tôi phải đi khắp phòng nhặt lên.
Liên lại nói như người mơ ngủ:
"Vú Diễn này, tôi thấy vú là một bà già tóc bạc lưng còng... Đấy năm mươi
năm sau thì vú sẽ như thế đấy. Còn bây giờ thì tôi biết vú chưa đến nỗi như
vậy. Vú nhầm rồi, tôi đâu có nói sảng! Nếu tôi mê sảng thì tôi đã tin rằng hiện
thời vú là cái mụ già khoằm kia còn tôi thì đang nằm ở dưới ngọn Băng-Thạch
Nham. Tôi rất sáng suốt, tôi biết rõ lúc này đang đêm trên bàn có hai ngọn nến
chiếu sáng vào cái tủ đen bóng."
Tôi hỏi:
"Cái tủ đen? Đâu? Đúng là mợ nó mê rồi!"
Liên đáp:
"Tủ kê sát tường kia, nó vẫn ở đấy từ bao giở bao giờ. Trông nó thực là kỳ
quái... Tôi thấy một cái mặt ở trong ấy!"
"Từ trước đến giờ làm gì có cái tủ nào trong phòng?"
Tôi ngồi xuống, vén màn lên để xem chừng nàng. Liên vừa hỏi lại, vừa chăm chú
nhìn vào tấm gương:
"Thế vú không thấy cái mặt kia sao?"
Tôi nói mãi mà không sao làm cho nàng hiểu đó chính là bóng của nàng, sau cùng
tôi phải đứng dậy lấy một chiếc khăn phủ lên tấm gương.
Liên vẫn nói, giọng sợ sệt:
"Nó vẫn ở đằng sau ấy! Nó đang cựa quậy đấy. Ai thế? Khi nào vú đi khỏi
rồi tôi chỉ cầu nó đừng ra đây! Trời đất! Vú Diễn ơi! Phòng này có ma! Ở đây
một mình tôi sợ lắm!"
Người nàng cứ run lên bần bật, mắt nàng không rời nhìn về phía cái gương nên
tôi phải cầm lấy tay nàng, vỗ về cho nàng trấn tĩnh lại.
Tôi cố giải thích:
"Có ai ở đấy đâu nào! Chính mợ đấy, mợ Kha ạ! Vừa lúc nãy mợ cũng biết thế
mà."
Liên giật mình nói:
"Chính tôi à? Kìa, đồng hồ đánh mười hai tiếng. Thế là đúng rồi. Ghê quá
đi mất!"
Nàng túm lấy tấm vải giường kéo lên che mắt. Tôi định lẻn ra cửa gọi Kha nhưng
một tiếng hét thất thanh giữ tôi lại. Chiếc khăn rớt khỏi tấm gương.
Tôi quát lên:
"Cái gì thế? Bây giờ thì ai nhát gan nào? Tỉnh dậy! Tấm kính... tấm gương
đó mà, mợ Kha. Mợ soi hình mợ trong đó, có cả tôi nữa, tôi đứng cạnh mợ đấy
mà."
Liên run lẩy bẩy, mặt ngơ ngác, túm chặt lấy tôi.Nhưng vẻ kinh hãi trên mặt
nàng biến dần đi, sắc diện tái mét bây giờ đỏ lên vì thẹn. Nàng thở dài:
"Trời ơi! Tôi cứ ngỡ tôi đương ở nhà, tôi tưởng tôi đang nằm trong phòng
của tôi ở Gió Hú. Tôi yếu quá nên đầu óc cứ rối loạn lên, tôi la hét mà không
biết. Vú đừng nói gì nhé, ở lại đây với tôi. Tôi sợ ngủ lắm, những cơn mê làm
tôi sợ hết hồn."
"Mợ cố ngủ đi. Ngủ được nó khỏe người ra. Có như thế này mợ mới biết và
không nhịn đói nữa."
Liên vặn tay nói chua chát:
"Trời ơi! Giá tôi được nằm trên giường trong ngôi nhà cũ của tôi! Và tiếng
gió vi vu thổi trong lá thông bên cửa sổ. Để yên cho tôi cảm thấy hơi gió ấy
một chút... nó chạy thẳng xuống rừng cỏ... để yên cho tôi hít một hơi cho
thỏa!"
Tôi ra mở cửa sổ để ngỏ vài giây cốt cho nàng bình tĩnh lại. Một cơn gió lạnh
lùa vào, tôi vội đóng cửa ngay và quay về ghế ngồi. Lúc này, Liên đã ngồi yên,
mặt đầm đìa nước mắt. Thân thể quá mỏi mệt làm cho tinh thần nàng dịu hẳn. Mợ
chủ nóng tính của tôi bây giờ chẳng khác nào một đứa con nít rên rỉ hờn giỗi.
Đột nhiên như chợt tỉnh, Liên hỏi:
"Tôi tự giam ở đây bao lâu rồi, vú Diễn?"
"Từ chiều thứ hai cho đến giờ là đêm thứ năm. Đúng ra phải nói là sáng thứ
sáu rồi đấy."
Nàng ngạc nhiên:
"Sao? Chưa được một tuần à? Mới có mấy hôm thôi à?"
"Thưa, chỉ có mấy hôm nhưng sống toàn bằng nước lã với giận hờn thì kể
cũng là lâu rồi đó."
Nàng có vẻ nghi ngờ, lẩm bẩm:
"Hừ, mấy hôm mà như một chuỗi giờ chán ngắt. Lẽ ra phải lâu hơn nhiều
nữa... tôi nhớ đương ở phòng khách nhỏ sau khi họ cãi nhau. Kha đã khiêu khích
ác liệt và tôi thì thất vọng chạy vội về phòng này. Tôi chỉ kịp gài then cửa
xong thì bóng đen bao trùm lấy tôi và tôi ngã vật xuống sàn... Tôi không thể
giải thích cho Kha hiểu rằng tôi tin chắc mình đang lên cơn hoặc sắp phát điên
nếu Kha cứ một mực trêu tức tôi! Tôi không điều khiển nổi lưỡi và óc mình nữa
và tôi chắc Kha không đoán được nỗi đau khổ của tôi. Tôi chỉ còn vừa đủ lý trí
để chạy trốn khỏi bộ mặt và tiếng nói của Kha mà thôi. Trước khi tôi bắt đầu
tỉnh lại để có thể nghe thấy, trông thấy được thì trời đã sáng rồi. Vú Diễn
này, để tôi nói vú nghe những ý nghĩ của tôi, chúng cứ lởn vởn trong đầu tôi
đến nỗi tôi đâm sợ không khéo mình sẽ mất trí... Trong khi tôi nằm đầu kê sát
chân bàn kia mắt lờ mờ nhận ra cái khung vuông màu xám cửa sổ, tôi ngỡ mình
đang nằm trong cái giường quây ván gỗ sồi ở Gió Hú và tim tôi quặn đau với một
nỗi buồn da diết quá mà khi tỉnh giấc tôi không sao nhớ ra nổi. Tôi cố sức nhớ
lại xem vì lẽ gì thì lạ quá đi mất: toàn bộ bẩy năm vừa qua của đời tôi là một
khoảng rỗng! Tôi hoàn toàn không nhớ tí gì trong bẩy năm ấy. Chỉ nhớ hồi tôi
còn là một đứa bé, cha tôi vừa được chôn cất xong, tôi đau khổ vì anh Hạnh bắt
tôi phải xa Hy. Đó là lần đầu tiên tôi bị bỏ trơ trọi một mình, tôi khóc suốt
đêm rồi mệt ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy đưa tay lên để đẩy tấm ván giường thì
lại đụng phải cái gầm bàn! Tôi quệt tay dọc theo tấm thảm và vụt nhớ ra: nỗi
buồn khổ vừa rồi bỗng chìm vào cơn tuyệt vọng đến cùng độ. Tôi không hiểu tại
sao mình lại buồn khủng khiếp đến thế, chả có nguyên do gì cả, như thể có một
lúc thần trí tôi bị thác loạn. Nhưng giả sử hồi tôi mới mười hai tuổi tôi bị
đẩy ra khỏi Gió Hú, đẩy ra khỏi những liên hệ thời thơ ấu và toàn bộ thế giới
của tôi với Hy, để - đùng một cái - trở thành bà Kha, bà chủ Họa Mi Trang, vợ
của một người xa lạ. Tôi bị tống xuất ra khỏi thế giới của tôi, bơ vơ trong
cảnh lưu đầy. Vú Diễn, vú có thể tưởng tượng được không, chỉ một thoáng thôi,
cái vực thẳm mà tôi bị lăn xuống! Vú cứ việc lắc đầu, tôi đảo điên cũng một
phần tại vú đấy! Lẽ ra vú phải nói với Kha, ừ đúng thế, vú phải bắt anh ấy để
tôi yên! Trời ơi! Nóng quá đi mất! Ước gì mình đang ở ngoài trời. Ước gì mình
trở lại thời con gái, thời man dại, can trường, tự do... Ai chửi cũng chỉ cười,
không phát điên phát cuồng lên! Sao tôi lại thay đổi đến thế nhỉ? Tại sao chỉ
mới nghe có mấy lời mà máu tôi đã sôi lên sùng sục? Nếu tôi được sống trở lại
giữa đám thạch thảo trên mấy ngọn đồi kia thì chắc chắn tôi bình phục ngay...
Mở cửa sổ ra! Mở rộng ra! Cứ để cửa ngỏ cho tôi! Nhanh lên..."
Tôi đáp:
"Tôi không muốn mợ chết cóng."
Liên buồn bã nói:
"Vú không muốn cho tôi sống thì có. Nhưng tôi đâu đến nỗi kiệt sức! Tôi mở
lấy cho mà xem!"
Tôi chưa kịp ngăn thì nàng đã tụt xuống giường, đi loạng quạng qua phòng, đẩy
cánh cửa thò hẳn đầu ra ngoài, bất chấp hơi lạnh buốt bên ngoài như lưỡi dao
cắt đôi vai nàng. Lúc đầu còn năn nỉ sau tôi phải dùng sức kéo nàng vào. Không
ngờ trong cơn mê sảng sức nàng lại mạnh hơn tôi nhiều (về sau qua cử chỉ và lời
nói, tôi mới biết là nàng mê sảng thực).
Trời không trăng. Qua làn sương phủ mơ hồ vạn vật chìm trong bóng tối. Không
một căn nhà nào, xa cũng như gần, còn ánh đèn; tất cả đều tắt ngúm từ lâu. Còn
đèn ở Gió Hú thì không bao giờ thấy cả... Thế mà nàng cứ bảo là có ánh sáng le
lói.
Nàng hăm hở reo lên:
"Vú trông kìa! Phòng tôi đấy, với ngọn đèn bên trong và hàng cây đong đưa
phía trước... Còn ngọn đèn kia ở trong phòng Dọi sát mái nhà... Dọi thức khuya
thật, phải không vú? Bác ta đợi tôi về để còn khóa cổng. Thôi, cứ để bác ấy đợi
một lúc nữa. Đường đi vất vả, lại qua nghĩa địa Diên Mễ Tôn nữa chứ! Chúng tôi
bất chấp những hồn ma ỏ đấy, thách nhau đứng giữa mồ mà gọi ma tới. Này anh Hy,
bây giờ em thách anh đấy, anh có dám đi ra đấy không? Nếu anh dám, em sẽ giữ
anh lại. Em không muốn nằm đấy một mình, người ta có thể chôn em dưới bốn thước
sâu và xô cả nhà thờ đổ ụp lên, em chưa thể nào yên được chừng nào anh chưa ở
bên em."
Nàng ngừng lại một lát rồi nói tiếp, miệng cười quái gở:
"Anh ấy còn đắn đo... có ý muốn mình đến cơ! Hãy kiếm cách đi chứ! Đừng có
đi qua nghĩa địa nghe! Sao chậm thế! Bằng lòng đi nhé, xưa nay anh vẫn theo em
cơ mà..."
Thấy cãi lý với người điên cũng vô ích, tôi tính làm cách nào để vừa tìm được
cái gì phủ lên người nàng vừa không phải buông tay giữ nàng ra, vì tôi thấy
không thể nào bỏ nàng một mình trước cửa sổ mở rộng ấy. Trong lúc còn đang loay
hoay tôi giật mình nghe tiếng quả đấm cửa quay lách cách và cậu Kha bước vào.
Lúc ấy cậu Kha vừa rời phòng sách, đi qua hành lang cậu nghe thấy chúng tôi nói
chuyện và sự tò mò hoặc lo sợ đã khiến cậu vào xem có chuyện gì xẩy ra vào cái
giờ khuya khoắt này.
Thấy cảnh tượng và không khí giá lạnh trong phòng, cậu Kha chưa kịp kêu lên thì
tôi đã chặn ngay:
"Ồ, thưa cậu! Mợ bị bệnh và liều lĩnh quá, tôi không thể nào giữ nổi. Tôi
van cậu, cậu lại dỗ mợ lên giường ngủ đi, cậu đừng giận mợ nữa. Lúc này mợ khó
bảo lắm, mợ cứ khăng khăng làm theo ý mình thôi!"
Kha chạy vội tới kêu lên:
"Liên bệnh sao? Vú đóng cửa lại đi! Liên! Làm sao..."
Kha im bặt. Vẻ hốc hác của Liên khiến cậu lặng người đi không nói được nữa. Cậu
đưa mắt thất kinh hết nhìn Liên lại nhìn tôi.
Tôi nói tiếp:
"Mợ nằm đây hờn dỗi mấy hôm nay không ăn uống gì cả, cũng không than vãn
gì cả. Mợ lại không cho một ai vào phòng cho đến tận chiều nay, cho nên chúng
tôi không rõ tình trạng ra sao để trình với cậu. Nhưng chắc cũng không sao
đâu..."
Tôi thấy mình tự bào chữa vụng về quá. Kha cau mày nghiêm giọng nói:
"Có thật không sao không, vú Diễn? Rồi đây vú phải nói rõ tôi nghe vì sao
vú lại không cho tôi biết về tình trạng của mợ!"
Rồi chàng ôm vợ trong tay, đau khổ nhìn nàng. Thoạt đầu Liên không nhận ra
chồng; đôi mắt nàng lơ láo không nhìn thấy Kha. Tuy nhiên, chứng mê sảng không
lâu; sau khi thôi ngắm cảnh tối đen bên ngoài, Liên dần dần chú ý đến chàng và
nhận ra người đang ôm mình. Nàng giận dỗi nói:
"À, anh đã đến đấy à, anh Tôn Kha. Anh đúng là cái loại khi cần đến thì
chả bao giờ thấy mặt, khi không cần thì lại lu lù dẫn xác đến. Chắc bây giờ
mình lại sắp sửa được nghe những lời than khóc não nùng đây... Tôi biết trước
rồi mà... nhưng có than khóc cũng chả ngăn nổi tôi tới nơi yên nghỉ chật hẹp
của tôi ở đằng kia trước khi hết mùa xuân này. Nơi yên nghỉ đó không nằm dưới
mái nhà thờ của nhà họ Tôn anh đâu, mà nó ở giữa trời với một tấm bia đá. Và
anh tùy thích, muốn đi với họ thì đi, muốn đến với tôi thì đến."
Kha nói:
"Liên, em làm sao thế? Em chẳng coi anh ra gì nữa sao? Em yêu cái thằng
khốn, thằng Hy..."
Liên lớn tiếng:
"Anh im ngay! Anh mà còn đá động đến cái tên ấy thì tôi sẽ lao mình ra
ngoài cửa sổ ngay lập tức cho xong đời! Cái thân xác anh đang ôm đây bây giờ
còn là của anh, nhưng sau này khi mà anh đặt được tay lên người tôi lần nữa thì
hồn tôi đã ở trên ngọn đồi kia rồi... Anh Kha, tôi không cần anh nữa...tôi hết
cần anh rồi...đi mà ôm lấy đống sách vở của anh... tôi cũng mừng cho cái thân
anh có cái để mà an ủi vì những gì anh có nơi tôi đã hết rồi..."
Tôi xen vào nói:
"Mợ mê sảng đó cậu ạ. Suốt từ chiều đến giờ mợ cứ nói chả ra đâu vào đâu.
Nhưng cứ để mợ yên và săn sóc cẩn thận mợ sẽ hồi lại ngay. Thôi từ nay trở đi
mình phải cẩn thận nên tránh làm mợ phật ý..."
Kha đáp:
"Tôi không khiến vú dậy tôi. Vú biết tính mợ đấy thế mà vú cứ xúi tôi làm
phiền mợ. Bệnh tình mợ như thế đấy mà vú để ba ngày nay không cho tôi biết một
tí gì. Thật là nhẫn tâm! Giá có ốm mấy tháng cũng không đến nỗi tiều tụy thế
này!"
Thấy mình bị mắng oan tôi tức quá cãi lại:
"Tôi biết tính mợ ương ngạnh và độc đoán nhưng tôi lại không thể ngờ là
cậu muốn nuông cái tính hung dữ của mợ như thế! Tôi đâu biết là muốn chiều lòng
mợ tôi phải làm ngơ cho cậu Hy. Tôi có bổn phận của một người đầy tớ ăn ở hết
lòng với chủ nên mới nói cho cậu biết chuyện, thế mà cậu còn trách tôi. Thôi
được, cái đó dậy tôi lần sau tôi phải cẩn thận. Lần sau thì cậu ráng mà tìm
hiểu lấy."
Kha nói:
"Lần sau vú còn mách lẻo nữa thì tôi sẽ cho vú nghỉ việc ngay."
"Vậy tôi chắc cậu không muốn nghe chuyện gì hết. Thưa cậu có phải như vậy
không? Hy được cậu cho phép lại tán tỉnh cô Sa và hễ có dịp cậu vắng nhà là mò
tới với mục đích đầu độc mợ phản bội cậu, có phải không?"
Liên tuy đầu óc rối loạn nhưng vẫn còn đủ sáng suốt để theo rõi cuộc đấu khẩu
giữa cậu Kha và tôi. Nàng tức giận kêu lên:
"A! Vú Diễn chơi trò phản bội. Vú là kẻ thù dấu mặt của tôi... vú ma quái!
Đòn xóc hai đầu phải không? Buông tôi ra, để tôi cho nó một trận, cho nó chừa
cái thói đó đi!"
Dưới đôi mày của Liên loé lên một ánh điên cuồng nộ. Nàng vùng vẫy nhưng không
thoát ra khỏi vòng tay Kha. Thấy chẳng nên đợi xem kết cuộc ra sao tôi bỏ đi
tìm thầy tìm thuốc cho nàng.
Khi tôi đi qua vườn để ra đường cái, đến chỗ cái móc buộc cương ngựa vào tường,
tôi thấy có một vật gì trăng trắng lúc lắc một cách khác thường. Tuy vội tôi
cũng đến xem và ngạc nhiên lo sợ hết sức vì con chó của cô Sa, con Phan-Nhi, bị
treo lên bằng một chiếc khăn tay và sắp chết ngạt. Tôi vội gỡ nó xuống và đỡ nó
vào trong vườn. Trước khi cô Sa đi ngủ tôi đã thấy con chó theo cô lên lầu,
không hiểu sao nó lại bị treo cổ ở đây, mà người nào lại độc ác đối xử với nó
như vậy.
Trong lúc tôi loay hoay mở cái nút buộc ở móc, có mấy lần dường như tôi nghe mơ
hồ có tiếng chân ngựa chạy ở xa xa. Lúc bấy giờ đầu óc tôi rối bời nhiều chuyện
nên trí tôi không suy nghĩ gì về chi tiết đó, mặc dầu đó là tiếng tiếng động
khác thường ở vùng này vào lúc hai giờ sáng.
Khi tôi đến đầu đường thì may quá gặp ông đốc tờ Kiên ở nhà đi ra thăm một bệnh
nhân trong làng; nghe tôi kể về bệnh trạng Liên, ông vội theo tôi về ngay. Ông
Kiên là người ngay thẳng, bộc trực, ông tuyên bố trắng ra là Liên lên cơn đau
lần này e khó thoát chết, trừ khi nàng chịu nghe lời chỉ dẫn của ông thật cẩn
thận hơn lần trước. Ông nói:
"Bà Diễn này, tôi chắc thế nào cũng có một nguyên do gì khác về vụ này. Có
chuyện gì xẩy ra ở Họa Mi Trang thế? Tôi nghe người ta nói có nhiều chuyện lạ
lắm. Một người to khỏe như cô Liên đâu có thể hơi một chút là ốm như thế được.
Chỉ có chuyện gì ghê gớm lắm mới làm cho những người như cô ấy lên cơn sốt và
giở chứng như vậy. Thế nào, sự thể bắt đầu ra sao?"
Tôi đáp:
"Cậu chủ tôi sẽ kể ông nghe. Ông đã quen với tính khí nóng nẩy của mấy
người họ Yên như thế nào rồi, mà mợ Liên thì thật là hết chỗ nói. Tôi có thể
nói như thế này... câu truyện xẩy ra bắt đầu bằng một trận cãi nhau. Trong cơn
giận dữ, mợ tôi lên cơn sốt. Ấy là mợ tôi kể lại như vậy vì lúc lên cơn, mợ tôi
chạy vào phòng khóa cửa lại. Sau đó mợ không chịu ăn uống gì cả. Bây giờ thì
hết nói mê nói sảng lại như nửa tỉnh nửa mê, trong đầu toàn những ý tưởng mơ
hồ, quái gở, tuy mợ vẫn nhận ra được những người xung quanh."
Ông Đốc Kiên dò hỏi:
"Chắc cậu Kha buồn lắm nhỉ?"
"Buồn? Cậu tôi đau lòng lắm nếu có chuyện gì xẩy ra. Nếu không cần thiết
xin ông Đốc đừng nói gì để cho cậu tôi phải lo nhớ!"
"Hừ, tôi đã bảo cậu ấy phải coi chừng, cậu ấy không nghe thì cứ ráng mà
chịu lấy! Gần đây cậu ấy có thân thiện với Hy không?"
Tôi đáp:
"Hy thường đến thăm Họa Mi Trang, nhưng đến là vì mợ tôi quen biết Hy từ
thuở nhỏ hơn là vì cậu tôi thích giao thiệp với Hy. Bây giờ thì hắn khỏi phải
mất công đến nữa, hắn đã tỏ ra ngấp nghé cô Sa một cách lếu láo, chắc chẳng ai
cho hắn ta tới nữa đâu."
Ông Đốc lại hỏi:
"Thế còn cô Sa, có cảm tình gì với hắn không?"
Không muốn kéo dài câu chuyện, tôi đáp:
"Cô ấy có tâm sự với tôi đâu mà tôi biết."
Ông Kiên lắc đầu nói:
"Chính thế, cô ấy kín đáo lắm, nghĩ sao làm vậy chả bao giờ hỏi ý kiến ai
cả. Nhưng cô ấy khờ lắm! Tôi được một người đáng tin cậy cho biết là đêm qua,
một đêm đẹp trời, Sa và Hy đã dắt nhau đi chơi ở đồn điền ngay phía sau Họa Mi
Trang đến hơn hai tiếng đồng hồ. Hy đã không cho Sa về nhà mà ép lên ngựa đi
luôn với hắn. Người ấy nói Sa không biết cách nào khác đành phải thề danh dự là
lần tới gặp nhau sẽ đi, để cô về chuẩn bị đã. Lần sau là bao giờ thì người ấy
không nghe rõ nhưng bà phải nói cho cậu Kha biết, thúc cậu ấy lưu ý cẩn
thận."
Tin này lại làm cho tôi thêm một mối lo nữa. Tôi vội đi trước ông Kiên, gần như
vừa đi vừa chạy. Con chó con vẫn còn sủa ăng ẳng trong vườn. Tôi mất một phút
mở cổng cho nó, nhưng thay vì chạy về phía cổng nhà, nó lại chạy đi chạy lại
hít hít ngọn cỏ và nếu tôi không giữ lại kịp đưa nó vào nhà thì nó đã chạy ra
đường cái rồi.
Khi lên tới phòng Sa, điều tôi nghi ngờ đã thành sự thật: phòng Sa trống trơn.
Giá tôi phát hiện sớm hơn vài tiếng đồng hồ thì có lẽ tin Liên ốm nặng sẽ cầm
chân cô bé dại dột kia lại, giờ thì còn làm gì được nữa! Nếu đuổi theo ngay tức
khắc thì may ra có thể bắt kịp họ. Nhưng tôi không thể đuổi theo họ, tôi không muốn
đánh thức mọi người trong nhà dậy và làm cả nhà nhốn nháo lên...tôi cũng lại
không thể cho cậu tôi biết trong lúc cậu còn đương mải lo chuyện rắc rối buồn
phiền và không còn lòng dạ nào để lo thêm một chuyện buồn nữa!
Tôi thấy mình chẳng làm gì khác hơn được là ngậm miệng, để mặc câu chuyện đó
đã. Khi ông Kiên tới nơi, tôi cố tạo một bộ mặt thật bình tĩnh gượng gạo để báo
tin.
Liên đương ngủ nhưng không yên giấc. Người chồng đã xoa dịu cơn điên cuồng của
nàng, giờ đây đang cúi xuống chiếc gối theo dõi từng nét thay đổi trên gương
mặt đau khổ của vợ.
Khám bệnh xong, giọng đầy tin tưởng, ông Đốc bảo cậu tôi rằng bệnh có thể chữa
được nếu chúng tôi giữ cho Liên được hoàn toàn yên tĩnh. Tuy nhiên ông nói
riêng cho tôi biết là điều đáng lo không phải là cái chết mà là sợ nàng sẽ bị
loạn óc luôn không chữa khỏi được.
Đêm đó, tôi không sao nhắm mắt được, cả cậu tôi cũng thế. Thực ra, chúng tôi
không hề ngả lưng lấy được một phút. Đám gia nhân cũng dậy sớm hơn thường lệ,
đi lại rón rén, gặp nhau chỉ thì thầm chứ không dám to tiếng. Người nào cũng
bận rộn, duy chỉ có Sa là không thấy bóng dáng đâu; mãi rồi mọi người mới để ý
bảo nhau sao cô ấy ngủ trưa thế. Cả cậu Kha cũng phải hỏi cô em đã dậy chưa,
chàng tỏ vẻ sốt ruột thấy vắng mặt cô và mích lòng thấy cô em lãnh đạm đối với
chị dâu. Tôi thì tôi chỉ lo cậu ấy sai tôi đi gọi Sa, nhưng may quá đã có người
giúp tôi khỏi cái nạn là người đầu tiên báo tin Sa đã bỏ nhà ra đi. Chả là có
một chị người làm có tính láu táu đi Diên Mễ Tôn từ sớm mua đồ, chị ta hộc tốc
chạy lên lầu, miệng há hốc ra, phăng phăng đi vào phòng, kêu bô bô lên:
"Ôi trời đất ơi! Khổ quá! Không biết rồi ra còn chuyện gì nữa đây? Ông chủ
ơi, ông chủ, cô..."
Thấy nó làm ầm ỹ lên, tôi giận quá, mắng át đi:
"Có câm cái miệng đi không!"
Cậu Kha nói:
"Nói khẽ chứ, Mai, cái gì thế? Cô làm sao?"
Nó vừa thở vừa đáp:
"Cô con đi rồi, cô con đi rồi! Trốn đi với cậu Hy!"
Kha hoảng hốt đứng bật dậy, kêu:
"Vô lý! Không thể có chuyện ấy được... đầu óc mày làm sao mà lại nẩy ra ý
nghĩ ấy? Vú Diễn, đi kiếm cô ấy xem... chuyện bậy bạ... không lẽ nào lại có
chuyện như thế được."
Vừa nói cậu vừa lôi con ở ra cửa, hỏi nó vì lẽ gì nó lại dám nói như vậy. Nó ấp
úng:
"Dạ, con đi đường gặp một thằng bé quen vẫn đến đây lấy sữa, nó hỏi con ở
nhà có chuyện rắc rối xẩy ra phải không? Con tưởng nó hỏi thăm mợ có đau không
nên đáp "có". Thế rồi nó lại hỏi: "Tôi chắc có ai đuổi theo họ
phải không?" Con ngạc nhiên ngẩn người ra. Nó biết là con không biết
chuyện gì nên nó kể là hồi nửa đêm có một cô một cậu ngừng lại ở một cửa hàng
thợ rèn cách Diên Mễ Tôn ba cây số để đóng lại móng ngựa... rồi cô con gái bác
thợ rèn đuơng ngủ mò dậy xem và nhận ra cô cậu ấy là ai... nó cam đoan rằng một
người là cậu Hy, không thể nào lẫn với ai được, cậu Hy đưa trả cho bố nó một
đồng tiền vàng. Còn cô con gái thì lấy áo choàng lên che kín mặt, đòi uống nước
và khi uống nước thì cái áo tụt xuống nên nó trông rõ mặt. Hy cầm cả hai giây
cương thúc ngựa đi quay lưng về phía làng. Đường xấu mà họ cũng cố phóng nhanh.
Con bé không nói lại với bố nhưng sáng nay nó đã vung tin khắp Diên-Mễ-Tôn, ai
ai cũng biết chuyện."
Tôi chạy lên ngó lấy lệ vào phòng Sa rồi trở lại xác nhận lời con ở nói là
đúng. Cậu Kha đã quay về ngồi ở chiếc ghế đặt cạnh giường. Khi tôi vào, ngửng
lên thấy vẻ mặt bối rối của tôi, cậu hiểu ngay. Kha lại cúi đầu xuống, không
nói gì, cũng không sai bảo gì thêm.
Tôi hỏi:
"Thưa cậu, mình có nên đuổi theo tìm cách bắt cô ấy về không? Mình phải
làm gì bây giờ?"
Kha đáp:
"Nó đi là tự ý nó. Nó thích đi là quyền của nó. Thôi, đừng có nói tới
chuyện ấy để làm phiền tôi nữa... Từ giờ trở đi, nó chỉ còn là em gái tôi trên
danh nghĩa... không phải là tôi từ bỏ nó, mà chính tự nó từ bỏ tôi."
Cậu Kha chỉ nói có thế, không hỏi thêm điều gì, cũng không đả động gì đến Sa
nữa, ngoại trừ bảo tôi là bao giờ biết Sa ở đâu thì gửi cho cô ấy tất cả các đồ
vật cô ta còn bỏ lại ở nhà.