Sunday, January 10, 2021

ĐỈNH GIÓ HÚ CHƯƠNG 8 - EMILY BRONTE - NHẤT LINH DỊCH

 Chương VIII

Một buổi sáng mùa hè, đứa con nối dõi sau cùng của nhà họ Yên ra đời. Chúng tôi đương phơi cỏ ở ngoài bãi xa thì có người ở gái vừa chạy tới vừa gọi tôi, rồi thở hổn hển, nói to:

"Ơ, ơ, đứa bé lớn ghê. Tôi chưa bao giờ thấy đứa bé kháu như thế. Nhưng thầy thuốc bảo người mẹ khó qua khỏi. Tôi nghe ông ấy nói với cậu Hạnh là mợ bị ho lao từ nhiều tháng nay, không cách gì cứu được nữa và mợ sẽ đi trước mùa đông. Chị phải về ngay, chị Diễn ạ."


Tôi chạy ngay về nhà để vội ngắm đứa bé, nhưng lòng tôi hơi rầu rầu khi nghĩ đến Hạnh.

Tới Gió Hú, chúng tôi gặp Hạnh ở cửa chính. Lúc đi ngang, tôi hỏi thăm tin tức đứa bé. Hạnh đáp, miệng mỉm cười vui vẻ:

"Nó sắp chạy được rồi, chị Diễn ạ."

"Thế còn mợ, tôi thấy bác sĩ nói mợ lại..."

Hạnh ngắt lời:

"Quẳng bác sĩ đi!"

Rồi Hạnh đỏ mặt nói tiếp:

"Mợ khỏe lắm, chỉ độ tuần lễ sau là lành mạnh như thường. Chị lên gác à? Chị nhớ nói với mợ là tôi sẽ lên thăm mợ nếu mợ đừng nói huyên thiên. Tôi phải xuống vì mợ cứ nói ba hoa luôn miệng. Theo lời bác sĩ Kiên 1 dặn thì mợ phải nằm yên."

Tôi kể lại những lời ấy cho mợ Hạnh. Mợ ấy có vẻ hơi bị sốt kích thích, vui vẻ trả lời tôi:

"Tôi vừa cất tiếng nói thế mà cậu ấy đi ra luôn hai lần, vừa đi vừa khóc. Được, chị cứ bảo cậu ta rằng tôi hứa sẽ không nói nữa, không nói thôi chứ còn cười vào mặt cậu ta thì tha hồ đấy."

Thực là đau thương! Cho đến ngày mợ Hạnh chết, mợ vẫn luôn luôn vui vẻ. Còn chồng thì cứ nhất định một cách bướng bỉnh, một cách dữ dội nữa, rằng sức khỏe vợ mình một ngày một tăng cường. Bác sĩ Kiên bảo cho Hạnh biết rằng bệnh tình đến nước ấy thì sự chữa chạy của ông là vô dụng và ông cũng không muốn Hạnh phải tốn tiền vô ích. Hạnh đáp:

"Tôi biết là vô ích... nhà tôi khỏi... không cần làm bận phiền đến ông, nhà tôi chả bị ho lao bao giờ. Đấy chỉ là một cơn sốt, bây giờ đã hết; mạch nhà tôi cũng yên như mạch tôi lúc này và má cũng mát như má tôi."

Hạnh kể cho vợ nghe và vợ cũng ra chiều tin. Nhưng một đêm, đương lúc tựa vào vai chồng, mợ vừa bảo chồng là ngày mai mợ có thể đi lại như thường được thì mợ bị một cơn ho...một cơn nhẹ thôi. Chồng giơ tay nhấc vợ lên; mợ Hạnh ôm vòng lấy cổ chồng và nét mặt biến sắc: mợ Hạnh chết ngay lúc đó.

Cậu bé Yên Hạ chuyển sang tay tôi nuôi nấng. Miễn là nó khỏe mạnh, không khóc, là cậu Hạnh yên lòng vì đứa con. Còn cậu Hạnh thì đau khổ đến cùng cực, cậu ta đau khổ nhưng không than vãn, không khóc cũng không cầu nguyện. Cậu luôn miệng nguyền rủa, oán trách, ghét cả đức Chúa Trời, ghét hết mọi người và đắm mình trong một cuộc sống bừa bãi. Đầy tớ không ai chịu nổi sự tàn nhẫn và sự cư xử hỗn loạn của ông chủ, đều bỏ đi, chỉ còn bác Dọi và tôi ở lại. Tôi không nỡ nào bỏ đứa bé đã giao cho tôi, vả lại như ông biết, mẹ tôi là vú nuôi của Hạnh, tôi không hẳn là người ngoài nên dễ tha thứ cho tính nết của cậu ta. Dọi thì ở lại để dằn vặt bọn cấy thuê và bọn làm công, bác muốn ở chỗ nào có nhiều đốn mạt để có cớ mà hằn học.

Lối ăn ở bừa bãi của ông chủ và những người chẳng ra gì xung quanh ông ta thật là một cái gương xấu cho Liên và Hy. Cách đối xử của Hạnh với Hy đến mức có thể làm cho một ông thánh cũng biến thành một thằng quỷ. Mà thực ra, hồi ấy, Hy cũng hình như có hồn ma hồn quỷ nhập vào. Hy lấy làm khoái trá thấy Hạnh đốn mạt dần không phương cứu vớt và mỗi ngày cái tính hung dữ, man rợ của Hy lại càng trở nên mãnh liệt hơn. Tôi muốn diễn ra thế nào, ông cũng không cảm thấy được nửa phần cái không khí ghê gớm trong trại Gió-Hú lúc đó. Vị mục sư thôi không qua lại viếng thăm và về sau không một người nào tử tế đến nữa, chỉ trừ những khi cậu Kha lại thăm cô Liên.

Liên hồi ấy mười lăm tuổi là bà chúa cả vùng đó, không một ai sánh kịp và Liên trở thành một cô gái kiêu hãnh, bướng bỉnh. Tôi phải thú thực là tôi không ưa gì Liên sau khi Liên không còn là đứa bé nữa, và đã nhiều lần làm Liên mất lòng, vì tôi muốn kiềm chế sự ngạo ngược của cô. Mặc dầu vậy, Liên không bao giờ ghét tôi. Liên có tình đặc biệt chung thủy với những bạn cũ. Cả Hy cũng giữ được nguyên vẹn lòng yêu thương của Liên. Còn cậu Kha, mặc dầu hơn Hy nhiều thứ, cũng không cảm được lòng Liên sâu sắc như Hy.

"À, bức truyền thần cậu Kha ở trên lò sưởi. Ông có thấy gì không?"

Bác Diễn giơ cao đèn nến và tôi nhận thấy một vẻ mặt dịu dàng, trông rất giống cô gái trẻ ở bên trại Gió Hú nhưng có dáng trầm ngâm và dễ thương hơn. Bên thái dương, tóc màu hung vàng dài và hơi cuốn quăn, hai mắt lớn và trang nghiêm, toàn thể trông có duyên quá. Tôi không lấy làm lạ nữa về việc Liên quên người bạn cũ để lấy một người đẹp trai như thế này. Tôi tự hỏi nếu Kha cũng có một bề trong đẹp như bề ngoài thì không hiểu sao lại có thể mê một cô Liên như tôi tưởng tượng bây giờ.

"Một bức chân dung rất dễ thương. Thế cậu ta có giống trong ảnh không?"

"Cũng giống. Ngoài đời thực trông cậu còn bảnh hơn nữa."

Bác Diễn lại tiếp câu chuyện:

Liên vẫn đi lại với nhà họ Tôn. Trước mặt họ, Liên không để lộ phần tính nết xấu của mình ra. Thấy họ đối đãi rất lịch sự, Liên xấu hổ không dám tỏ ý thô lỗ, thành thử vô hình trung Liên làm cho ông bà Tôn được hài lòng bằng sự thân mật hồn nhiên của mình. Liên khiến Sa kính phục và đoạt được cả tâm hồn của Kha. Sự thu đoạt nhân tâm ấy khiến Liên tự phục mình vì Liên có tính tự phụ, rồi Liên bất giác biến mình thành một con người có hai bộ mặt trái ngược nhau, nhưng làm thế không phải có ý gì rõ rệt để đánh lừa ai. Ở một nơi mà người ta thường nói đến Hy bằng những câu: "Thằng nhãi con thô tục", "Tệ hơn súc vật", Liên giữ ý không cư xử như Hy; nhưng khi về nhà, Liên không có ý giở những phép lịch sự ra, chỉ tổ làm cho mọi người cười, và nàng cũng không cố ghìm cái bản chất ngỗ ngược vì nàng giữ thế cũng chẳng khiến ai phục mình.

Kha ít khi có cam đảm đến Gió Hú một cách công khai. Tôi tin là mỗi lần Kha có mặt ở nhà, Liên không được vui lòng vì sự gặp gỡ của hai người bạn. Quả thật, khi Hy tỏ ý khinh bỉ Kha ra mặt, Liên không thể hoàn toàn tán thành Hy như những lúc chỉ có riêng nàng và Hy; đến khi Kha tỏ ý ghê tởm và ghét Hy, nàng cố gắng chiều theo ý Kha.

Một buổi trưa Hạnh đi vắng. Hy tưởng có thể lợi dụng dịp này để nghỉ không làm việc. Hy đã mười sáu tuổi. Tuy nét mặt không xấu xí, không ngu độn, Hy vẫn có cách tạo cho người ta cảm tưởng ghê hãi về cả tinh thần lẫn diện mạo. Bây giờ thì Hy hoàn toàn không như thế nữa. Độ ấy, sự giáo dục mà chàng được tiếp thụ một ít đã mất hết ảnh hưởng. Từ sáng sớm đến tối khuya, chàng phải làm lụng không ngừng. Công việc nặng nề này làm chàng mất tính tò mò muốn hiểu biết và mất cả tính ưa đọc sách, ham học. Hy đã cố gắng để không đến nỗi kém Liên về sự học nhưng chàng vẫn bị thụt lùi lại sau Liên. Mỗi khi bị kém Liên một bước, Hy yên lặng đau khổ và ngấm ngầm tức. Khi nhận ra rằng mình không thể hơn lên được, Hy chịu lùi hẳn và không có cái gì có thể lay chuyển được ý định này của Hy. Bề ngoài của Hy cũng thay đổi theo sự trụy lạc của tâm hồn chàng: dáng đi trở nên nặng nề, vẻ mặt thô lỗ hẳn đi; tính Hy vốn dè dặt nay trở nên rầu rĩ, u uẩn đến nỗi không ai chịu được. Hình như chàng có vẻ tìm thấy một thích thú nham hiểm làm vài người quen vốn rất hiếm của chàng ghét sợ hơn là làm cho họ mến mình.

Mỗi khi Hy được rảnh rỗi, Liên và Hy vẫn gặp nhau. Nhưng Hy không tỏ tình thương mến của chàng bằng những lời nói nữa. Chàng gạt những cái ve vuốt ngây thơ của Liên đi một cách giận dữ nghi ngờ, hình như chàng đã nhận thấy Liên không vui thích gì khi tỏ ý thân mật với chàng như vậy. Trong cái tình trạng tôi vừa kể trên kia và giữa lúc tôi đang giúp đỡ Liên trang điểm, Hy bước vào phòng tuyên bố ý định muốn bỏ không làm việc gì cả. Liên không ngờ anh chàng tự nhiên lại nẩy ra cái ý muốn ngồi nhàn ở nhà. Tưởng rằng chỉ có mình nàng, Liên đã tìm cách báo cho Kha biết rằng Hạnh đi vắng và sửa soạn đón tiếp Kha.

Hy hỏi:

"Liên này, trưa nay có bận gì không? Có đi đâu không?"

"Không, trời mưa không đi đâu cả."

"Sao lại mặc cái áo lụa này? Tôi mong là không có ai đến chơi đấy chứ, có đúng không?"

Liên lúng túng:

"Em cũng không biết nữa. Nhưng giờ này anh phải ra đồng làm việc rồi chứ, anh Hy? Ăn cơm xong đã một giờ rồi đấy, em tưởng anh đi rồi."

"Anh Hạnh không mấy khi là không ám chúng mình. Hôm nay tôi không làm việc nữa, ở nhà với Liên."

Liên nói khéo:

"Ờ, nhưng bác Dọi sẽ mách anh Hạnh. Anh đi đi thì hơn."

"Bác Dọi đương tải vôi ở bên kia núi. Dễ đến tối mới xong việc. Bác ta không biết đâu."

Vừa nói Hy vừa đủng đỉnh tiến đến gần lò sưởi ngồi xuống. Liên cau mày suy nghĩ một lát; nàng tìm cách nói có Kha đến cho đỡ rắc rối.

Sau một phút yên lặng, Liên nói:

"Hai anh em Kha, Sa có nói trưa nay sẽ đến chơi. Nhưng trời mưa em không chắc họ đến. Nhưng ngộ họ đến, em không muốn anh bị mắng một cách vô ích."

Hy nói dằn:

"Bảo vú Diễn nói cô mắc bận. Đừng vì hai cô cậu xuẩn ngốc ấy mà đuổi tôi khỏi nhà. Nhiều lần tôi đã toan phàn nàn về tụi chúng... nhưng tôi không muốn..."

Liên nhìn Hy bối rối:

"Về tụi chúng... làm sao? Ơ kìa, vú Diễn, vú chải ngược tóc tôi rồi! Thôi, vú để tôi chải lấy. Anh Hy, anh định phàn nàn về cái gì?"

"Chẳng về cái gì cả... nhưng cô thử nhìn tấm lịch treo trên tường: những dấu chữ thập ghi những chiều cô tiếp đón anh em Kha, những chấm đen ghi những chiều cô ngồi nói chuyện với tôi. Cô xem, ngày nào tôi cũng đánh dấu."

Liên càu nhàu đáp lại:

"Vô lý hết sức! Làm như tôi phải để ý. Cái đó có nghĩa lý gì chứ?"

"Chỉ có một ý nghĩa, đó là tôi, tôi để ý!"

Liên mỗi lúc một cau có hơn, vặn lại:

"Thế ra lúc nào tôi cũng phải ngồi với anh? Ích lợi gì cơ chứ? Anh biết nói chuyện gì? Những lúc anh nói chuyện với tôi hay làm cái gì cho tôi vui lòng, anh chẳng khác nào một người câm hay một đứa trẻ con."

Hy bực tức lắm kêu lên:

"Cô Liên! Chưa bao giờ cô bảo tôi ít nói quá, chưa bao giơ cô bảo cô không thích bầu bạn với tôi."
Liên lẩm bẩm:

"Hừ, bàu bạn cái gì? Khi mà người ta không biết chuyện gì để nói mà cũng chẳng bao giờ nói gì cả."

Hy đứng dậy nhưng chưa kịp nói gì thêm ý nghĩ của mình thì đã có tiếng chân ngựa trên nền gạch. Sau khi gõ cửa rất nhẹ, Kha bước vào, mặt mày hớn hở vì đã đuợc Liên mời đến chơi một cách bất ngờ. Trong lúc một người đi ra và một người đi vào, Liên chắc phải chú ý đến sự trái ngược giữa hai người bạn, cũng như sự trái ngược ta phải chú ý khi đi từ một vùng mỏ đất núi thảm đạm tới một thung lũng tươi đẹp phì nhiêu. Giọng nói và lối chào cũng trái ngược như hình dạng. Tiếng Kha nói ngọt ngào, nhè nhẹ y như giọng của ông ấy, ông Lộc ạ, nghĩa là dịu dàng và không cục mịch như giọng nói của những người chúng tôi ở vùng này.

Kha đưa mắt về phía tôi. Lúc đó tôi mới bắt đầu lau bát và xếp dọn một vài ngăn kéo ở tủ ăn. Chàng nói:

"Tôi đến có hơi sớm một chút phải không?"

Liên đáp:

"Không sớm đâu. Vú Diễn, vú làm gì ở đấy?"

"Thưa cô, tôi xếp dọn. (cậu Hạnh có dặn tôi lúc nào cũng phải có mặt trong khi Kha đến thăm Liên).

Liên tiến đến phía sau lưng tôi nói nhỏ, giọng hơi bực mình:

"Vú đi đi, đem giẻ lau đi. Khi có khách đến nhà thuở nào đầy tớ lại đi lau lau chùi chùi ngay chỗ khách ngồi chơi!"

Tôi cao giọng trả lời:

"Khi ông chủ vắng nhà là một dịp tốt để tôi lau chùi. Cậu Hạnh ghét tôi khuấy rối ở đây trước mặt cậu. Chắc cậu Kha không cự tôi đâu."

Cô ả Liên không để cho người khách kịp nói gì, vội kêu lên như ra lệnh:

"Còn tôi, tôi cũng ghét vú lau chùi trước mặt tôi !"

Liên chưa kịp lấy lại bình tĩnh sau cuộc cãi vã với Hy lúc nẫy; còn tôi, tôi cứ tiếp tục làm việc chăm chú như thường.

Tưởng Kha không nom thấy, Liên giật lấy rẻ lau ở tay tôi rồi như điên dại véo vào cánh tay tôi một cái mạnh.

Tôi đã nói với ông rằng tôi không ưa gì Liên và thỉnh thoảng tôi cũng thích làm nàng khổ nhục về tính kiêu căng. Vả lại nàng véo tôi đau quá. Tôi nhồi nhỏm dậy, kêu lên:

"Cô! Cô chơi xấu thế à? Cô không có quyền véo tôi, tôi không chịu được nước ấy đâu!"

Liên cũng kêu theo:

"Ai chạm vào người vú! Đồ vu oan giá họa!"

Mấy ngón tay nàng ngứa ngáy như còn muốn véo tôi nữa, hai tai nàng đỏ lên vì tức.

Tôi giơ tay cho nàng xem một vết đỏ rực trên cánh tay để nàng cứng họng:

"Thế cái này là cái gì?"

Liên giẫm chân, lưỡng lự một lúc rồi như bị những bản tính xấu hổ xô đẩy không hề cưỡng lại, nàng tát tôi một cái mạnh làm nước mắt tôi trào ra.

Kha can thiệp:

"Cô Liên, cô Liên."

Chàng rất ngượng vì người mình thờ kính đã phạm luôn hai tội: nói dối và hung bạo.

Liên nhắc lại, người run từ đầu đến chân:

"Vú Diễn, vú ra ngay khỏi buồng này!"

Bé Yên Hạ lúc đó ngồi dưới đất cạnh tôi cũng oà lên khóc vì thấy tôi khóc, rồi nó chu chéo bảo "cô Liên ác lắm" khiến Liên lại đổ cả nộ khí lên đầu đứa bé khốn nạn, nắm lấy hai vai nó lắc mạnh quá làm cho đứa bé mặt tái mét. Kha bất giác nắm lấy tay Liên để gỡ ra. Trong một nháy mắt một bàn tay Liên bỏ rời đứa bé và chàng. Kha kinh ngạc thấy bàn tay đó áp mạnh vào má mình, áp một cách không ai có thể cho là tát đùa được. Kha lùi lại, bàng hoàng. Tôi bế Hạ đi vào trong bếp để cửa ngỏ vì tò mò muốn xem họ giàn xếp với nhau ra sao. Kha bị nhục, mặt tái xanh và môi run bắn, đi về phía để mũ.

Tôi nghĩ thầm:

"Thế mà hay, phải, đi đi. Đã biết rõ tính nết thật của cô ả rồi nhé!"

Liên tiến về phía cửa:

"Anh đi đâu?"

Kha vòng ra một bên, tìm lối đi qua. Liên nói quả quyết:

"Anh phải ở lại."

Kha đáp lại giọng yếu ớt:

"Tôi cần phải đi. Tôi đi đây."

Liên cầm lấy quả nắm ở cửa, một mực khư khư nói:

"Không, chưa đi được. Anh Kha, ngồi xuống. Trong lúc tôi thế này anh không thể bỏ tôi đi được. Tôi sẽ đau khổ suốt đêm nay mà tôi lại không muốn đau khổ vì anh."

Kha hỏi:

"Tôi còn ở lại được sao? Sau khi bị cô tát?"

Liên yên lặng, Kha nói tiếp:

"Cô đã làm tôi sợ cô, xấu hổ vì cô. Tôi không trở lại đây nữa."

Mắt Liên bắt đầu long lanh, mi mắt chớp chớp. Kha lại tiếp:

"Vả lại cô đã định ý nói dối."

Liên thốt ra được lời nói:

"Không phải thế. Tôi không định ý làm gì cả. Được rồi, anh cứ đi đi nếu anh thích đi, đi đi! Còn tôi bây giờ... tôi chỉ có việc khóc, khóc cho đến ốm người ra thì thôi."

Nàng quỳ phục xuống, tựa người vào ghế và bắt đầu khóc thật. Kha cương quyết đi ra đến sân; đến đây, Kha lưỡng lự. Tôi quả quyết xúi Kha:

"Cô ấy tính tình bất nhất lắm; làm nũng như cô thì nhiều người, nhưng ác tâm thì không ai bằng. Cậu đi về đi thì hơn, nếu không cô ấy sẽ ốm ngay, và ốm chỉ cốt để quấy rầy cậu thôi."

Cậu Kha mềm yếu liếc nhìn về phía cửa sổ; chàng không sao bỏ đi được cũng như con mèo không sao bỏ con chuột đã vần gần chết hay con chim đương ăn dở. Tôi thầm nghĩ không cái gì có thể cưú thoát Kha được, Kha đã bị vào tròng và Kha để mình trôi theo số phận. Quả nhiên chàng đột nhiên quay bước, đi vội vã vào phòng rồi đóng cửa lại. Ít lâu sau, khi quay lại để báo cho hai người biết là cậu Hạnh đã trở về say như chết, tôi thấy câu chuyện bất bình lúc nẫy chỉ làm cho hai người thân nhau hơn, làm hai người mất hết những bẽn lẽn của tuổi trẻ và giúp hai người không còn dùng tình bạn để che đậy nữa mà có thể thú thực tình yêu với nhau.

Tin Hạnh về làm Kha vội vã lên ngựa và Liên chạy về phòng.

Tôi đem bé Hạnh giấu đi và tháo đạn ở súng Hạnh ra vì trong lúc điên cuồng chàng hay nghịch súng có khi nguy đến tính mạng những ai chọc tức chàng hoặc làm chàng chú ý đến.

--------------------------------

1

Kenneth

 Xem các chương khác