Chương XXX
Kể
từ khi Liên rời khỏi Họa Mi Trang này, tôi có sang bên Gió Hú một lần, nhưng
không gặp nàng. Khi tôi hỏi thăm về nàng, Dọi - tay vẫn giữ cánh cửa không muốn
cho tôi vào - bảo: "Bà Tôn đi vắng. Ông chủ cũng đi vắng." Dị cho tôi
biết một vài điều về nếp sống của mọi người trong gia đình, nếu không thì tôi
cũng khó lòng biết ai còn sống, ai đã chết.
Qua lời lẽ của Dị tôi biết Dị không ưa Liên, cho nàng là kiêu kỳ. Khi Liên mới đến Trại, cô tôi có nhờ Dị giúp một vài việc nhưng Hy bảo Dị cứ làm việc của mình, để mặc cô con dâu của hắn tự lo liệu lấy. Dị vốn tính ích kỷ và nông nổi nên nghe lời ngay. Không được săn sóc, Liên tỏ ra bất mãn một cách trẻ con. Nàng không dấu lòng khinh rẻ Dị và xếp Dị về phía kẻ thù không đội trời chung như thể Dị đã phạm một lỗi lớn đối với nàng. Cách đây mới sáu tuần lễ, tức là trước khi ông đến đây mấy hôm, nhân một bữa gặp nhau trên cánh đồng cỏ, tôi có dịp nói chuyện khá lâu với Dị. Chị ta kể tôi nghe như sau:
"Hôm mới bước chân vào Trại Gió Hú, việc làm đầu tiên của bà Tôn là chạy thẳng lên gác, chẳng thèm chào hỏi lão Dọi và tôi lấy một câu. Bà ta vào phòng Tôn, đóng cửa lại và ở lỳ trong đó tới sáng. Rồi trong lúc ông chủ và Hạ đương ngồi ăn sáng bà ấy chạy vào, người run quýnh lên, hỏi ai có thể mời bác sĩ giúp bà không vì Tôn đau nặng.
Ông chủ Hy tôi đáp:
‘Biết rồi! Nhưng cái mạng của nó không đáng một đồng xu. Tôi cũng không tiêu phí một đồng xu cho nó.’
Bà Tôn nói:
‘Nhưng tôi biết làm sao bây giờ? Không ai giúp tôi thì Tôn chết mất.’
Ông chủ nạt lớn:
‘Cút ngay! Tôi không muốn nghe ai nhắc đến nó nữa! Ở đây không ai hơi đâu bận tâm đến nó. Nếu cô quan tâm thì cô tự săn sóc lấy. Bằng không thì cứ nhốt nó lại mặc xác nó.’
Bà ta quay ra rầy rà tôi. Tôi đáp là tôi đã khổ về cậu ấy lắm rồi. Mỗi người mỗi việc: việc của bà ta là săn sóc Tôn và ông Hy đã ra lệnh cho tôi để mặc bà ta làm việc ấy.
Họ đã xoay sở với nhau ra sao, tôi chả biết sao mà nói. Tôi chắc cậu quấy quá ghê lắm, cậu rên rẩm suốt ngày đêm. Bà Tôn thì ít được nghỉ ngơi: cứ trông cái vẻ mặt xanh mướt và đôi mắt nặng chịch thì đủ biết. Thỉnh thoảng bà ta vào nhà bếp, ngơ ngơ ngác ngác, có vẻ như muốn cầu xin sự giúp đỡ. Nhưng tôi đâu có dám trái lời ông chủ dặn. Chưa bao giờ tôi dám trái lời ông ấy, bà Diễn ạ! Tôi biết không cho mời ông đốc tờ Kiên là sái, nhưng tôi là cái quái gì mà dám cho ý kiến, mà than vãn để người ta nghe thấy. Tôi chả dại gì mà dính vào chuyện thiên hạ. Có một hai lần sau khi mọi người đi ngủ cả rồi tôi tình cờ mở cửa ra thì thấy bà Tôn ngồi ở đầu cầu thang khóc, tôi quay về phòng ngay. Tôi sợ bị mủi lòng mà lôi cuốn vào chuyện riêng của bà ấy. Thực tình, những lúc đó tôi nghĩ cũng thương bà ta nhưng dại gì để mất chỗ làm, nói thế chắc bà hiểu.
Rồi một đêm bà Tôn chạy xộc vào phòng tôi, nói làm tôi hoảng hồn:
‘Chị đi báo ngay cho ông Hy biết con trai ông ấy sắp chết... lần này thì chắc chắn. Chị dậy báo tin ngay đi...’
Nói xong bà ta biến mất. Tôi nằm nghe ngóng đến mười lăm phút, người cứ sợ run lên. Nhưng chẳng thấy một tiếng động nào cả, suốt nhà im lặng như tờ.
Tôi nghĩ bụng: 'Chắc bà ấy lầm. Tôn hết cơn đau rồi. Chẳng cần mất công làm rộn mọi người'. Tôi đương thiu thiu ngủ lại thì một tiếng chuông giật mạnh làm tôi tỉnh giấc... cái chuông duy nhất trong nhà dành riêng cho Tôn dùng khi khẩn cấp. Ông chủ gọi tôi, bảo lên coi xem có chuyện gì và bảo chúng nó biết là ông không muốn tiếng ồn ấy được lập lại.
Tôi báo cho ông Hy biết việc Liên nhờ tôi báo tin. Ông chửi thề. Mấy phút sau ông cầm cây đèn nến đi lên phòng họ. Tôi theo sau.
Bà Tôn ngồi cạnh giường, tay khoanh trên đầu gối. Ông chủ tiến vào đưa ngọn nến soi mặt Tôn bắt mạch rồi quay sang bà hỏi:
‘Sao? Cô thấy sao?’
Không có tiếng trả lời. Ông nhắc lại:
‘Cô cảm thấy sao, Liên!’
Bà Tôn nói:
‘Tôn chết rồi. Tôi được tự do. Lẽ ra tôi phải cảm thấy dễ chịu...nhưng (Liên nói tiếp với vẻ chua chát) ông đã bỏ tôi một mình chống chọi với cái chết lâu quá nên tôi chỉ thấy những chết là chết. Tôi cảm thấy mình như người chết rồi!’
Nom bà ta cũng có vẻ như chết rồi thật! Tôi rót cho bà ít rượu. Hạ và Dọi, nghe tiếng chuông và tiếng chân nhộn nhịp cũng đều thức giấc và sau khi nghe chuyện đối đáp trong phòng cũng kéo nhau vào. Thằng bé chết, Dọi không có vẻ buồn, vui là khác, tôi đoán thế. Hạ thì hơi bối rối một chút, tuy nhiên hắn mải giương mắt nhìn Liên hơn là nghĩ tới Tôn. Ông chủ bảo Hạ về phòng ngủ, không ai cần đến hắn. Rồi ông bảo lão Dọi đem xác Tôn qua phòng lão, đuổi tôi ra, thế là chỉ còn bà Tôn một mình trong phòng.
Sáng hôm sau, ông chủ sai tôi kêu bà ấy xuống ăn sáng... Mợ đã cởi quần áo, có vẻ như sắp đi ngủ và nói là bà ta đang ốm. Tôi không ngạc nhiên, xuống nói lại cho ông Hy biết thì ông ấy bảo:
‘Thôi. Mặc nó cho đến khi đưa đám xong. Thỉnh thoảng chị lên mang cho nó những thức cần dùng. Khi nào thấy nó kha khá nhớ cho tôi biết.’
Theo lời Dị nói thì Liên ở lỳ trên lầu đến hai tuần lễ. Mỗi ngày Dị lên thăm nàng hai lần. Dị tỏ ra thân thiện với nàng hơn, nhưng ý muốn làm thân của Dị đều bị nàng khước từ một cách cao ngạo.
Một lần Hy lên lầu, đưa nàng xem bản chúc thư của Tôn. Nó di tặng cho cha nó tất cả những gì nó có, kể cả những bất động sản của Liên. Thằng bé đáng thương đã bị đe dọa hoặc bị dỗ dành làm chuyện đó trong thời gian Liên vắng mặt một tuần khi bác nó chết. Còn về đất đai, vì Tôn còn là vị thành niên nên không được quyền xử dụng. Nhưng ông Hy đã đòi giữ các phần đất ấy theo quyền thừa hưởng của vợ ông cũng như của chính ông một cách hợp pháp, tôi chắc thế. Dẫu sao, Liên vì không bè bạn không tiền bạc nên không thể tranh giành tài sản với hắn được.
Dị kể rằng:
"Ngoại trừ có một lần ấy, còn ngoài tôi ra không một ai tới cửa phòng bà ta bao giờ... cũng chẳng ai hỏi han gì bà. Lần đầu tiên bà ấy xuống nhà là một buổi trưa chủ nhật.
Khi tôi mang bữa trưa lên thì bà Tôn kêu lạnh không chịu nổi. Tôi báo cho bà ấy biết là ông chủ đang sửa soạn sang bên Họa Mi Trang, còn Hạ và tôi thì đâu có cấm bà ấy xuống nhà dưới. Vừa nghe tiếng vó ngựa của ông chủ là bà ta xuống ngay, mặc toàn đồ đen, tóc chải vén mang tai vuốt ra sau gáy nom rất giản dị vì bà ấy không biết cách chải bồng.
Ngày chủ nhật Dọi và tôi thường đi lễ. Dọi đã đi trước nhưng hôm ấy tôi nghĩ tốt hơn nên ở nhà. Hạ tuy nhút nhát thật nhưng hắn không phải là mẫu người lịch sự, cần phải có người lớn trông chừng.
Tôi bảo hắn biết là cô em họ có lẽ sắp xuống nhà dưới, bà ấy rất coi trọng ngày của Chúa vậy hắn không nên rớ tới súng đạn trước mặt bà ta. Nghe thấy thế, hắn đỏ mặt lên, đưa mắt nhìn lại bàn tay và quần áo mình. Dầu nhớt và thuốc súng được chùi sạch trong giây phút. Tôi thấy hắn có ý đánh bạn với bà Liên và xem điệu bộ, tôi đoán hắn định ăn mặc cho ra vẻ một chút. Tôi vừa phì cười - có ông chủ ở nhà tôi đâu dám cười thế - vừa bảo tôi sẵn sàng giúp hắn một tay, nếu hắn muốn. Tôi bông đùa giễu hắn vì thấy hắn quýnh quáng quá. Không ngờ hắn xa xầm nét mặt lại và lẩm bẩm chửi thề."
Dị thấy tôi không thích cái lối bông đùa của chị ta, mới nói:
"Bà Diễn ạ, chắc có lẽ bà coi cô chủ quá cao sang đối với Hạ. Có thể bà có lý. Nhưng thú thực là tôi lại muốn hạ bớt cái thói kiêu căng của bà ta xuống một bậc. Thử hỏi tất cả những cái học vấn và vẻ thanh nhã của bà ta phỏng giúp được gì cho bà ấy? Bây giờ bà ấy cũng nghèo như bà và tôi, nghèo hơn là đằng khác, tôi dám cá như vậy. Bà còn để dành dụm được, còn tôi cũng bỏ ống từng xu nhỏ..."
Hạ để cho Dị giúp ăn mặc cho tề chỉnh. Chị ta lại tâng bốc anh chàng khiến anh chàng khoái. Khi Liên tới - theo lời Dị kể - chàng quên gần hết những lời chửi bới nàng hôm trước và cố làm đẹp lòng nàng.
Dị nói, "Bà ta đi vào, mặt lạnh như tiền và cao ngạo như bà chúa. Tôi đứng dậy nhường ghế cho bà ấy ngồi. Nhưng bà không thèm để ý đến phép lịch sự của tôi, vênh mặt lên quay nhìn chỗ khác. Hạ cũng đứng dậy, mời bà ấy đến chiếc ghế dài ngồi gần lò sưởi vì hắn tin là bà ta đương rét cóng.
Bà ấy gằn từng tiếng đáp lại một cách mỉa mai:
‘Tôi đã rét cóng từ hơn một tháng trời rồi.’
Rồi bà ta tự nhấc một chiếc ghế ngồi cách xa hai đứa chúng tôi. Ngồi một lúc cho ấm rồi bà đưa mắt nhìn xung quanh và thấy mấy quyển sách trên tủ chén. Thế là bà ta đứng ngay dậy kiễng chân lên lấy nhưng không với tới vì cao quá. Thằng anh họ ngồi nhìn bà loay hoay một hồi mới thu hết can đảm đứng lên lấy giúp. Bà ta túm vạt áo mình lên hứng, hắn vớ được cuốn nào lại bỏ vào đấy.
Đó là bước đầu có lợi lớn cho thằng nhỏ... Tuy bà Liên không nói cám ơn, nhưng Hạ thấy sung sướng được bà nhận sự giúp đỡ của mình và hắn còn dạn dĩ đứng sau lưng bà trong lúc bà đọc sách. Hắn cúi xuống chỉ trỏ mấy chỗ vẽ hắn thấy khoái trong mấy bức tranh. Bà ấy giật trang sách không để ngón tay của hắn chạm vào. Hắn không tỏ vẻ khó chịu, chỉ khẽ lùi người một chút và ngó bà ta thay vì ngó sách. Trong lúc bà mải đọc hắn cứ ngắm mãi những lọn tóc dầy và xoăn của bà ta, rồi như một đứa con nít nhìn mãi vào ngọn lửa và bị thôi miên, hắn bắt đầu rờ rẫm trong vô thức. Hắn đưa bàn tay vuốt ve lọn tóc một cách nhẹ nhàng như vuốt ve một con chim. Bà ta bỗng giật mình quay phắt lại, hoảng hốt như thể vừa bị hắn đâm một nhát dao vào cổ.
‘Cút ngay! Sao dám đụng vào tôi? Đứng đực mặt ra đấy à? (Bà ta la lên, giọng khinh bỉ). Anh làm tôi khó chịu. Nếu anh còn tới gần tôi, tôi sẽ bỏ ngay lên gác!’
Hạ, dáng điệu ngờ nghệch, lùi lại. Hắn ngồi xuống ghế, nín khe; còn bà ta thì tiếp tục lật các trang sách đến nửa giờ đồng hồ nữa. Sau cùng, Hạ bước lại phía tôi, nói khẽ:
‘Chị nói cô ấy đọc to lên cho tụi mình nghe đi, chị Dị. Ngồi không tôi chán lắm... tôi thích... thích nghe cô ấy đọc. Nhưng chị đừng nói là tôi thích nhé. Chị làm như chị thích ấy...’
Tôi nói ngay:
‘Thưa mợ, cậu Hạ muốn xin mợ đọc chuyện cho chúng tôi nghe. Cậu ấy sẽ... sẽ cám ơn mợ lắm.’
Bà ta cau mày, ngước lên nói:
‘Anh Hạ, và tất cả mấy người ở đây, xin mấy người nhớ rằng tôi không ưa mấy người săn sóc tôi. Mấy người chỉ giả nhân giả nghĩa thôi. Tôi khinh mấy người. Tôi không muốn nói chuyện với mấy người. Trong khi tôi hy sinh cả một đời để đổi lấy một lời âu yếm của một người trong bọn các ngươi thì tất cả các ngươi đều xa lánh tôi. Nhưng tôi chả phàn nàn với các người làm gì! Tôi chỉ vì lạnh cóng nên mới phải ra khỏi phòng. Tôi không xuống đây để làm trò giải trí cũng không phải để bầu bạn với mấy người.’
Hạ mở miệng nói:
‘Tôi làm gì cơ chứ? Sao lại mắng tôi?’
‘Ừ! Anh là một ngoại lệ. Anh có ân cần với tôi cũng bằng thừa. Tôi đâu cần!’
Hạ đáp:
‘Đã nhiều lần tôi tình nguyện... tôi xin... xin ông Hy để tôi được thức thay cô...’
‘Im đi! Nếu không im tôi ra khỏi phòng này ngay. Tôi đi đâu không cần biết miễn là đi khuất mắt để khỏi phải nghe cái giọng khó chịu của anh.’
Hạ làu nhàu nguyền rủa ma quỷ bắt bà ta đi. Rồi hắn đứng lên, bất kể ngày của Chúa kiêng sát sinh, hắn nhấc cây súng ở trên tường xuống. Bà Liên định rút lui vào phòng riêng và nằm lỳ trong đó, nhưng khốn nỗi trời bắt đầu đổ mưa tuyết lạnh giá khiến bà ta dù kiêu ngạo cũng đành phải ở với bọn tôi ngày một lâu hơn.
Để bà ta khỏi khinh rẻ tôi, tôi luôn luôn tỏ ra cứng cỏi không thua bà ta. Chả ai ở bên đó thương bà, với lại, bà ta cũng chả đáng được ai thương. Hễ ai nói động một tiếng là bà ta quặu cọ chả nể nang ai. Bà ta chửi cả ông chủ, dám thách ông chủ đánh bà. Càng bị đánh đau bà ta càng nanh nổ."
Thoạt đầu, nghe Dị kể, tôi đã tính bỏ việc, kiếm một ngôi nhà nhỏ và tìm cách đưa Liên về ở với tôi. Nhưng nếu Hy cho phép tôi làm thế thì có khác nào hắn gây dựng cho Hạ ở một căn nhà riêng. Bây giờ tôi thấy chỉ có một cách giải quyết là đưa nàng sang ngang, một dự tính mà tôi không đủ khả năng để thực hiện.
° °
°
Câu
chuyện của bác Diễn kể đến đây là kết thúc.
Trái với lời bác sĩ, tôi lại sức rất nhanh. Tuy mới trung tuần tháng giêng tôi
đã có ý định một hai ngày nữa cưỡi ngựa đến Gió Hú báo cho chủ nhà biết tôi sắp
về Luân Đôn ở sáu tháng tới và nếu tiện, sau tháng mười, ông ta có thể tìm một
khách thuê khác. Không có gì bắt buộc tôi phải ở đây thêm một mùa đông nữa.
vietmessenger.com