Saturday, May 4, 2019

NHỚ VỀ NHỮNG NGƯỜI CHIẾN SĨ ÁO ĐEN XÂY DỰNG NÔNG THÔN

Fr: Nhon Nguyen*Huynh Bich Phan

NƯỚC MẮT TRẺ THƠ
Và NHỮNG NGƯỜI ĐÃI NGỌC
Viết nhân ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng và 20 năm mất nước để ghi nhớ một thời Những Chàng Trai Hành Chánh sát cánh cùng Đoàn Cán Bộ Áo Đen XDNT cùng nhau dựng Ấp, xây Làng
        
                                     https://www.youtube.com/watch?v=pOPxd8Neh98



Chương trình văn nghệ nhân ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng năm nay do Hội Phụ Nữ Hải Ngoại tổ chức được khởi đầu bằng bài hát Làng tôi do cháu gái 7 tuổi trình diễn:
Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh
Có sông sâu lơ lững vờn quanh…
Nhìn cánh chim non lạc đàn, run rẩy chim chíp tiếng kêu thương nhớ Làng, nhớ Tổ đã khó kìm nước mắt. Kịp khi vừa dứt bài ca, cháu bé oà khóc, kêu lên vì cháu nhớ Ngoại, thì cũng đành khóc oà cùng với cháu bé. Khóc không phải vì nhớ Ngoại, vì Ngoại của người viết đã mất từ lâu, mà khóc thương cho cháu bé, vì đâu nên nỗi? , 
 Tôi muốn nói về hàng vạn người âm thầm đãi ngọc ngày trước, những người bền bỉ giữ làng, dựng ấp: Các chiến sĩ áo đen Xây Dựng Nông Thôn.
Họ vốn là những người trai làng chất phác, học vấn tuy ít ỏi, nhưng đức tính cần cù, nhẫn nại, lòng ngay thật có thừa, cho nên được giao cho công việc truy tầm lại dấu tích đẹp đẽ của cha ông ngày trước.
Hương Ước: Một cố gắng tái hiện truyền thống Dân tộc Phép vua thua lệ làng”
Sau khi cùng với dân làng đổ mồ hôi, nước mắt, kể cả nhiều khi đổ máu nữa, đề cùng nhau dựng nên hàng rào phòng thủ Ấp, người cán bộ áo đen liền xúc tiến việhttp://www.youtube.com/c tổ chức đội ngũ Nhân dân tự vệ để giữ làng, giữ ấp, chống lại sự xâm nhập, quấy phá của du kích V.C. Hai công tác này làm xong thì coi như đã hoàn thành mục tiêu “Tự Phòng”. Bây giờ là lúc tiến hành mục tiêu “Tự Quản” trong đó công tác xây dựng “Hương Ước” là chủ yếu. Nước có Hiến Pháp, Làng có Hương Ước. Hiến pháp là luật pháp tối cao của Quốc Gia. Hương Ước là giềng mối của đời sống dân làng. Đó là bản văn ghi lại những nghĩa vụ và quyền lợi, những mỹ tục lâu đời, những điều cấm kỵ đặc trưng của địa phương, do dân làng long trọng kết ước với nhau. Việc làm tuy chưa đuợc hoàn mỹ, vẫn là một cố gắng thể hiện lại một nét đẹp của truyền thống thôn làng Việt Nam: Truyền thống địa phương phân quyền theo đạo lý riêng của Việt tộc.
Trung tâm Cộng đồng hay Nhà họp dân: Trở về với Truyền thống Cái Đình”
Ngày xưa Đình làng là nơi để cho Kỳ mục và dân làng họp bàn việc làng, việc nước. Cũng là nới hội hè, đình đám vui chơi trong những ngày lễ hội truyền thống. Về sau, lênh đênh theo vận nước nổi trôi, hết thực dân rồi chiến tranh, Đình làng chỉ còn là nơi thờ tự, Xuân Thu nhị kỳ tế lễ. Để bổ sung phần mất mát trọng yếu đó, chương trình Xây Dựng Nông Thôn đề ra công tác xây dựng Trung tâm cộng đồng mà dân làng gọi bằng cái tên rất Việt Nam là Nhà Họp Dân. Người viết có một kinh nghiệm lý thú về sự kết hợp hài hoà giữa hai kiến trúc cũ mới đó khi đồng ý để cho đoàn cán bộ áo đen thỏa thuận với Ban Hội Hương dùng vật liệu và ngân khoản của chương trình XDNT thực hiện dự án mở rộng tiền đình của Đình làng thành Nhà Họp Dân. Sự kết hợp hài hoà đó đã đem lại đầy đủ công năng, tính chất dân chủ truyền thống của triết thuyết “Cái Đình” cổ truyền. Mô hình tốt đẹp đó chưa kịp mở rộng ra thì lũ giặc Cộng tràn về, xua đuổi dân làng ra khỏi nơi họp hành, thờ tự, để rồi biến chỗ biểu tượng truyền thống thôn làng đó thành nơi sản xuất hàng hoá: Đó mới là tội ác lớn lao, hủy hoại truyền thống Dân Tộc.
Khẩn hoang, lập ấp: Tái hiện mô thức Tỉnh điền
Nếu hiểu rằng Tỉnh điền là phương cách thực hiện nguyên lý quân phân tài sản thuở xưa, thì trong hiện đại, đó là chủ trương hữu sản hóa đại chúng. Đệ Nhất Cộng Hòa có chương trình hữu sản hoá tài xế xe Taxi, tức là chương trình bán trả góp xe taxi cho người lái xe thuê. Đệ Nhị Cộng hòa có chương trình “người cày có ruộng”, tức là hữu sản hoá nông dân cày thuê bằng cách truất hữu điền chủ lớn, chia cho nông dân mỗi gia đình 3 mẫu. Khẩn hoang, lập ấp là kế hoạch nối tiếp của chương trình người cày có ruộng , nhằm tái định cư và hữu sản hoá người dân nghèo ở những vùng thiếu đất canh tác, ví dụ như các Tỉnh miền Trung.
Hồi đó, mấy “ông nhỏ” phụ trách thiết kế chúng tôi đều là giới trẻ tân học nên chẳng có “vị” nào tận mắt thấy cái đồ hình “Tỉnh điền” xưa. Vậy mà khi bắt tay vào việc, chẳng biết mày mò thế nào mà vẽ ra được bản đồ án gần đúng với mô hình Tỉnh điền, mà về sau nầy, khi ở tù V.C. ra, có dịp đọc bộ Triết lý Việt nho của Giáo sư Kim Định mới so sánh nhận ra được. Về hình thức thì mô hình đó cũng đơn giản thôi, chủ yếu là cứ 50 hộ dân cư qui lại thành một khu gia cư, giữa khu cho đào một giếng nước công cộng. Kế hoạch đơn giản có vậy thôi, nhưng khi thực hiện là gian nan lắm. Từ khi khảo sát địa điểm đã có nguy cơ lãnh đạn bắn sẻ của du kích V.C. rồi. Đến khi bắt đầu ủi hoang lập khu gia cư, thì chỉ riêng một khu định cư Thái Thiện, Long Thành thôi, V.C. đột kích bắn cháy liền một lúc 6 chiếc xe ủi đất. Tiểu khu liền thảy vào nguyên một Tiểu đoàn Địa phương quân mở đường ủi tiếp. Mặt quân sự đã vậy, công việc quản trị dân sự cũng gay go không kém. Lớp lo đối phó với những hoang mang giao động của người dân khẩn hoang, lớp lo trấn an những nghi ngại về đất đai đối với người dân sở tại. Hồi đó hầu như phải tập trung cả Tỉnh đoàn cán bộ XDNT về khu này công tác. May nhờ sự tận tụy của đoàn cán bộ áo đen, mọi việc được tiến hành êm ả. Đời sống của người dân khẩn hoang vừa mới ổn định, nhà cửa xây dựng khang trang, sắp khởi đầu canh tác vụ mùa đầu tiên, thì giặc cướp tràn đến, phá sập hết nhà cửa, đuổi gần 2 vạn dân trở về nguyên quán Miền Trung, tiếp tục sống đói nghèo cho mãn kiếp.
Trên đây là những mảnh ngọc truyền thống xưa do công khó của những người chiến sĩ áo đen đãi lọc. Khốn nỗi chất ngọc thì ít, mà chất bẩn vẫn tạp, sỏi cát trộn lẫn thì nhiều, nên chưa kịp trưng ra vẻ đẹp ngọc ngà, thì cơn cuồng phong quỷ Đỏ đã ập tới, cuốn phăng tất cả vừa người, vừa ngọc. Người đãi ngọc lầm than tù đày, rồi về sống âm thầm tủi nhục nơi quê cũ. Ngọc thì lại thêm một phen thất tán, tiêu trầm.
Nhân ngày lễ giỗ Hai Bà, lấy chút nước mắt trẻ thơ hòa cùng giòng dư lệ của lớp già, rửa qua lớp bụi thời gian, để cho sắc ngọc xưa chiếu lấp lánh một lúc trong lòng người tỵ nạn tha hương. Mong rằng những ai hiện nay đang đôn đáo tìm cầu loài ngọc giả phù hoa, khi còn khi mất, bình tâm nghĩ lại. Vẫn biết rằng công cuộc giật sập căn nhà Mát xít duy vật hiện nay là khó lắm, nhưng xin ai đó chớ thối chí chạy quanh, toan tìm đường thoả hiệp với giặc cướp. Cho dù chúng có để yên cho quý vị về Nước, dựng lại Nhà, thì căn nhà được xây trên nền móng “nửa Mát xít duy vật, nửa tư bản vụ lợi” đó, chỉ có thể xông lên độc khí hại người, chứ không thể nào là Ngôi nhà Việt Nam sáng sủa và thoáng đãng được. Nếu quý vị cứ quyết ý làm thế, thì chắc chắn sẽ có ngày thế hệ kế tiếp cháu bé 7 tuổi kể trên, sẽ một lần nữa cất tiếng khóc than vì nhớ “Bà cụ cố” thôi. Chi bằng chúng ta, muôn người như một, đồng lòng quyết ý, xúm nhau vừa gây áp lực ở hải ngoại, vừa cổ võ tinh thần tranh đấu đòi Dân sinh, Dân chủ của đồng bào trong nước. Nếu cứ trì chí, nhẫn nại như vậy cho đến khi bọn giặc cướp vì tranh ăn, xấu xé lẫn nhau, thì chúng ta cũng có cơ hội phá sập một lần căn nhà “Xã nghĩa” ma quỷ đó, để cùng nhau xây dựng “Ngôi Thái Thất” tráng lệ của giống giòng Lạc Việt. Chỉ như vậy mới mong có ngày được nghe lại tiếng hoan ca của đàn trẻ thơ đồng vọng trên Quê Việt mến yêu:
Tết Trung thu đốt đèn đi chơi
Em đốt đèn đi khắp phố phường
Đèn ông Sao với đèn Cá chép
Đèn Thiên nga với đèn Bươm bướm
Em đốt đèn nầy dưới trăng Rằm
Mong lắm vậy thay!
3-1995