44 năm thất lạc, hai chị em gốc Việt đoàn tụ, nhờ một xét nghiệm ADN 99 đô la
Băng Thanh | ĐKNHai chị em sau 44 năm đã ở cạnh nhau (ảnh: CBS Denver).
Đầu năm 2019, một phụ nữ sống ở thành phố Denver, tiểu bang Colorado, Mỹ bất ngờ đoàn tụ được với người em gái bị thất lạc, sau gần 44 năm, nhờ một xét nghiệm ADN 99 đô la.
Theo bản tin của đài truyền hình địa phương CBS Denver, bà Berni Slowey và người em gái tên Rose sinh ra ở Việt Nam vào đầu thập niên 70, có cha là một quân nhân Mỹ và mẹ là người Việt Nam. Vào cuối tháng 4/1975, bà Berni lúc đó mới 4 tuổi và cô em tên Rose lên 2 tuổi.
Trong cảnh hỗn loạn để lên máy bay qua Mỹ vào thời điểm cuối tháng 4 định mệnh, cô em Rose không hiểu vì lý do gì bị thất lạc trong đám đông. Đến lúc phải lên máy bay, bà mẹ vẫn không kiếm thấy đứa con nên đành đau đớn dẫn đứa con còn lại ra đi.
Bà mẹ cùng cô con gái Berni đoàn tụ với chồng ở Mỹ. Họ lúc đầu ở Grand Island, tiểu bang Nebraska, sau đó dọn tới Littleton ở Colorado năm 1984. Hai ông bà có thêm 3 đứa con ở Mỹ, nhưng không bao giờ họ nhắc tới đứa con gái thất lạc, bị bỏ lại ở Sài Gòn.
“Tôi không hiểu hết mọi sự, và mẹ tôi không bao giờ nói về việc này”, bà Berni nói. Bà cho biết mẹ mình cứ mang trong lòng sự xấu hổ và cảm giác tội lỗi vì đã để lại đứa con gái ở đó.
Hai chị em ngày còn nhỏ (ảnh: Berni Slowey).
Bà Berni trở thành một nữ doanh nhân thành công, lập gia đình và có hai đứa con trai. Năm 1995 bà và mẹ về Việt Nam, tìm kiếm em gái Rose, nhưng không thành công.
Năm 2012, mẹ bà qua đời vì biến chứng của bệnh tiểu đường.
“Điều sau cùng mẹ tôi nói với tôi là bà luôn ước mong có thể tìm lại được Rose để đưa về Mỹ. Tôi biết mẹ tôi vẫn mong mỏi có cuộc đoàn tụ và tôi biết điều này ám ảnh bà trong bao nhiêu năm trời”.
Nhưng bà Berni Slowey không hề biết rằng người em Rose, được một gia đình ở Sài Gòn nhận làm con nuôi. Khi được bà được 11 tuổi, cả gia đình sang Mỹ sinh sống, lúc đầu ở Dallas, Texas, sau đó ở một số thành phố miền Tây nước Mỹ.
Cả hai chị em đều không thể ngờ rằng họ đang sống trong cùng một quốc gia. Tên của bà Rose sau khi sang Mỹ được đổi là Vannessa. Mẹ nuôi cũng không bao giờ nói rằng bà là con nuôi hoặc kể xem họ đã tìm thấy bà trong trường hợp nào. Cuối cùng, đến tháng 5/2018, mẹ nuôi mới kể hết sự tình, gia đình tìm thấy bà trên đường phố Sài Gòn khi bà chỉ mới 2 tuổi, và bà được họ nhận làm con nuôi.
“Tôi nhớ là mình đã khóc quá chừng khi lần đầu tiên biết sự thật”, bà Vannessa nói. Ý nghĩ đầu tiên của bà là “phải tìm cho ra gia đình mình”.
Một buổi tối, bà Vannessa, lúc này 45 tuổi, đang ngồi xem ti vi cùng chồng và 3 đứa con, thấy quảng cáo thử nghiệm ADN, nên quyết định sẽ dùng dịch vụ này, với hy vọng tìm ra gia đình thất lạc.
Bà trả số tiền 99 USD, giao nộp mẫu nước miếng quẹt vào que thử nghiệm. Chỉ ít ngày sau, bà nhận được thông báo là có họ hàng ở tiểu bang Colorado cũng nộp mẫu ADN.
Ít ngày sau đó, Berni và Vannessa nói chuyện với nhau qua điện thoại, kể lại những gì họ còn nhớ về Việt Nam và sự xa cách. Một kết quả thử nghiệm ADN khác, kỹ càng và tinh vi hơn, đã xác nhận rằng họ là hai chị em ruột.
Hai chị em gặp nhau lần đầu tiên ở Denver vào đầu năm nay, bà Vannessa đã bay từ Quận Cam, tiểu bang California, đến Denver để gặp chị và các em, lần đầu tiên sau gần 44 năm. Họ có một cuối tuần hàn huyên, đầy nước mắt, tiếng cười và những câu chuyện bất tận.
Trước khi gặp lại chị, bà Vannessa không hề biết mình từng có tên là Rose. Bà nay gọi mình là Vannessa Rose.
Cuộc trùng phùng đẫm nước mắt ở thành phố Denver, tiểu bang Colorado (ảnh: CBS Denver).
Hai chị em hy vọng câu chuyện của họ sẽ khuyến khích những người khác, nhất là những người được nhận làm con nuôi, tiếp tục tìm kiếm gia đình của mình và không mất niềm hy vọng.
“Đây đúng là giấc mơ”, bà Vannessa nói. “Tôi cứ sợ tỉnh giấc. Tôi đã lưu lạc quá lâu, đã 43 năm rồi. Tôi chỉ muốn trở về và nay tôi đã tìm thấy đường về nhà”.
Voices of Vietnam from Colorado:Berni Slowey
https://www.youtube.com/watch?v=JPK3JQ8VpYU
It was April of 1975, and my father who was an American GI had left the war and went home to Nebraska. Knowing that the North Vietnamese were going to be cominginto Saigon we evacuated. My mother and I flew probably two or three different planes before we even got to Nebraska.When we arrived my mother and I were the first ones. Knowing that the Vietnam War was very unpopular we were having to hide a little bit. I was looking for other kids to play with, and I can tell that I'm not welcome, and it was because I wasn't speaking English. I was 14 when I moved to Colorado, and there was much more of an embracing of my culture. With
all of the chaos that I experienced when I was young and being uprooted, I really felt at home in Colorado.