Tâm Minh | Đại Kỷ Nguyên
Mượn cách nói của Leonardo da Vinci, nếu như “hội họa là thi ca để chiêm ngưỡng hơn là cảm nhận, và thi ca là hội họa để cảm nhận hơn là chiêm ngưỡng”, thì tuyệt phẩm “Il Sogno” (Giấc mơ) của Michelangelo chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa hội họa và thi ca.
“Giấc mơ” chỉ là một bức trong chùm tranh mà Michelangelo dành tặng cho người bạn tri kỷ của mình – chàng quý tộc Tommaso de’ Cavalieri ở thành cổ Roma. Tommaso được biết đến là chàng trai thông minh, hào hoa, lịch lãm, từng được người họa sĩ ca ngợi là “ánh sáng của thế kỷ”, là “chuẩn mực của thế gian”. Tình bạn của họ kéo dài hơn 30 năm, từ những ngày đầu gặp gỡ vào năm 1532 cho tới tận giây phút cuối cùng khi Michelangelo nằm trên giường bệnh năm 1564. Trong quãng thời gian ấy, ông đã gửi cho Tommaso rất nhiều thơ và thư từ, kèm theo đó là một vài tranh vẽ. Bức “Giấc mơ” dù chưa thực sự đến tay Tommaso nhưng cũng là món quà mà Michelangelo ấp ủ dành tặng người bạn trẻ của mình.
BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG BỨC HỌA
Bức vẽ có bố cục và ý tứ rất rõ ràng: Nổi bật giữa bức tranh là hai nhân vật chính – một thiên sứ từ trời giáng xuống và một chàng trai vừa tỉnh từ giấc mơ. Xung quanh chàng trai là đám đông nhạt nhòa, cảnh tượng mờ mờ ảo ảo giống như cơn mộng mị.
Trong đám đông hỗn loạn ấy, mỗi người làm một việc và gần như không có sự gắn kết với nhau: kẻ thì nốc cả bình rượu vào miệng, kẻ thì đắm chìm trong cơn ân ái, kẻ đang cầm túi tiền nặng trịch, kẻ lại đang ẩu đả – người thì cầm côn, người thì giật tóc, người thì túm áo, lại có kẻ biếng nhác gục đầu vào cánh tay mà ngủ, v.v. Những hình ảnh này gợi nhớ về “bảy mối tội đầu” (seven deadly sins) được nói đến trong Cơ Đốc giáo, bao gồm: ngạo mạn, tham lam, dâm dục, phẫn nộ, phàm ăn, đố kỵ, và lười biếng.
Ở chính giữa bức tranh, chàng trai trẻ ngồi tựa vào quả cầu lớn trên chiếc hộp có phủ tấm khăn mềm. Tấm khăn ấy cũng giống như bức màn sân khấu, khi vén lên sẽ để lộ ra bên trong là những chiếc mặt nạ của rất nhiều vai diễn khác nhau. Từ dáng ngồi của người thanh niên trong tranh, có thể đoán rằng anh vừa mới ngủ gục bên trái cầu chỉ vài phút trước đó. Nhưng rồi một thiên thần từ trên trời giáng xuống, ngài thổi vang cây kèn khiến người thanh niên kia choàng tỉnh giấc.
Một bản sao của tác phẩm “Il Sogno” – Michelangelo. (Ảnh: Public Domain)
Nếu cắt ngang bức tranh sẽ thấy nửa bên dưới (phía chàng trai) thì mờ mịt và hỗn loạn – ấy là trần thế, còn nửa bên trên (phía thiên thần) thì sáng sủa và thoáng đãng – ấy là bầu trời. Còn nếu bổ dọc bức tranh sẽ thấy có hai chiều chuyển động: ánh nhìn của chàng trai hướng lên, và cặp mắt của thiên thần hướng xuống, cả hai giao nhau tại cây kèn trumpet, kéo sự chú ý của chúng ta vào điểm cuối cây kèn. Đó là điểm chính giữa vầng trán chàng trai, trùng khớp với vị trí của “thiên mục”, hay ‘mắt trời’.
Nếu như thiên thần ngự trên không trung hoặc đứng trên mây lành để thổi kèn, thì chúng ta sẽ hiểu rằng âm thanh vang dội ấy làm chàng trai tỉnh giấc. Nhưng ở đây thì khác, cây kèn không hướng vào tai mà là vào thiên mục, cho nên sự thức tỉnh ấy cũng mang một ý nghĩa khác: thức tỉnh về tâm linh. Không phải thể xác thức tỉnh, mà là tâm linh đang thức tỉnh!
Điểm cuối cây kèn trùng khớp với vị trí của “thiên mục”, hay ‘mắt trời’. (Ảnh: Public Domain)
Từ đây chúng ta có thể dễ dàng lý giải những chi tiết mang tính biểu tượng trong tranh: Quả cầu mà chàng trai ngồi tựa vào gợi liên tưởng đến Trái Đất, cũng chính là nơi trần gian ô trọc. Những chiếc mặt nạ sân khấu cho thấy thế giới này giống như một trường hý kịch, và mỗi chúng ta là diễn viên trong chính vở kịch của mình. Trên sân khấu cuộc đời, chúng ta đã kinh qua rất nhiều vai diễn khác nhau: có vai học giả lại có vai tội đồ, có vị vai quý tộc lại có vai kẻ nghèo hèn, có vai thiện đức lại có vai gian ác bỉ ổi, có vai trinh tiết lại có vai dâm dục lăng loàn, v.v.
Nhưng vì trần gian là cõi mê, nhân thế là cõi mộng, vậy nên ai ai cũng đắm chìm trong vở kịch ấy mà không biết rằng hết thảy chỉ là “diễn”, hết thảy chỉ là “mơ”. Chỉ đến giây phút cuối cùng khi tấm màn sân khấu được vén lên, chúng ta mới nhận ra rằng những tranh đấu cả đời, giành giật cả đời, và toan tính cả đời ấy… thảy đều vô nghĩa. Ta sẽ chẳng còn lại gì ngoài những nghiệp tội đã tạo ra trong đời – những tội nghiệp mà, theo Cơ Đốc giáo, sẽ kéo con người xuống địa ngục.
Và con người sẽ cứ mãi mải miết như thế và mê mờ như thế… Bởi thế gian có quá nhiều cám dỗ và đầy mê hoặc, nên chỉ có năng lượng thần thánh từ Thiên Chúa hay từ những sứ giả của Ngài mới có thể khiến họ thức tỉnh, để nhận ra đâu là cõi tạm, đâu là vĩnh hằng, và đâu mới là mục đích thực sự của kiếp nhân sinh.
Một phiên bản khác của “Il Sogno” với chữ ký của Michelangelo ở góc dưới cùng bên trái. (Ảnh: artrenewal.org)
Mặc dù tên gọi của bức tranh là “Il Sogno” nghĩa là ‘giấc mơ’, kể về cái mê của nhân loại và cũng là cái mê của kiếp người, nhưng ở đây ta lại thấy một sự tỉnh thức: Nhân vật chính vừa thức dậy từ giấc mơ và hướng cặp mắt lên trời với ánh nhìn đầy hy vọng.
Michelangelo cũng như những nghệ sĩ đương thời đều cho rằng, mục đích của nghệ thuật là để thăng hoa tâm hồn, nâng tầm cảnh giới, và cuối cùng là đưa nhân loại trở về với Chúa. Có lẽ bởi vậy mà trong bức vẽ, ta thấy ánh mắt của chàng trai còn mang một khát vọng – đó là khát vọng hồi thiên, khát vọng trở về.
Rất nhiều tác phẩm của Michelanglo, từ thơ ca, kiến trúc, cho tới điêu khắc và hội họa, cho dù là thể hiện đức tin tôn giáo hay khắc họa một nhân vật thế gian phàm tục, thì đều bày tỏ ước vọng được trở về với Chúa. Cho đến cuối đời, ông đã để lại đằng sau hai niềm đam mê lớn nhất của mình – hội họa và điêu khắc – để hướng về “tình yêu thiêng liêng” của Chúa, giống như trong bài thơ số 285 ông viết:
“Neither painting nor sculpture will be able any longer
To calm my soul, now turned toward that divine love
That opened his arms on the cross to take us in”
(Bài số 285, bản dịch tiếng Anh)
Tạm dịch:
“Cả hội họa lẫn điêu khắc đều không thể thực hiện được nữa
Để làm dịu tâm hồn ta, giờ đây hướng về tình yêu thiêng liêng ấy
Điều đó đã mở rộng vòng tay của (Chúa) trên thập giá để đón chúng ta vào”.
Xem thêm:
- Hun đúc tình yêu nghệ thuật nhờ chiêm ngưỡng kiệt tác cổ điển từ thuở ấu thơ
- Mối quan hệ giữa nhân tính và thần tính của người nghệ sĩ trong sự sáng tạo nghệ thuật
- Một số tác phẩm nổi bật của Hans Holbein, họa sĩ vẽ chân dung vĩ đại nhất thế kỷ 16
- Họa phẩm ‘Khê sơn ngư ẩn đồ’ của bậc thầy tranh sơn thủy Đường Bá Hổ
- Tài năng thi, họa cùng mối nhân duyên sâu sắc của vợ chồng Triệu Mạnh Phủ