Saturday, August 13, 2016

BÀI GIẢNG CỦA THẦY HẰNG TRƯỜNG

Fr: Phan Loan*Huy Nguyen*Moon Tran
BÀI GIẢNG CỦA THẦY HẰNG TRƯỜNG
Hàng năm chúng ta thường có những quyết tâm làm chuyện từ thiện. Nhưng nhiều khi nói mà không làm được vì những phát nguyện lớn thường dễ quên và nhiều khi không chủ động. Do đó nên phát nguyện chuyện nhỏ thì dễ làm hơn. Bước đầu tiên làm được thì bước thứ hai sẽ làm được. Nói cách khác phát nguyện lớn, rộng rãi khó thực hiện như "nguyện độ tất cả chúng sinh" thì mông lung, làm cái nguyện này cả 100 kiếp mới xong. Trong khi đó những chuyện nhỏ như "ai hỏi, tôi giúp liền" hay "quét dọn phòng xong, sẽ quét cái bếp, rồi sẽ làm sạch cái nhà." Khi đã làm được những chuyện nhỏ nhất thường ngày, gom góp lại thành chuyện lớn như làm từ thiện, rồi độ tất cả chúng sinh.

Nếu các bác đã 60 tuổi, từ nhỏ tới lớn cuộc đời trải qua rất nhiều chuyện đẹp, rất nhiều kinh nghiệm sống, nhưng không có thói quen tập thể dục lúc 30, 40 tuổi thì thân thể trên 60 tuổi sẽ bệ rạc rất là mau. Văn hoá Mỹ là văn hoá hưởng thụ nên rất khó có thói quen mới. Thói quen mới là những thói quen học tập, thói quen hoạt động mạnh mẽ. Trong khi đó hàng ngày các hoạt động hưởng thụ như ăn uống, coi tivi, làm việc chiếm hết thời gian. Đến khi cần có sự thay đổi thì thay đổi không được ví như dòng sông đã chảy, đi ngược dòng rất khó. Thành ra chúng ta nên đi theo văn hoá nhỏ như tập luyện thì dễ làm hơn. Đối với các bác đã 60 hay trên 60 tuổi, Thầy có năm lời khuyên như sau:
1.    Mồ hôi như tắm: Mỗi ngày phải tập thể dục để có mồ hôi. Đi tắm hơi thì cũng chảy mồ hôi, nhưng không phải từ trong nội tạng tiết ra. Mồ hôi chảy ra từ trong nội tạng mới làm cho thân mình trẻ trung, các khớp dẻo dai. Mồ hôi cũng giúp tải bao nhiêu chất độc làm tăng năng lượng, nhờ có sức nóng tăng lên mới có nội lực. Cách dễ làm là ghi danh vào các lớp học như tập dưỡng sinh, Yoga, đi gym với bạn hàng ngày. Phải đi tập đều đặn. Phải có cái gì là động lực lôi đi thì mới đi vì ở nhà sẽ không làm được. Khi các bác nhìn thấy tay chân, cổ có vết nhăn, da thịt bệu xuống thì phải đi tập đừng chờ có bệnh mới đi tập, lúc đó quá trễ. Ai cũng biết nếu không có mồ hôi thì năng lượng sẽ thấp và dễ có tư tưởng âm cực do đó sự tráng kiện rất cần thiết. Cho nên cách để có thói quen mới là đi tới lớp học.
2.    Ngủ sâu và nghỉ đủ: càng già thì ngủ càng nhẹ. Khi giấc ngủ mà sóng não không xuống tới delta, chưa tới 15 phút, lờ mờ, chập chờn thì người sẽ không khoẻ. Não không tốt nên mau quên. Do đó phải có giấc ngủ REM sleep, giai đoạn cuối cùng con mắt chớp chớp, tất cả tế bào trong não, trí nhớ trong não được sắp xếp lại, não mới rõ ràng trí huệ thì phán đáng mới chính xác được. Muốn được như vậy mồ hôi phải ra như tắm. Khi ngủ sâu rồi cuộc đời mới thay đổi, sự suy nghĩ, sự sáng suốt sẽ thay đổi theo. Ngày ngủ 8 giờ, 60 tuổi đã ngủ 1/3 cuộc đời vì vậy ngủ rất quan trọng nên phải biết cách ngủ. Nghỉ đủ là nằm dài làm xác chết vào giờ nghỉ trưa, nằm 10 phút hàng ngày. Sự nghỉ này rất quan trọng vì sẽ làm căng thẳng biến mất. Ăn xong nên đi bộ ít nhất 100 bước, rồi nằm xuống, tay chân mở rộng ra, nghĩ tới tay chân nặng dần dần, tới bụng, đầu, mình cũng nặng và cả người chìm xuống mặt đất rồi tất cả trở thành cát bụi, biến mất. Cái nghỉ đó sẽ làm các nội tạng trong người được nghỉ; người khoẻ thì xung lực càng nhiều. Bệnh sleep apnea là bệnh nghẹt thở hay không thở vào buổi tối. Nếu tập bịnh sẽ bớt lần và sẽ ngừng lại. Thân thể khoẻ sẽ giúp cho mình có trạng thái tâm thần sáng suốt và lúc ngủ sẽ ngủ rất sâu. Ngủ không phải là thế giới mở mắt, không phải thế giới vật chất nên giấc ngủ cần phẩm chất. Do đó phải tập để mồ hôi ra như tắm ít ra 2 ngày 1 lần để có giấc ngủ sâu.
3.    Ăn ít, nước nhiều: ăn ít để bụng tiêu hóa dễ. Đối với ngũ hành, ăn vừa thì năng lượng phát ra dễ dàng phân phối. Dưỡng sinh theo 'Hoàng Đề Nội Kinh' thì chuyện ăn phân lượng chỉ đủ 1 nắm tay (nắm tay bằng cỡ nào thì ăn cỡ đó). Đó là trí huệ giúp cho sống dai, sống lâu, sống khoẻ vì không ăn cái gì quá mức. Ăn vừa đủ làm cho ngũ tạng trong người dễ chịu vì nó không cần làm việc quá nhiều để phân phối, bụng không to ra. Bữa tối ăn ít, người sẽ nhẹ. Ăn rau qủa nhiều thì sẽ khoẻ hơn. Tránh thức ăn làm hại cơ thể như đường, thịt đỏ, thức ăn đông lạnh, nên ăn rau qủa trồng trong vùng. Uống nước nhiều chứ không phải uống nhiều những thứ như trà, café, nước trái cây. Đừng uống các loại nước kích thích. Nhiều bệnh xảy ra nguyên do thiếu nước, do đó đi đâu cũng đem theo nước để uống. Nhu cầu của mỗi người khác nhau nên phải thử, thà uống dư còn hơn uống ít vì thiếu nước sẽ làm người mệt mỏi. Ban đêm cần uống nước trước khi đi ngủ, vì trong đêm các phản ứng hóa học trong người xảy ra và quá trình đại thọ cũng bắt đầu thay đổi. Sáng sớm dậy phải uống nước để có năng lượng. Do ăn uống như vậy nên chuyện đi vệ sinh vào buổi sáng cũng dễ dàng và xảy ra hàng ngày.
4.    Lắng tâm và mở lòng: Lắng hơi thở xuống là làm cho hơi thở nhẹ, sâu. Nên ngồi cho thẳng, nhắm mắt lại và thở nhẹ, thở thật sâu, rồi tự hỏi hơi thở đã sâu chưa: để tập thở sâu hơn. Tiếp tới nghĩ rằng ta nên tập thở 5 phút, hít vào thật sâu, khi thở ra hơi thở đi đâu cũng được. Sự nhắm mắt, chú ý vào hơi thở thật sâu là lắng lòng. Tập cho có thói quen nhỏ bằng cách thay đổi tập thở cho sâu. Sự lắng tâm, lắng lòng này sẽ làm cho mọi căng thẳng dừng lại và cái nhìn cũng sẽ thay đổi. Mở lòng là mở những gút thắt trong lòng mình ra. Đôi khi có những chuyện buồn người này, buồn người kia, những chuyện đó phải buông đi rồi tập tha thứ. Đừng giữ chuyện buồn trong lòng, nên để cho mọi chuyện nhẹ nhàng. Phải nhìn như thế này: không phải do lỗi của người đó mà do mình chưa dung nạp người ta hay mình còn có những nút thắt trong lòng. Nếu đã 60 tuổi rồi mà ai nói gì cũng chướng tai gai mắt, sống cho qua ngày mà không sống sáng tạo thì nên tập "những chuyện gì nghe, chuyện gì thấy đừng để đóng trong lòng mà nên gỡ ra". Đức Khổng Tử nói 'Lục thập nhi nhĩ thuận'. Sáu mươi tuổi rồi thì lỗ tai thuận nghe, đừng để ai cột mình cũng đừng tự mình cột mình và đừng cột ai cho nên phải mở dễ dàng. Vấn đề là không phải người ta làm gì, mà quan điểm của mình có đủ cao không? Lòng mình có đủ rộng không? Còn muốn có gút thắt, còn muốn tiếp tục cột gút không, hay muốn tự tại, tự do?
5.    Những việc làm trên đều làm cho mình chứ không làm cho người khác, nhưng điều cuối cùng là 'cho ra quên mình'. Hành động này mới thay đổi hẳn cuộc sống. Mình có thể mở lòng cho ra không? Tâm lượng của mình cỡ nào thì cho ra cỡ đấy. Cái gút lớn nhất là gút mình cột với vật chất, với của cải tạo ra, với con cái. 'Cho ra quên mình' với những người sống chung quanh mình là đi phục vụ. Phục vụ người khác là hành động vô cùng tiến hoá.
Năm việc trên nếu làm được thì tuổi tác không còn quan trọng nữa.