Tuesday, August 16, 2016

SỰ THẬT ĐEN TỐI CỦA VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO VDV OLYMPICS TRUNG QUỐC

Sự thật đen tối phía sau thành công đáng kinh ngạc của Trung Quốc ở các kỳ Olympic

Trung Quốc luôn có thành tích xuất sắc với số huy chương vô cùng
 đáng nể ở các kỳ Olympic. Thế nhưng, nguyên nhân  phía sau
 những tấm huy chương đó là một sự thật vô cùng tàn khốc.
Không thể phủ nhận một sự thật rằng trong rất nhiều các kỳ Olympic, Trung Quốc luôn có thành tích xuất sắc với số huy chương vô cùng đáng nể. Đặc biệt, kể từ kỳ Olympic Sydney 2000, quốc gia này luôn đứng trong top 3 những nước giành được nhiều huy chương nhất thế giới.


Vậy nhưng, phía sau sự thành công đáng ghen tỵ đó là cả một hiện thực đen tối khi hầu hết các VĐV Trung Quốc đều phải tuân thủ chương trình tập luyện nghiêm khắc đến tàn khốc.
 Những hình ảnh đáng sợ trong các trung tâm huấn luyện thể thao tại Trung Quốc.
Nhằm giành được những tấm huy chương và đem vinh quang về cho đất nước, các VĐV đã phải từ bỏ tuổi thơ hồn nhiên, sống xa gia đình để có thể tập trung luyện tập cùng các huấn luyện viên, các VĐV trong những trung tâm huấn luyện thể thao.
Mỗi ngày, những đứa trẻ dù mới lên 4, lên 5 đã phải dành 10 tiếng để luyện tập các bài tập đáng sợ, nghiêm khắc như trong quân đội.
Những cô bé mới 4, 5 tuổi đã phải luyện tập suốt 10 tiếng/ngày.
"Các VĐV nữ thường bị đánh nếu mắc lỗi mỗi khi tập luyện. Nếu nói không hay thất bại, bạn sẽ bị trừng phạt", Johannah Doecke, huấn luyện viên môn lặn đến từ trường Đại học Indiana University-Purdue University Indianapolis ở Mỹ cho biết trên Reuters vào năm 2012. Doecke cũng từng là huấn luyện viên cho VĐV lặn Chen Ni của Trung Quốc.
Để có được vinh quang, nhiều VĐV phải trả giá bằng cả máu và nước mắt.
Hiện nay, Trung Quốc có khoảng 3.000 trường thể thao với nửa triệu học viên đang theo học. Số lượng học viên vô cùng lớn thế nhưng chỉ những người xuất sắc nhất mới được lựa chọn để tham gia tranh tài tại các đấu trường thể thao quốc tế.
Tại một trong những trường thể thao ở Hàng Châu, khoảng 900 đứa trẻ đã được tuyển chọn từ những khu vực nông thôn xung quanh thành phố, đa phần các bé đều mới đang học mầm non.
Các em phải xa gia đình từ bé.
Với niềm khao khát có thể thoát khỏi nghèo đói, nhiều cha mẹ chấp nhận cho con em mình tham gia vào những khóa luyện tập vô cùng cực khổ này.
Không chỉ khiến nhiều người rùng mình với những khóa huấn luyện tàn bạo, các trung tâm huấn luyện thể thao Trung Quốc còn gặp phải các chỉ trích cho số phận của những VĐV kém may mắn, và không mấy thành công.





Những giọt nước mắt đau đớn.
Lớn lên trong những trung tâm thể thao, nhiều VĐV không được giáo dục văn hóa hay trang bị cho mình một công việc đảm bảo cuộc sống sau khi giải nghệ, bởi vậy, khi không là nhà vô địch, những VĐV không thành công thường bị đẩy vào hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn.
Zhang Shangwu, người đã bắt đầu tập luyện để trở thành một VĐV chuyên nghiệp từ năm lên 6 tuổi, đã luôn phấn đấu không ngừng, thế nhưng, tất cả ước mơ của anh đều tan biến khi anh bất ngờ gặp tai nạn vào năm 18 tuổi.
Với nhiều người, các trung tâm huấn luyện thể thao này như một cánh cửa đưa họ đến với cuộc sống giàu có, danh tiếng.
"Tôi cảm thấy trống rỗng. Tôi đã luyện tập khi còn đang học mầm non. Đột nhiên, tôi như một con thú được thả về với thiên nhiên. Luyện tập để trở thành một VĐV chuyên nghiệp khiến tôi không có thời gian để được học văn hóa hay một nghề nào đó", Zhang Shangwu nói.

Thế nhưng với những người không thành công, họ như chơ vơ giữa dòng đời vì không có kiến thức cũng như một ngành nghề cụ thể trong tay.
Theo Trang Đỗ / Trí Thức Trẻ