Blogger Điếu Cày được Tổng thống Obama tiếp tại Nhà Trắng
RFI/Thụy MyBlogger Điếu Cày bên cạnh Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, ngày 01/05/2015.Maison Blanche
Hôm qua 01/05/2015 nhân dịp sắp đến Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng Năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp ba nhà báo đến từ ba nước vi phạm tự do báo chí là Việt Nam, Nga và Ethiopia. Blogger, cựu tù nhân lương tâm Việt Nam Nguyễn Văn Hải có mặt trong buổi tiếp xúc này.
Tổng thống Mỹ tuyên bố : « Tại quá nhiều nơi trên thế giới, báo chí tự do đã bị tấn công bởi các chính phủ muốn giấu diếm sự thật hoặc không tin tưởng nơi các công dân mình. Các nhà báo bị sách nhiễu, đôi khi còn bị sát hại, các tờ báo độc lập bị đóng cửa, các nhà ly khai bị bịt miệng và tự do ngôn luận bị bóp nghẹt ».
Ông Obama ca ngợi sự can đảm của « cả ba nhà báo đang tị nạn tại Mỹ » : blogger Điếu Cày của Việt Nam, nhà báo Nga Fatima Tlisova và nhà báo Lily Mengesha của Ethiopie. Tổng thống Hoa Kỳ đánh giá cao vai trò của các nhà báo đã « nói lên tiếng nói thay cho những người thấp cổ bé miệng, nêu lên các bất công và buộc các nhà lãnh đạo như tôi phải quan tâm đến ».
Theo báo cáo do tổ chức bảo vệ nhân quyền Freedom House công bố hôm thứ Tư, tự do báo chí trên thế giới đang ở mức thấp nhất từ mười năm qua. Chỉ có 14% dân số thế giới sống tại một nước có nền báo chí tự do, 42% tại những nước có tự do báo chí một phần, và 44% ở những nước cấm đoán tự do báo chí.
Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ sau buổi tiếp xúc, blogger Điếu Cày cho biết cảm tưởng.
RFI : Thân chào anh Nguyễn Văn Hải. Thưa anh, là một trong ba nhà báo được ông Barack Obama tiếp, trong buổi tiếp xúc đó anh đã nói gì với Tổng thống Mỹ ?
Blogger Điếu Cày : Lúc 10 giờ sáng nay, tôi được đưa vào gặp Tổng thống Obama tại phòng làm việc Roosevelt. Trong buổi làm việc tôi cũng gửi lời tri ân đến Tổng thống Obama và chính phủ Hoa Kỳ, vì những nỗ lực của Tổng thống và chính phủ Mỹ nên tôi đã được trả tự do vào cuối năm 2014.
Trong lần gặp gỡ này, tôi cũng trình bày với Tổng thống về vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận của Việt Nam. Bên cạnh đó là việc nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền, khi sử dụng những điều luật mơ hồ (như điều 258, 88,79) để bắt bất kỳ ai có những quan điểm, chính kiến khác biệt.
Và chúng tôi cũng đưa ra vấn đề tù nhân lương tâm ở Việt Nam, việc giam giữ các tù nhân trong nhà tù hiện đang vi phạm các quy định quốc tế. Việc an ninh Việt Nam xây dựng những nhà tù ở bên trong nhà tù để giam giữ những tù nhân chính trị một cách khắc nghiệt, khiến cho gần đây nhiều tù nhân lương tâm ở Việt Nam đã tuyệt thực để phản đối.
Trong chuyến làm việc lần này, cũng vào thời điểm Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sắp sang, đó là điều thuận lợi nhất mà có lẽ Tổng thống dành cho chúng tôi được trình bày những vấn đề về tự do báo chí, tự do ngôn luận và vấn đề nhân quyền của Việt Nam, ngay trước khi Tổng bí thư Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ.
RFI : Anh có bất ngờ về cuộc gặp gỡ này, và cảm tưởng cá nhân của anh như thế nào khi tiếp xúc với Tổng thống của một cường quốc như Hoa Kỳ ?
Tôi cũng không nghĩ rằng có một ngày tôi sẽ được gặp Tổng thống Hoa Kỳ. Tổng thống Obama cũng là người mà tôi rất ngưỡng mộ, vì phong cách năng động của ông trong công việc, cũng như cái cách mà ông Obama sử dụng truyền thông xã hội.
Chính vì vậy, trong lần gặp gỡ này, tôi chia sẻ đặc biệt về vấn đề muốn thay đổi xã hội thì cần phải có nhiều người trong xã hội đó mong muốn có sự thay đổi đó. Và truyền thông chính là làm những việc đầu tiên : lan tỏa thông tin, thức tỉnh mọi người, để mọi người cùng có mong muốn thay đổi, hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn.
Chuyến làm việc lần này đã cho tôi cảm nhận : làm Tổng thống của một cường quốc lớn, nhưng phong thái làm việc của ông rất giản dị, gần gũi. Tôi ngồi ngay bên cạnh Tổng thống, và những câu chuyện mà chúng tôi trao đổi với nhau rất bình dị và ấm áp.
Tôi thật sự thấy cảm phục những người như Tổng thống Obama, và phong cách làm việc của ông. Mong rằng một ngày nào đó ở Việt Nam cũng có những người lãnh đạo có được phong cách làm việc như vậy.
RFI : Thưa anh, còn Tổng thống Obama thì nói với anh những gì ?
Tổng thống có nói với tôi về những việc mà chính phủ Hoa Kỳ và Tổng thống quan tâm – đến vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận của Việt Nam. Nhất là gần đây những lần lên tiếng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng như những vấn đề liên quan đến nhân quyền ở Việt Nam được Hoa Kỳ đặc biệt chú ý. Điều đó cho thấy Tổng thống cũng rất quan tâm đến những vấn đề của Việt Nam.
Và việc tôi được chọn ngày hôm nay để gặp Tổng thống cũng là một chỉ dấu cho thấy rằng Tổng thống rất quan ngại đến vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận. Có ba người được gặp, thì đấy là những nước có nền báo chí có thể gọi là tồi tệ nhất trên thế giới.
RFI : Như vậy có lẽ Tổng thống Mỹ sẽ tới thăm Việt Nam trong năm nay, anh có nghĩ vậy không ?
Trong lần gặp này, tôi có nói với Tổng thống là ở Việt Nam có rất nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ ông. Tổng thống có muốn gửi thông điệp gì đến các bạn trẻ Việt Nam hay không ? Tổng thống có hứa với tôi rằng trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới, ông sẽ gởi một thông điệp đến với các bạn trẻ Việt.
Tôi nghĩ rằng tương lai đất nước Việt Nam phụ thuộc vào những người trẻ đang đứng lên đấu tranh, đòi hỏi quyền tự do dân chủ ở trong nước. Và khi giới trẻ, giới trí thức bắt đầu quan tâm đến những vấn đề đó, thì thông điệp mà Tổng thống gửi đến họ rất quan trọng. Nó tạo được cảm hứng, nguồn nghị lực cho những nhà đấu tranh dân chủ, những bạn trẻ trong nước tiếp bước, tham gia xây dựng đất nước một cách mạnh mẽ hơn.
RFI : Xin cảm ơn anh Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày. Mà thưa anh, trong bản tin của hãng thông tấn Pháp AFP không thấy đề tên thật của anh mà chỉ viết là Điếu Cày thôi…
Vâng, đây là cái bảng tên để trên bàn làm việc trong văn phòng đó (Roosevelt), cũng để nick Điếu Cày. Tôi thấy rằng việc Văn phòng Tổng thống chọn cái tên này trong cuộc gặp gỡ cũng cho thấy giới blogger và người dân thường quan tâm đến cái tên Điếu Cày hơn là tên thật của tôi. Cho nên khi để tên Điếu Cày, có lẽ nhiều người biết hơn.
RFI : Cũng là một điều thú vị phải không thưa anh ?
Vâng, rất là thú vị, vì trong khi làm báo, nếu bạn đã nêu được một thông điệp ấn tượng mà người ta dễ nhớ thì đấy cũng là một thành công rồi.
RFI : Dạ, một lần nữa xin cám ơn blogger Điếu Cày rất nhiều.