Fr : Truc Nguyen
Những ý tưởng phân chia Mỹ với Trung Quốc
Tác giả: Gideon RachmanDịch giả: Huỳnh Phan
Washington tin tưởng vào những giá trị phổ quát và sự tiến bộ không thể tránh khỏi, còn Bắc Kinh thì không.
“Tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc thực sự không biết nói chuyện với nhau như thế nào. Họ giống như máy tính chạy trên các hệ điều hành khác nhau”. Đó là lời phán mà một quan chức Mỹ từng quan sát rất nhiều hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung ở vị trí gần, đã có lần nói với tôi. Vì vậy, dù cả hai bên nhấn mạnh rằng cuộc họp tuần trước giữa Tập Cận Bình và Barack Obama có tính xây dựng, tôi vẫn có nhiều nghi ngờ. Do Trung Quốc và Mỹ đều có những cách nhìn về thế giới khác nhau quá xa, tôi thấy có năm điều tương phản lớn.
1. Chu kỳ – tuyến tính: Trung Quốc có một lịch sử rất lâu dài. Hoa Kỳ có một lịch sử rất ngắn ngủi. Tập Cận Bình thích chỉ ra rằng “Trung Quốc là một nền văn minh lâu đời. Chúng tôi có 5000 năm lịch sử”. Trái lại, Mỹ chỉ tồn tại không quá 250 năm. Sự khác biệt trong cách nhìn có một ảnh hưởng sâu xa về cách mà lãnh đạo hai nước nghĩ về thế giới. Nói chung, người Trung Quốc suy nghĩ theo kiểu chu kỳ, vì lịch sử Trung Quốc được xác định bởi việc thịnh suy của các triều đại. Thời tươi sáng có thể kéo dài hàng thế kỷ, theo sau là các thời mạt vận cũng có thể kéo dài nhiều thế kỷ. Ngược lại, kể từ năm 1776, Mỹ về cơ bản chỉ đi theo một hướng – hướng tới đất nước hùng mạnh hơn và người dân giàu có hơn. Kết quả là các chính trị gia Mỹ có xu hướng nghĩ về lịch sử theo kiểu thẳng tắp (tuyến tính) và tin vào tiến bộ như là trật tự tự nhiên.
2. Phổ quát – đặc thù: niềm tin nền tảng của Mỹ là “mọi người sinh ra đều bình đẳng” và có các quyền bất khả xâm phạm như nhau. Từ đó kéo theo việc người Mỹ tin một cách bản năng vào các giá trị phổ quát như tự do và dân chủ – lý tuởng là nên được áp dụng ở khắp mọi nơi. Người Trung Quốc, ngược lại, là những người đề cao tính đặc thù. Họ tin rằng cái là đúng đối với Trung Quốc không phải nhất thiết phải đúng với thế giới, và ngược lại. Sự khác biệt về tâm lý này là gốc gác của cách tiếp cận trái ngược của Mỹ và Trung Quốc trong sự can thiệp vào các xung đột với nước ngoài và bảo vệ nhân quyền.
3. Hệ tư tưởng – tính dân tộc: Hoa Kỳ được xây dựng trên các ý tưởng thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp. Hàng triệu người đã trở thành người Mỹ bằng việc sinh sống ở Mỹ và nhận lấy những ý tưởng này. Ngược lại, Trung Quốc có một cái nhìn dựa nhiều về mặt dân tộc hơn về điều họ cho nguời Trung Quốc là gì. Nếu tôi chuyển đến Mỹ, tôi có thể trở thành “nguời Mỹ” khá nhanh chóng và các con tôi chắc chắn sẽ là người Mỹ. Nhưng việc chuyển sang Trung Quốc sẽ không làm cho tôi hay con tôi thành người Trung Quốc. Kết quả là người Trung Quốc và người Mỹ có xu hướng có những giả định khá khác nhau về các ý tưởng cốt lõi như tính quốc gia, quan hệ công dân và nhập cư.
4. Cá nhân – cộng đồng: các lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh đến quyền của các cá nhân. Các lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh đến lợi ích của cộng đồng. Sự khác biệt giữa việc đề cao cá nhân của Mỹ và việc nhấn mạnh cộng đồng của Trung Quốc len vào thái độ của họ đối với nhà nước. Tại Mỹ, ý tưởng rằng các cá nhân cần phải được bảo vệ trước một nhà nước quá mạnh bạo được đưa vào trong hiến pháp và trong các biện thuyết chính trị. Ở Trung Quốc, việc lập luận rằng một nhà nước mạnh là sự bảo đảm tốt nhất chống lại “hỗn loạn” vốn trong quá khứ đã dẫn đến nội chiến và đổ máu, là rất bình thuờng. Nhiều người Mỹ cho rằng biện bạch này của Trung Quốc chỉ đơn giản là phản ánh lợi ích riêng của đảng Cộng sản. Nhưng nó cũng có nguồn gốc lịch sử sâu xa. Người Mỹ có thể truy lại việc nhấn mạnh của họ về quyền cá nhân từ thời chiến tranh giành độc lập vào thế kỷ thứ 18. Ngược lại, khi nhấn mạnh sự cần thiết cho một nhà nước mạnh, các lãnh đạo Trung Quốc, một cách không tự ý thức quy về thời “Chiến quốc” bắt đầu từ năm 476 trước Công Nguyên.
5. Quyền – thứ bậc: thái độ khác nhau đối với nhà nước dẫn đến cái nhìn trái ngược nhau về cái gì giữ xã hội gắn bó với nhau. Mỹ nhấn mạnh các quyền cá nhân và pháp luật. Nhưng, dù hiện nay ở Trung Quốc có rất nhiều bàn luận về sự cần thiết phải tăng cường “pháp quyền” (rule of law), Đảng Cộng sản cũng đang đề cao truyền thống Nho giáo, vốn nhấn mạnh một ý thức về hệ thống thứ bậc và nghĩa vụ như là cốt lõi cho việc xã hội vận hành trơn tru. Một lần nữa, điều này có tác động đến quan hệ quốc tế – vì nó ảnh hưởng đến quan điểm về mối quan hệ thích hợp giữa các nước lớn, như Trung Quốc với các nước láng giềng nhỏ hơn của họ.
Kích cỡ tuyệt đối của Trung Quốc luôn luôn định hình cách họ nhìn thế giới bên ngoài. Nhưng ở đây, cuối cùng, lại có một sự tương đồng mạnh mẽ với Mỹ. Cả hai nước đều có một cái gì đó của tâm lý về Vương quốc Trung tâm. Ý tưởng về Vương quốc Trung tâm có nguồn gốc từ quá khứ của Trung Quốc. Một sử gia mô tả nó như là “niềm tin khác thường của người dân Trung Quốc rằng đất nuớc của họ là trung tâm của tất cả mọi thứ”. Niềm tin này đã bị lung lay một ít bởi “thế kỷ quốc sỉ” bắt đầu vào những năm 1840, khi Trung Quốc bị các đế quốc châu Âu và Nhật Bản đánh bại. Nhưng một Trung Quốc trỗi dậy bây giờ đôi khi bị tố cáo là quay trở về tâm lý Vương quốc Trung tâm, đặc biệt là trong việc đối xử với các nước khác ở châu Á.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã trở nên quen thuộc với vai trò siêu cường duy nhất của thế giới. Chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn dựa trên niềm tin rằng Mỹ là “thế lực không thể thiếu” trong việc bảo đảm trật tự toàn cầu. Các tổng thống Mỹ, giống như các hoàng đế Trung Hoa ngày xưa, thuờng nhận nhiều cống vật cầu kỳ của nước ngoài.
Dễ chịu khi khám phá ra rằng có ít nhất một khía cạnh mà Trung Quốc và Mỹ rất giống nhau. Vấn đề là khi cả hai nước có thể tự coi mình là “Vương quốc Trung tâm”, thì không thể cả hai đều đúng.