Wednesday, February 11, 2015

MỘT NÉT ĐẶC BIỆT TRONG TÂM HỒN BÍ ẨN CỦA NGƯỜI NGA

Khi cuộc đời là cuộc chơi trong sòng bài

Khi cuộc đời  là cuộc chơi trong sòng bài
 Nhân loại có máu ham cờ bạc từ thời xa xưa. Xứ Nga cũng không ngoại lệ: đam mê những may rủi khó lường là một trong những nét tính cách của tâm hồn Nga bí ẩn.
© Photo: RIA Novosti/ Sergey Pivovarov
    Cho đến ngày nay, tại địa điểm từng là khu định cư Slav cổ xưa, các nhà khảo cổ vẫn tìm thấy những con xúc xắc và quân cờ nhuốm màu thời gian. Thế kỷ XVI, từ châu Âu du nhập vào Nga một trò tiêu khiển mới là đánh bài. Quý tộc và nông phu, người giàu và người nghèo đều say mê trò chơi này, còn các linh mục Chính thống giáo nghiêm khắc thì ghét cay ghét đắng, coi là trò bịp bợm và đe rút phép thông công của những tín hữu mê bài bạc.
Từ nửa sau thế kỷ XVIII chơi bài đã trở thành mốt thời thượng cả ở chốn cung đình. Những vị quý tộc giàu có thậm chí đem điền trang cùng với các nông phu của mình để đặt cược chơi bài. Không hiếm khi cả khối tài sản khổng lồ tích lũy thừa kế qua nhiều thế hệ đã sang tay chủ khác chỉ trong một buổi tối vì thua bạc. Nữ hoàng Ekaterina II thậm chí đã phải công bố rằng cờ bạc là bất hợp pháp, tuy chính bà cũng ham mê. Vì thế Nữ hoàng cũng từng vi phạm lệnh cấm do do chính mình ban hành, bà chơi bài với các tùy nữ, cận vệ và phải lấy kim cương ra trả vì bị thua. Sau Ekaterina II, hầu hết các Sa hoàng Nga đều ban sắc chỉ nghiêm ngặt, nói về "sự hủy hoại của trò chơi cấm". Các con bạc có nguy cơ bị bắt giam, bỏ tù, lưu đày đến miền Siberia giá lạnh. Thế nhưng lệnh cấm và hình phạt hầu như chẳng có tác dụng gì: trò chơi tiếp diễn trong các tư gia và câu lạc bộ đóng kín.
Nhiều thi nhân danh nhân Nga là tay chơi bạc đam mê. Đại thi hào Aleksandr Pushkin thú nhận từng khổ sở vì chịu phạt uống khi thua bài. Chủ đề cờ bạc chứa trong một số tác phẩm của Pushkin, thí dụ trong truyện vừa "Con đầm pic” nổi tiếng.
Nhà văn Fedor Dostoevsky ngày và đêm đều miên man trong các casino Đức (lúc đó các cơ sở cờ bạc ở Nga bị cấm). Niềm đam mê trò chơi đỏ đen của văn sĩ Nga quả thực ở mức điên rồ. Nhiều phen thua mất những khoản tiền lớn, nhà văn thề nguyền không bao giờ bước chân qua ngưỡng cửa casino nữa, thế nhưng ngay sau khi có chút tiền thì mọi sự lại tái diễn. Một lần Dostoevsky thua bạc sạch trơn, khánh kiệt đến mức không còn một xu nuôi bản thân và vợ cùng đứa con mới chào đời. Nỗi tuyệt vọng của văn sĩ lần ấy thật vô biên cay đắng và may thay, đó là lần cuối cùng. Con quỉ đam mê tăm tối biến mất và kể từ đó Dostoevsky không bao giờ chơi bạc nữa.
Nhà văn và kịch tác gia Anton Chekhov cũng thích ném tiền vào sòng bài. Năm 1898, ông viết về "cuộc thua vừa phải" của mình trong casino Monte Carlo, và dọa sẽ từ bỏ trò chơi này. Nhưng rồi khi trở về Nga, chỉ qua một năm thôi Chekov đã lại mơ ước thực hiện chuyến đi mới: "Dù sao chăng nữa, nếu đến được Monte Carlo, nhất định tôi sẽ chơi thua vài ngàn – đó là niềm sung sướng xa xỉ mà cho đến nay tôi chưa từng dám mơ tới. Mà biết đâu đấy, nhỡ tôi thắng bạc thì sao?”.
Tuy nhiên, ngay cả ở Nga cũng có thể chơi bạc bất hợp pháp. Thí dụ, trong khách sạn Matxcơva thượng hạng “Slavyansky Bazar", nơi dừng nghỉ của các Bộ trưởng và những tay trùm cờ bạc. Khách chơi bình dân thì đánh bài trong hiệu ăn hoặc là ngoài chợ. Cơ sở đánh bạc nổi tiếng nhất của Nga là Câu lạc bộ Anh ở Matxcơva, mà thượng khách danh dự chính là quan Tổng đốc, còn cảnh sát thậm chí không được bén mảng đến.
Không bỗng dưng người ta dùng khái niệm “con bạc khát nước”. Chốn sòng bài luôn sôi sục niềm đam mê là một trong những nơi có tỷ lệ tội phạm cao thời đầu thế kỷ trước. Thương nhân Matxcơva giàu có Nikolai Tarasov đem lòng yêu một người đẹp nhưng nàng ta lại đắm say chàng công tử hào hoa nào đó. Bị thua bạc, chàng trai tuyệt vọng xin tình nhân giúp đỡ, và người đẹp vội tìm đến Tarasov. Tuy nhiên, vị thương nhân lọc lõi từ chối cứu đối thủ “đỏ tình đen bạc” này. Chàng trai tự vẫn, người phụ nữ cũng dùng khẩu súng của anh ta để kết liễu cuộc đời. Nghe tin về cái chết của người đẹp, cả thương gia Tarasov cũng tự sát. Câu chuyện có thật này giống như bi kịch Shakespeare.
Cho đến thời nay, những ngọn đèn sòng bài vẫn tiếp tục thu hút người chơi. Như những con thiêu thân, các tay ham cờ bạc vẫn đổ đến tụ tập ở nơi có ánh sáng dối lừa ma mị ấy.
Nguồn:
 http://vietnamese.ruvr.ru/2015_02_07/282749999/