Fr: Tuyen van Bui
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Phản bác bản Phúc trình về thực thi Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa tại Việt Nam do Phái đoàn Hà Nội phúc trình tai LHQ/Genève
GENÈVE, ngày 11.11.2014 (QUÊ MẸ) – Phái
đoàn Hà Nội do Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu 18 người
đại diện các Bộ Ngoại giao, Giáo dục, Tư pháp, Vụ Nhân quyền thuộc Bộ Công an,
Ủy ban Dân tộc, v.v… đến Genève phúc trình về việc thực thi Công ước Quốc tế về
Kinh tế, Xã hội, Văn hóa trước Ủy ban LHQ về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn
hóa (CESCR) vào chiều ngày 10-11-2014, tại khoá họp lần thứ 53 của Ủy ban CESCR
diễn ra từ ngày 10 đến 28-11-2014 để xem xét một số quốc gia.
Nhân dịp này, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR), và bà Penelope Faulkner, Phó chủ tịch đã lên tiếng phản bác những điều dối gạt trong bản Phúc trình của Hà Nội. Đồng thời ông Ái cung cấp bản Báo cáo chung, 36 trang, được Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) thực hiện như một Phản phúc trình, mang tựa đề “Việt Nam vi phạm các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa” (xin bấm vào đây để đọc bản Việt dịch). Đây là bản Báo cáo duy nhất của người Việt đệ nạp LHQ trong kỳ họp này, và đã được Trang Nhà LHQ công bố cho các chuyên gia LHQ và mọi người tham khảo, song song với bản Phúc trình của Hà Nội.
Ông Võ Văn Ái phát biểu tại Ủy ban
CESCR ở Điện Wilson LHQ Genève
Nhiều chuyên gia LHQ đã sử dụng các chứng cứ, tự liệu, phân tích và tố giác trong bản Báo cáo chung của hai tổ chức Phi Chính phủ VCHR và FIDH trong cuộc chất vấn Phái đoàn Hà Nội qua nhiều giờ đồng hồ để đặt vấn đề.
Báo cáo chung cung cấp cho các chuyên gia LHQ những sự thật hiển nhiên, đồng thời phân tích những vi phạm trầm trọng các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Dù Việt Nam ký kết tham gia Công ước nói trên từ năm 1982, thế nhưng Việt Nam đã chậm trễ phúc trình định kỳ kể từ năm 1993.
Ông Võ Văn Ái phát biểu trước Ủy ban CESCR rằng : “Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa là một trong những cột trụ chống đỡ cho việc bảo vệ nhân quyền quốc tế. Việt Nam đã chậm trễ phúc trình đến 21 năm, mà bản phúc trình hôm nay đầy những lời lẽ cường điệu cho thấy nhà cầm quyền chẳng quan tâm gì đến các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của người dân, đặc biệt những người dân ở vào thế yếu như phụ nữ, thiếu nhi, dân tộc thiểu số và những người nghèo ở nông thôn và thành thị - chẳng hề có những cơ cấu bảo vệ các quyền này và cũng chẳng có biện pháp khôi phục. Những nhà bảo vệ nhân quyền nào tố giác sự vi phạm các quyền này đều bị sách nhiễu hay bắt giam”.
Bản Báo cáo chung của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam vàLiên Đoàn Quốc tế Nhân quyền báo động hố chênh lệch giàu nghèo cùng những bất bình đẳng xã hội. Thập niên 1980, với chính sách “đổi mới” Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, đất nước được thay đổi nhanh chóng, đặc biệt trên phương diện kinh tế. Tuy nhiên nên kinh tế tự do dưới sự kiểm soát của chế độc độc đảng đưa tới những bất bình đẳng giữa thượng tầng lãnh đạo và khối quần chúng đông đảo. Hiện tại ở Việt Nam có những đại phú gia (những người thủ đắc trên 30 triệu Mỹ kim), trong khi ấy 1 trên 5 người Việt Nam sống dưới ngưỡng nghèo đói, và 8% dân chúng sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói. Hàng triệu dân sống trên ngưỡng nghèo đói chút đỉnh nhưng dễ trở nên yếu thế trước bất cứ dao động nào.
Bất bình đẳng xã hội không riêng trên phương diện lợi tức thu nhập, mà còn đến từ sự phân biệt đối xử tùy theo ý kiến chính trị, tôn giáo hay dân tộc thiểu số. Bản báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy những ai không có liên hệ tốt với Dảng Cộng sản sẽ không được bình đẳng trong việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục, kiếm công ăn việc làm hoặc thủ đắc đất đai.
Việc Nhà nước cưỡng chiếm đất đai cho các công trình xây dựng phát triển, cũng là món mồi béo bở cho các viên chức tham nhũng hay lạm quyền khiến cho hàng trăm nghìn nông dân sống cảnh không nhà, và gây ra nhiều nạn bạo hành tại Văn Giang, Vũ Ban, Cồn Dầu, Dương Nội và nhiều nơi khác. Tại các công xưởng, xí nghiệp bóc lột nhân công với giá lương rẻ mạt dẫn tới nhiều cuộc đình công, thế mà Tổng Liên đoàn Lao động chẳng có động thái gì bênh vực cho quyền công nhân. Thiếu nhi lao động là chuyện phổ biến. Bản Báo cáo chung cho biết Thông tư số 11 ban hành năm 2013 cho phép trẻ em lứa tuổi 13 đến 15 được phép “lao động nhẹ”.
Những công nhân nào tố cáo sự lạm quyền sẽ bị sách nhiễu, đe dọa, bỏ tù. Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền đưa ra bản tổng kết các bloggers, dân oan, nhà hoạt động công đoàn, nhà bảo vệ nhân quyền, thành viên các tôn giáo bị giam tù chỉ vì họ đòi hỏi các qyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Chỉ riêng một phiên tòa xử vào tháng giêng năm 2013, đã có 22 người hoạt động môi trường bị kết án “lật đổ chính quyền” và lãnh những án tù từ 10 năm đến chung thân. 7 người Hmong ở Tuyên Quang bị bắt bỏ tù vào tháng 3 năm 2014 chỉ vì sống theo đức tin của họ. Đa số những người này bị kết án dưới các điều luật mơ hồ chiếu theo Bộ Luật Hình sự như “lợi dụng tự do dân chủ” hay “tuyên truyền chống phá Nhà nước” hoàn toàn trái chống với Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
Khi đệ nạp cho Ủy ban CESCR, bản Báo cáo chung của hai tổ chức Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, ông Võ Văn Ái tố giác Việt Nam dùng luật pháp như công cụ đàn áp nhân quyền để năm giữ quyền kiểm soát chính trị. Ông đưa ra một chuỗi luật pháp như Luật Công đoàn, Luật Xuất bản, Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Nghị định 97 về Nghiên cứu khoa học, Nghị định 72 về Internet, Nghị định 92 về Tôn giáo, cùng một số quy định hạn chế văn hóa, tâm linh và sinh hoạt tôn giáo. Ông Ái nói “Phúc trình định kỳ của Việt Nam đưa ra một chuỗi quy định, luật pháp, nhưng chẳng hề thông tin về nội dung cùng sự áp dụng hay thực thi các quyền. 32 năm sau khi Việt Nam tham gia ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, người công dân Việt Nam vẫn không được thụ hưởng các quyền cơ bản”.
Ông Ái cũng tố cáo sự kiểm duyệt của Nhà nước tỏa khắp trên mọi lĩnh vực. Ông nêu một trường hợp xẩy ra gần đây về việc dịch và xuất bản cuốn sách nói về cuộc đời của điệp viên và cựu ký giả báo Time Phạm Xuân Ẩn, “The Spy who loved us” của tác giả Mỹ Thomas A. Bass đã bị kiểm duyệt cắt bỏ 444 chỗ, mặc dù hợp đồng ký kết không cho phép. Kiểm duyệt Internet cũng được thực hiện qua nhiều Trang nhà hay Blogs.
Ông Ái cũng nêu qua bản Báo cáo chung về môn dạy lịch sử. Chỉ có một sách giáo khoa về môn sử do nhà nước ấn hành. Sách này không những bóp méo lịch sử, mà còn sử dụng cho mục tiêu tuyên truyền và giáo dục sự thù hận cho học sinh. Nhiều vị hàn lâm hay thầy giáo tại Việt Nam đã tố cáo sự “chính trị hóa lịch sử” này và kêu gọi sử dụng nhiều nguồn sử liệu khác nhau để học sinh có tinh thần phê phán và hòa đồng với thế giới trong việc tôn trọng nhân quyền.
Bản Báo cáo chung của hai tổ chức Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền đã đưa ra 37 Khuyến cáo cho sự cải thiện tại Việt Nam trên các lĩnh vực mậu dịch, kinh doanh và nhân quyền ; quyền công đoàn ; quyền y tế và giáo dục ; phân biệt đối xử ; quyền đất đai ; tự do ngôn luận và quyền văn hóa ; nền độc lập tư pháp ; và tham gia ký kết các Công ước LHQ.
Bà Penelope Faulkner, Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cũng đã phát biểu phê phán các điểm hồi đáp sai lạc của Phái đoàn Hà Nội trước Ủy ban CESCR (xin xem bài phát biểu dưới đây).
Bài phát biểu của ông Võ Văn Ái :
Thưa ông Chủ tịch, quý Bà, quý Ông Chuyên gia LHQ,
Nhân danh Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam, tôi xin cám ơn quý vị đã cho phép tôi tham gia cuộc hội thảo hôm nay.
Dù sự tăng trưởng kinh tế đáng kể và một số tiến bộ về mức sống người dân, tình trạng của Việt Nam ngày nay khá bấp bênh : 8% dân số sống trong cảnh đói nghèo cùng cực, 20% sống dưới ngưỡng nghèo khó, và hàng triệu người sống trong hoàn cảnh không ổn định, chỉ trên ngưỡng nghèo đói chút đỉnh.
Thay vì chân nhận và giải quyết sự bất ổn định này, Việt Nam lại áp dụng chính sách “quên dân” để phục vụ cho thiểu số cầm quyền đặc quyền đặc lợi.
Đúng như Ngân hàng Thế giới báo động, có sự bất bình đẳng khổng lồ không riêng trong phạm vi lợi tức thu nhập hàng năm, mà còn là, và đặc biệt, trên sự bình đẳng về may mắn cũng như thụ hưởng các quyền cơ bản. Rất đông khối quần chúng không được lắng nghe ý kiến họ hoặc tham gia việc công, tiếp cận một số dịch vụ xã hội, cũng như không được nêu cao quyền của mình. Đặc biệt các dân tộc thiểu số và phụ nữ là những người kém may mắn.
Tại Việt Nam không hề có những xã hội dân sự đích thực, không có báo chí tự do, công đoàn độc lập, không có nền tư pháp độc lập, và đa nguyên chính trị. Thực tế là Đảng cầm quyền nắm giữ mọi cuộc điều hành xã hội trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư pháp và công an, bằng những cuộc đàn áp, bịt họng bất cứ ai hành xử các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Nạn nhân bị vi phạm nhân quyền, nạn lạm quyền, hoặc bị cưỡng chiếm đất đai, chẳng biết nưong tựa vào đâu để được bảo vệ.
Một trong những phương tiện chối bỏ nhân quyền của nhà nước là sử dụng luật pháp. Nhà cầm quyền Việt Nam đánh giá “nhà nước pháp quyền” bằng số lượng luật pháp ban hành. Thế nhưng các sắc luật quá thừa thải này rất mơ hồ khiến nhiều hành xử tùy tiện nẩy sinh.
Thêm nữa, rất nhiều luật trái chống với các quyền quốc tế. Thông tư số 11 ban hành năm 2013 cho phép các trẻ em từ tuổi 13 đến 15 được quyền lao động. Những điều luật trong Bộ Luật Hình sự về “an ninh quốc gia” hay “lợi dụng tự do dân chủ” được sử dụng đàn áp các nhà hoạt động bảo vệ các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Bóp nghẹt một cách khắc nghiệt mọi phát biểu bị xem là bất đồng chinh kiến. Việt Nam đóng khung chặt chẽ mọi tư tưởng và phát biểu trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học, và văn hóa. Gần đây, việc dịch và xuất bản cuốn sách nói về cuộc đời của điệp viên và cựu ký giả báo Time Phạm Xuân Ẩn,“The Spy who loved us” của tác giả Mỹ Thomas A. Bass đã bị kiểm duyệt cắt bỏ 444 chỗ, mặc dù hợp đồng ký kết không cho phép cắt bỏ.
Trên lĩnh vực văn hóa và tâm linh, nhà cầm quyền tự cho phép mình quyền phán đoán những gì là “truyền thống tốt đẹp”, những gì là “hủ hóa”, đặc biệt đối với dân tộc thiểu số phải chịu đựng những phân biệt đối xử khắc khe.
Trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Nghị định 97 ban hành năm 2009 cấm xuất bản những công trình nghiên cứu phê phán hay đặt lại vấn đề về chính sách nhà nước, đưa tới việc đóng cửa viện nghiên cứu độc nhất có tên là “Viện Nghiên cứu Phát triển IDS”.
Trong lĩnh vực lịch sử, nền giáo dục học đường giữ nguyên đường hướng tuyên truyền làm nguy hại cho sự thật lịch sử, như nhiều vị hàn lâm hay thầy giáo than phiền. Môn học lịch sử chỉ nhắm dạy cho học sinh một viễn ảnh Lịch sử thay vì dạy cho các em tinh thần phê phán. Tệ hại hơn, sách giáo khoa môn sử được sử dụng trong các học trình chứa đựng những điều phản sự thật và dạy cho các em một viễn cảnh đánh tráo lịch sử. Chúng tôi cực kỳ quan ngại cho thứ ngôn ngữ đầy thù hận trong sách giáo khoa trái chống với sự thăng tiến hòa bình và thông cảm giữa các dân tộc.
Việt Nam trình bày cho dân chúng một viễn ảnh nhân quyền trái chống với cộng đồng thế giới bằng cách điều kiện hóa và mạo xưng “Các giá trị nhân quyền Châu Á”, khước từ tính phổ quát và tính bất khả phân của Nhân quyền.
Thưa ông Chủ tịch, quý Bà, quý Ông Chuyên gia LHQ,
Để cho Việt Nam thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, Việt Nam phải cấp bách :
- Bãi bỏ hoặc sửa đổi các điều luật mơ hồ trái chống nhân quyền quốc tế ;
- Chấm dứt việc đàn áp các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền ;
- Cho phép sự hình thành các xã hội dân sự đích thực, công đoàn tự do, các tổ chức độc lập, và các cộng đồng tôn giáo hoàn toàn tự do, tự quản ;
- Xem xét lại các chương trình giáo dục để đào tạo cho học sinh tinh thần phê phán, mở rộng nhãn quan ra thế giới, và thăng tiến nhân quyền phổ quát.
Xin cám ơn sự lắng nghe của ông Chủ tịch, quý Bà, quý Ông Chuyên gia LHQ.
Bài phát biểu của bà Penelope Faulkner :
Thưa ông Chủ tịch và quý vị Chuyên gia LHQ kính mến,
Nhân danh Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, tôi xin được bình luận một số hồi đáp của Phái đoàn Việt Nam trước Ủy ban CESCR.
Bà Penelope Faulkner bên trái trong hình
Về thực thi Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa / ICESCR (hồi đáp Việt Nam cho câu hỏi số 1 của Ủy ban CESCR), Việt Nam đưa ra một chuỗi luật pháp để biểu hiện các quyền của Công ước trong luật pháp quốc gia. Nhưng trong thực tế, các điều luật còn chứa đựng những hạn chế và có khi vô hiệu hóa các quyền ghi trong Công ước. Bản Hiến pháp tu chỉnh năm 2013 áp đặt những hạn chế về việc hành xử nhân quyền (điều 14.2). Luật Cộng đoàn mới năm 2013 là một sự thoái hóa về quyền công nhân. Luật đất đai năm 2013 chứa đựng nhiều kẽ hở để các viên chức địa phương khai thác tham nhũng trong việc cưỡng chiếm đất.
Các tòa án tại Việt Nam không bao giờ viện dẫn trực tiếp tới các quyền trong Công ước, mà chỉ quy chiếu các điều trong Bộ Luật Hình sự như “lợi dụng tư do dân chủ” (điều 258) “phá họai đoàn kết dân tộc” (điều 87), hay “tuyên truyền chống phá nhà nước” (điều 88) để bỏ tù người công dân, là điều trái chống với Công ước. Đối với người dân thường, sự kiện Việt Nam tham gia Công ước chẳng mang lại sự bảo đảm nào cho họ về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Về nạn tham nhũng (hồi đáp Việt Nam cho câu hỏi số 4, đoạn 13 của Ủy ban CESCR), Việt Nam bảo rằng những ai tố cáo tham nhũng được pháp luật bảo vệ. Thực tế là những người này đối diện với sách nhiễu và bắt giam. Ký giả Hoàng Khương của tờ Tuổi Trẻ, viết loạt bài năm 2012 tố giác công an giao thông tham nhũng. Mặc dù loạt bài được công nhận có thật, bằng chứng là một công an bị truy tố, ông bị cho nghỉ việc và lãnh án tù 4 năm.
Về sự không phân biệt đối xử (hồi đáp Việt Nam cho câu hỏi số 6 của Ủy ban CESCR), dù Việt Nam viện dẫn Hiến pháp bảo đảm quyền này, sự phân biệt đối xử trên căn bản tôn giáo, chính kiến hay dân tộc thiểu số là đặc hữu. Thành viên của các tôn giáo “không được thừa nhận” như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, dân tộc thiểu số, các bloggers, các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động bảo vệ nhân quyền bị sách nhiễu, đe dọa và bắt giam. Phân biệt đối xử trong việc chăm sóc y tế, kiếm việc làm và giáo dục thông qua cơ chế“hộ khẩu” được thấy qua các trường hợp tôn giáo và dân tộc thiểu số.
Quyền Công đoàn tại Việt Nam (hồi đáp Việt Nam cho câu hỏi số 15 của Ủy ban CESCR), hoàn toàn trái chống với Công ước ICESCR bởi vì công nhân không có quyền chọn lựa công đoàn. Không có Công đoàn độc lập tại Việt Nam. Công đoàn chính thức gọi là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do Đảng Cộng sản kiểm soát, chẳng bào giờ đứng về phía công nhân để bênh vực họ trong các cuộc tranh chấp. Suốt năm ngoái không có cuộc đình công nào được Tổng Liên đoàn tổ chức. Công nhân tham gia những cuộc đình công “liều lĩnh” không những bị trừng phạt theo luật pháp, mà còn bị bồi thường ba tháng lương trả cho những thiệt hại của giới chủ nhân theo pháp luật ban bố gần đây.
Quyền Đất đai (hồi đáp Việt Nam cho câu hỏi số 22 của Ủy ban CESCR), nông dân không hề được bảo vệ khi bị cưỡng bức dời cư và bị Nhà nước chiếm đất. Các viên chức tham nhũng, lạm quyền và thiếu các cơ chế tiếp cận về định giá đất đai dẫn tới việc nhà nước tước đoạt đất đai. Một số chống đối tại Văn Giang, Cồn Dầu, Vũ Ban và Dương Nội đã bị công an đàn áp tàn nhẫn.
Internet (hồi đáp Việt Nam cho câu hỏi số 28 đoạn 83 của Ủy ban CESCR), là lĩnh vực bị kiểm soát gắt gao và hạn chế theo Nghị định 72. Một số lớn các nhà bloggers bị án tù nặng nề do tố giác sự lạm quyền trên lĩnh vực chính trị và kinh tế, và các cuộc bắt bớ vẫn tiếp diễn. Blogger nổi danh Nguyễn Hữu Vinh(Anh Ba Sàm) bị bắt vào tháng 5 năm 2013 vì tội “lợi dụng quyền dân chủ”(Điều 258) đang đối diện với án tù 7 năm. Blogs và Trang nhà nào tố cáo vi phạm quyền kinh tế và xã hội hay các sự lạm quyền đều bị hacker đột nhập, bị đóng cửa, hay phải dời ra ngoại quốc.
Thưa ông Chủ tịch và quý vị Chuyên gia LHQ kính mến,
Bác bỏ những phê phán vi phạm nhân quyền sẽ không thể nào thúc đẩy sự tiến bộ nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tôi thúc giục Ủy ban CESCR áp lực Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền bị bắt giam vì hành xử các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa ; bãi bỏ tất cả các điều luật nhằm giới hạn việc thi hành các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa ; và bãi bỏ cơ chế “hộ khẩu” đã không ngừng làm nẩy sinh các phân biệt đối xử trên căn bản tôn giáo, chính kiến, xuất xứ dân tộc thiểu số, địa vị và dòng dõi.
Xin cám ơn ông Chủ tịch và quý vị Chuyên gia LHQ.