1) Thượng đỉnh APEC : Võ đài của xung khắc thương mại và địa chính trị
Thượng đỉnh APEC 2014 tại Bắc Kinh trong hai ngày từ 10 đến 11/11 sẽ là đấu trường hay là nơi dung hòa những xung khắc của ba dự án kinh tế mang tầm vóc chiến lược của Mỹ, của ASEAN và của Trung Quốc ?
* Phiá Mỹ là tiến trình xây dựng một đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), vũ khí của chiến lược tái định vị của Mỹ trong vùng Châu Á -Thái Bình Dương, tiếp tục tiến triển. Dự án TPP được 12 thành viên của APEC tham dự nhưng không có Trung Quốc. TPP hiện còn gặp một trở lực lớn do Tokyo bảo vệ thị trường gạo, bảo vệ nông dân.
*Về phần Đông Nam Á, 10 quốc gia thành viên của ASEAN muốn thành lập một Đối tác kinh tế toàn cầu và cấp vùng bao gồm thêm 6 nước trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
* Về phần Trung Quốc, do nghi ngờ TPP là vũ khí kinh tế của chính sách chuyển trục của Hoa Kỳ, Bắc Kinh muốn nắm thế chủ động qua dự án Vùng trao đổi mậu dịch tự do Châu Á -Thái Bình Dương (FTAAP) bao trùm hai sáng kiến của Mỹ và của ASEAN.
Trung Quốc đã khởi xướng việc tạo lập khu vực thương mại tự do trong APEC với sự tham gia của tất cả các nền kinh tế trong khu vực. Vào ngày đầu tiên tại cuộc họp "không đeo cavát", ông Tập Cận Bình thừa nhận rằng, cần phải tập trung nỗ lực tối đa để hiện thực hóa sáng kiến này. Nhưng, sau đó, mỗi nền kinh tế và toàn bộ ngành thương mại trong khu vực sẽ có lợi nhuận từ việc này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20141107-thuong-dinh-apec-vo-dai-cua-xung-khac-thuong-mai-va-dia-chinh-tri/
2) Á Châu trước hai viễn kiến Đông Tây
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/conflicting-visions-for-asians-nxn-11122014140243.html
Trong thượng đỉnh APEC của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương năm nay các nước Á Châu thấy hai cường quốc ở hai bờ Thái Bình Dương đề nghị hai viễn kiến có vẻ tương đồng mà lại đối nghịch. thấy hai cường quốc ở hai bờ Thái Bình Dương đề nghị hai viễn kiến có vẻ tương đồng mà lại đối nghịch. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về những lợi hại của hai đề nghị này cho các nước Á Châu. Xin quý vị theo dõi cách Vũ Hoàng đặt câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Kinh tế hay an ninh, chính trị?
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, đằng sau ngôn từ ngoại giao của lãnh đạo 21 quốc gia trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương khi họ gặp nhau tại Hội nghị cấp cao là Thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh, mọi người đều thấy các nước Á Châu đang được hai cường quốc ở hai bờ Đông Tây của Thái Bình Dương là Hoa Kỳ và Trung Quốc mời chào vào hai dự án hội nhập kinh tế. Kỳ này, xin đề nghị ông phân tích cho hai đề nghị có vẻ là kinh tế đó mà thực chất vẫn liên hệ đến cả lĩnh vực an ninh và chính trị của các nước trong khu vực.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng về bối cảnh sâu xa thì ta cần nhớ lại vài sự kiện trước khi đi vào hai viễn kiến Mỹ-Tầu được Hoa Kỳ và Trung Quốc chiêu dụ các nước châu Á.
Trước hết, các nước đều có thể đồng ý với nhau rằng tự do thương mại theo quy luật thị trường là có lợi cho đôi bên trong việc giao dịch mua bán và đầu tư với nhau. Tuy nhiên, đi vào áp dụng thì từng nước phải đồng ý về quy tắc tự do đồng đều qua tiến trình đàm phán. Lý tưởng tự do mậu dịch toàn cầu dẫn tới sự hình thành của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mà về sau cả Trung Quốc và Việt Nam đều gia nhập. Nhưng thực tế của thương thảo về quyền lợi và tương nhượng chung khiến vòng đàm phán gọi là Doha của WTO, được đề xướng từ Tháng 10 năm 2001, vẫn bế tắc sau 13 năm. Vì thế, các nước mới tìm qua ngả thương thuyết tay đôi hay giữa từng nhóm quốc gia trong từng khu vực với nhau rồi mở dần cho các nước khác tham dự.
V ũ Hoàng: Thưa ông có phải đấy là bối cảnh của sự ra đời của sáng kiến TPP không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa từ 10 năm trước, vào năm 2005, một nhóm nhỏ các nước có vị trí địa dư nằm trong vành cung Á Châu Thái Bình Dương đồng ý quy tắc tự do buôn bán theo chủ trương giảm thuế suất nhập nội và hạn ngạch xuất nhập khẩu đến tối đa để có một khu vực tự do mậu dịch. Sau đó, từ năm 2008, Hoa Kỳ là quốc gia có thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới mới tham dự và mở rộng sáng kiến này. Về nội dung thì có tính chất hội nhập cao hơn để các thành viên trở thành đối tác về kinh tế lẫn chiến lược. Về phạm vi thì mời nhiều nước khác cùng tham gia, quan trọng nhất chính là Nhật Bản, mà quan trọng hơn nữa là không mời Trung Quốc. Tinh thần hợp tác ở đây là ngần ấy thành viên lớn nhỏ phải cùng đồng ý với một quyết định thì mới có giá trị.
Sau mấy chục vòng đàm phán, Hiệp định TPP chưa thành hình như Chính quyền Barack Obama đã yêu cầu từ hai năm trước. Một phần cũng do phản ứng bảo hộ mậu dịch ngay trong nội bộ nước Mỹ, xuất phát từ cánh tả của đảng Dân Chủ. Phần kia là phản ứng bảo vệ của Nhật, khi họ cân nhắc sự lợi hại của việc mua bán xe hơi với nhập khẩu nông sản và lương thực chẳng hạn. Thực tế thì các nước, và nhất là nhiều thành phần tại Mỹ, cứ chú ý đến chuyện áo cơm mắm muối mà quên hẳn khía cạnh chiến lược kia là sự bành trướng của Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Trong khi đó, Trung Quốc chẳng ngồi yên mà cũng đã có nỗ lực mở rộng hợp tác với các nước nên ngày nay lãnh đạo Bắc Kinh mới đề nghị một lộ trình hội nhập để thành lập một khu vực tự do mậu dịch trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Thưa ông, diễn tiến việc đó là như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin được nhắc lại rằng khi ba bốn nước sơ khởi, là Chile, Singapore và New Zealand rồi Brunei, đàm phán việc hợp tác và dẫn tới sự hình thành của sáng kiến TPP thì từ năm 2004, Nhật cũng có đề nghị tương tự là lập ra một khu vực tự do mậu dịch cấp vùng.
Hình minh họa chụp tại Bắc Kinh ngày 08/11/2014.
Nhưng chính Trung Quốc mới thúc đẩy sáng kiến đó với 10 nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á là ASEAN để tiến tới sự hình thành của diễn đàn ASEAN + 3 là thêm Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn. Tiếp theo thì họ mở ra diễn đàn ASEAN + 6 là mời thêm Ấn Độ, Úc và New Zealand. Sáng kiến ASEAN + 6 là nền tảng của đề nghị gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực, gọi tắt là RCEP, được đưa ra lần đầu vào năm 2012 tại Thượng đỉnh của các nước ASEAN ở Cambodia, với triển vọng thành hình vào năm 2015.
Sáng kiến RCEP do Trung Quốc đưa ra mới là nguyên ủy của dự án đàm phán về Hiệp định FTAAP gọi là Thương mại Tự do Á Châu Thái Bình Dương mà Chủ tịch Tập Cận Bình vừa nhắc lại và vẽ ra lộ trình sẽ cùng các nước hoàn tất vào năm 2025, là 10 năm sau tiêu chí của Hiệp định Đối tác Toàn diện RCEP...
Vũ Hoàng: Khi ông nhắc đến hội nghị cấp cao của ASEAN tại Phnom Penh vào năm 2012 đó thì thính giả của chúng ta cũng nhớ đến việc quốc gia đăng cai tổ chức hội nghị này vào năm đó là xứ Cam Bốt đã bác bỏ việc các nước Đông Nam Á đề cập tới hồ sơ an ninh tại Biển Đông để khỏi gây mâu thuẫn với Trung Quốc. Có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ông nhớ sự kiện đó là chí lý vì mọi đồng tiền đều có hai mặt. Mọi dự án hợp tác hay hội nhập kinh tế đều bao gồm cả khía cạnh an ninh vì các thành viên buôn bán với nhau đều có xu hướng là đối tác kinh tế sẽ dễ là đồng minh về an ninh và chiến lược. Nếu Hoa Kỳ mở ra sáng kiến TPP mà không có Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng có sáng kiến FTAAP giữa 16 quốc gia sản xuất ra 40% sản lượnh của thế giới mà không có Hoa Kỳ.
Mục tiêu của Mỹ và TQ?
Vũ Hoàng: Nhìn cách khác và chúng ta trở lại chủ điểm của chương trình, phải chăng các nước Á Châu được Hoa Kỳ và Trung Quốc mời vào hai kế hoạch hợp tác kinh tế khác biệt và thậm chí đối nghịch nữa? Hai cường quốc này nhắm vào những mục tiêu gì và các nước Á Châu nên cân nhắc ra sao trước sự mời chào của Hoa Kỳ và Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khi nhắc lại diễn tiến từ chục năm trước thì ta thấy ra hai viễn kiến gần như hai cực đối nghịch của Mỹ và Tầu ở hai đầu Thái Bình Dương. Các nước Á Châu phải cân nhắc nhiều mặt lợi hại về kinh tế lẫn an ninh trong viễn ảnh năm mười năm tới chứ không thể chỉ nghĩ đến chuyện mua bán với ai thì có lợi! Nói về mục tiêu của từng cường quốc Mỹ Hoa khi chiêu dụ các nước Á Châu, tôi nghĩ rằng ta nên thấy ra vài khác biệt sau đây .
Hoa Kỳ tôn trọng quy tắc tự do kinh tế và coi trọng quy luật thị trường, với hệ thống luật lệ rõ ràng và là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới dù kinh tế không lệ thuộc vào ngoại thương như Trung Quốc. Đấy là một ưu thế khách quan. Trung Quốc có dân số cao nhất và lần đầu tiên trong lịch sử xứ này, lệ thuộc rất nhiều vào việc trao đổi buôn bán với thiên hạ để phát triển xứ sở. Nhờ vậy, các nước có thể tìm ra mối lợi khi làm ăn với thị trường Hoa Lục mà không thể quên chủ ý "phân công lao động" của Bắc Kinh, đó là bảo đảm nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu cho một xứ đói ăn, khát dầu và đang cần tiếp nhận hoặc thậm chí ăn cắp công nghệ cao của thế giới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc họp báo chung tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 12 tháng 11 năm 2014.
Vũ Hoàng: Ông có thể nào nêu vài thí dụ về chú ý này của Bắc Kinh không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lãnh đạo Bắc Kinh ve vãn một quốc gia có nhiều tài nguyên khoáng sản như Úc, thậm chí đã từng gây sức ép với doanh nghiệp Úc như vụ Rio Tinto năm kia, để bảo đảm nguồn cung cấp lâu dài với giá rẻ. Trong khi đó họ cũng ráo riết tìm cách ký kết hiệp định tự do mậu dịch với Nam Hàn, là xứ không có tài nguyên mà đầy chất xám và sản phẩm công nghệ cao.
Mục tiêu kinh tế là để tranh thủ hai quốc gia có các sản phẩm và dịch vụ mà Bắc Kinh rất cần. Nhưng mục tiêu an ninh thì cũng để trấn an nước Úc khỏi lo sợ và hợp tác quân sự với Hoa Kỳ hoặc tham gia bảo vệ an toàn trên vùng biển Đông Nam Á là cửa ngõ thông thương của nước Úc. Với Nam Hàn thì mục tiêu an ninh cũng là kéo Nam Hàn về phía mình hầu giảm thiểu ảnh hưởng của một cường quốc kinh tế và quân sự mà họ e ngại nhất tại Đông Á là Nhật Bản.
Vũ Hoàng: Vì thời lượng có hạn, chúng ta phải đi vào đoạn kết. Ông nghĩ sao về sự chọn lựa của các nước Á Châu trước hai viễn kiến hay dụng ý đó của Hoa Kỳ và Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đầu tiên, tôi xin nhắc lại rằng các nước Châu Á cần cái nhìn dài hạn và toàn diện về quyền lợi và sự an toàn trước sức hút của hai cực ở hai bờ Thái Bình Dương. Thứ hai, Trung Quốc có rất nhiều nhược điểm nội tại về kinh tế và xã hội cho nên nay mai có thể bị khủng hoảng và đấy là vấn đề cho Đông Á. Thứ ba, Trung Quốc ít tôn trọng cam kết và luật lệ mà cũng chẳng che giấu mục tiêu chiến lược về quân sự trên vùng biển từ Thái Bình Dương qua tới Ấn Độ dương. Trong khi đó, Hoa Kỳ là siêu cường ở xa, chẳng có tham vọng thôn tính mấy xứ Đông Nam hay Đông Bắc Á, nhưng có khả năng bảo vệ quân sự trên vùng biển và trong vài chục năm tới vẫn là lực đối trọng trước đà bành trướng của Trung Quốc tại Đông Á. Sau cùng, Hoa Kỳ là một xứ dân chủ, lãnh đạo phải quan tâm đến dư luận và có thể bị thay thế qua bầu cử công khai minh bạch nên khó thi hành loại âm mưu mờ ám và cứ phải công khai hóa tiến trình quyết định của mình, thí dụ như qua từng đợt đàm phán về Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, khi nhắc đến chuyện bầu cử tại Mỹ vừa qua, các nước Á Châu nên kết luận ra sao và so sánh thế nào với Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đảng Cộng Hoà thắng lớn tại Quốc hội sẽ giải tỏa cản trở của xu hướng bảo hộ mậu dịch trong đảng Dân Chủ nên tạo cơ hội cho ông Obama khai thông nhiều chướng ngại mậu dịch, nhất là với Nhật Bản trong dự án TPP. Vì vậy, Hiệp định TPP sớm có hy vọng thành hình trước Hiệp định FTAAP của Tầu. Thứ hai, đảng Cộng Hòa có xu hướng nghi ngờ Trung Quốc về an ninh nên sẽ gây sức ép với Chính quyền Obama để có những quyết định chuyển trục thật về Đông Á thay vì cứ nói vu vơ mà chẳng làm gì kể từ ba năm qua.
Sau cùng, nếu so sánh thì lãnh đạo mới của Trung Quốc cứ nói tới giấc mộng Trung Hoa mà thực tế vẫn củng cố quyền lực và bành trướng ảnh hưởng ra ngoài. Kế hoạch mà ông Tập Cận Bình gọi là xây dựng lại "Con Đường Tơ Lụa" mở rộng trên đại lục và đại dương, từ Indonesia qua Ấn Độ vào Trung Á, có hàm ý quân sự để xác định lại sức mạnh của Trung Quốc tại Đông Á. Vì thế viễn kiến của Bắc Kinh có thể là ác mộng Châu Á.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/conflicting-visions-for-asians-nxn-11122014140243.html
3) Con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ 21 : Một hình thức thực dân mới của Trung Quốc
RFA/ Đức TâmHội chợ Xuất nhập khẩu tại Thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Thành phố này là khỏi điểm con đường tơ lụa trên biển cách nay 2000 năm. Ảnh minh họa chụp ngày 04/05/2014.REUTERS/Alex Lee
Trong ba ngày, từ 31/10 đến 02/11/20014, Trung Quốc đã tổ chức « Hội chợ Triển lãm quốc tế Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 Quảng Đông », tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông. 42 nước đã tham dự hội chợ, trong số này có 25 quốc gia liên quan trực tiếp đến dự án con đường tơ lụa trên biển.
Nếu như chiến lược này của Bắc Kinh là nhằm tạo dựng một thị trường rộng lớn, ngăn chặn ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Châu Á, giới phân tích còn tố cáo ý đồ thực dân mới của Trung Quốc trong dự án này.
Ý tưởng lập con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21, được lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra, trong chuyến công du Indonesia, hồi tháng 10/2013. Chiến lược này hướng về phía Đông Nam Á, qua Ấn Độ và sang tới tận bờ biển phía đông Châu Phi, qua đó, tạo dựng một thị trường mênh mông với gần 3 tỷ người tiêu dùng, mà trong đó Trung Quốc sẽ là đầu tầu.
Con đường tơ lụa trên đất liền đã tồn tại từ trước Công nguyên, nối liền thành phố Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc với Antioche, Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Syria. Theo giới nghiên cứu lịch sử, con đường tơ lụa trên biển đã có từ cách nay 2000 năm, xuất phát từ thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, sang tới các nước Đông Nam Á và kéo dài tới tận bờ đông Châu Phi.
Như vậy, ý tưởng của ông Tập Cận Bình không phải là mới mẻ. Nhưng trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, dự án có tầm quan trọng đặc biệt. Về kinh tế, Bắc Kinh đề ra mục tiêu tăng gấp đôi trao đổi mậu dịch với khu vực này vào năm 2020. Khu vực Đông Á Nam có 640 triệu dân mà theo một cố vấn chính phủ Trung Quốc, được báo La Croix của Pháp trích dẫn, thì trong số này có tới khoảng 50 triệu người « có tổ tiên là từ Quảng Đông tới ».Là một trong những tỉnh giàu có nhất Trung Quốc, Quảng Đông là nơi khởi phát các cải cách do Đặng Tiểu Bình chủ trương, từ năm 1978, được coi là « công xưởng của thế giới ». Trao đổi thương mại với các nước Đông Nam Á chiếm tới 10% PIB của Quảng Đông.
Đằng sau mục tiêu kinh tế, Bắc Kinh muốn thành lập các liên minh với những nước vốn có quan hệ lịch sử lâu đời với Trung Quốc, vào lúc các tranh chấp lãnh thổ đang gây căng thẳng tại Châu Á. Bắc Kinh hy vọng, quan hệ kinh tế chặt chẽ với các đồng minh mới sẽ giúp ngăn chặn ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong bối cảnh Washington thực hiện chính sách xoay trục sang Châu Á để tái cân bằng lực lượng trong vùng.
Một nhà báo Malaysia, làm việc tại Bắc Kinh, nhận định, Malaysia có tới 40% dân số là người Hoa, có tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc, nhưng tránh đề cập tới chủ đề này, bởi vì Malaysia cần xuất khẩu sang Trung Quốc và mua hàng hóa của nước này. Singapore, với 65% dân cư là người Hoa, vẫn khéo léo đi dây trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các nước khác như Thái Lan, Cam Bột, Lào và ngay cả Việt Nam, hiện đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc, cũng ký các hiệp định quan hệ đối tác với Bắc Kinh.
Sri Lanka vừa mới ký với Trung Quốc nhiều hợp đồng lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Một chuyên gia của nước này nói với báo La Croix là sự phát triển quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước trong vùng Châu Á tạo cảm giác đó là một hình thức mới của tiến trình thực dân hóa.
Bắc Kinh thường xuyên trấn an rằng sự phồn thịnh kinh tế chung cho phép bảo đảm hòa bình, đặc biệt là ở vùng biển phía nam Trung Quốc. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy, các lợi ích kinh tế, cho dù to lớn đến đâu, cũng không ngăn cản chiến tranh xẩy ra.
http://vi.rfi.fr/141103-tq-to-lua//